Tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống góp phần làm chuyển biến nhận thức của các ngành, các cấp và đồng bào dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Hoa, Khmer…
Những hội diễn, liên hoan là cơ hội để người trẻ giới thiệu, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. |
(VLO) Tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống góp phần làm chuyển biến nhận thức của các ngành, các cấp và đồng bào dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Hoa, Khmer…
Phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có
Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là dự án trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, các nội dung phối hợp được xây dựng trên tinh thần cập nhật những định hướng lớn về công tác dân tộc, công tác văn hóa, thể thao, du lịch trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.
Chương trình sẽ phát huy tối đa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch; bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đưa văn hóa các dân tộc thiểu số trở thành “sức mạnh mềm”, thành một động lực phát triển kinh tế.
Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tỉnh Vĩnh Long thuộc khu vực trung tâm ĐBSCL, có cơ cấu đa dân tộc, ngoài dân tộc Việt, các dân tộc khác chiếm khoảng 2,7% dân số toàn tỉnh, trong đó, dân tộc Khmer là 22.771 người, dân tộc Hoa là 4.741 người và các dân tộc thiểu số khác là 226 người.
Toàn tỉnh có 13 ngôi chùa của dân tộc Khmer (6 ngôi chùa đã được công nhận là di tích cấp tỉnh) và 26 cơ sở thờ tự của dân tộc Hoa (1 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia và 2 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh).
Giai đoạn 2016- 2019, có 4 nghệ nhân dân tộc Khmer được Nhà nước vinh danh là Nghệ nhân ưu tú. Lễ hội Lăng ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện sưu tầm hiện vật văn hóa dân tộc Khmer gồm 217 hiện vật và dân tộc Hoa có 107 hiện vật.
Tham gia triển lãm chuyên đề “Đồng bào Khmer Vĩnh Long bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và chung sức xây dựng nông thôn mới” tại ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VII, tỉnh Bạc Liêu và Ngày hội Văn hóa, Thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long lần thứ VIII năm 2018.
Theo Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch: kỹ năng chế biến món ăn; kỹ năng hướng dẫn và phục vụ lưu trú; kỹ năng điều hành tour, phục vụ du lịch… là hoạt động thiết thực, giúp đội ngũ quản lý người dân tộc ở địa phương và người dân nơi đây biết các kỹ năng gắn kết, quảng bá những nét truyền thống của dân tộc, những lễ hội, món ăn đặc trưng,… đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Theo Phòng Quản lý Du lịch, thời gian qua tỉnh lấy văn hóa của người dân tộc Khmer làm sản phẩm quảng bá du lịch góp phần phát triển cho du lịch địa phương.
Những lễ hội, món ăn, văn hóa, lối sống của người dân trở thành điểm độc đáo thu hút du khách. Đồng thời, qua đó cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Để làm được điều đó thì đội ngũ cán bộ quản lý tại địa phương và người dân phải biết cách làm du lịch, xây dựng điểm lưu trú thế nào, kết nối và xây dựng tour ra sao, quảng bá gì, bán gì cho du khách…
Trên cơ sở đó, mỗi năm Phòng Quản lý Du lịch tổ chức 2 lớp tập huấn các nội dung trên, tổ chức chủ yếu ở 4 huyện, thị xã có đông đồng bào dân tộc của tỉnh gồm: Bình Minh, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm.
Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp
Ngày hội Văn hóa Khmer được tổ chức gắn với Hội thi nấu món ăn đặc trưng của đồng bào Khmer. |
Nghệ nhân Sơn Trong (ngụ xã Trung Thành) là một trong những nghệ nhân trình diễn nhạc ngũ âm tiêu biểu của đồng bào Khmer ở huyện Vũng Liêm.
Hơn 45 năm thực hành nhạc ngũ âm và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, nghệ nhân Sơn Trong vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể” năm 2019.
Giữ gìn vốn văn hóa quý giá, niềm tự hào của đồng bào Khmer, nghệ nhân ưu tú Sơn Trong tâm niệm: “Tôi sẽ tiếp tục truyền nghề cho con, cháu, anh em, bạn bè có niềm đam mê và muốn học nhạc cụ này. Dù có gặp khó khăn nhưng tôi quyết không bao giờ từ bỏ nhạc ngũ âm. Vì niềm đam mê nghệ thuật, tôi sẽ hết lòng và cố gắng hơn nữa để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc”.
Tham gia Liên hoan tiếng hát thanh niên dân tộc Khmer- Hoa, bạn Thạch Thị Ni Ta (Trà Ôn) diện chiếc áo cổ vòng, vận xà rông khéo léo đính những hạt kim sa lấp lánh, trình diễn tiết mục hát múa “Rôbăm”.
Ni Ta chia sẻ: “Những buổi liên hoan là sân chơi đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của thanh niên các dân tộc. Những bạn trẻ được giới thiệu tiếng nói, trang phục của mình, mang lời ca tiếng hát, thể hiện năng khiếu biểu diễn nghệ thuật. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước”.
Vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung đã đề xuất nhiệm vụ và kinh phí báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, phục vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Trong đó, nhấn mạnh khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, như: Lễ hội Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, làng nghề tàu hủ ky...
Đồng thời, xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận…
Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được đặt ra đối với bất kỳ dân tộc nào.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị phi vật thể, phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin