Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tấm lòng sáng ngời, ý chí bất khuất

07:12, 12/12/2021

Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888), tự là Mạnh Tự, hiệu là Trọng Phủ, sinh ra trong gia đình nhà nho, quê cha ở Thừa Thiên- Huế. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế (1833- 1840) từ 11- 18 tuổi thì trở về Gia Định. Khi thi đỗ Tú tài, ông ra Huế học thêm để chờ thi Hương, nhưng được tin mẹ mất, ông trở về Gia Định chịu tang.

 

Danh nhân Văn hóa, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Danh nhân Văn hóa, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

(VLO) Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888), tự là Mạnh Tự, hiệu là Trọng Phủ, sinh ra trong gia đình nhà nho, quê cha ở Thừa Thiên- Huế. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế (1833- 1840) từ 11- 18 tuổi thì trở về Gia Định. Khi thi đỗ Tú tài, ông ra Huế học thêm để chờ thi Hương, nhưng được tin mẹ mất, ông trở về Gia Định chịu tang.

Do khóc thương mẹ và nhiễm phong sương nên ông bị đau mắt đến mù lòa. Từ đó, ông mở trường dạy học, học trò rất đông.

Khoảng năm 1850, ông viết truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên”- tỏ rõ lòng yêu chính nghĩa, ghét gian tà. Năm 1859, giặc Pháp đánh Gia Định rồi mở rộng xâm lược Nam Kỳ.

Ông chạy về Cần Giuộc (Chợ Lớn) tham gia kháng chiến, bàn bạc việc cứu nước với các bạn hữu: Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Bùi Hữu Nghĩa… Trương Định vẫn thường đến hỏi ý kiến của ông, coi ông là tham mưu của mình.

Giai đoạn này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác rất nhiều văn thơ yêu nước. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cùng với nhiều tác phẩm thơ, phú, hịch của ông đã có ảnh hưởng rộng lớn. Sáu tỉnh Nam Kỳ bị giặc chiếm (1867), ông về dạy học ở Bến Tre, nêu gương bất hợp tác với thực dân.

Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, là ngôi sao sáng nhất trong nền văn học ở miền Nam nửa sau thế kỷ XIX. Sự nghiệp văn chương Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với nhiều tác phẩm, trong đó có truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc- được đưa vào dạy trong nhà trường, cùng nhiều tác phẩm ý nghĩa khác.

Cuộc đời thăng trầm qua nhiều biến cố, nên ở Nguyễn Đình Chiểu ta thấy toát lên một phương châm xử thế làm người và khí tiết một nhà nho yêu nước Nam Bộ. Các nhân vật văn học đặc sắc của cụ Đồ Chiểu là sự khúc xạ chân thực những hành động và mơ ước, khát vọng làm người của nhà thơ yêu nước đất Ba Tri.

Từ tình hình Nam Bộ những năm 1861- 1865, khi thực dân Pháp kéo xuống Vĩnh Long, Bến Tre, Châu Đốc, Hà Tiên (lúc này Ba Tri còn trong tỉnh Vĩnh Long), nên sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là những đóng góp tâm huyết của nhà thơ mù nhưng trái tim nồng nàn, luôn rực sáng để gửi gắm khát vọng, tình yêu nước qua các nhân vật, con người Nam Bộ. Khát vọng đấu tranh đó được cụ kết tinh qua hai câu thơ trong “Lục Vân Tiên”:

“Bao giờ nhật nguyệt vầy gương sáng

Bốn bể âu ca hiệp một nhà”.

Với các bài văn tế, bài điếu ca ngợi và tưởng nhớ những con người trung nghĩa đã chiến đấu và hy sinh vì đất nước, như Trương Định, Phan Tòng, Nguyễn Hữu Huân, Đốc Binh Kiều… cụ có những câu thơ đầy cảm phục:

“Viên đạn nghịch thần treo trước mắt

Lưỡi gươm địch khái nắm trong tay”.

Bởi vậy, người dân Nam Bộ đặc biệt yêu thích nhân vật Lục Vân Tiên, cũng như hình ảnh sáng ngời của các nghĩa sĩ trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, như thể gắn với thân thế của cụ Đồ Chiểu.

GS. Sử học Lê Văn Lan nhận định: “Trước sự hy sinh dũng cảm, oanh liệt của các nghĩa sĩ Cần Giuộc thì ông đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” vào trận đánh đồn Tây Dương vào 18/12/1861, để mà ghi lại công trạng của các nghĩa sĩ nông dân trong trận đánh đồn này.

Bằng ngòi bút tài hoa của mình, cụ Đồ Chiểu đã phác họa chân thực hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ, làm rung động trái tim và tâm hồn của hàng triệu nhân dân”.

Trước hoàn cảnh đặc biệt trong cuộc đời, cụ Đồ Chiểu đã sử dụng linh hoạt, bằng hình thức nghệ thuật phong phú, sinh động để nói lên khát vọng và lý tưởng yêu nước, thương dân trước họa xâm lăng. Khi thì ông thể hiện bằng trực giác, khi hành động sục sôi, căm tức, hận thù giặc Tây:

“Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan

Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”.

Có khi ông lại gửi gắm trực tiếp vào hình tượng nghệ thuật, như hình ảnh các nhân vật Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh,… những người phải chịu đựng nỗi khổ thống trị, nên Nguyễn Đình Chiểu càng thấm thía và biết ơn người vợ- bà Lê Thị Điền và quê hương Ba Tri- Bến Tre là những điểm tựa tình cảm vững chắc, thủy chung trong cuộc đời ông.

Với mối liên kết này, GS Lê Văn Lan phân tích yếu tố văn hóa đất Nam Bộ tác động nhiều đến nhân cách Nguyễn Đình Chiểu, từ đó góp mặt vào tác phẩm của ông: “Ở giai đoạn này thì Nguyễn Đình Chiểu được nhận danh hiệu yêu quý và rất Nam Bộ ấy là ông già Ba Tri.

Như vậy, đất Ba Tri tuy là đất lánh nạn, nhưng Ba Tri là cái nơi về thời gian Nguyễn Đình Chiểu sống dài lâu nhất trong cuộc đời của mình.

Quan trọng hơn là Ba Tri với những địa phương ở quanh vùng Ba Tri như thế thì đấy chính là những miền đất và người đã tạo nền móng, đã tác động tới sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu từ tư tưởng, từ cuộc sống”.

Trải gần 200 năm, thơ văn yêu nước và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu đã được nhân dân Nam Bộ, mà nhất là người dân Bến Tre đã gìn giữ, tôn vinh, để nhắc nhở các lớp cháu con.

Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên và nhiều bài thơ đặc sắc của Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn được người dân thuộc lòng như những di sản văn học không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.

Trong các tác phẩm để lại của cụ Đồ Chiểu, thì “Lục Vân Tiên” (chữ Nôm 蓼雲仙) là một truyện thơ Nôm nổi tiếng, sáng tác theo thể lục bát vào đầu năm 50 thế kỷ XIX và được nhà bác học Trương Vĩnh Ký xuất bản lần đầu tiên năm 1889. Đây là một sáng tác có giá trị cao của văn học Việt Nam.

Tác phẩm sau đó được Abel Des Michels cho dịch sang tiếng Pháp tên gọi là “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” (Histoire de Luc Van Tien) in năm 1899. Mong muốn của Nguyễn Đình Chiểu khi viết Lục Vân Tiên là để truyền dạy đạo lý làm người:

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.

Một tác phẩm khác để lại giá trị lớn trong nhân dân là “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”- được cụ Đồ Chiểu sáng tác năm 1861, khi thực dân Pháp sau khi chiếm Gia Định rồi đoạt đồn Chí Hòa 1861, xuống tỉnh Bến Tre. Bài văn tế ra đời ngợi ca, thương tiếc và kính phục với những nghĩa quân anh dũng, đứng lên chống thực dân Pháp tại Cần Giuộc (nay thuộc tỉnh Long An):

Hỡi ơi! Súng giặc đất rền

Lòng dân trời tỏ.

Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao;

Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ.

Cụ Đồ Chiểu vinh danh, ngợi ca những người con trung dũng, kiên cường:

Thác mà trả nước non rồi nợ

Danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen

Thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.

… Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp được trả thù kia

Sống thờ vua, thác cũng thờ vua

Lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó…

Tiến sĩ Olivier- Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại TP Hồ Chí Minh, đã đánh giá: “Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng được UNESCO vinh danh trên tầm thế giới, nhân 200 năm ngày sinh của cụ”.

Những cống hiến trọn vẹn cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu chính là cơ sở để Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Trung ương đưa kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ vào kỷ niệm cấp Nhà nước tổ chức tại Bến Tre.

Đồng thời, Tỉnh ủy Bến Tre sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xúc tiến nhiều hoạt động văn hóa, tưởng nhớ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu- một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam mà UNESCO vinh danh.

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

(Trích Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:

“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.

Trước gây việc dữ tại mầy,

Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”

Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng
Đương Dang.

Lâu la bốn phía vỡ tan,

Đều quăng gươm giáo tìm đàng
chạy ngay.

Phong Lai trở chẳng kịp tay,

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Dẹp rồi lũ kiến chòm om,

Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”

Thưa rằng: “Tôi thiệt người ngay,

Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ.

Trong xe chật hẹp khôn phô,

Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng.”

Vân Tiên nghe nói động lòng,

Đáp rằng: “Ta đã trừ dòng lâu la.

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai.

Tiểu thơ con gái nhà ai,

Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ?

Chẳng hay tên họ là chi?

Khuê môn phận gái việc gì đến đây?

Trước sau chưa hãn dạ này,

Hai nàng ai tớ ai thầy nói ra?”

Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,

Con này tì tất tên là Kim Liên.

Quê nhà ở quận Tây Xuyên,

Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.

Sai quân đem bức thơ về,

Rước tôi qua đó định bề nghi gia.

Làm con đâu dám cãi cha,

Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.

Chẳng qua là sự bất bình,

Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi.

Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,

Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.

Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

Chút tôi liễu yếu đào thơ,

Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần.

Hà Khê qua đó cũng gần,

Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng.

Gặp đây đương lúc giữa đàng,

Của tiền chẳng có, bạc vàng
cũng không.

Gẫm câu báo đức thù công,

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.

Vân Tiên nghe nói liền cười:

“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.

Nay đà rõ đặng nguồn cơn,

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh