Chiếc quai nón

10:09, 19/09/2021

Từ sáng sớm ngày hôm sau, cô con gái của bà chủ nhà là Út Hồng phải mất hơn nửa ngày đi xe lôi máy và cả đi bộ mới tìm được nhà của Ba Hà ở cách nhà cô đến hai xã.

(Phần tiếp theo và hết)

[links()]

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

(VLO) Từ sáng sớm ngày hôm sau, cô con gái của bà chủ nhà là Út Hồng phải mất hơn nửa ngày đi xe lôi máy và cả đi bộ mới tìm được nhà của Ba Hà ở cách nhà cô đến hai xã.

Phải là một cô gái thông minh, Út Hồng mới hoàn thành nhiệm vụ “đi đám giỗ nhà bà cô thay má” sau khi được Ba Hà hướng dẫn thật tỉ mỉ một “kịch bản đi đường” và cho cô biết một số đặc điểm riêng của gia đình cùng con đường ngắn nhất đến nhà báo tin cho mẹ của anh mà không mang theo bức thư nào của anh để đề phòng có vật chứng có thể làm liên lụy đến cô và gia đình.

Phải đợi đến đêm sau rồi đêm sau nữa, một toán du kích theo lời chỉ dẫn của Út Hồng lúc đến nhà gặp mẹ Ba Hà mới tìm được nhà của cô để rước anh.

Cuộc chia tay vui vẻ của hai bên diễn ra ngay sau đó, không hiểu bà chủ nhà chuẩn bị từ lúc nào mà nhà có rất nhiều bánh cho cả nhóm mang theo lót dạ.

Lúc anh sắp bước ra khỏi nhà, được bà già dúi vào tay túm thuốc dùng cho vết thương thì cái miệng đang cười của một người vốn cứng rắn như Ba Hà bỗng dưng phải mím lại, nước mắt trào ra.

Rồi khi Út Hồng mở cái quay nón bằng vải hoa ở chiếc nón lá của mình tận tay thay sợi dây treo cánh tay bị thương của Ba Hà và nói rằng để cho anh đỡ đau khi đi đường, cái cảm giác bàn tay ấm áp chạm nhẹ vào cổ và mùi con gái của cô đã khiến Ba Hà nghe lòng mình như tan chảy. Anh nghĩ có lẽ từ giây phút đó mình sẽ luôn nhớ về người con gái này…

Không phải đợi lâu, các lo lắng của Ba Hà về sự cố Năm Đô đã có lời giải: Xế chiều hôm đó khi mâm cúng hậu thường của đám giỗ nhà Ba Lé cháy vừa tàn cây nhang thì trưởng đồn Cống Số Một dẫn một toán lính ngang nhà.

Vợ chồng Ba Lé từ lâu vốn muốn kết thân với tay trưởng đồn nên kéo cả nhóm vào nhà rồi hối thúc người nhà dọn các món đồ cúng trên bàn thờ xuống để gầy bàn nhậu.

Vì mãi vồn vã tiếp rượu với trưởng đồn và toán lính mà họ để xảy ra một cái quên chết người là không tắt ngọn đèn dầu của mâm cúng còn đang cháy trên bàn thờ. “Chết người” ở chỗ đó là “ngọn đèn ám hiệu báo tịnh” chỉ có Năm Đô biết- tức là khi nó cháy sáng trên bàn thờ là không có địch.

Có lẽ vì tin như vậy nên khi chạm bọn lính đồn, Năm Đô không kịp bắn trả... Để xác minh cái “quên” này, dù vết thương chưa lành hẳn, Ba Hà đã về xã và trực tiếp gặp Ba Lé. Lần đó, anh ta rầu rầu nhận hết sai sót và hứa sẵn sàng chịu bất cứ sự trừng phạt nào.

Bằng sự nhạy cảm của một người có thời gian dài chiến đấu ở lực lượng du kích, việc Ba Lé không tìm cách lánh mặt người của xã sau sự cố đó kết hợp với nhận xét cho là “ăn may” của người lính kể về cái chết của Năm Đô mà Ba Hà nghe được ở nhà Út Hồng cùng với những nhận định của riêng mình về các lý lẽ có thể chấp nhận được quanh “cái quên” mà vợ chồng Ba Lé mắc phải, Ba Hà tin rằng tất cả chỉ là một sự cố. Vợ chồng Ba Lé không phản bội nên anh đã đứng ra bảo lãnh cho họ trước chi ủy.

Người xưa hay nói “họa vô đơn chí”, nhưng câu nói đó hoàn toàn không đúng với Ba Hà. Sau lần mắc sai sót suýt hại thân, Ba Lé đã thực hiện rất tốt nhiều việc mà Ba Hà giao.

“Mối liên hệ đặc biệt” của anh này không những phát triển trong đội phòng vệ do anh chỉ huy mà có cả người ngoài ấp, trong đó có một số thanh niên trốn đi lính cho địch nhưng sau đó chính họ lại là nguồn bổ sung cho đội du kích mật và tập trung của xã.

Từ một điểm ban đầu dựa vào hầm bí mật được người tại chỗ bảo vệ giúp cán bộ xã có thể bám trụ lại xã ban ngày, Xã ủy và Ba Hà có kinh nghiệm xây dựng một số điểm tương tự ở các ấp khác.

Sau những thắng lợi của lực lượng ta trong “mùa hè rực lửa” năm 1972 ở toàn miền Nam, tình hình tại xã đã có những biến chuyển tốt mà bắt đầu bằng một việc phải ghi công vợ chồng Ba Lé: được phép của chi ủy và có “đạo diễn” Ba Hà bên cạnh, qua mối thân tình với trưởng đồn Cống Số Một, vợ chồng họ dần dần thuyết phục được tay trưởng đồn có những thỏa hiệp ngầm với đội du kích xã là không tiến công nhau.

Từ đó, dưới con mắt của bọn tề xã, đây là ấp an ninh nhất vùng. Lợi dụng sự chủ quan của địch khi qua ấp này, tương kế tựu kế du kích xã phối hợp với một đại đội địa phương quân huyện đã có trận phục kích gần như xóa sổ trung đội dân vệ của đồn trung tâm, thu gần hết hỏa lực của địch tại xã, có cả một súng cối 60 ly. 

Tên trung úy Phân Chi khu trưởng thoát chết nhưng theo cách nói đùa của anh em du kích là hắn “nuôi hết lớn”.

Sau trận đánh này, lính đồn Cống Số Một chỉ ra khỏi đồn để về xã lãnh lương, các đồn gần đó cũng có hiện tượng co cụm.

Khi Hiệp định Paris được ký kết, từ giữa năm 1973, xã bắt đầu khôi phục được các lõm căn cứ trên địa bàn, nhưng đổi lại Ba Lé không còn giữ được thế hợp pháp với địch.

Anh được Chi bộ xã tin tưởng phân công làm Xã đội phó. Còn Ba Hà cũng được điều về huyện nhận nhiệm vụ Huyện đội trưởng thay cho người tiền nhiệm được rút về Tỉnh đội.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Ba Hà được rút về huyện, mối liên lạc giữa anh và gia đình Út Hồng có một bước thay đổi lớn khi họ bất ngờ phải tiếp một người khách lạ vào một buổi sáng. Đó là một phụ nữ có vẻ mặt phúc hậu.

Mở đầu câu chuyện, chị ấy trao cho bà chủ nhà một giỏ quà phía trên là những xấp trầu vàng tươi rói và mấy nhánh cau hòn trái to tròn đang vào độ ngon nhất, đặc biệt là dưới các món quà chứng tỏ người biếu hiểu rất rõ bà chủ nhà còn có một chiếc áo sơ mi trắng dài tay của đàn ông mà mới nhìn qua sắc mặt của bà ấy thay đổi ngay, bởi bà đã biết vị khách ấy từ đâu đến.

Sau nhiều lần vị khách này đến thăm nhà Út Hồng, tết năm đó đã có một cuộc gặp bí mật giữa Ba Hà và trưởng đồn dân vệ con của bà chủ nhà. Sau đó là một con đường giao liên rất thuận lợi của tỉnh nhà với tỉnh bạn từ lâu bị tắc do cái đồn của trưởng đồn này án ngữ đã dần nối lại được...

***

Mới giữa tháng 4/1975 mà xóm nhà Út Hồng tin vui đến dồn dập, Đài Giải Phóng loan tin quân ta tiến như chẻ tre khắp các mặt trận. Còn ở xã nhà, cái đồn dân vệ ở đầu ấp do anh Hai cô làm trưởng đồn bây giờ chỉ còn là một đống đất hoang tàn.

Bên cạnh đó, cái cầu sắt trên con lộ đá liên huyện mà nó có nhiệm vụ bảo vệ đã bị mìn đánh sập. Bà con còn kháo với nhau rằng bộ đội chủ lực của khu đã về rất đông ở các xã bên cạnh. Họ đã áp sát Quốc lộ 4, có vẻ như sẽ cắt đứt con đường huyết mạch của miền Tây này khi nào có lệnh.

Trưởng đồn tên Hai là anh cả của Út Hồng bây giờ đã lộ rõ chân tướng và đang là một tiểu đội trưởng du kích xã hàng ngày gần như chẳng còn thời gian để về thăm nhà vì bận công tác tối mặt.

Hôm ấy, mới sáng sớm mẹ Út Hồng đã bảo cô bắt một con vịt xiêm chuẩn bị nhà có khách. Thì ra có một đơn vị địa phương quân huyện vừa về xã đêm qua. Không cần hỏi, mẹ cô cũng đoán ra người khách ấy là ai.

Gần trưa đang ngồi canh nồi cháo vịt, Út Hồng bỗng nghe tim mình rộn lên theo tiếng bước chân của những người khách sắp bước vào nhà.

Đúng như mẹ cô đã đoán, Huyện đội trưởng Ba Hà với nụ cười rạng rỡ cùng với một vài chiến sĩ của anh hiện ra ở cửa. Đón khách vào nhà, nét vui mừng của bà chủ nhà hiện rõ trên gương mặt. Bà nói như ra lệnh:

- Bây về đây rồi thì ở đây ăn cơm với tao nghe chưa!

Ba Hà cười xòa:

- Má ơi, má còn tốn cơm nhiều ngày với tụi con nữa đó.

Nói xong, anh lẹ làng mở ba lô lấy ra một xấp trầu tươi được gói cẩn thận bằng lá chuối khô cùng mấy quả cau trao tận tay cho bà chủ nhà:

- Má ăn lấy thảo, mấy trái cau này tự con leo hái đó!

Trong lúc vui mừng vì hiếm khi có dịp gặp lại ân nhân của mình, Ba Hà gần như chưa kịp để ý còn một ân nhân bé nhỏ nữa đang nhìn anh từ chái bếp.

Má của cô đỏ ửng không biết vì lửa bếp hay vì tiếng xưng hô “má- con” của khách với má của mình, dù cô cũng biết các anh giải phóng quân đã quen xưng hô với các bà mẹ chiến sĩ như thế!

Có một việc mà Ba Hà nghĩ không ai thấy nhưng đã không qua được mắt của Út Hồng là khi vội vàng lấy quà từ ba lô ra để biếu mẹ của cô, anh đã làm rơi ra một vật được gói gọn trong một túi ny lông trắng.

Tuy Ba Hà đã nhanh tay dúi túi ấy vào ba lô nhưng qua màu sắc, nhất là các hình hoa trên nền vải lụa đã giúp Út Hồng kịp nhận ra đó là cái quai nón lá thân quen mà cô đã dùng để treo cánh tay bị thương của anh ngày ấy.

Chuyện xảy ra đã quá lâu mà cái quai nón đó vì sao cứ luôn được giấu kỹ trong ba lô của người chiến sĩ ấy trong suốt quãng đường chiến đấu đầy máu lửa. Ý nghĩ ấy bất giác làm cô gái phải lấy tay đè mạnh lên ngực mình nơi con tim đang rộn lên niềm vui chưa biết gọi tên là gì…

HỒNG ĐÀO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh