Biểu tượng anh hùng

07:12, 18/12/2021

Sau ngày giải phóng, một trong những vấn đề được lãnh đạo quan tâm là xây dựng nghĩa trang tỉnh, quy tập lại mồ mả liệt sĩ, lập danh sách người có công, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Ý tưởng từ bà mẹ hy sinh lớn lao

Sau ngày giải phóng, một trong những vấn đề được lãnh đạo quan tâm là xây dựng nghĩa trang tỉnh, quy tập lại mồ mả liệt sĩ, lập danh sách người có công, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Một số tỉnh đã làm rất sớm công tác quy tập mồ mả khang trang. Ngay trung tâm nghĩa trang xây tháp bút kiểu biểu tượng cổ truyền hình trụ cao, trên có ghi dòng chữ “Tổ quốc ghi công”; dưới có đỉnh trầm hương, ngày lễ, ngày kỷ niệm cán bộ, chiến sĩ, các đoàn thể và đồng bào đến mặc niệm nhớ ơn.

Tỉnh ta lúc ấy không ít tác giả khi phác thảo đều muốn tìm nét mới, khắc họa đặc điểm nổi bật của quê hương. Nhưng tìm cái mới, hình tượng mới không ra.

Trong khi đó thì yêu cầu thúc bách phải thông qua biểu tượng sớm để xây dựng. Có ý kiến phải phát động làm nhiều mô hình để tuyển chọn, không xây kiểu cổ xưa mỗi nơi giông giống nhau không hấp dẫn.

Họa sĩ Lê Phúc (1944- 2005) quê quán xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm là một họa sĩ sớm tham gia kháng chiến. Sau ngày 30/4/1975, công tác ở Ty Văn hóa thông tin đã ngày đêm cặm cụi trong gian phòng nhỏ sáng tác.

Giờ rảnh thì đồng chí đi thực tế tiếp xúc nhiều tầng lớp, nhiều giới, trăn trở trao đổi nên sáng tác biểu tượng gì mang dáng vóc 2 cuộc kháng chiến và sự hy sinh của nhân dân ta quá lớn lao.

Người hy sinh cả tài sản, người hy sinh cả gia đình: chồng, con, em, kể cả bản thân. Có biết bao gia đình nhiều lần tiễn đưa mà không có ngày trở lại. Không có sự mất mát, đau thương và lòng tự hào sánh bằng 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta.

Đồng chí Lê Phúc- Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn hóa thông tin (thuộc Sở Văn hóa Thông tin) đã dày công tìm hiểu đối tượng cụ thể cho sáng tác của mình.

Thế là dĩa màu, nét cọ cộng với nỗi ưu tư trăn trở, đồng chí Lê Phúc đã phát thảo bà mẹ tiêu biểu mà nhiều cán bộ, chiến sĩ huyện Tam Bình nhắc đến đều xúc động rơi nước mắt. Đó là Mẹ Nguyễn Thị Ngọt có chồng và 6 con hy sinh. Một sự hy sinh quá lớn lao!(1)

Phác thảo lúc đầu thông qua có nhiều ý kiến phân tán giữa truyền thống và cái mới xuất hiện không phải được chấp nhận dễ dàng, vả lại những năm 1980 chuẩn bị cho 10 năm giải phóng cận kề nhưng lúc đó chưa có phong trào tuyên dương tri ân bà mẹ Việt Nam anh hùng nên có nhiều ý kiến khác nhau.

Không nản lòng! Sở Văn hóa Thông tin, Hội Văn học Nghệ thuật cùng tác giả Lê Phúc kiên trì đắp mô hình bằng đất sét, tổ chức triển lãm trước sân Bảo tàng tỉnh giới thiệu rộng rãi để công chúng góp ý. Bức tượng bà mẹ từng bước có sự hấp dẫn thuyết phục.

Năm 1983, mô hình được thông qua nhưng tên gọi lúc đó là “Biểu tượng Bà mẹ đồng bằng” (tiễn con lên đường kháng chiến).

Thật tình xem gương mặt, dáng vóc Mẹ Nguyễn Thị Ngọt và hình dáng bức tượng như khuôn đúc. Ý tưởng thai nghén từ bà mẹ đồng bằng mà cụ thể là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt trải qua quá trình hiểu biết và tôn vinh như thế đó!(2)

Hồi đó coi như tỉnh ta phá cách, dư luận nhiều chiều, nhưng sự đồng tình là số đông. Từ đó có một thành phố đã thông qua xong một biểu tượng đề cao thành phố tri thức mô hình “bàn tay và ngòi bút” đã được thông qua, sau đó đổi lại biểu tượng “Bà mẹ dũng cảm đấu tranh” có ý nghĩa thực tế hơn và được tiến hành xây dựng.

Một họa sĩ năng động, sáng tạo

Là một họa sĩ trẻ có biệt tài vẽ tranh đả kích vạch trần bản chất nhu nhược của bọn Mỹ, ngụy, quân đông, trang bị vũ khí tận răng mà không mạnh; vẽ tranh ca ngợi sự chiến đấu dũng cảm của bộ đội, du kích ta được tạp chí văn nghệ, báo chí tỉnh sử dụng, đồng bào ngưỡng mộ.

Được rút về Quân khu 9, bồi dưỡng nghiệp vụ Lê Phúc được phân công đi thực tế phong trào miền Tây sáng tác. Nổi tiếng là bức phù điêu xây dựng bằng cây tre, rơm, đất sét cổ vũ phong trào 3 mũi giáp công thắng lợi của quân dân Cà Mau tại kinh ông Đơn.

Bức phù điêu tại ngã tư nhỏ xã Hiếu Thành (Vũng Liêm) ca ngợi chiến công diệt đồn Thầy Phó (Trà Ôn) xuân Mậu Thân 1968. Lê Phúc được đồng bào mến mộ gọi là họa sĩ nhạy bén với tình hình dùng “cây nhà lá vườn” cổ vũ tinh thần kháng chiến.

Sau giải phóng, đi đâu ông cũng bàn bạc say sưa với sáng tác để góp phần xây dựng quê hương.

Tác phẩm “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ý tưởng từ Mẹ Nguyễn Thị Ngọt được ra đời xuất phát từ hoàn cảnh đó.

Năm 2003, dự trại sáng tác quốc tế tại An Giang, bức tượng đá “Dấu chân mở cõi Phương Nam” ý tưởng từ Nguyễn Văn Thoại (1761- 1829) khai hoang lập ấp cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX được đánh giá cao, được chọn trưng bày ở Công viên quần tượng đá TP Châu Đốc.

Là học trò của danh họa Huỳnh Phương Đông và Thái Hà, lúc còn sinh tiền, họa sĩ Lê Phúc phấn khởi bày tỏ: Biểu tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng là sự thật của ước mơ, được chọn xây dựng quy mô hoành tráng để đời là niềm hạnh phúc lớn của bản thân tôi!

(1) Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt (1910- 1997) quê Tam Bình. Chủ tịch nước quyết định phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất ngày 17/12/1994.

(2) Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long rộng 10,5ha, tổng số 2.600 mộ tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, hoàn thành 1987. Tượng đài cao 30m.

NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh