Nhớ năm xưa quyện đời cùng cây lác

06:02, 12/02/2022

Ai cũng có tuổi thơ với nhiều kỷ niệm bên những nét đặc trưng của quê hương mình. Tôi sinh ra ở đất cù lao Dài (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm), nơi một thời được mệnh danh là xứ sở gắn liền với những cánh đồng lác xanh thẫm tít xa.

 

Sau nhiều công đoạn, cây lác được phơi phóng và dệt chiếu.
Sau nhiều công đoạn, cây lác được phơi phóng và dệt chiếu.

(VLO) Ai cũng có tuổi thơ với nhiều kỷ niệm bên những nét đặc trưng của quê hương mình. Tôi sinh ra ở đất cù lao Dài (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm), nơi một thời được mệnh danh là xứ sở gắn liền với những cánh đồng lác xanh thẫm tít xa.

Nhớ lắm chứ, bởi cây lác ngày nay ít lắm rồi, đa số người dân đã chuyển đổi từ trồng lác sang làm vườn. Nghề trồng lác cực khổ lắm nhưng nhờ cây lác đã nuôi sống bao thế hệ trên mảnh đất sông nước ngọt lịm phù sa.

Hồi còn nhỏ, cha mẹ tôi có ba héc ta đất trồng lác. Tôi hay men theo bờ ruộng xòe cỏ, đưa tay vào những hang nước tròn ủm để bắt cua hay bắt còng, giã chúng nát ra, bỏ vào lợp, đợi con nước lớn rồi cắm lợp dọc quanh mương nước của thửa lác.

Gió mát đưa ruộng lác mượt mà dợn sóng, thể như tấm nệm êm nhung. Có hôm hứng chí, cả đám con nít lội rạch đặt lợp, gai dầm xóc không biết đau, chứ giờ thì run tấy khi chân không mang dép lúc về quê lội vườn.

Mẹ tôi nói: “Làm lúa đã cực, làm lác còn cực hơn nữa tụi con ơi. Tụi bây ráng học hành, kiếm cái nghề khác cho khỏe tấm thân”. Tôi hiểu nỗi cực khổ ấy như thế nào, bởi tôi từ nhỏ đã thấy gia đình gắn bó với nghề trồng lác. Cây lác được chăm chút từ khi mới nhú non. Phải rải phân, ngăn bờ, xả nước theo từng giai đoạn phát triển.

Kinh nghiệm truyền lại là sau khi thu hoạch lác, những cây lác héo bỏ đi, gọi là rơm lác, mọi người sẽ rải đều khắp ruộng lác nhằm tạo phân cho đất, che cỏ nhưng phải mỏng đều, chừa chỗ cho cây lác mọc lên. Lúc lác mọc tầm một mét thì nhổ cỏ, ai nấy mặc áo dài tay đội nón lá cũ sờn, chia nhau từng đường lác để nhổ cỏ. Lác tầm hai mét hơn thì cả nhà bắt tay vào “phát lác”.

Nhà tôi hay “vần công” làm lác. Nghĩa là khi họ hàng phát lác, chúng tôi sang phụ giúp và họ cũng sẽ phụ giúp lại nhà tôi. Cha giơ cái phảng bén ngót dài tầm một mét, nghe tiếng rạo rạo, đám còng mất chỗ trú ngụ bò đỏ cả đất. Cha giơ cây nèo gom lại một ôm để mọi người “giũ lác”.

ức là giữ lại những cây lác xanh, đủ chiều cao, và loại bỏ những cây rũ héo, ngắn ngủn. Xong đâu đó, dùng dây chuối buộc thành từng bó vừa ôm ngang hông, cắt đầu lác cho vừa thước tấc rồi “lựa lác”. Bởi cây lác thành phẩm là nguyên liệu để dệt chiếu nằm nên muốn dệt chiếu khổ 1m4, 1m6, 1m8... thì cứ “lựa lác” sao cho trừ hao vừa đủ chiều dài.

Xong đâu đấy thì chẻ lác, rải lác ra phơi theo hàng để tiện thu gom khi trời mưa. Người lớn luôn chú ý quan sát “ông trời”. Thu hoạch lác mùa nắng không nói, chứ mùa mưa thì khổ trần ai.

Cứ nghe tiếng hô “Mây khói đèn. Mưa” là tất cả mọi người dừng việc, chạy ào ra gom lác vào một chỗ, trùm lác kín bằng cao su. Thuở nhỏ tôi chưa hiểu hết miếng cơm manh áo trông cậy vào mấy công lác nên có mưa lại rất vui.

Bởi nhìn mọi người luống cuống chạy thở hơi ra rất mắc cười, đàn đống chuồn chuồn bay vèo vèo tạt vào quai nón, gió thổi ù ù mát rực. Tôi chạy gom lác thì ít mà làm bộ làm tịch nhảy múa trong gió thì nhiều. Nhất là khi trên chuyển mưa, dưới nước lớn dâng lên lội bõm bõm thì càng thích chí hơn.

Thời đó làm gì có điện sáng như bây giờ. Cha mẹ, các chị của tôi chong đèn dầu, tranh thủ làm đến gần nửa đêm mới vào tắm rửa. Ruộng đồng vắng, leo lét đèn chong cùng làn khói đen bùng, tôi còn nhỏ nên chỉ ngồi xem một chút rồi đòi chị đưa vào nhà bởi sợ ma!

Ngẫm lại thời đó ai cũng cực, chẻ lác bằng tay chứ đâu được máy móc như bây giờ. Cái dao chẻ lác có cán thon, lưỡi nhỏ nhọn xuyên qua cách đầu cây lác khoảng nửa gang tay. Mũi dao hướng ra đầu lác, tách lác làm đôi. Rồi một tay nắm chụm đầu lác.

Ngón tay trỏ của tay còn lại đã được bọc vải sẽ kéo rê dọc xuôi về đuôi lác, phải cân đều tay để lác chẻ làm đôi đến ngọn, tránh đứt gãy. Nâng niu lác là thế chứ tay chân ai nấy bị lác cứa sẹo này đắp lên sẹo kia.

Làm lụng nhọc nhằn nên sức ăn của ai cũng khỏe, ba bốn chén cơm mỗi bữa là chuyện thường. Dang nắng dang nôi nên ai cũng rám sạm, móng tay, móng chân đen đúa. Tôi cứ nhớ hoài cảnh vài tàu lá dừa cặm tạm, che vừa đủ hai người chẻ lác bằng máy, một người “cho ăn”, một người “rút lác”.

Giờ khó tìm cảnh ấy quá. Những người làm lác năm xưa nay đã già hoặc bươn chải làm ăn phương xa, hoặc trồng cây trái, hoa màu khác để nhẹ lo, đỡ cực, có ai nhớ về thời làm lác mà trầm trồ sức lực của chúng ta ngày nào.

Dẫu vất vả nhưng là nguồn sống một thời. Cất giấu vào tim, lâu lâu lại thổn thức lòng, trong giấc mơ có ngọn đèn dầu mẹ soi đường dẫn các con vào nhà, khi trăng đã sắp tàn, đêm tĩnh lặng phủ trùm lên đồng lác...

Bài, ảnh: THÁI LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh