"Một năm chúng ta gặp nhau trên cõi mạng"

07:02, 04/02/2022

Cuối tháng 4/2021, sau khi rời mũi Cà Mau, chúng tôi nối tour đến Giá Rai (Bạc Liêu) ở nhà người bạn. Khách xách cần câu thả xuống ao vườn, cá phi, cá nâu… tranh ăn mồi, giựt đã tay. Chủ nhà đãi "cây nhà lá vườn" hải sản nướng và đủ loại rau hái từ vườn, lạ nhất là lá lụa non mỏng tang… như lụa và xanh mơn mởn như đọt chuối non, mời khách dí dỏm "ăn lá này như đi trên nhung lụa đó đa" khiến ai cũng khoái chí "dô dô" rần rần…

 

Nhớ Tết quê nhà.
Nhớ Tết quê nhà.

Cuối tháng 4/2021, sau khi rời mũi Cà Mau, chúng tôi nối tour đến Giá Rai (Bạc Liêu) ở nhà người bạn. Khách xách cần câu thả xuống ao vườn, cá phi, cá nâu… tranh ăn mồi, giựt đã tay. Chủ nhà đãi “cây nhà lá vườn” hải sản nướng và đủ loại rau hái từ vườn, lạ nhất là lá lụa non mỏng tang… như lụa và xanh mơn mởn như đọt chuối non, mời khách dí dỏm “ăn lá này như đi trên nhung lụa đó đa” khiến ai cũng khoái chí “dô dô” rần rần…

Đó là chuyến đi vui vẻ cùng bạn bè gần nhất mà tưởng như đã rất xa, sự xuất hiện dịch COVID-19 làm đảo lộn và “đóng băng” nhiều dự định. Từ đó cuộc sống chúng ta chủ yếu ở tại nhà, gặp gỡ, làm việc qua màn hình máy tính, mọi hoạt động đời thường đều hẹn nhau… trên cõi mạng.

Thời gian thực hiện “ai ở đâu, ở yên đó”, chúng ta đã nghĩ hai tuần ở tại nhà sẽ qua mau thôi mà. Vợ chồng, con cái cùng làm việc, học hành, nấu nướng, đọc sách, trồng cây… thời gian thật ý nghĩa và quý báu vô cùng. Nhưng điều ít ai ngờ nhất là dịch bệnh còn dây dưa, kéo dài. Chúng ta tiếp tục “chỉ ra ngoài khi thật cần thiết”, những thói quen, tính nết tốt xấu thường ngày được che lấp bởi những giờ tăng ca, uống bia với bạn bè, đi chợ, thể thao ngoài trời giờ bị… phơi bày, khi các thành viên gia đình ở gần bên nhau từng phút giây. Đôi khi kêu gào “tui muốn phát điên”, nhưng chúng ta không để mình “phát điên” mà rất tinh tế cho phát lộ những sở đoản tích cực, chẳng hạn làm cho bản năng nấu nướng trong mình trỗi dậy.

Nhớ Tết quê nhà.
Nhớ Tết quê nhà.

Ông bạn ở quê lên Sài Gòn có vợ đẹp đảm đang biết nấu các món con thích, mồi nhậu chồng mê nên bếp núc dĩ nhiên là “chuyện của đàn bà”. Đàn ông quanh năm đâu biết đến mùi khói bếp. Đùng một cái, vợ con về Quảng Ngãi nghỉ hè ai dè mắc kẹt luôn ngoài đó. Dịch bệnh bùng phát, hàng quán đóng cửa, ông bạn bối rối như gà mắc tóc, lăng xăng trong gian bếp vừa mở Zalo “em ơi nấu cơm vo gạo mấy lần? Em ơi chiên trứng đổ dầu không?”. Đàn ông vô tình đến ngớ ngẩn như vậy, cả nấu nồi cơm điện còn không xong thì làm ăn được gì!

Nhưng thời gian… ở một mình, ông bạn đã trưởng thành. Làm việc tại nhà, sáng chế ly cà phê hòa tan, pha bình trà chụp hình đăng lên mạng đánh thức chiến hữu “ai cà phê hôn”. Có ngày đựng tim cả rổ, ông này thấy ông kia khoe thức uống cũng khoe lại “bánh mì ốp la tui làm”; có bữa ngồi tróc ngóc hổng thấy ma nào thả like giùm một cái. Thôi kệ, tới trưa cứ khoe “tui là trùm chiên hột vịt, mì tôm chế nước sôi nghen”, xin mở ngoặc đơn “vợ đi vắng, tui còn biết nấu món gì khác đâu hic”.

Vĩnh Long ngày giãn cách.
Vĩnh Long ngày giãn cách.

Nhu cầu chia sẻ mà cũng có thể nói là khoe mẻ thời gian ở nhà suốt cũng là một nhu cầu thiết yếu của cư dân mạng, để theo dõi, tương tác bạn bè, người thân. Còn thấy họ hí hửng post hình đồ ăn trong bếp, comment có phản hồi là chợt nhiên thấy yên lòng. Vậy nên đâu ai nỡ rầy rà những niềm vui nho nhỏ “một miếng ở bếp mời cả thế giới ăn”.

Mọi người cũng vui sướng khoe ổ bánh mì. Nó làm nổ ra cuộc tranh luận muốn “banh cái mạng” xem bánh mì có thiết yếu hay không thiết yếu. Cơm gạo, mì gói, nước mắm… hiển nhiên là thiết yếu, người ta kêu “ăn cơm trưa, chớ có ăn bánh mì trưa đâu”, nên những ngày khó khăn có bánh mì ăn đúng là xa xí phẩm rồi. Thôi sao cũng được, miễn là ngày dịch có người đem cho vài ổ bánh mì ăn đổi bữa chính là bạn tốt nhất của ta.

Tranh luận chỉ kết thúc khi các tiệm bánh mì được bán trở lại và nhà ai cũng đã mua được bánh mì. Cư dân mạng lại rần rần “đổ bộ” hình ảnh, video đồ ăn treo ở hàng rào: “Sáng ra đã thấy bịch đậu rồng, mấy trái ổi, mớ rau tập tàng treo ngoài cổng kèm tấm giấy ghi “Anh Ba gửi Út ăn cho vui”. Cảm động quá chừng, cám ơn hàng xóm tốt”. Ai đăng dòng tin ấy khiến mọi người thèm thuồng “ước gì hàng xóm của mình cũng dễ thương như vậy”. Nghe có ca bệnh gần nhà, ba má gom nào sả, lá bưởi, lá ổi…. gửi lên nấu nước xông “cho mấy con vi rút nó chạy mất dép nghen”. Tôi cũng từng nhận được những món quà, có khi trái mướp, lọn bồ ngót, con cá mè vinh nhà chú năm ở gần sông câu được. Nghe điện thoại teng teng chú nhắn ra lấy đồ ăn, đã thấy con cá nhảy đành đạch, nhìn tới lui không thấy người cho đâu để nói tiếng cám ơn!

Khi những chuyến xe đò được nối lại. Cư dân mạng ngập tràn đồ ăn “ở dưới quê gửi lên”, cả nồi thịt kho rệu, tôm rang, bánh tét… người trong Tiktok dỡ từng món ra mà rưng rưng nhớ nhà. Khi thằng em dưới quê vừa đăng status khoe ơ cá “hồi chiều kéo lưới với cha, mẹ kho khô hết sẩy”, mà chị hai ở tuốt Bình Dương nhắn thấy thương “bốn tháng rồi không được về nhà, hai thèm lắm”.

Thèm lắm những chuyến về quê, những bữa cơm bên gia đình của người đi xa. Trên cõi mạng chúng ta vẫn gặp nhau qua màn hình từ nơi rất xa cũng thấy như người thân quen đang ở bên mình. Thấy họ ở cuộc sống thường ngày, cả nhà chen chúc trong căn nhà trọ nhỏ hẹp ở Sài Gòn, đang giao hàng từ quận này qua quận kia ở Hà Nội, bà con bên Mỹ đang dự lễ hôn phối của cháu gái trong nhà thờ… Niềm vui và hạnh phúc đơn giản là gọi điện thoại và nghe được tiếng cười, giọng nói của nhau, nhìn thấy được nhau mạnh khỏe… để biết người thân của chúng ta ổn cả. Sau dịch gặp lại nhau sẽ vui biết chừng nào?

Mọi người có nhận ra là dịch bệnh đã thay đổi chúng ta rất nhiều, từ những thói quen sinh hoạt, đi chợ, siêu thị hàng ngày, đến những mối quan hệ, giao tiếp trong công việc, ngoài xã hội. Nhưng chắc chắn rằng, sau dịch gặp lại ai cũng sẽ nói nhiều hơn và lớn tiếng hơn cho coi.

Có biết bao nhiêu chuyện chúng ta đã trải qua đôi lúc thật kinh khủng và quá sức tưởng tượng, nói qua điện thoại làm sao diễn tả hết được ngóc ngách ngọn ngành. Chúng ta đang còn giữ khoảng cách đấy thôi, khó thể xích lại gần nhau để “mình ngồi bên nhau mình hát với nhau” được. Đã quen với “hả hả, nói gì tui hổng nghe, nói lớn lớn lên”, khi sóng điện thoại chập chờn (chưa kể giành nhau nói trên Zalo); đã quen với “ê nhỏ, đứng ngoài đó, mua gì nói lớn, bỏ tiền vô rổ”… Cả năm chúng ta đứng xa nói chuyện, mong làm sao lại được dịu dàng mà nói chuyện với nhau!l

Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh