Thầm lặng một chiến công

06:07, 31/07/2021

Cây gòn trước sân bị đạn phạt đứt lìa, chỉ còn một đoạn cao hơn đầu, non với tay. Tía thằng Thường đặt miếng gạch tàu lên đoạn cây, thêm cái lon đổ đầy tro. Vậy là ông đã khai sinh cái bàn thờ "ông Thiên" đứng dãi dầu nắng mưa, thi gan cùng trời đất.

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

(VLO) Cây gòn trước sân bị đạn phạt đứt lìa, chỉ còn một đoạn cao hơn đầu, non với tay. Tía thằng Thường đặt miếng gạch tàu lên đoạn cây, thêm cái lon đổ đầy tro. Vậy là ông đã khai sinh cái bàn thờ “ông Thiên” đứng dãi dầu nắng mưa, thi gan cùng trời đất.

Theo thời gian cái cây tật nguyền này cao to, đâm bốn tượt thẳng đứng theo các cạnh của miếng gạch đã âm sâu vào thân cây.

Đứng dưới đất không còn thắp nhang tới. Nếu bắt ghế hay thang có ngày cầu phúc đâu không thấy chớ thấy họa, họa “gãy càng, sứt gọng”, mang bệnh hậu là cái chắc! Thôi thì… đắn đo thật lâu, tía thằng Thường mới quyết định lập cái bàn thờ ông Thiên mới.

Thằng Thường tuổi mới lên mười, hay liến thoắng trèo tuốt lên cái chỗ thiêng liêng trước đó, ngồi lọt thỏm trên miếng gạch tàu, nhìn chim muông lượn, mây trời bay và hình dung ra cảnh thánh thần đang gật gù suy ngẫm bên ván cờ thế.

Đôi lúc tánh lí lắc trỗi dậy trong đầu, thằng Thường đứng lên trật quần đái tưới lên đầu lũ bạn chơi quẩn quanh dưới gốc cây, miệng la to: “Trời mưa, trời mưa to!”

Một buổi chiều nắng đã bớt màu vàng, thằng Thường đang ngồi vắt vẻo nơi ngự trị của ông Thiên đã di dời, nhưng cảnh chim muông, mây trời, thú tiêu khiển của thần thánh có lẽ không đủ sức mê hoặc tâm hồn non nớt của nó nữa.

Thằng Thường bèn thả ánh nhìn lơ đãng xuống vạt nắng muộn trên cánh đồng làng, thèm được tuốt đòng đòng non đưa vô miệng nhai ngốn ngấu. Bất giác thằng Thường trông thấy dáng người đàn ông dong dỏng cao, ngó trước dòm sau, rảo bước trên con đê dẫn về phía chân vườn.

Năm ba phút sau lại xuất hiện một người đàn ông nữa, vận bộ đồ đen, đầu đội nón lá, cũng có hành động giông giống như người đàn ông vừa rồi.

Điều lạ lùng, cả hai cùng biến mất ở phía chân vườn! Thằng Thường hiếu kỳ tức tốc ôm cây tuột gấp, nhảy sang mé khóm bên kia, men theo đám ô rô nhanh nhẹn bám theo đối tượng, rồi luồn lỏi vào lùm tranh bó mạ núp quan sát kỹ càng.

Hai người đàn ông ban nãy độ bốn mươi tuổi, làn da sạm đen và một người có nhiều nét thân quen nó như đã gặp nhiều lần.

- Ê, thằng nhỏ rình mò gì mậy? - người đàn ông đến sau đã cau mày, trợn ngược mắt hỏi. Thằng Thường giựt mình định bỏ chạy. Người đàn ông đến trước dợm đứng lên:

- A, cái thằng bán quán, lại đây! Mầy ở ngoài lộ vô hồi sáng tới giờ có thấy lính từng tốp đi lên, đi xuống hay túm tụm kích ở mấy gốc cây?

Thằng Thường lắc đầu, giọng chảy theo hơi thở thều thào:

- Hổng thấy! Bộ mấy chú làm lính hả?

- Tụi tao làm… làm cái tên mà bọn thằng Đồng gọi mầy đó. Nhưng tụi tao là cha nghe! (thằng Đồng là tên trưởng ấp ngụy. Nó và bọn lính làng lúc này gọi thằng Thường là Việt cộng con). Thôi, cho mầy cái bánh lá dừa nè, ăn đi!

Đáp lại lòng tốt của chú Việt cộng cha, thằng Thường “xì” luôn cho chú biết một điều bí mật, ngây thơ nó nghĩ thế:

- Có ông Năm, ông Năm Mừ một chút nữa ra tại đây lận à nghe! Chiều nào cũng vậy mà!

- Chi vậy mậy?

Thằng Thường vừa nói vừa ra bộ:

- Ổng một tay chống gậy tre, một tay đấm đấm sau thắt lưng, mặt dác hất ngoẹo qua, ngoẹo lại dòm trên đọt cây.

- Trời đất! Ngắm cảnh hé? Ổng nhà thơ hả mậy?

- Đâu có, lái trâu! Heo, dê cũng mua láng!

- Mầy chạy cái rẹt ra ngoải, thấy ổng chạy cái rẹt vô cho chú hay liền!

Mới quay lưng, phóng tầm nhìn qua vườn cây rậm rạp, “cái mặt dác hất ngoẹo qua, ngoẹo lại dòm trên đọt cây” đập vào mắt thằng Thường:

- Kìa, kìa ổng ra đó!

- Anh An làm việc với ổng đi! Chú Việt cộng cha gọi người bạn của mình bảo vậy và kéo thằng Thường chui vào lùm tranh trốn.

Lát sau, thằng Thường và chú Việt cộng cha vẹt tranh đi ra. Dáo dác ngó quanh, thằng Thường không thấy ông Năm đâu, chỉ thấy đầu gậy tre cong vòng lú lên trong đám dây leo, ở giữa hai cái mả đá. Thằng Thường, chú Việt cộng cha và chú An lấy bánh lá dừa ra ăn.

Đêm sập xuống nhưng còn nhận rõ mặt người. Gió lao xao thổi rung rinh những đám cây dại “bản hòa tấu của đồng nội” nổi lên, to nhất vẫn là tiếng ếch rùm beng ộp oạp:

- Mầy đem hai cái bánh cho ông già ăn chơi!

Cột hai chót lá dừa của hai chiếc bánh lại, chú An trao cho thằng Thường xách. Bỗng chú do dự:

- Khoan mầy!

Chú với tay ngắt tàu lá chuối non cuốn tròn ghim cây lại trông giống như hình chóp. Còn khoét luôn hai cái lỗ độ chừng ngay hai con mắt, rồi đội lên đầu bít luôn cả mặt thằng Thường. Chú giục nó đi! Làm xong nhiệm vụ, thằng Thường trở lại. Chú An nghiêm giọng:

- Ngồi ăn đi! Tụi tao ra ruộng một đỗi, mầy đội “mặt nạ” vô, lại nói với ông già: Mấy chú kêu ông về! Rồi mầy chạy cái rẹt ra tới lộ hả lột mặt nạ bỏ nghe! Nè, về nhà hổng được đi chơi đâu hết, nghe súng nổ chun trảng-xê à!

Thằng Thường dà dạ một hơi và thẳng cổ dồn bánh vào miệng. Chú Việt cộng cha bước đi còn nói với lại:

- Mầy “dà dạ” một hơi rồi một chút lón lén theo tụi tao, chết à! Hổng phải chuyện chơi nghe mậy.

Bổ bánh đầy bụng, thằng Thường “phi nước đại” ra tới lộ, vứt mặt nạ đi mới sực nhớ chưa kêu ông Năm Mừ về. Thằng Thường nói thầm trong bụng: “Thôi kệ, ngồi đó tới sáng ổng tự về chớ chết chóc chi!”

Vào nhà, thằng Thường lấy vỡ ê, a học bài và mới buồn ngủ đã nghe tiếng chó kêu ăng ẳng, tiếng người gọi tên ông Năm Mừ ỏm tỏi. Đèn măng sông sáng rực các lối đi!

Người thân ông Năm Mừ lo lắng bảo: “Ông Năm bị ma giấu rồi!” Thằng Thường tủm tỉm cười, vì nghĩ ông Năm Mừ ngồi “giao duyên” với hai cái mả đá vẫn nghe thấy chuyện xảy ra ở trong làng nhưng không dám lên tiếng, bởi ông sợ…

Việt cộng có cả cha lẫn con! Bà con chòm xóm đang sốt sắng lùng kiếm thì nghe tiếng súng nổ dữ dội ngoài vàm chợ xã. Mọi người mất phách lạc hồn ai về nhà nấy.

Sáng lại, tin xã trưởng N. bị Việt cộng chọc tiết làm hốt hoảng kinh hoàng đến cả bọn lính quận. Cô bác bỏ ngoài tai chuyện đó, tiếp tục đổ xô ra khắp nơi tìm ông Năm Mừ.

Đến trưa nắng oi ả xối xuống đầu, người ta mới gặp và bè ông Năm Mừ về. Thằng Thường thấy ông gầy guộc và tóc bạc nhiều, nó hối hận vô cùng. Trời ơi! Năm Mừ đi lắc lư như cành khô trước gió, hai cái bánh lá dừa treo tòn teng trên cổ, còn cây gậy thì bỏ đâu mất tiêu.

Mấy bà bóng vía nhẹ xìu “thả cửa” thêu dệt: “Hồn khôn ông Năm bị bắt mất chỉ còn vía dại nên khật khùng không biết chừng nào tỉnh”.

Giải phóng khá lâu, trên đường đi học về, thằng Thường tạt vào quán hớt tóc của Tư Cạo, định “đẩy” trọc đầu cho mát thì nó gặp ông Năm Mừ nên nhớ chuyện xưa liền cất giọng hóm:

- Bộ có lần ma cái giấu ông để làm chồng bé hả ông Năm?

- Mấy “ông cộng” bắt tao chớ ma giấu cái con khỉ! Đảo đôi mắt đục lờ tỏ vẻ sợ sệt, ông Năm Mừ “bỏ nhỏ” như vậy.

- Vậy sao có bánh lá dừa gói bằng đất sét ông ăn nên á khẩu?

- Đất sét đâu? Có ông cộng nhỏ xíu đội lá chuối đến cho tao bánh đó à. Rầu chết mẹ mà ăn cái giống gì mậy?

- Ông cộng nhỏ xíu đó hiền chớ dữ bắt ông quỳ gối lên tới sáng chắc chết quá!

Thằng Thường khoái chí cười to, bước tới tấm kiếng chải lại mái tóc mới chợt nhận ra cây gậy có cái đầu cong vòng móc trên vách.

- Ý, cây gậy này của ông Năm mà?

- Hổng dám đâu! Cái hồi mấy ông cách mạng xử trí xã trưởng N. thằng cha Đồng- trưởng ấp bắt tao đến “thu dọn chiến trường”. Thấy cây gậy “lên nước” tốt quá nằm lăn lóc dưới giường tao lấy về. Vợ tao sợ không cho đem vô nhà nên để đây đó chớ. Đừng nhìn bậy à! - Tư Cạo to tiếng phân trần.

Thằng Thường ghé mắt sang ông Năm Mừ nó thấy ổng đưa tay vuốt chòm râu loe hoe dưới cằm. Mặt dác hất ngoẹo qua, ngoẹo lại dòm trên đọt cây trông tự đắc lắm: “Tụi tao linh hoạt kết hợp dạy cho mầy bài học vỡ lòng. Ứ, hai thằng mầy gặp ở chân vườn là… đệ tử tao đó!”

Ông Năm ơi, mới đó đã gần năm mươi năm rồi. Bây giờ thằng Thường đã lớn khôn, làm cán bộ trong ngành an ninh.

Nó có thể ngồi trên máy bay hàng giờ nhìn mây trời, chim muông bay là đà phía dưới và thừa biết thú tiêu khiển của thánh thần chỉ do trí tưởng tượng của con người thôi. Còn ông thì đã mất, mất lâu rồi mà người đời luôn nhắc nhớ điều không mấy chi đẹp: “Năm Mừ bị ma giấu…”

Ôi! Đâu có ai biết Năm Mừ này đã từng chỉ đạo hai chiến sĩ gan dạ xuất quỷ nhập thần “giáng xuống” trụ sở kẻ thù được canh gác thật nghiêm ngặt, để thi hành bản án tử hình đối với tên xã trưởng ác ôn. Hoạt động trên mặt trận thầm lặng chiến công của người cũng lặng thầm. Đồng chí Năm Mừ ơi!

HỒNG SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh