Vùng Tây Nam Bộ được hình thành bởi sự bồi đắp phù sa của sông Cửu Long, với diện tích gần 4 triệu héc ta. Tây Nam Bộ là đồng bằng châu thổ phì nhiêu và rộng lớn nhất nước ta.
(VLO) Vùng Tây Nam Bộ được hình thành bởi sự bồi đắp phù sa của sông Cửu Long, với diện tích gần 4 triệu héc ta. Tây Nam Bộ là đồng bằng châu thổ phì nhiêu và rộng lớn nhất nước ta.
Đây cũng là một trong những đồng bằng châu thổ rộng và màu mỡ ở Đông Nam Á và là một trong những châu thổ lớn nhất trên thế giới.
Về cơ bản, nông thôn Tây Nam Bộ cũng được tổ chức thành làng như Bắc Bộ nên nó vẫn mang tính đặc trưng của làng xã nông thôn Việt Nam. Đó là tính bán tự trị, bán tự cấp tự túc.
Nhưng do điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, đặc điểm kinh tế mà nông thôn Nam Bộ có những khác biệt hết sức cơ bản so với nông thôn Bắc Bộ. Một trong những khác biệt đó là tính mở.
Hay nói cách khác, tính mở là một trong những nét đặc trưng của làng xã vùng Tây Nam Bộ, so với tính chất tương đối khép kín của làng xã cổ truyền ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là do môi trường tự nhiên, đặc điểm văn hóa- xã hội và tính chất của nền kinh tế ở vùng Tây Nam Bộ có những khác biệt cơ bản so với vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Về tự nhiên, làng xã vùng Tây Nam Bộ được thiết lập trên một vùng đất mang tính mở tự nhiên. Đó là nhờ nơi đây có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Trong đó, “sông Mekong nối liền một cách thông thoáng Việt Nam với Campuchia, Lào và Thái Lan- những quốc gia nằm trên vùng hạ lưu và trung lưu rộng lớn của con sông lớn nhất lục địa Đông Nam Á.
ĐBSCL tiếp giáp biển với tính cách là vùng đáy châu thổ, nhưng biển lại bao quanh cả 3 mặt Đông, Nam, Tây Nam, tạo cho miền cực Nam của nước Việt có tư thế một cửa ngõ, một đầu cầu có khoảng cách ngắn nhất với các vùng bán đảo và hải đảo của các nước lân bang Đông Nam Á.
Do sự tác động lẫn nhau của các yếu tố thiên nhiên (khí hậu, sông rạch, biển, đất) tính cách mở gắn với tính cách động và đa dạng về sinh thái của vùng đất này.
Nó là phần tận cùng phía Đông Nam của lục địa Châu Á đã và đang còn tiếp tục quá trình kiến tạo địa hình theo hướng Tây Bắc- Đông Nam. [...] Tính cách động và đa dạng càng làm cho tính cách mở đậm nét”(1).
Về xã hội, Tây Nam Bộ là vùng chuyển đến của cư dân từ nhiều địa phương khác nhau và nhiều sắc tộc khác nhau. Ngoài cộng đồng người Khmer là cư dân tại chỗ và một phần di cư từ Chân Lạp xuống, vùng đất này còn đón nhận những lớp cư dân người Việt từ khu vực miền Trung đến sinh cơ lập nghiệp.
Bên cạnh cư dân người Việt, người Khmer, còn có cộng đồng người Chăm ở khu vực Nam Trung Bộ di chuyển vào đây sau khi quốc gia Chămpa tan rã, rồi lực lượng phản Thanh phục Minh của các di thần nhà Minh kéo đến vùng đất này sinh tị nạn.
Các cộng đồng dân cư trên mảnh đất Tây Nam Bộ này đã cùng nhau khai phá, xây dựng xóm làng, tạo dựng cuộc sống, từ đó mà hình thành nên những xóm ấp đầu tiên.
Tuy nhiên, nếu như trong quá trình định cư, khai phá, cuộc sống gặp nhiều bất ổn, đất đai khó khai phá, thu hoạch không đủ nhu cầu cuộc sống thì họ cũng sẵn sàng di chuyển đến làng khác sinh sống hoặc đến vùng khác để tiếp tục khai phá. Do đó, làng xã nơi đây vừa là nơi chuyển đến lại vừa là nơi chuyển đi của những người đi tìm lẽ sống mới.
Có thể nói, làng xã nơi đây “được hình thành trong quá trình khai phá, tập hợp cư dân từ nhiều địa phương khác nhau, từ nhiều dòng họ khác nhau. Họ hợp thành dân ấp, dân lân với nhau, nhưng sự cố kết họ hàng làng xã ở ĐBSCL lỏng lẻo hơn Đồng bằng sông Hồng”(2).
Cũng do vùng đất này là nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc nên nơi đây diễn ra sự giao lưu văn hóa rất mạnh. Từ cách thức làm ăn, phong tục tập quán cho đến ngôn ngữ... “Là vùng giao lưu kinh tế trong và ngoài nước, đồng bằng sông Cửu Long là nơi du nhập nhiều luồng văn hóa, văn minh.
Trên cùng một đồng bằng nhiều tôn giáo, ở nhiều làng xã, ngoài đạo thờ cúng tổ tiên, cư dân còn tiếp nhận nhiều tôn giáo khác biệt nhau nhưng không loại trừ nhau: Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo cùng với nhiều tôn giáo địa phương Cao Đài, Hòa Hảo...”(3) Cũng vậy, “Chiếc phảng, chiếc nóp, cái cà ràng vốn của người Khmer đã được người Việt cải tiến thành những dụng cụ quen thuộc và thích dụng hơn cho người làm nông ở ĐBSCL.
Chiếc áo bà ba vốn có của người Việt đã trở nên phổ biến đối với nhiều dân tộc ít người. Ngôi nhà sàn là kiểu cư trú truyền thống của người Khmer, nhưng người Việt ở Năm Căn, Đồng Tháp, Sóc Trăng, người Chăm ở Châu Đốc cũng sử dụng.[...] Ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... cả người Việt, người Hoa, người Khmer đều ăn Tết Nguyên đán và Tết Chol Chnam Thmay.
Truyện Thạch Sanh- Lý Thông của người Việt và truyện Chao Sanh- Chao Thông của người Khmer; chuyện Tấm Cám của người Việt và chuyện Niêng Môrơnắc Mêđa của người Khmer đều có cùng một nội dung.
Những nhân vật Đơn Hùng Tín, La Thông, Tiết Nhơn Quý, Phàn Lê Huê trong các tuồng Tàu, truyện Tàu cũng là những nhân vật quen thuộc trong các tuồng cải lương, nói thơ Nam Bộ”(4).
Về kinh tế, do đặc điểm về tự nhiên và xã hội mà từ lâu vùng Tây Nam Bộ đã có sự giao lưu về kinh tế. Nét nổi bật nhất là sự thông thương buôn bán trong vùng và giữa vùng với trong nước, ngoài nước.
Từ xưa, nơi đây đã sớm hình thành những thị tứ, những thương cảng như Mỹ Tho, Bãi Xàu, Hà Tiên. Đồng thời, Tây Nam Bộ cũng là nơi sớm phát triển nền kinh tế hàng hóa, với nhiều mặt hàng nông- lâm- thủy sản vô cùng phong phú, như: “lúa, gạo, cau, đường phèn, đường phổi, đường cát, sắt, đá ong, muối, hạt tiêu, hạt sen, ngà voi, sừng tê, đậu khấu, sa nhân, gạc nai, tô mộc, sáp ong, yến sào, hải sâm, đồi mồi, huyền phách, vây cá, bóng cá, thịt voi, gân nai, da tê giác, da ngựa núi, da rái cá, da nai, da trâu, da rắn, lông chim trả, cánh ngỗng biển, quạt lông, diêm tiêu các loại, tôm, cá, cua, sò, ốc, lươn, cá mực, ô mộc, các loại cây thuốc như kỳ nam, trầm hương, nhục quế và các mặt hàng vải vóc như lãnh, là, vải, lụa v.v...”(5).
Chính nền kinh tế hàng hóa này cùng với một thiên nhiên trù phú, đa dạng và mênh mông sau hàng trăm năm khai phá đã tạo điều kiện cho cư dân đi lại buôn bán làm ăn, sinh cơ lập nghiệp, trao đổi hàng hóa, giao lưu buôn bán... làm cho vùng đất này trở thành một trong những vùng có nền kinh tế năng động và phát triển.
Như vậy, đặc điểm về tự nhiên, văn hóa- xã hội và kinh tế là nguyên nhân hình thành nên tính mở của văn hóa Tây Nam Bộ và chính tính mở này đã có những tác động đáng kể đến nhiều mặt của văn hóa vùng này.
TRẦN PHỎNG DIỀU
(1) Nguyễn Công Bình (1995), Làng xã Đồng bằng sông Cửu Long: Tính cách “mở” và xu thế phát triển, trong cuốn Làng xã ở Châu Á và ở Việt Nam, Nhiều tác giả, NXB TP Hồ Chí Minh, tr.75- 76.
(2) Nguyễn Công Bình, Sđd, tr.76.
(3) Nguyễn Công Bình, Sđd, tr.77.
(4) Thạch Phương- Hồ Lê- Huỳnh Lứa- Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, NXB KHXH, Hà Nội, tr.44.
(5) Dẫn theo Thạch Phương- Hồ Lê- Huỳnh Lứa- Nguyễn Quang Vinh, Sđd, tr.42.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin