"Khi dựng "Ranh giới", tôi không nhớ nổi bao nhiêu lần mình vừa dựng, vừa khóc. Nhất là khi tôi có chút thời gian rảnh rỗi, ngồi xem lại hình ảnh, nghe lại những đoạn hội thoại của các nhân vật… thì tôi lại chảy nước mắt và phải đứng dậy đi lại để xua tan đi cảm xúc đó", Tạ Quỳnh Tư bộc bạch với Dân Việt.
"Khi dựng “Ranh giới”, tôi không nhớ nổi bao nhiêu lần mình vừa dựng, vừa khóc. Nhất là khi tôi có chút thời gian rảnh rỗi, ngồi xem lại hình ảnh, nghe lại những đoạn hội thoại của các nhân vật… thì tôi lại chảy nước mắt và phải đứng dậy đi lại để xua tan đi cảm xúc đó", Tạ Quỳnh Tư bộc bạch với Dân Việt.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Ảnh: TL. |
Cho đến hôm nay, dư âm mà bộ phim tài liệu "Ranh giới" mang lại cho người xem vẫn còn rất rõ. Những cảm xúc mạnh mẽ vẫn khiến nhiều người mở phim ra xem đi, xem lại. Người ta không ngớt dành cho đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng quay phim Kiều Viết Phong những lời ngợi khen.
Và hơn cả là họ thấm thía hơn sự khốc liệt của "cuộc chiến" chống dịch ở vùng tâm dịch. Thấm thía hơn những vất vả, khóc nhọc, thiệt thòi, mất mát, hy sinh… mà đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu đang phải trải qua. Từ đó, để họ biết trân trọng hơn cuộc sống mình đang có và có sự sẻ chia hơn với ngành y.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã dành cho phóng viên Dân Việt một cuộc trò chuyện sau những thời khắc tên anh ngập tràn trên mặt báo, truyền hình và mạng xã hội. Tạ Quỳnh Tư gọi cuộc trò chuyện này là một "cuộc đối thoại với riêng mình" vì những điều anh chia sẻ là những điều anh chưa kể với bất kỳ ai.
Sau khi phim tài liệu “Ranh giới” tạo nên một cơn “chấn động tâm thức” trong cộng đồng, nhiều người đồ rằng, anh sẽ “ngộp thở” trong vô số cuộc gọi, tin nhắn, lời chúc, lời nhắn nhủ…?
- Thực ra, tôi cũng không đến nỗi “ngộp thở” trong “ma trận” lời chúc đâu (cười). Chỉ có điều, tôi không thể trả lời hết được những tin nhắn, cuộc gọi của mọi người nên cảm thấy hơi áy náy thôi.
Trong thâm tâm của tôi, khi thấy bộ phim của mình với ê-kíp đạt được hiệu ứng mạnh mẽ như thế thì rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì bộ phim đã ít nhiều lay động được nhân tâm và giúp mọi người nhìn nhận rõ hơn “cuộc chiến” khốc liệt trong vùng tâm dịch.
Hạnh phúc vì nhiều người đã có cái nhìn khác đi, cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu hơn với những vất vả, khó nhọc, mất mát, hy sinh mà các y bác sĩ tuyến đầu đang phải trải qua mỗi ngày. Hạnh phúc vì nhiều người đã thay đổi nhận thức và hành vi để nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình trong việc tuân thủ phòng dịch.
Qua bộ phim, chúng ta có thể thấy, mặc dù phải gồng mình chống dịch Covid-19 trong điều kiện vô cùng thiếu thốn nhưng các y bác sĩ tuyến đầu vẫn không chùn bước, không đầu hàng… Họ vẫn kiên cường bám trụ giữa ranh giới sống – chết để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ở đây, chúng ta không chỉ thấy có mỗi ranh giới sống – chết mà còn có cả ranh giới của sự tự tế, ranh giới của y đức, của sự yêu thương và lòng trắc ẩn.
Tự trung lại là phim đã đạt được hiệu quả tuyên truyền vượt xa tưởng tượng ban đầu. Điều này sẽ góp phần to lớn vào công cuộc tuyên truyền chống dịch của cả hệ thống chính trị, truyền thông và tiếp thêm động lực cho tôi cùng các cộng sự trong chặng đường làm nghề sắp tới.
Gia đình của anh, các nhân vật và các y bác sĩ trong phim đã nói gì với anh sau khi họ xem phim này?
- Tôi không có thông tin của các nhân vật mắc Covid-19 xuất hiện trong phim và chắc họ cũng không có thông tin của tôi nên không liên lạc. Tuy nhiên, các nhân vật trong phim sắp phát sóng là “Ngày con chào đời” sau khi xem phim này đã liên hệ với tôi bày tỏ sự xúc động tột cùng của họ. Nhiều người cũng gửi lời cảm ơn và cho biết họ đang rất hạnh phúc vì cuộc sống của họ đang dần ổn định trở lại. Họ cảm thấy trân quý hơn cuộc sống mà họ đang có sau khi đứng trước làn ranh sinh tử vì mắc Covid-19.
Tôi cũng chia sẻ chân tình là trong quá trình thực hiện bộ phim này ở khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương, dù nhiều bệnh nhân không nói chuyện được với chúng tôi nhưng mỗi khi thấy chúng tôi vào họ vẫn giơ tay chào hoặc nở nụ cười.
Chúng tôi cũng trò chuyện với họ thông qua những cử chỉ, ánh mắt và lời nói để họ cảm nhận được sự an ủi, động viên từ phía chúng tôi. Hình ảnh ngày ngày, tôi đi từ phòng này đến phòng khác để hỏi thăm các nhân vật và nhân vật giơ tay lên chào lại một cách đầy vui vẻ được ghi lại trong clip hậu trường nhưng chúng tôi không cho lên sóng.
Cảnh các y bác sĩ tập trung cấp cứu cho một bệnh nhân trong phim "Ranh giới". Ảnh cắt từ phim "Ranh giới". |
Phía bệnh viện thì tôi vẫn liên hệ với các y bác sĩ thường xuyên để cập nhật số liệu. Do tôi về Hà Nội từ ngày 22/8 mà phim tận 8/9 mới phát nên trong quá trình đó phải cập nhật số liệu thường xuyên. Khi phim phát sóng, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, một số y bác sĩ và cả bạn hộ sinh mắc F0 ở cuối phim cũng có liên lạc và chia sẻ sự xúc động khi xem “Ranh giới”.
Nhiều người cũng gửi lời cảm ơn vì thông qua bộ phim, nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người dân hiểu hơn được sự khắc nghiệt thực sự của dịch bệnh, hiểu hơn những gì các y bác sĩ đang hy sinh.
Đặc biệt, khi biết tôi trở về từ tâm dịch và hiểu rõ nhất sự thiếu thốn của bệnh viện, nhiều nhà hảo tâm muốn nhờ tôi làm cầu nối để hỗ trợ thiết bị - máy móc cho bệnh viện.
Còn về phía gia đình tôi thì cũng không có xáo trộn gì đáng kể mặc dù cả gia đình ai cũng xem đi xem lại bộ phim này. Cuộc sống hai hôm nay của gia đình tôi vẫn bình thường như mọi ngày.
Ngay khi bộ phim “Ranh giới” phát sóng, trên mạng xã hội đã có nhiều người nhắc đến những từ “giá như… giá mà”. Giá như bộ phim được phát sớm hơn thì mọi người đã nâng cao ý thức hơn trong phòng chống dịch. Anh nghĩ sao về điều này?
- Như trên tôi đã nói, ê-kíp chúng tôi gồm 4 người, có tổng cộng 21 ngày ở tâm dịch. Trở về Hà Nội vào ngày 22/8, chúng tôi phải thực hiện cách ly luôn. Thực sự, chúng tôi đã rất cố gắng để phim có thể hoàn thành sớm nhất. Nhưng vì thời lượng của phim là 50 phút và một t lượng “khổng lồ” về dữ liệu nên chúng tôi không thể nhanh hơn được.
Xin lưu ý rằng, chúng tôi thực hiện cùng lúc 2 phim trong chuyến công tác này và thực hiện phim trong một môi trường rất đặc biệt. Tôi thấy, để phim ra được như thế đó là một sự cố gắng hết sức của bản thân tôi. Tôi đã ra Hà Nội sớm hơn so với kế hoạch ban đầu để hoàn thành bộ phim này trong khu cách ly.
Trong thời gian 14 ngày cách ly, tôi đã vừa thực hiện cách ly theo quy định, vừa tiến hành làm hậu kỳ một mình, không hề có kỹ thuật hỗ trợ bên cạnh như thông thường. Với đặc thù của dòng phim tài liệu thời sự này thì tôi đã không thể nhanh hơn được nữa.
Hình ảnh một bệnh nhân trò chuyện với bác sĩ sau 2 ngày mổ. Ảnh VTV. |
Có thể kể ra mọi người không tin nhưng tôi đã thức đêm ròng rã nhiều ngày để lọc tư liệu, dựng phim… Tới nỗi, mắt tôi có khi trũng sâu hoặc thâm quầng vì thiếu ngủ. Ngày ngủ được vài ba tiếng là đã nhiều lắm. Những ngày càng gần cuối, thời gian càng gấp gáp thì tôi còn quên cả ăn nữa chứ không nói đến chuyện ngủ.
Anh có chia sẻ, tư liệu sau khi quay về là “khổng lồ”. Vậy anh có cảm thấy tiếc nuối khi nhiều chi tiết mình mong muốn vẫn chưa thể đưa hết vào phim?
- Cái này cũng không nhiều lắm, chỉ có một số ít thôi. Vì tôi đã chắt lọc những hình ảnh đắt giá nhất để đưa hết vào phim rồi. Chỉ có một điều tiếc nuối đó là nếu như có thời lượng nhiều hơn, tôi sẽ mở rộng bối cảnh của mình sang các khu khác.
Vì sự khốc liệt ở đây không chỉ có khu K1 mà còn có ở phía ngoài khu K1. Nơi mà các y bác sĩ cũng căng mình lên mỗi ngày để mổ cho các thai phụ bình thường và các đội hành chính hỗ trợ cho khu K1 này. Tôi vẫn muốn làm thêm về tình cảm, sự nhớ mong, sự lo lắng của gia đình đối với các thai phụ nữa.
Ngoài ra, tôi cũng muốn làm thêm về các y bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến khác và rất nhiều câu chuyện đặc biệt khác. Vì thế, tôi mong muốn là khi xem bộ phim này, khán giả sẽ cảm nhận là ngoài khu K1 này, ở vùng tâm dịch còn có nhiều khu như thế nữa đang phải căng mình chống dịch.
Một em bé vừa chào đời được nữ hộ sinh vỗ về gây xúc động trong "Ranh giới". Ảnh cắt từ bộ phim. |
Bộ phim có quá nhiều những yếu tố cảm xúc và lý trí. Anh phải cân bằng mình như thế nào khi dựng phim?
- Trước hết, về mặt công việc thì bắt buộc tôi phải vượt qua áp lực để hoàn thành. Áp lực ở đây là phải làm sao cho bộ phim có bố cục rõ ràng, nội dung phải phân chia hợp lý, thời gian phải kịp lịch phát sóng.
Về mặt cảm thì phải thú thật rằng, khi dựng “Ranh giới”, tôi không nhớ nổi bao nhiêu lần mình vừa dựng, vừa khóc. Nhất là khi tôi có chút thời gian rảnh rỗi, ngồi xem lại hình ảnh, nghe lại những đoạn hội thoại của các nhân vật… thì tôi lại chảy nước mắt và phải đứng dậy đi lại để xua tan đi cảm xúc đó. Có nhiều khi tôi buộc phải hướng suy nghĩ của mình sang những điều tích cực để lấy cảm hứng làm tiếp vì nếu cứ thả cho cảm xúc thì tôi không thể làm nổi.
Còn ai hỏi tôi có ám ảnh trong giấc ngủ không thì tôi có. Những hình ảnh cứ hiện về trong giấc ngủ của tôi. Vì, khi làm phim, tôi chịu trách nhiệm dựng phim thì buộc phải thuộc lòng những gì mình đã quay và xem đi xem lại những đoạn phim đã có để cắt dựng.
Như thế, những hình ảnh đó sẽ vô hình trung sẽ ghim vào đầu mình. Thêm nữa, vì mình trực tiếp có mặt ở hiện trường nhiều ngày, chứng kiến nhiều câu chuyện và hình ảnh nên những cái đó cũng lưu lại trong bộ nhớ, thỉnh thoảng lại dội về. Đó chính là những cái cứ đan xen lẫn lộn khiến tôi dựng “Ranh giới” với một trạng thái cảm xúc vô cùng đặc biệt.
Theo Hà Tùng Long (Báo Dân Việt)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin