Kỳ 3: Tình đoàn kết các dân tộc

05:03, 20/03/2022

Trong ca dao Nam Bộ ta thấy ngoài đậm chữ tình và còn có "chất keo" gắn kết người với người. Giữa thiên nhiên rộng lớn, cuộc sống luôn bị đe dọa bởi thú dữ và côn trùng độc hại; để tồn tại, người mở đất phải đoàn kết, nương tựa vào cộng đồng, không phân biệt màu da tiếng nói.

 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

(VLO) Trong ca dao Nam Bộ ta thấy ngoài đậm chữ tình và còn có “chất keo” gắn kết người với người. Giữa thiên nhiên rộng lớn, cuộc sống luôn bị đe dọa bởi thú dữ và côn trùng độc hại; để tồn tại, người mở đất phải đoàn kết, nương tựa vào cộng đồng, không phân biệt màu da tiếng nói.

- Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

- Nước Cửu Long sóng dờn cuồn cuộn,

Cửa Hàm Luông, mây cuốn cánh buồm trôi.

Bậu với qua hai mặt một lời,

Trên có trời, dưới có đất,

Ngãi trăm năm vương vất tơ mành.

Tử sanh, sanh tử chung tình,

Dù ai ngăn đón, tôi với mình cứ thương.

Sâu thẳm lời thơ ta thấy tiếp nối truyền thống “Trăm trứng trăm con” hay sự tích “Trầu cau” nhưng giờ bổ sung “khác giống nhưng chung một giàn”; và nay trước cửa sông lớn “nước dồn cuồn cuộn”, có trời, có đất chứng giám ta kết một lời thề “tử sanh, sanh tử chung tình”. Tình ở đây ngoài tình nam nữ, gia đình, tộc họ, có thể suy rộng là tình người cùng chung một nước “trăm năm vương vất tơ mành”.

- Bạc Liêu nước chảy lờ đờ

Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu. 

Người Triều Châu nói riêng, người Hoa nói chung, có mặt ở Nam Bộ gần như cùng lúc với người Việt. Họ vừa là những trung thần của nhà Minh, tạm lánh nạn chờ thời chống lại nhà Thanh (phản Thanh, phục Minh), vừa là người đi khai hoang. Tinh thần phóng khoáng và lòng mến khách của người Việt giúp họ gắn bó với mảnh đất này.

Dương Ngạn Dịch, Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên… là những người Hoa được nhắc nhở đến như những nhân vật lịch sử. Người Việt nhìn nhận thực tại này bằng thái độ hòa hợp, đoàn kết. Người Hoa đã góp một phần công sức cùng với người Việt mở mang bờ cõi.

Cá chốt Bạc Liêu đã nổi tiếng là nhiều không đâu bằng, nên rất dễ gợi cho người phương xa mỗi khi trở về Bạc Liêu, đều không quên được cá chốt Bạc Liêu tức là sẽ nhớ mãi cái đặc điểm khác lạ của địa phương này. 

Như đã đề cặp ở kỳ trước, trước đây 3 thế kỷ Nam Bộ là vùng đất hoang vu với “rừng thiêng nước độc”, rắn, cá sấu, cọp… Sau mấy trăm năm khai mở, nay vùng đất này đã trở thành vùng trù phú nhất nước với TP Hồ Chí Minh là trung tâm:

- Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.

- Biên Hòa bưởi chẳng đắng the

Ăn vào ngọt lịm như chè đậu xanh. 

Những người trồng trọt đời sau phải khắc nhớ đến những bậc tiền nhân “mở cõi”, đi khai hoang. Nhìn toàn cục đó là kết tinh của mồ hôi và xương máu của nhiều thế hệ kế tiếp nhau lao động khai khẩn để cảnh hoang sơ lùi dần vào quá khứ. Bắt đầu là cuộc khai khẩn miền Đông Nam Bộ với lời khích lệ những bậc mày râu:

- Làm trai cho đáng thân trai

Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng. 

Rồi dòng người đi lập nghiệp xuống dần đến miệt miền Tây Nam Bộ:

- Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời.

- Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh.

- Muốn ăn bông súng cá kho

Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm. 

Vậy mà, khi mới đến vùng đất mới, những người lưu dân gan góc đó vẫn không tránh khỏi cảm giác e dè:

- Tới đây xứ sở lạ lùng

Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.

- Nước sông sao lại chảy hoài

Thương người xa xứ từ ngoài tới đây.

Tới đây thì ở lại đây

Chung lo mở cõi bắt tay vào mùa!

- Bưng Bàu, Bưng Sẩm, Bưng Tường

Thương người nghèo khó tìm đường đến đây. 

Vẫn biết rằng những lưu dân đã quyết chí lập nghiệp ở xứ xa xôi này, nhưng vốn là con người giàu tình cảm thì làm sao họ không buồn cho được:

- U Minh, Rạch Giá thị quá Sơn Trường

Gió đưa bông sậy dạ buồn nhớ ai.

- Anh về ngoài Huế lâu vô

Họa bức tranh đồ để lại cho em.

- Trời xanh kinh đỏ đất xanh

Đỉa bu, muỗi cắn làm anh nhớ nàng. 

Tâm trạng buồn- nhớ là tâm trạng rất thực: buồn trước cảnh hiu quạnh, buồn vì xa xứ; nhớ thì nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân yêu. Cái nhớ của người buộc phải lìa cố quán ra đi chấp nhận cực khổ, chết chóc vì “rừng thiêng nước độc”, thú dữ chứ không cam tâm chết vì bọn quan lại, địa chủ quê nhà. Trụ lại ở vùng đất mới, lưu dân bắt đầu cuộc sống mới:

- Trai tứ chiếng, gái giang hồ

Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên. 

Những con người của “tứ chiếng giang hồ” nghĩa là của mọi miền quê tụ về đây. Câu ca dao trên là một lời nhận định, một kết luận khái quát, xác lập với lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ:

- Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú

Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu

Quản chi mưa nắng sớm chiều

Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em.

Lịch sử đã chứng minh những con người tiên phong đi khai phá đất mới ở phương Nam đã bám đất bằng tất cả sức mạnh của đôi bàn tay, của ý chí vươn tới, của năng lực tổ chức, của tình đoàn kết chung lưng đấu cật:

- Ai về vườn nhãn Bạc Liêu

Cho tôi nhắn gởi đôi điều vấn vương

Rằng vùng ven biển thân thương

Nhớ người đi mở đất góp công xây đời.

- Anh về ở đất Sài Côn.

Nhiều năm vẫn nhớ rượu ngon Lộc Hòa.

- Chim quyên hút mật bông quỳ

Nam kỳ Lục tỉnh thiếu gì gái khôn.

- Vĩnh Long gái đẹp thật thà

Nói năng nhỏ nhẹ, mặn mà có duyên.

- Quê em Bưng Sẫm đẹp giàu

Chim đầy đồng, cá lội đầy bưng

Củ co bông súng, rau rừng

Quê hương mến khách tao phùng là đây.

- Nhắn ai trong cõi hồng trần

Làm người phải lấy chữ nhân làm đầu.

Người xưa đã nói giữ lời

Làm người trung thực ở đời bên nhau.

- Mạnh Lệ Quân anh thư tuấn kiệt

Gái nước Việt chẳng kém tài trai

Gương bà Châu Thị hiền tài (*)

Giúp chồng nên việc tiếng đời ngàn năm.

Đối với bạn đồng hành khai khẩn đất mới người Hoa là vậy, còn đối với người Khmer bản địa- một dân tộc cư ngụ lâu nhất có nền văn hóa riêng với nhiều chùa Phật phái Nam Tông cổ kính định cư trên các giồng, gò cao ít bị lũ lụt thì:

- Anh về xứ Chắc Cà Đao(**)

Bỏ em ở lại như dao cắt lòng.

- Xa em nhớ vị sim lo

Xa em nhớ khứa cá kho quê nghèo.

Sim lo (hay sum lo) là món canh của người Khmer nấu bằng trái bầu, hay lá bình bát dây, đặc biệt nó luôn được nêm bằng mắm bò hóc (prahok).

Còn nữa:

- Vai mang cái nóp tay xách cái lọp cái lờ

Về miền đồng chua nước mặn đặng nhờ miếng ăn.

Cái lọp theo tiếng Khmer là dụng cụ đan bằng tre, dùng để bắt cá tôm. Một đầu của lọp có hom bện bằng tre vót cỡ chiếc đũa ăn, hình phễu, cá, tôm, rùa, rắn, cua, ếch vào được nhưng không thể ra. Nông dân miệt này ai cũng biết, cũng dùng lọp để bắt thủy sản. Cái nóp đã gắn liền với quân dân Nam Bộ thành đồng. Nóp với giáo theo người Việt Minh chống Pháp, “Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng”, (bài ca Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn). 

 

(*) Châu Thị: Bà Châu Thị Vĩnh Tế, phu nhân của Thoại Ngọc Hầu, danh tướng nhà Nguyễn. Bà có công giúp chồng trong việc đào kinh Vĩnh Tế (An Giang) nên được Triều đình Huế đặt tên cho kinh.

(**) Chắc Cà Đao: Tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

(Còn tiếp)

HOÀNG NGUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh