Tản văn

Rưng rưng xúc cảm

Cập nhật, 13:57, Chủ Nhật, 12/12/2021 (GMT+7)

 

 

Đậu rồng như hẹn hò với gió, rồi hứa hẹn một điều rằng: “Gió chướng về hoa đậu rồng mới trổ bông”.
Đậu rồng như hẹn hò với gió, rồi hứa hẹn một điều rằng: “Gió chướng về hoa đậu rồng mới trổ bông”.

Con gió chướng se se lạnh thổi những bông sậy lả lướt. Giàn đậu rồng đang trổ hoa tím như hẹn hò với gió, rồi hứa hẹn một điều rằng: “Gió chướng về hoa đậu rồng mới trổ bông”.

Thế nên làm lòng người rung động khi bắt gặp những cánh bông đậu rồng tim tím rung rinh trong gió. Không ít người lại thèm thuồng, lại nhớ nhung.

Họ rưng rưng xúc cảm về nơi khôn lớn, buộc họ ngoảnh lại tìm tuổi thơ. Từ giàn đậu rồng hiên nhà, cây so đũa trắng bông, những cọng rau cải trời xanh mướt mát…

Mỗi lần gió chướng thổi, những người xa quê đong đầy tình yêu thương trong dòng hoài niệm miên man được ăn những món ăn từ trái đậu rồng, như canh chua cá lóc với đậu rồng, đậu rồng xào tỏi, đậu rồng non chấm mắm, chấm kho khô quẹt… Giờ chỉ cần nhắc thôi cũng đủ đánh thức các giác quan ẩm thực của những thực khách xa quê.

Cứ thế, “trúng mạch” họ liên tu bất tận với những câu chuyện mùa gió chướng. Trái tim họ lại thổn thức, nào hình ảnh y nguyên với đôi bàn tay chai sần của cha, đang ngồi trên chiếc xuồng tam bản thả lưới trên cánh đồng mênh mông nước, vàng bông sậy, trắng bông lau, chúng cứ thả mình nghiêng theo chiều gió.

Hình bóng của những bà, những mẹ nơi chái bếp, lom khom thổi bếp lửa với những cây củi chưa kịp khô hay dáng bộ hấp hải khều củi than ra khi nồi cơm vừa được chắt nước.

Những tô canh chua nóng hôi hổi, đầy bông với cọng… Họ nhớ và kể ra không vấp vào đâu. Họ xa quê bởi họ đang bị cuốn theo chiều gió của cuộc sống. Những con gió thổi trôi đi, đẩy lại rồi những mái tóc giờ cũng muối tiêu chớ xanh xiếc gì nữa đâu.

Đôi lúc con gió chướng thổi, giọt nước mắt nóng hổi nhẹ lăn trên má vì nhớ quê, nhớ nhà. Hay bất giác thấy đôi mắt xa xăm, nở nụ cười tươi, đó là lúc họ đang nhớ những giây phút hồn nhiên, như lúc chơi nhà chòi những ngày giáp Tết.

Họ chia nhau đứa đi “ăn trộm” quả trứng gà trong ổ, đứa “chôm” mấy con khô cá chạch nội phơi trong sịa và đứa “chỉa” khúc lạp xưởng nội đang phơi để dành Tết. Rồi sẽ được nội “tập hợp lại” y như rằng: “Tổ cha đứa nào lấy?”.

Rồi họ tự hỏi, vì sao món ăn ngày ấy lại ngon như thế mà ăn bất cứ nơi đâu cũng không được vị và mùi như vậy? Đó là nhờ lửa ấm của tình nội, tình ngoại, tình mẹ, tình chị… Không khí thật ấm cúng đã đi sâu mãi vào ký ức khi con gió chướng thổi lại rưng rưng xúc cảm.

Bài, ảnh: MAI KHA