Mùa măng tre

05:08, 02/08/2021

Tầm từ tháng 4 âm lịch, khi những cơn mưa bắt đầu thấm đất, thì măng tre nhà tôi cũng bắt đầu cựa mình, đội đất chui lên. Cạnh những cây tre cao vun vút, từng mầm măng tròn lũm, bụ bẫm đua nhau mọc lên nhô nhố.

 

Nhiều món ngon từ măng tre mùa mưa.
Nhiều món ngon từ măng tre mùa mưa.

Tầm từ tháng 4 âm lịch, khi những cơn mưa bắt đầu thấm đất, thì măng tre nhà tôi cũng bắt đầu cựa mình, đội đất chui lên. Cạnh những cây tre cao vun vút, từng mầm măng tròn lũm, bụ bẫm đua nhau mọc lên nhô nhố.

Sáng lất phất trời mưa, mẹ tôi đội vội chiếc nón lá ra vườn để xắn măng làm bữa cơm trưa. Mẹ nói, trong các loại tre, thì tre mạnh tông là loại cây trồng không kén đất, sinh sản rất khỏe, mụt măng mau lớn, phần măng bên trong mềm, nấu canh ăn rất ngon, nên được nhiều ưa chuộng.

Bụi tre nhà tôi trồng được hơn 10 năm, tuy không lớn nhưng năm nào cũng có 30- 40 mụt măng, mụt nào mụt nấy ú ụ.

Măng tre mới nhú thường có màu nâu đen, xỉn màu như đất. Măng tre không cắt quá sớm hoặc quá muộn. Cắt sớm, thân măng đặc, mềm, ngon nhưng mụt măng còn nhỏ, lượng măng ít.

Cắt muộn thì măng già, xơ, đắng và lượng măng cũng bị mất do đã bị biến thành… tre. Mấy hôm nay mưa suốt, bụi tre nhà tôi đã có 5- 7 mụt măng cao lêu nghêu không còn ăn được nữa.

Măng sau khi cắt về ăn liền là ngon nhất nếu không thớ măng sẽ già và xơ, mất ngon, không ngọt. Tuy nhiên, trước khi chế biến thành món ngon, vẫn phải qua khâu sơ chế kỹ lưỡng.

Đầu tiên, lẹ tay lột hết phần vỏ, để lại phần ruột trắng non tơ, mập tròn, trắng nõn. Sau đó, dùng dao xắt khoanh tròn, hoặc cắt miếng nhỏ.

Xong xuôi, cho măng vào ngâm trong nước muối trong 5-10 phút. Rồi nấu nước sôi để luộc sơ, lọc bớt chất độc trong măng. Sau đó, vớt măng ra và rửa lại dưới vòi nước lạnh.

Cách làm này không những giúp khử hết độc tố mà còn làm giảm đáng kể vị đắng của măng, giữ lại độ giòn của măng.

Mẹ nói món măng hầm thì phải là măng mạnh tông, vì khi chế biến măng có màu trắng trắng, giòn, ngọt, còn măng tre tàu có màu vàng, vị đắng không ngon.

Mẹ bảo, dịch bệnh nên ở nhà, ngoài vườn, có gì dùng nấy, khỏi tốn công đi, lại tiết kiệm được tiền chợ.

Những ngày mưa như vầy thì măng tre như một thực phẩm chính mộc mạc, giản dị, vừa ngon lại vừa lành.

Một tô canh măng tre giòn giòn, phảng phất mùi thơm của hành, kèm theo dĩa nước mắm có vị cay nồng của ớt…, thêm chén cơm trắng nóng hôi hổi, chắc chắn sẽ là những ký ức khó quên.

Măng dễ ăn nên có thể chế biến thành nhiều món khác nhau mà không hề ngấy ngán, nào là măng tươi xào tôm, bún măng, măng chua, hay chỉ đơn giản xào rồi chỉ cần rắc thêm vài cọng hành xắt nhỏ, món nào cũng rất đưa cơm, lại ngon, bổ, rẻ.

Mùa măng nhà tôi năm nay có hơi đặc biệt hơn do măng không còn được ra chợ như những mùa măng trước.

Bình thường nếu xắn măng ra chợ bán, cũng được vài chục ngàn tiền chợ để mua rau, mua cá. Nhưng do dịch bệnh, giãn cách, hạn chế ra đường, măng được mùa, mọc lên nhiều, ăn không hết, vậy là mẹ xắn cho quanh xóm. Nhà nào ít người thì 1- 2 mụt, nhiều người thì 2- 3 mụt, “ăn lấy thảo”.

Có nhà chị kia đang chuẩn bị gửi rau, củ, trái cây cho người thân ở Sài Gòn, mẹ tôi biết, xắn thêm vài mụt, không quên dặn “nhớ luộc rồi đóng hộp cho kỹ, gửi lên đó cho họ ăn từ từ nghen, dịch bệnh mà, của ít lòng nhiều, cho họ đỡ nhớ món quê”.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, đến thời điểm hiện nay, qua thống kê mỗi ngày sản lượng nông sản nông dân cần tiêu thụ đưa ra thị trường rất nhiều.

Cụ thể như, khoai lang tím là từ 200- 300 tấn; rau củ quả khoảng 15- 20 tấn, nhãn xuồng khoảng 7- 10 tấn, bưởi 5- 7 tấn.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh