Những năm gần đây, phim remake (phim sử dụng kịch bản của một phim đã ra đời trước đó làm nguồn chất liệu chính) bùng nổ ở mảng điện ảnh và cả truyền hình tại Việt Nam. Trong thời điểm "khát" những kịch bản chất lượng, phim remake tiếp thu những điều hay, đáp ứng thị hiếu của khán giả.
Năm 2018, điện ảnh Hàn Quốc remake phim của Italy với tên gọi “Intimate Strangers”. Bản remake của Việt Nam- “Tiệc trăng máu” cháy vé với doanh thu trăm tỷ. |
Những năm gần đây, phim remake (phim sử dụng kịch bản của một phim đã ra đời trước đó làm nguồn chất liệu chính) bùng nổ ở mảng điện ảnh và cả truyền hình tại Việt Nam. Trong thời điểm “khát” những kịch bản chất lượng, phim remake tiếp thu những điều hay, đáp ứng thị hiếu của khán giả.
Trong những bộ phim “làm mưa làm gió” điện ảnh Việt thời gian qua, không thể phủ nhận vai trò của phim remake. Phim truyền hình có thể kể đến: “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Gia đình là số 1”, “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Cây táo nở hoa”…
Với lĩnh vực điện ảnh, dòng phim remake cũng góp mặt hàng loạt “bom tấn” như: “Tèo em”, “Em là bà nội của anh”, “Ông ngoại tuổi 30”, “Tháng năm rực rỡ”…
Nhiều bộ phim được khán giả yêu thích đều làm lại từ kịch bản nước ngoài, như “Nhà trọ Balanha” lọt top phim Việt hay nhất, “Hương vị tình thân” đã khiến người xem “đứng ngồi không yên” đón chờ lên sóng phần 2. Phim “Tiệc trăng máu” thu về 175 tỷ, lọt top những phim Việt hiếm hoi có doanh thu trăm tỷ.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Phim remake: Từ mô phỏng đến sáng tạo” do Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh tổ chức, TS. lý luận điện ảnh Đào Lê Na cho rằng, phim remake là một bộ phận của phim ảnh tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc... người ta vẫn lựa chọn làm phim remake rất nhiều. Ở Việt Nam, nhiều bản remake còn có sức hút vượt hẳn bản gốc.
Đơn cử như “Em là bà nội của anh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được người Hàn khen trội hơn nguyên tác.
Khi ra mắt ở Nhật Bản, khán giả Nhật rất thích thú và phát hành hẳn đĩa riêng dành cho “Em là bà nội của anh” dù Nhật Bản cũng có bản remake phim “Miss Granny” của Hàn Quốc. Càng đáng mừng hơn nữa khi một bộ phim được thu băng đĩa là khá hiếm hoi với nền điện ảnh Nhật.
Phim remake thường sử dụng hẳn cả cốt truyện và nhân vật của bộ phim đã ra đời trước đó nhưng người làm phim sẽ khéo léo thay đổi một số tình tiết và cách thể hiện của phiên bản cũ, biến câu chuyện, văn hóa trong bản gốc trở nên thuần Việt, gần gũi, chân thật, phù hợp với thời đại.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể, anh cùng đoàn làm phim phải nghiên cứu về các phong cách sống lẫn sinh hoạt của người cao tuổi tại Việt Nam để hợp với nhân vật trong phim “Em là bà nội của anh”.
Hay đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng từng mất nhiều thời gian để chọn bối cảnh lịch sử của Việt Nam để ứng với bản gốc của bộ phim “Tháng năm rực rỡ”.
Trước áp lực phim remake chỉ “ăn theo”, “thiếu sáng tạo”, khó đi xa khỏi quốc gia, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng một số phim làm lại của Hàn Quốc, Hollywood đến với khán giả Việt và các nước khác, qua đó chứng minh các phim loại này vẫn có thể đi xa nếu được làm hay.
Giải Oscar và các giải thưởng điện ảnh trong nước đều có hạng mục vinh danh phim remake như một sự ghi nhận xứng đáng cho những người theo đuổi thể loại này.
Minh chứng như phim “The Departed” (Điệp vụ Boston) được viết dựa trên kịch bản phim “Vô gian đạo” của điện ảnh Hong Kong đã thu về gần 300 triệu đô la trên phạm vi toàn cầu.
Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 79, phim đã chiến thắng 4 đề cử, đem lại cho Martin Scorsese giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất và đặc biệt được vinh danh ở hạng mục Phim hay nhất.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả, điều quan trọng nhất là tạo nên một tác phẩm chất lượng, chạm được vào cảm xúc của họ. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định, một phim hay là do chính người thực hiện chứ không phải vì nó là phim remake, phim chuyển thể, phim kịch bản gốc.
Nhiều khán giả khi đến rạp sẽ không quan tâm đó là một phim làm lại, mà chỉ đơn thuần vì cảm xúc, cảm thấy phim phù hợp với mình.
“Thị trường điện ảnh ngày càng phát triển và mở rộng thì cần đến những hướng làm phim khác nhau để phục vụ nhiều đối tượng hơn. Remake phim Việt sẽ là hướng đi tất yếu trong tương lai.
Trước đây, việc remake phim Việt Nam rất khó vì khâu tìm nguồn để trả bản quyền cho tác phẩm cũ rất khó khăn. Bây giờ thì đã có những đơn vị, đại diện để trả bản quyền.
Điều đó giúp mở cánh cửa cho những người có nhu cầu remake phim nội và tạo cơ hội tận thu cho tác phẩm gốc”- đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến xoay quanh chủ đề phim remake, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiết lộ hiện anh đang chuẩn bị remake bộ phim truyền hình đình đám “Đất phương Nam” bằng phiên bản điện ảnh.
Phim điện ảnh “Nụ hôn thần chết” của anh ra mắt năm 2008 cũng đã có nhà sản xuất chọn lựa để remake sang một phiên bản khác hiện đại hơn.
Còn “Thằng Bờm” và “Số đỏ” là tác phẩm mà đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sẽ dành tâm huyết thể hiện lại trong thời gian tới.
Trong thời điểm dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực nghệ thuật nói chung, phim remake cũng là phương án hay cho những tháng ngày điện ảnh Việt thiếu kịch bản.
Tuy nhiên, giới chuyên môn mà cả người xem vẫn luôn chờ đợi và kỳ vọng vào những biên kịch Việt Nam tài năng làm nên những sáng tạo mới thuần Việt.
Đến một ngày đạt được như ước mơ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Nếu Việt Nam có kịch bản hay thì các bộ phim Việt sẽ được chính các nhà làm phim nước ngoài remake lại”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin