Giải trí trực tuyến lên ngôi

12:10, 10/10/2021

Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, các đơn vị sản xuất, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nỗ lực đầu tư nhiều sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến. Ứng dụng công nghệ với những cách làm sáng tạo, nhanh gọn, chương trình giải trí trực tuyến "lên ngôi".

 

 

Chương trình “Vợ tôi là số 1” của Ðài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long giao lưu trực tuyến với người chơi.
Chương trình “Vợ tôi là số 1” của Ðài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long giao lưu trực tuyến với người chơi.

Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, các đơn vị sản xuất, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nỗ lực đầu tư nhiều sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến. Ứng dụng công nghệ với những cách làm sáng tạo, nhanh gọn, chương trình giải trí trực tuyến “lên ngôi”.

Tăng tương tác từ “công nghệ số”

Trước đây những bộ phim được Nhà nước đặt hàng sản xuất thường đưa đi tranh giải và nếu chiếu cho công chúng xem cũng chỉ hạn chế ở vài nơi. Tuy nhiên, giờ đây công chúng đã có địa chỉ mới để thưởng thức miễn phí những bộ phim này. Theo đó, 9 bộ phim đầu tiên nằm trong kế hoạch thử nghiệm đưa các bộ phim Nhà nước đặt hàng sản xuất suốt thời gian qua đã có mặt trên kênh Youtube Viện phim Việt Nam.

Bộ phim “Dòng sông hoa trắng”, “Mặt trận không tiếng súng”… có tuổi đời 20- 30 năm. Có bộ phim được sản xuất vài năm trở lại đây như “Đừng đốt”, “Cuộc đời của Yến”.... Dưới mục bình luận, khán giả có những phản hồi tích cực, bày tỏ sự đồng cảm: “Toàn những diễn viên gạo cội và những bộ phim mình nghe suốt từ thời còn học cấp 1 nhưng giờ mới có cơ hội được xem”; “Chúng ta có kênh phim này rất hay. Công chúng được xem phim chất lượng về nội dung và hình thức. Lớp trẻ cũng hiểu lịch sử hơn qua những thước phim có giá trị lịch sử như thế này”…  Việc đổi mới tư duy tiếp cận khán giả thông qua việc đưa nhiều bộ phim kinh điển lên Youtube giúp khán giả dễ dàng tìm thấy và yêu thích hơn những bộ phim của nước nhà. Khán giả Hà Quang Minh nói: “Hoan hô Viện phim đã đăng tải các phim Việt Nam lên Youtube. Mong có nhiều phim hơn”.

Vừa qua, Kênh HTV9 và VTV1 truyền hình trực tiếp chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến đặc biệt “Nối vòng tay lớn” đã gây xúc động và mang đến “bữa tiệc” âm nhạc phục vụ khán giả trong những ngày giãn cách phòng chống dịch. Không sân khấu, không khán giả, người dẫn chương trình đứng ở hàng ghế khán giả của Nhà hát TP Hồ Chí Minh dẫn dắt người xem đến với từng tiết mục kết nối trực tuyến đầy cảm xúc. Những nghệ sĩ tên tuổi như: Thanh Lam, Tạ Minh Tâm, Tùng Dương, gia đình Cẩm Vân- Khắc Triệu, Thanh Ngân, Lê Tứ... đều bày tỏ sự xúc động khi “Nối vòng tay lớn”, dù không được gặp mặt nhau.

Em Nguyễn Lê Ngọc Hân (sinh viên khoa Kiến trúc Trường ĐH Xây dựng Miền Tây) thì thích thú theo dõi triển lãm online “Sắc màu bình yên” do Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức. “Ở nhà nhưng không nhàm chán chút nào vì có những tiện ích quá thú vị. Lần đầu tiên em được trải nghiệm quét mã QR, thông qua camera điện thoại, tác phẩm điêu khắc xuất hiện ngay trên bàn làm việc, thật quá tuyệt vời!”- Ngọc Hân chia sẻ.

Luôn đổi mới để thích nghi

Thiếu nhi là đối tượng khán giả được các kênh truyền hình đặc biệt quan tâm. Trong những tháng giãn cách chống dịch, Truyền hình FPT đã đẩy mạnh nội dung cho trẻ em với 2.500 tập phim mới được cập nhật, tương ứng với khoảng 350 giờ xem. Trước đó, vào tháng 6, đơn vị này cũng đã giới thiệu đến các khán giả nhỏ chương trình tương tác học tập âm nhạc mới nhất có tên “My Band” nhằm hỗ trợ các bạn nhỏ tập luyện nhạc cụ và có thể tham gia vào một band nhạc ngay tại nhà.

Ðài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long nhạy bén thích nghi trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều chương trình được tổ chức trực tuyến, nghệ sĩ, người chơi gameshow ở nhà giao lưu qua cuộc gọi video với người dẫn chương trình. Nhà báo Nguyễn Thiện Thư- Trưởng Phòng Sản xuất chương trình (Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long) cho biết, thời điểm giãn cách xã hội, khó mà mời nghệ sĩ, diễn viên quy tụ lại trong cùng thời điểm để ghi hình. Đặc biệt như chương trình “Vợ tôi là số 1”, người chơi ở nhiều tỉnh thành khác nhau cũng không thể nào đến Vĩnh Long. Những người làm chương trình linh hoạt quay theo kiểu có phần mềm kết nối gặp gỡ trò chuyện, giao lưu, những nghệ sĩ song ca trực tuyến. “Sắp tới chúng tôi sẽ cho quay mới chương trình “Vợ tôi là số 1”, điều chỉnh những vòng thi cho phù hợp với dạng giao lưu online”.

Sự chân thật, tự nhiên chính là yếu tố thu hút của những chương trình trực tuyến. “Tỷ lệ người xem những chương trình gameshow ở khu vực ĐBSCL vẫn duy trì như trước khi dịch bệnh bùng phát. Như “Vợ tôi là số 1” duy trì ở mức 3- 4%, nghĩa là có 100 người đang xem thì có 30- 40 người xem gameshow của đài”- Nhà báo Nguyễn Thiện Thư chia sẻ.

Thời gian vừa qua có thể xem là khoảng lặng của ngành giải trí khi sân khấu không sáng đèn, rạp chiếu phim đóng cửa… Nhưng đây cũng là khoảng thời gian quý báu để những người làm nghề sáng tạo được tái tạo năng lượng, tìm kiếm cảm hứng, thai nghén ý tưởng để hẹn một ngày không xa ngành giải trí sẽ quay trở lại. Việc ứng dụng công nghệ số để sản xuất chương trình đã chứng minh hiệu quả. Giải trí trực tuyến đang lên ngôi và trở thành một trong những món ăn tinh thần thiết yếu. Dù đã có mặt nhiều năm nay nhưng giữa đại dịch mới thấy giải trí trực tuyến có sức hút mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh