Hành trình sáng tạo và lưu giữ những khoảnh khắc

07:12, 12/12/2021

Dưới góc nhìn đa chiều, cảm nhận đặc biệt từ thế giới nội tâm sâu lắng, qua đường nét, màu sắc, những họa sĩ miệt mài trên hành trình sáng tạo, lưu giữ những khoảnh khắc đời sống. Ngày truyền thống mỹ thuật là dịp đặc biệt để tôn vinh những cống hiến của các thế hệ họa sĩ, động viên nhau sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

(VLO) Dưới góc nhìn đa chiều, cảm nhận đặc biệt từ thế giới nội tâm sâu lắng, qua đường nét, màu sắc, những họa sĩ miệt mài trên hành trình sáng tạo, lưu giữ những khoảnh khắc đời sống. Ngày truyền thống mỹ thuật là dịp đặc biệt để tôn vinh những cống hiến của các thế hệ họa sĩ, động viên nhau sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

Những họa sĩ miệt mài trên hành trình sáng tạo, lưu giữ những khoảnh khắc.
Những họa sĩ miệt mài trên hành trình sáng tạo, lưu giữ những khoảnh khắc.

Chặng đường 70 năm phát triển

Ngành Mỹ thuật nước nhà có bề dày lịch sử đáng tự hào. Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp nhận ra năng khiếu hội họa và thủ công mỹ nghệ ở nước ta nên tổ chức những triển lãm mà lúc bấy giờ gọi là cuộc “đấu xảo”.

Từ những kết quả đạt được qua các cuộc triển lãm, một số trường mỹ nghệ lần lượt ra đời như: Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một, Trường Dạy nghề Biên Hòa, Trường Vẽ Gia Định, đặc biệt vào năm 1925 Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương được thành lập tại Hà Nội…

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đội ngũ những họa sĩ tay cầm cọ, tay cầm súng vác ba lô lên đường.

Nhiều tên tuổi lớn trong ngành Mỹ thuật Việt Nam có nhiều đóng góp cho kháng chiến, đặc biệt là cuộc triển lãm được khai mạc vào ngày 10/12/1951 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang có 300 tác phẩm được trưng bày.

Tại cuộc triển lãm này, Bác Hồ đã có thư gửi các họa sĩ. Trong thư, Bác viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ, Đảng và Nhà nước chọn ngày 10/12 làm Ngày truyền thống của giới mỹ thuật Việt Nam.

Theo họa sĩ Trần Thắng- Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, ở Vĩnh Long, trong những năm 1940- 1945, sinh viên đã từng học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương như: Nguyễn Hải Trừng, Lê Văn Mậu, Trịnh Văn Năm, sau này một số người trở thành những cán bộ của Ban Tuyên huấn tỉnh. Một số họa sĩ khác như Vũ Ba, Huỳnh Công Răng, Lê Minh Huấn cũng có mặt khá sớm trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Một số họa sĩ được đào tạo ở Đại học Mỹ thuật Kiev (Liên Xô cũ) về nước đã xung phong vào miền Nam chiến đấu như họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng, nhà điêu khắc Nguyễn Hữu Bình.

Họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng (xã An Phước- Mang Thít) đã anh dũng hy sinh ngay tại chiến trường, để lại một tài sản vô cùng quý giá đó là 120 tác phẩm hội họa và 72 vật lưu niệm hiện đang được Bảo tàng Vĩnh Long lưu giữ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, một số họa sĩ như: Thiện Chí, Nguyễn Tân Dân, Mười Quang, Vũ Ba, Lê Phúc, Trần Minh Thái, Hứa Văn Chiến, Nguyễn Viết Thanh,… xung phong vào chiến khu, vừa học tập, vừa cầm cọ, cầm súng chiến đấu, chẳng ngại gian khổ hy sinh, để góp phần vào mặt trận văn hóa nghệ thuật phục vụ cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng với đoàn quân tiến vào giải phóng Vĩnh Long có các họa sĩ thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long vào tiếp quản các cơ sở văn hóa của địch và bắt tay vào công tác ổn định trật tự- xã hội.

Vừa tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, xây dựng con người mới, vừa tập hợp, phát triển lực lượng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáng tạo gắn liền với thực tế cuộc sống

Phân hội Mỹ thuật tỉnh Vĩnh Long hiện có 26 hội viên, trong đó có 9 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Kể từ năm 1998 đến nay các họa sĩ đã tham gia gần 80 cuộc triển lãm, nhiều họa sĩ đạt giải cao tại các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm mỹ thuật khu vực ĐBSCL…

Tác phẩm nghệ thuật góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp trong đời sống. Ảnh chụp trước dịch
Tác phẩm nghệ thuật góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp trong đời sống. Ảnh chụp trước dịch

Đội ngũ họa sĩ, điêu khắc đã tích cực đóng góp vào đời sống văn hóa nghệ thuật với những tác phẩm hội họa, công trình điêu khắc, góp phần tạo nên không gian văn hóa- lịch sử của tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Nghệ thuật khó nhất ở những câu chuyện kể. Người nghệ sĩ phải luôn luôn quan sát cách mọi thứ vận hành, nắm bắt và lưu lại mọi khoảnh khắc đời sống.

Họa sĩ Trần Thắng cho biết: “Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số hoạt động văn hóa nghệ thuật phải dừng lại, nhưng đội ngũ mỹ thuật Vĩnh Long với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, lòng đam mê sáng tác đã cho ra đời nhiều tác phẩm, rèn luyện tay nghề và đặt niềm tin vào ngày mai đất nước sẽ chiến thắng đại dịch”.

Họa sĩ Trần Thắng có tranh “Tình người trong đại dịch”, họa sĩ Trần Minh Thái ký họa “Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin”, họa sĩ Tín Đức lưu lại khoảnh khắc của “Cuộc chiến” và họa sĩ Nguyễn Lưu gửi gắm niềm tin vào “Bình minh sẽ yên tĩnh”…

Họa sĩ Bùi Dương Phương Bình là “em út” ở Phân hội Mỹ thuật, cũng là một trong số ít những họa sĩ trong tỉnh theo đuổi dòng tranh khắc gỗ. Theo anh, “nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống”.

Trong thời gian được tham gia công tác cùng đoàn BCĐ về xây dựng nông thôn mới, anh được đi nhiều nơi ở quê mình, chứng kiến những đổi thay từ điện, đường, trường, trạm…

“Có hôm đang chạy xe máy thì thấy cảnh cánh đồng vào mùa gặt lúa nhộn nhịp, tôi dừng xe lại chụp ảnh ngay”… Tất cả đều là cảm hứng và chất liệu ra đời tác phẩm “Lưới điện cao áp”, “Công trình nông thôn mới”- họa sĩ Phương Bình chia sẻ.

Họa sĩ Tín Đức có nhiều đóng góp cho mỹ thuật tỉnh nhà.
Họa sĩ Tín Đức có nhiều đóng góp cho mỹ thuật tỉnh nhà.

Trong nghệ thuật, công tác xây dựng lực lượng kế thừa cũng vô cùng quan trọng. Với cái nhìn sâu sắc trước mọi khoảnh khắc đời sống, họa sĩ Tín Đức đóng góp tích cực cho nền văn nghệ tỉnh nhà, ông cũng góp công lớn trong công tác ươm mầm cho lực lượng kế thừa. 4 năm dạy ở trường khuyết tật, ông không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người chú cùng các em vượt qua những mặc cảm hòa nhập với đời.

Hơn 15 năm dạy đàn, dạy vẽ ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long, họa sĩ Tín Đức trở thành người đưa đò giúp các em chạm đến đam mê và
mơ ước.

Để ngày càng có thêm nhiều tác phẩm giá trị, họa sĩ Trần Thắng gửi gắm các họa sĩ cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, vừa tạo bản sắc riêng của từng người nhưng phải cùng hòa nhịp chung vào sự phát triển của ngành mỹ thuật nước nhà.

Với vai trò là chủ thể sáng tạo, chắt lọc những tinh túy của cuộc sống đưa vào mỗi tác phẩm, mỗi họa sĩ phải thật sự là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật chung tay xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh