Khi đến ấp Nhà Mát, tôi được gặp lại những người nông dân gắn bó bao đời nơi vùng biển quê hương, trong đó có chú Nguyễn Văn Khón (Tư Đen)- người mà cách đây hơn 51 năm đã trực tiếp cùng một số du kích và người dân địa phương tham gia vây bắt 2 phi công Mỹ, khi máy bay của họ bị bắn rơi trên vùng biển Trường Long Hòa.
Nhân chứng chỉ tay về hướng chiếc máy bay bị bắn rơi. |
(VLO) Cách đây hơn 2 năm, trong chuyến đi thực tế sáng tác do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long tổ chức, tôi có dịp về lại xã Trường Long Hòa (TX Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Khi đến ấp Nhà Mát, tôi được gặp lại những người nông dân gắn bó bao đời nơi vùng biển quê hương, trong đó có chú Nguyễn Văn Khón (Tư Đen)- người mà cách đây hơn 51 năm đã trực tiếp cùng một số du kích và người dân địa phương tham gia vây bắt 2 phi công Mỹ, khi máy bay của họ bị bắn rơi trên vùng biển Trường Long Hòa.
Câu chuyện này tôi đã biết từ lúc còn công tác ở vùng Duyên Hải, nhưng vừa mới nhập ngũ nên chỉ phấn khởi về tin mừng thắng lợi của quân dân tỉnh nhà, rồi theo năm tháng qua mau, nên câu chuyện dần đi vào quên lãng.
Đưa tôi ra khu vực ngày trước chiếc máy bay Mỹ bị bắn cháy ngùn ngụt rồi đâm đầu xuống biển, chú Tư Đen hồi tưởng lại: Hôm đó vào khoảng 3 giờ chiều một ngày tháng 8/1970, trên bầu trời xuất hiện một chiếc máy bay mà bà con nơi đây gọi là “thằng ba đuôi” (máy bay OV-10 của không lực Mỹ, là loại máy bay cường kích hạng nhẹ kiêm do thám, tấn công mục tiêu mặt đất) như thường lệ nó bay chầm chậm ngó nghiêng thị sát tình hình vùng căn cứ kháng chiến, tìm kiếm mục tiêu để ném bom, bắn phá.
Trời về chiều nắng đẹp, êm gió, “thằng ba đuôi” bay nghiêng tới, đảo lui đôi ba vòng, rồi từ từ thu hẹp bán kính, nhào lên lộn xuống sát mặt biển, có lúc nó hạ độ cao gần sát ngọn cây rồi vụt bay ra biển như biểu diễn, như hù dọa, khiêu khích bộ đội, du kích nơi này.
Phát hiện phía dưới là một số người dân đang đẩy xệp bắt cá gần bờ như thường ngày, “thằng ba đuôi” lao xuống nhưng không cắt bom cũng không dùng súng đại liên bắn vào những người dân vô tội như mọi khi. Thấy máy bay lao xuống, lượn vòng quanh bà con hoảng sợ bỏ công cụ, chạy thục mạng vào bờ núp trong đám đế cao ven biển để tránh đạn.
Lo cho tính mạng bà con vì không biết chúng sẽ cắt bom, nhả đạn lúc nào nên anh em du kích Trường Long Hòa lập tức nổ súng giải nguy.
Khi chiếc OV-10 đảo đến vòng thứ tư thì bị trúng đạn từ khẩu súng bộ binh của đồng chí Nguyễn Văn Mô (Tư Mô, sinh 1941, cán bộ công trường T80 của tỉnh, trên đường công tác ghé thăm quê tại ấp Nhà Mát.
Với chiến công này ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì). Chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt rồi lao đầu xuống biển, 2 chiếc dù của giặc lái kịp bung ra, theo gió đưa chúng vào sâu trong đất liền.
Lập tức du kích và nhân dân tổ chức bao vây, khi phát hiện ra nơi chúng đang ẩn nấp, anh em gọi hàng nhưng chúng ngoan cố chống cự và lủi sâu vô đám đế rậm rạp để trốn, buộc lòng du kích phải ném một quả lựu đạn làm bị thương nhẹ một tên, chúng mới chịu đầu hàng. Sau khi bắt sống tù binh, anh em được lệnh dẫn giải chúng về bàn giao cho Trại giam tỉnh.
Khoảng hơn 9 giờ tối, anh em cán bộ an ninh và du kích áp giải 2 giặc lái về đến ngang nhà ông Chín Hết (ở ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành ngày nay). Lúc này đêm dần về khuya, mọi người đã ngủ trong hầm trú bom hoặc giăng mùng kế miệng hầm để ngủ.
Cuộc dẫn giải tù binh tưởng chừng diễn ra trong bí mật nhưng bất ngờ có người dân đi soi cá, ba khía về bắt gặp, họ liền la lên: “Giặc Mỹ, phi công Mỹ bị bắt sống bà con ơi! Mau dậy, dậy mà xem!
Tin du kích xã Trường Long Hòa bắn rơi máy bay, bắt sống giặc lái Mỹ hồi chiều đã được cán bộ ấp thông tin cho bà con biết rồi. Nhưng bây giờ là người thật việc thật.
Ai mà chẳng tò mò. Lập tức nhiều bà con túa ra vây quanh để xem tận mắt 2 phi công Mỹ từng gieo tội ác trên vùng trời Duyên Hải. Tiếng một phụ nữ chen vào: Ồ, sao nó to cao thế. Hình như nó khát nước kìa, cho nó uống để tội nghiệp!
Một cụ già đang cầm điếu thuốc rê cháy dở, trừng đôi mắt nhìn thẳng vào 2 phi công Mỹ nói: Coi kìa sao mà gục mặt yểu xìu vậy! Mọi khi và mới hồi chiều chúng mầy tác oai, tác quái lắm mà…
Ở xứ biển như Trường Long Hòa này, ngày cũng như đêm người dân phải thường xuyên đối mặt với bom pháo.
Hết bị bom B52 rải thảm, “ba đuôi” ném bom đánh lén, trực thăng phóng rocket, xả đại liên, rồi pháo hạm từ ngoài biển bắn vào… địa hình bị tàn phá đến nỗi gần như chỗ nào cũng có hố bom, miểng pháo của địch. Hàng ngày bà con chỉ nghe thấy tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, chúng quần đảo ném bom, đem đến sự chết chóc, tang thương...
Bắn phá xong chúng lừng lững bay đi để lại nước mắt người dân vô tội hòa lẫn trong mùi khét lẹt của khói bom và cảnh vật tan hoang. Ai cũng căm thù giặc, nguyền rủa chúng chớ chưa bao giờ gặp được kẻ đã gieo tội ác.
Bây giờ trước mặt bà con là hai tên giặc lái bằng xương bằng thịt, dù có gia đình phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, nhưng bà con không ai manh động, thể hiện sự oán thù, mà biết rằng từ bây giờ chúng là tù binh của cách mạng, phải đảm bảo an toàn và đối xử nhân đạo với chúng.
Sau một hồi dừng lại cho hai tên giặc lái nghỉ chân, uống nước, anh em tiếp tục lên đường. Thấy dáng đi chậm chạp, khó khăn của hai tù binh, một anh cán bộ liền tìm hiểu nguyên nhân, thì ra lúc nghỉ chân có một anh du kích sợ các tên này bỏ chạy nên đã bắt họ lột giầy, đi chân không.
Vì vậy khi đi đạp phải gốc cây đế, sỏi, hai tên tù binh vốn quen đi giày phải chịu đau dò dẫm đi từng bước… Lần hồi đến gần 2 giờ sáng, lực lượng an ninh cũng áp giải tù binh về đến trại giam an toàn.
Khi hay tin chiếc OV-10 bị bắn rơi, bọn địch tìm mọi cách để giải cứu phi công. Chúng tung vào tọa độ nơi máy bay bị bắn rơi nhiều lượt máy bay sục sạo tìm kiếm, ngoài biển tàu chiến rà tới, rà lui, còn trên bộ chúng tổ chức hành quân cấp sư đoàn càn quét cả một vùng rộng lớn, hòng tìm ra chỗ phi công lẫn trốn hoặc nơi ta giam giữ tù binh.
Sau một tuần chà đi sát lại không kết quả, chúng trút hàng chục tấn bom đạn xuống vùng đất Trường Long Hòa rồi rút lui. Ta bảo vệ an toàn trại giam, tiếp tục giam giữ khai thác, đảm bảo tính mạng cho hai tù binh Mỹ.
Sau một thời gian nắm được cách thức giam giữ, canh gác của ta. Tên phi công lớn tuổi (khai tên là Prap cấp bậc là thiếu tá- chỉ huy mạng lưới tình báo Vùng IV chiến thuật) lợi dụng sơ hở của anh em quản giáo đã tìm cách trốn thoát.
Theo quy luật, mỗi chiều tối ta mới còng chân tù binh, còn vào ban ngày họ được tự do đi lại trong phòng giam.
Vào một ngày mưa, tên thiếu tá “ma lanh” đã dùng quần áo, mùng mền nhét vào đầy hai ống quần và vớ rồi để ngay ngắn giống hai chân người, như thường lệ cán bộ quản giáo chỉ việc luồng cây sắt qua rồi khóa chân lại.
Cũng may cho hắn, hôm ấy trực trại là một đồng chí lớn tuổi, bị bệnh quáng gà, thị lực kém, khi trời tối nhìn không rõ, đinh ninh là mình đã làm xong việc như mọi khi, nhưng thật ra tên tù binh đã đứng nép trong góc buồng giam.
Đêm ấy lợi dụng trời mưa, hắn trốn thoát ra rừng… đến khi bảo vệ tuần tra khu giam giữ mới biết mất một người. Anh em báo động, vừa đèn pin vừa đốt đuốc, mỗi người một hướng truy tìm.
Qua ngày thứ ba, anh em phát hiện tên Prap chết đuối trên dòng sông Long Toàn chảy xiết. Mà địa điểm hắn bị nước cuốn là nơi tàu chiến Mỹ tiếp tục đi tìm cũng vừa chạy qua.
Đến năm 1973, thực hiện đúng tinh thần Hiệp định Paris về trao trả tù binh, Trại giam của ta tổ chức trao trả cho phía Mỹ tên trung úy phi công còn lại là Uat.
Khi được ta thông báo, Uat rất mừng vui, nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt, vì biết chắc trong một ngày không xa sẽ được về lại quê hương đất nước xa xôi bên kia bờ Đại Tây Dương để đoàn tụ với gia đình, vợ con.
Rồi ngày trao trả cũng đến, trước sự chứng kiến của phái đoàn Liên hiệp bốn bên, các nhà báo trong nước, quốc tế và đông đảo nhân dân trong vùng giải phóng xã Trường Long Hòa đã tới dự.
Trong ngày trao trả, trên tay trung úy phi công Mỹ vẫn cầm chặt đôi đũa và chiếc muỗng được làm bằng vỏ bom napal do anh em quản giáo dạy Uat làm.
Mặc dù phía phái đoàn Hoa Kỳ không cho mang vật này lên trực thăng, nhưng anh ta cương quyết giữ vật kỷ niệm như một báu vật, để nhớ về một cuộc chiến tranh đi xâm lược.
Nhớ về 3 năm sống bên những cán bộ quản giáo Trại giam Việt Nam đã đối xử nhân đạo và tìm mọi cách bảo vệ tính mạng y được an toàn.
(Viết theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Khón (Tư Đen)-nguyên cán bộ Trung đoàn 3, Quân khu 9, người trực tiếp tham gia bắt hai phi công Mỹ, quê quán ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Bài, ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin