Người trẻ vừa "học" vừa "chơi" trên Podcast

05:03, 15/03/2022

Trong vòng 2 năm trở lại đây, Podcast ồ ạt ra đời và ngày càng thịnh hành trong cộng đồng giới trẻ. Cùng với những Podcast chia sẻ kiến thức, thính giả được thỏa sức giải trí, chia sẻ, lắng nghe và được chữa lành…

(VLO) Trong vòng 2 năm trở lại đây, Podcast ồ ạt ra đời và ngày càng thịnh hành trong cộng đồng giới trẻ. Cùng với những Podcast chia sẻ kiến thức, thính giả được thỏa sức giải trí, chia sẻ, lắng nghe và được chữa lành…

Podcast có thể dễ dàng nghe và tải trên điện thoại.
Podcast có thể dễ dàng nghe và tải trên điện thoại.

Xu hướng chuyển đổi từ đọc sang nhìn và nghe

Trong gần một năm Minh Huy (sinh viên Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP Hồ Chí Minh) ở lại quê Vĩnh Long học online vì dịch COVID-19 bùng phát, Huy có thói quen dành từ 15 phút đến 1 tiếng trong ngày để nghe Podcast.

Nếu không có lịch học, Huy vừa ăn sáng, vừa nghe những câu chuyện thú vị trên Podcast mở đầu một ngày mới. “Những bạn trẻ ngày nay sử dụng máy tính và điện thoại thông minh hầu như không rời, thường xuyên cảm thấy mỏi mắt nên tìm đến Podcast để nghe.

Đôi khi nghe chương trình tiếng Anh, vừa học thêm được từ mới, lúc khác thì nghe thầy Minh Niệm kể chuyện cuộc sống, được đồng cảm vì tìm thấy một phần của bản thân trong đấy. Podcast thú vị vì giống như mình được lắng nghe và chia sẻ cùng “một người bạn online” nào đó”- Minh Huy chia sẻ.

Podcast xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào đầu những năm 2000. Thuật ngữ Podcast được phổ biến hơn vào năm 2004 khi nhà báo Ben Hammersley ghép nối hai chữ “broadcasting” (phát thanh) và “iPod” (máy nghe nhạc cầm tay) với nhau.

Hiểu đơn giản, Podcast là một tệp âm thanh kỹ thuật số phát trên mạng Internet, người dùng có thể dễ dàng nghe trên mọi thiết bị.

Vài năm trở lại đây, Podcast thật sự “bùng nổ” và nhận được sự quan tâm của thính giả toàn cầu. Đặc biệt trong thời điểm xuất hiện đại dịch COVID-19, quỹ thời gian ở nhà của mọi người nhiều hơn khiến cho nhu cầu phát hành, sử dụng Podcast tăng nhanh chóng.

Một người có thể tải Podcast chuyên biệt về chủ đề họ thích xuống máy điện thoại và lắng nghe bất cứ lúc nào, ở bất kỳ phân đoạn nào mình muốn.

Podcast còn tận dụng ưu thế này để trở thành bạn đồng hành của người nghe trong lúc thực hiện các hoạt động song song như di chuyển, dọn dẹp, tập thể dục, làm việc...

Nội dung xuất hiện trên Podcast rất đa dạng, từ tin tức, âm nhạc, phim ảnh, sách, công nghệ, thể thao cho đến cả những tâm sự, quan điểm cá nhân về một nội dung bất kỳ. Không chỉ giải trí thuần túy, Podcast ghi điểm với nhiều cuộc đối thoại chuyên sâu, các chủ đề có góc nhìn từ giới chuyên môn, trí thức từ khắp nơi trên thế giới.

Sân chơi cho những nhà sáng tạo trẻ

Ở Việt Nam, tuy chỉ mới phổ biến nhưng Podcast ngày một gần gũi và đón nhận số lượng sản phẩm tăng lên đáng kể. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh, một số tờ báo lớn cũng sản xuất Podcast để có thể tiếp cận đến một lượng người nghe lớn yêu thích loại hình chương trình này.

Ví dụ như Vnexpress có đến 4 chương trình Podcast, trang thông tin Vietcetera sản xuất gần 10 Podcast khác nhau…

Đối với những bạn trẻ, Podcast chính là một “mảnh đất màu mỡ” cho những sáng tạo của riêng mình. Dù chất liệu của nội dung thường đến từ những câu chuyện thường ngày, nhưng lại đủ để giới trẻ thể hiện những góc nhìn riêng thú vị về cuộc sống xung quanh.

Đó là cách giúp các bạn rèn luyện tư duy và thể hiện cá tính của riêng mình. The Present Writer, Amateur Psychology- Tay mơ học đời bằng Tâm lý học, Giang Ơi Radio… là những cái tên đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ hiện nay.

Tác giả kênh Amateur Psychology- Nguyễn Đoàn Minh Thư cho biết vì bản thân là một du học sinh ngành tâm lý tại Anh nên mục đích làm Podcast của cô là sử dụng kiến thức chuyên môn để nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần cho người nghe.

Nội dung Podcast xoay quanh các vấn đề về khoa học xã hội, dựa trên nền tảng lý thuyết đã được minh chứng bằng thí nghiệm khoa học để giải mã những hiện tượng tâm lý diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

Từ những chia sẻ theo cách gần gũi, mọi người cách để loại trừ những hiện tượng tâm lý tiêu cực hoặc biến chúng trở nên hữu ích. Minh Thư nói: “Tôi lựa chọn các chủ đề đậm tính cá thể, như những chật vật trong suy nghĩ và cảm xúc, vì đây là hai khía cạnh mà tâm lý học chú trọng nghiên cứu.

Mục đích của Podcast tôi sản xuất đều chỉ mang tính chia sẻ. Tôi là một người trẻ, cũng có những chật vật riêng nên điều mình nói đến đều là thật lòng và dễ liên cảm với các bạn đồng lứa”.

Tại Việt Nam, Podcast là công cụ hữu ích hỗ trợ việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Trong cuộc sống hiện đại và tiện ích về mọi mặt, kéo theo đó là nhiều hệ lụy tác động đến sức khỏe về thể chất và cả tâm lý.

Kênh “Tâm lý học tuổi trẻ” truyền cảm hứng tích cực cho người trẻ nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm lý.

Bên cạnh đó, “Bí mật Sử Việt” hay “Viet Facts Podcast” dành cho những bạn trẻ yêu thích lịch sử và các kiến thức khoa học, đời sống.

Còn nếu đang ấp ủ giấc mơ du học, những chia sẻ “từ A đến Z” của Podcast “Ta đi Tây, Du và Học Podcast” sẽ truyền cho bạn nhiều cảm hứng và kho kinh nghiệm từ những tiền bối đi trước...

Podcast ồ ạt ra đời với nội dung đa dạng, dễ chia sẻ hơn so với phát thanh truyền thống. Tuy nhiên có những Podcast với nội dung chủ quan, đôi khi là tiêu cực hay sai sự thật nhưng chưa được kiểm duyệt, quản lý.

Chính vì thế, người nghe cần chủ động chọn lọc thông tin, chọn những kênh uy tín để có thể tiếp cận được những nội dung có giá trị.

Podcast mang đến một “món ăn tinh thần”, phương tiện đầy sáng tạo cho người trẻ vừa học, vừa chơi. Đây cũng là một thách thức mới, một sự lấn sân đối với các đài phát thanh, báo chí, truyền thông trong thời đại kỹ thuật số bùng nổ.

 Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh