Năm Cọp nhớ chút Hương rừng...

07:02, 13/02/2022

Năm nay là năm Nhâm Dần, năm con cọp. Ngày xuân trong thời buổi con COVID vẫn còn "vất vưởng đâu đây", nên mọi người vẫn nhắc nhau phải luôn thực hiện khuyến cáo 5K.

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Năm nay là năm Nhâm Dần, năm con cọp. Ngày xuân trong thời buổi con COVID vẫn còn “vất vưởng đâu đây”, nên mọi người vẫn nhắc nhau phải luôn thực hiện khuyến cáo 5K.

Vì có nhiều thời gian ở nhà, nên lật chồng sách cũ, tìm chút thư giãn… nào ngờ trang sách ố vàng, đưa đẩy tôi tới tận vùng đất cuối trời qua tác phẩm Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam (1926- 2008), mà giới văn chương và bà con trân trọng gọi ông bằng cái tên “ông già Nam Bộ” hay “nhà Nam Bộ học”.

Vào năm 2005, tôi đã có dịp diện kiến ông tại tòa soạn Báo Công an TP Hồ Chí Minh, lần đó ông ghé thăm bạn bè, nhân tiện gửi bài cộng tác.

Trong tập truyện này, tôi khoái nhất là truyện Hát bội giữa rừng, vì có đề cập đến những mẩu chuyện viết về con cọp ở miệt đồng bằng, vào cái thời mà cha ông ta đi khai hoang, mở đất. Trong số những người ly hương đi tìm đất mới, có những người dân quê ở Vĩnh Long.

Do chiến tranh loạn lạc họ đã tìm phương lánh nạn, một số người vì tham gia “làm quốc sự” chẳng thành, phải trốn về đây tránh sự truy lùng của giặc… rồi trở thành lưu dân chốn này. Một vùng đất mà mới nghe nhắc thôi đã thấy vô vàn khó khăn, cách trở, hiểm nguy.

U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường, Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp tha

Cái địa danh mà nhà văn Sơn Nam kể trong câu chuyện này nghe cũng lạ- Xóm Khoen Tà Tưng, nằm giữa rừng chỉ có hai mươi căn chòi lá. Ngày ấy bỗng có ông bầu gánh hát bội tìm đến bàn chuyện hát giúp vui. Với điều kiện cả xóm bao cơm cho đoàn hát, rồi phải cất rạp cho đoàn biểu diễn.

Nghe qua điều kiện, mấy ông kỳ lão dù mê hát bội, nhưng đành phải lắc đầu, vì toàn bộ đào kép đoàn hát đông bằng dân số xóm này.

Hơn nữa hát hò giữa vùng cọp beo, cá sấu làm sao đảm bảo an toàn tính mạng cho người hát lẫn người xem!

Nghe tiếng bàn lui, ông bầu liền thú thiệt tình cảnh của gánh hát:“Bà con thương dùm, anh em tôi cực chẳng đã mới chạy xuống miệt này! Không lẽ bà con bắt nộp cho Tây chớ anh em tôi ở miệt Vũng Liêm vô hội “Kèo xanh” rồi bị đổ bể…”

Liền sau đó, mấy ông kỳ lão cho tập hợp bà con thông báo sự tình: Ngày mai có hát bội tới, trước mua vui, sau làm nghĩa, mỗi nhà nên tùy hỷ góp vài vùa gạo để nuôi họ, còn thanh niên trai tráng phải vào rừng đốn tràm, vạt nhọn dưới gốc sẵn.

Nghe đến đây đa số đều mừng rơn và hỏi hát ban ngày hay ban đêm. Vị kỳ lão trả lời: Hát bội phải hát ban đêm, ban ngày để bà con làm chuyện đồng áng. Nhưng có người còn e sợ cọp, cá sấu.

Ông kỳ lão liền đưa ra kế hoạch: mình cất một cái nhà kiểu 3 căn 2 chái ở giữa rạch Khoen Tà Tưng, 3 căn giữa dùng làm sâu khấu, 2 chái dùng để đào kép ăn ở, nấu cơm.

Chung quanh sân khấu mình xốc cừ tràm vòng quanh, gốc cừ này khít gốc kia chừng một gang tay, ai muốn coi hát cứ bơi xuồng vô vòng rào, xong xuôi đóng cửa lại. Cọp phải bơ vơ ngồi trên bờ rạch, cá sấu thì đành ngóng mỏ, mình ngồi trên xuồng mà coi hát sáng đêm…

Theo nhà văn mô tả, cảnh đêm diễn hát bội giữa rừng vui quá đỗi là vui! Hai bên rạp đốt bốn ngọn đuốc sáng rực. Đào kép thì áo mão xanh đỏ, đầu giắt lông chim trĩ, ngặt nỗi đi chân không vì thiếu hia, thiếu hài. Trống đánh thùng thùng, kèn thổi tò tí te…

Sau mấy đêm hát, tuồng tích bà con đã thuộc lòng, tụi con nít thì đâm chán, nên xúm nhau bơi xuồng bỏ về, nào ngờ có hai, ba con cọp chạy dài trên bờ rạch đuổi theo, nên hoảng quá quay xuồng vào vòng rào mà chờ đến sáng.

Có hôm đang diễn một đào hát thấy 2 con cá sấu ngỏng mỏ vào hàng rào, sợ quá cô bỏ chạy vào trong, ông kỳ lão ra lệnh gióng phèng la, cá sấu lặn mất.

Khi gánh hát bội rút đi sang xóm khác, có người còn thấy đôi cọp thường lui tới chỗ dựng rạp ngồi cú rũ dựa vào gốc cây gừa bên bờ rạch. Nhứt là đêm có trăng, mấy ổng le lưỡi dài thòn, như tiếc nuối tiếng kèn, tiếng trống, mà chắc tiếc nhiều nhất là những miếng mồi sống đang ngồi xem hát dưới xuồng.

Sau này xuất hiện từ “coi hát cọp” (coi không mua vé) không chừng là xuất phát từ sự tích mấy ông cọp coi hát bội giữa rừng!

Còn một mẩu chuyện liên quan đến cọp vùng này như vầy: Non trăm năm về trước, làn sóng người từ miệt Cần Thơ, Vĩnh Long đổ xuống Rạch Giá, Cà Mau để khai khẩn đất hoang, lập ấp dựng làng.

Hồi ấy cọp còn nhiều lắm, ven sông Cái Lớn toàn là rừng, trên bờ có cọp, dưới sông có sấu, chèo ghe vài trăm mét là thấy cá sấu nổi lên, chạng vạng tối là trên bờ nghe tiếng cọp rống. Nên mới có chuyện một con cọp đi xuống bãi sông để tìm mồi, hớ hênh thế nào đến đổi bị kẹt đuôi vào bụi dừa nước.

Dân mình thông minh lắm, không dại mà cất nhà ở ngoài rừng, mà chèo ghe vô tuốt trong ngọn cùng mà cất chòi, làm vậy có hai điều lợi, một trong ngọn chỉ toàn sậy đế, rừng chồi… có thể khai phá dễ dàng để làm ruộng nước, lợi thứ hai là xa cọp, vì cọp chỉ quen sống ở rừng rậm.

Có người lo xa, nên dù ở xa rừng nhưng xung quanh nhà rào kín đáo, cổng nhà làm chắc chắn. Có lần cả nhà đi ra ruộng chỉ để đứa trẻ trông nhà, khi về nghe đứa bé kể lại: “Ba ơi hồi trưa ba đi ruộng, có con mèo vện lại đây, nó thò đuôi vô. Con nắm đuôi, mà nó mạnh lắm, kéo đuôi chạy vuột!”.

Lúc này cả nhà mới tá hỏa, ra xem thì toàn là dấu chân cọp! Thì ra cọp lẽn vào xóm định bắt con nít, nhưng bị vướng hàng rào, liền lấy đuôi đưa qua khe hở định dụ kéo đứa bé ra ngoài.

Còn chuyện một cô nọ ra sau nhà ngồi rửa chén, bổng chạy vào mặt mày xanh lét, la làng: “Má ơi! Cọp..., cọp…,” người nhà hỏi, cô ta tả: Nó cao lắm, lưng nó màu vàng, bụng nó rằn. Mọi người gậy gộc, thận trọng bước ra xem thì hóa ra đó là tàu mo cau rụng xuống!

Nhắc chuyện cọp ngày xuân, mà không nói đến đánh cọp, bắt hổ… sẽ là rất thiếu sót. Trong sách có đoạn như vầy: Chuyện đánh cọp do mấy người giỏi võ ở miền Trung vào, gặp thời nước nhà loạn lạc, các thầy nghề võ chạy lánh vào Nam. Nghe nơi nào cọp phá làng xóm, giết hại dân lành là các thầy tìm đến.

Do võ nghệ quá cao cường gặp cọp là họ rượt bắt lại, nắm gáy mà đè xuống, nện vào lưng cọp những quả đấm thôi sơn chẳng khác nào như ngày nay chúng ta đánh một con mèo hay một con chó con…

Nhưng có người cũng chẳng có miếng võ nào, nhưng do thời thế tạo anh hùng như chuyện ông thầy thuốc Nam có cô con gái bị cọp vồ chết.

Tức mình ông cầm mác rượt theo tận giữa rừng, chém cọp rớt một chân. Chú Tư bị cọp cõng mất một con heo nái, xót của chú liền rượt theo đánh nhau với cọp suốt buổi trưa, may nhờ bà con hay tin chạy đến tiếp cứu nên mới thoát nạn…

Cọp đông quá sinh sôi nảy nở nhiều, có lần bà con phát hiện một ổ cọp mới đẻ có đến 4 cọp con. Để trừ mối lo về sau, họ liền bàn nhau bắt bớt. Cách làm là bắt 3 con về nuôi, chỉ chừa lại một.

Sợ cọp trả thù, họ liền mua nhang đèn, dựng bàn thờ trước nhà mà khấn vái: “Thói thường xưa nay một mẹ, một con. Đằng này ông sanh đến 4 con. Dân làng tôi lo sợ nên thừa lúc ông đi vắng có tới xin bớt 3 con, chừa lại cho ông một con. Như vậy không mếch lòng ông, mà cũng không hẹp bụng chúng tôi”. Cọp mẹ về ổ, thấy mất con, gầm thét, rồi sau đó vài hôm dẫn đứa con còn lại đi đâu mất!

Chuyện đối đầu với cọp thời khai hoang mở đất ở vùng đất Nam Bộ được xác định là chuyện lâu dài. Ông bà ta liền nghĩ đến cách chung sống hòa bình với “ông ba mươi” bằng cách lập miễu thờ.

Đó là ngụ ý: “Chúng tôi là người làm ăn không muốn đá động tới ông, xin ông cứ ở trong rừng để chúng tôi được yên ổn”. Cất miếu xong chạng vạng tối có người tới đốt nhang. Mấy hôm đầu, cọp đi vòng quanh miếu đứng nhìn nhang rồi về. Bữa sau đem ra cúng một cái đầu heo rừng. Cọp mừng lắm. Từ đó xóm làng được yên.

Ngày nay ở một số ngôi đình, miếu thờ thường thấy phía trước dựng bình phong vẽ hoặc đắp phù điêu hình con cọp. Với người dân Nam Bộ, tấm bình phong thờ hình chúa tể sơn lâm có ý nghĩa canh giữ, bảo vệ đình miếu, che chắn những việc không hay, để bà con gặp mọi sự tốt lành, yên tâm lao động sản xuất, tạo lập cơ ngơi vững bền trên vùng đất mới.

Ngày xuân đọc lại tập truyện của nhà văn Sơn Nam để tìm lại chút “Hương rừng Cà Mau”, tìm hiểu thêm về vùng đất được nhắc đến với nhiều câu chuyện xa xưa, huyền bí, ly kỳ, hấp dẫn mà nay chỉ còn trong trang sách.

TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh