Chiến tranh không ngừng tiếp diễn, chuyện chui trảng-xê cũng tiếp diễn không ngừng. Một đêm nọ trời đổ mưa to. Những cơn gió ngỡ cũng tả tơi ướt sũng, giật lên từng hồi và xô vào nhà đầy hơi nước. Màn đêm như vỡ vụn ra bởi những tiếng nổ của bom dội, tiếng rầm rú của máy bay, tàu chiến đang điên cuồng bắn phá.
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
[links()]
(VLO) Chiến tranh không ngừng tiếp diễn, chuyện chui trảng-xê cũng tiếp diễn không ngừng. Một đêm nọ trời đổ mưa to. Những cơn gió ngỡ cũng tả tơi ướt sũng, giật lên từng hồi và xô vào nhà đầy hơi nước. Màn đêm như vỡ vụn ra bởi những tiếng nổ của bom dội, tiếng rầm rú của máy bay, tàu chiến đang điên cuồng bắn phá.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
Mặt đất rung chuyển liên hồi. Đạn bay ràn rạt trên đầu, vèo vèo rít qua tai. Ai nấy hốt hoảng lăn ngang, trườn dài và bò thẳng xuống trảng-xê hòng giữ lấy tánh mạng.
Đang lúc dầu sôi lửa bỏng như vầy, chị Thạch Thoa lại trở dạ đẻ. Bụng nghe chừng núng lắm, trông rõ cái thai cựa quậy ở bên trong. Mặt chị tái đi, răng bập vào môi.
Cơn đau làm chị oằn mình ứa nước mắt. Bà Trùm Bì cũng võ vẽ biết đôi chút nghề đỡ đẻ, luôn tay nắn chân xoa bụng chị Thạch Thoa và hối thúc mọi người bày ra những thứ cần thiết phục vụ cho việc sinh nở. Rồi bà động viên chỉ dạy chị Thạch Thoa:
- Ráng lên con! Đẻ con so xương chậu mở chưa hết cực lắm! Đừng lo nghĩ gì hết, đạn nó có giỏi chui được vào đây cũng trúng tụi tao, vì ngồi bu quanh bây chớ có trúng bây đâu mà sợ. Nè, hít thật sâu để lấy hơi rặn vài cái thật mạnh, tao rước em bé ra liền hà. Chuyện nhỏ mà! Ba cái này tao… tao… thấy người ta làm như chơi.
Biết bà Trùm Bì nghiện trầu nặng, ở mọi lúc mọi nơi không có miếng trầu miệng cứ nhạt nhẽo, làm ăn chểnh mảng suốt cả buổi. Chín Đờn định bảo mợ Tư Tụi móc túi trầu ra mời bà Trùm Bì ăn cho sảng khoái con người, tinh thần thêm minh mẫn, để hoàn thành sớm ca sinh nở.
Nhưng ông chợt nhớ ra bà ta dạo trước bị “sỉ mủ ăn răng” nên bây giờ răng rụng hết. Muốn ăn trầu cần phải có ống ngoáy. Chính tay Chín Đờn làm tặng bà Trùm Bì cái ống ngoáy trầu kia mà:
- Thôi, để tôi bò lên lấy ống ngoáy cho bà mụ ăn trầu, kẻo bà ngủ gục đứa nhỏ giận không chịu ra thì khổ!
Chín Đờn nói vậy rồi bò lên bỏ lại lời chửi rủa độc địa của bà Trùm Bì. Và đến khi Chín Đờn bò xuống chưa tới cửa trảng-xê thì một trái “ô-buýt” rớt ở gần ông. Tiếng nổ nghe đinh tai nhức óc.
Áp lực không khí thổi mạnh vào miệng trảng-xê phần phật. Bà con bịt chặt hai tai đón nhận sự may rủi. Ngay lúc ấy tiếng trẻ thơ bỗng bật khóc inh ỏi. Cơn bão lửa đã tắt, ai nấy đổ xô ra khỏi miệng trảng-xê để kiếm Chín Đờn.
Trời hỡi! Ông nằm kìa, lưng tựa vào vách trảng-xê thân thể còn nguyên vẹn, duy có một tia máu hết sức nhỏ phụt ra từ bên ngực trái.
Nhưng sự sống coi mòi muốn bứt ra khỏi thân thể của ông. Chín Đờn cất giọng yếu ớt: “Mẹ tròn con…” Nói chưa đầy câu, Chín Đờn hơi dướn mình một cái định nói tiếp nhưng không kịp nữa rồi! Bà Trùm Bì bóp chặt tay ông Chín Đờn thấy hơi nóng còn ấm trong lòng tay mình mãi:
- Ừ, mẹ tròn con vuông! Thằng nhóc bụ bẫm lắm, nó tên Còn anh Chín ơi!
Úp mặt lên người vừa mất, bà Trùm Bì nghe nỗi buồn trong lòng mình dâng đầy ngập ứ trong tim, trào lên khóe mắt và cay rát bờ mi. Ôi, chiến tranh! Có lẽ gánh nặng của nó bao giờ cũng trĩu nặng ở trên vai người phụ nữ. Bà Trùm Bì rệu rữa nghĩ như thế.
Đem tro cốt Chín Đờn vào chùa xong, bà Trùm Bì luôn để mắt tìm cái ống ngoáy trầu, không phải để ngoáy trầu ăn mà cất đó làm kỷ niệm. Rồi mỗi lần nhớ đến ông Chín Đờn lòng bà Trùm Bì tự nhiên sũng nước. Bà tự trách mình bởi nghĩ nguyên nhân cái chết của ông là do mình.
Kể từ đây bà Trùm Bì bỏ hẳn ăn trầu, dốc sức đan rổ, rá, dần, sàng đem ra chợ bán đổi lấy con cá lá rau và vài hộp sữa bò để nuôi nấng mẹ con chị Thạch Thoa. Bà Trùm Bì thật sự trở thành người mẹ, người bà hết lòng yêu thương con cháu.
Đến khi thằng Còn lên mười tuổi thì nước nhà độc lập. Gia đình chị Thạch Thoa được đoàn tụ, họ bồng bế nhau ra thị thành sống đời viên chức. Nhiều lần vợ chồng chị Thạch Thoa ngỏ ý rước bà Trùm Bì về phụng dưỡng, nhưng bà một mực chối từ với lý do bà cho là chính đáng: Không nỡ xa tro cốt ông bà.
Dư âm khúc khải hoàn ca ngày thống nhất còn vọng vang thì chiến tranh lại nổ ra ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Không chỉ riêng chồng chị Thạch Thoa mà kể cả chị cũng lao vào trận mạc, rồi lần lượt ngã xuống gãy gục trước đạn bom trong khi làm nghĩa vụ trên đất bạn Campuchia.
Linh hồn họ không đi qua ngọn lửa như Chín Đờn mà bay vào nghĩa trang liệt sĩ, đậu lại tượng đài ghi công của Tổ quốc. Thằng Còn được Nhà nước cho ăn học thành tài, ra tận nước ngoài làm ăn lớn, rồi mọc rễ luôn ngoài đó.
Hôm nay, cũng nhờ thằng Còn về thăm bà Trùm Bì, cất cái nhà bảo sanh to đùng, cánh thợ hồ mới giúp bà nhặt lại được kỷ vật năm nào. Ôi! Gần bốn mươi năm, thời gian quá dài trong một đời người, đủ cho mọi việc đi vào quên lãng. Vậy mà bà Trùm Bì vẫn nhớ, nỗi nhớ cứ trôi theo thời gian làm ruột gan quặn thắt, rồi vón cục lại ở cái ống ngoáy trầu. Điều này trông đơn giản nhưng phải chăng đã trở thành một đạo lý, một nguồn năng lượng vô tận của đồng bào Khmer mình?
Sau lễ khánh thành và bàn giao nhà bảo sanh, Việt kiều Còn tha thiết mời các cơ quan y tế, chính quyền địa phương các cấp và tất cả bà con trong phum sóc đến chùa dùng bữa cơm thân mật, vì trước đó y đã trao cho Cả Hanh một số tiền rất lớn, trước trùng tu chùa sau đặt thức ăn nước uống ở nhà hàng, để mang đến chùa tiếp đãi khách.
Nghĩ đến công đức của Việt kiều Còn, cô bác ai nấy đều gác lại công việc đồng áng nô nức đếm bước tới chùa dự tiệc.
Nhóm nam thanh nữ tú được sự quan tâm đặc biệt của Việt kiều Còn nên trải chiếu dưới gốc cây to cặp hông chùa nhiệt tình chơi “thả cửa”. Những thùng bia cứ khui mãi khui hoài.
Bao chai rượu ngoại lóng lánh rót tràn ly này đến ly khác. Tiếng cụng ly chan chát, tiếng cười nói râm ran. Lâu lắm chùa Tòa Sen mới có được một ngày đông vui như lễ hội.
Bữa tiệc đang hồi cao điểm, Cả Hanh ngồi đầu bàn dài trong chánh điện đứng lên, khoát tay làm tín hiệu bảo mọi người im lặng. Lập tức cái đống âm thanh chồng chất giai điệu và tiết tấu nín bặt, chỉ còn trơ trọi lời từ tốn nhưng vẫn không kém phần hóm hỉnh của Cả Hanh:
- Thưa bà con, cô Trùm Bì muốn nói vài lời với anh em xây nhà bảo sanh. Thôi, nói đi cô! Mắc cỡ gì không biết nữa!
Bà Trùm Bì vận xà rông màu đỏ, áo trắng có viền tím ở cổ và tay, thấy bà sáng trưng lên như cái bóng đèn điện. Bà cất giọng ấm trầm:
- Nhân ngày vui hôm nay, tôi gởi lời xin lỗi đến thằng Cà Tuôl nói riêng, nói chung là cánh thợ hồ. Ngày đào lỗ cột xây nhà bảo sanh vì quá xúc động khi gặp lại kỷ vật xưa nên có những lời lẽ và hành động không phải với mấy cháu. Thành thật xin lỗi!
- Lỗi phải gì bà ơi! Anh em tụi tui tìm hiểu biết rõ ngọn ngành rồi. Bữa nay bà có đem ống ngoáy trầu theo không? Vong linh ông Chín Đờn về đây thấy được nó chắc cột chỉ đỏ vào tay bà luôn à!- Từ ngoài sân, thằng Cà Tuôl nói vọng vào nghe lồng lộng.
- Có, báu vật mà mậy!
Bà Trùm Bì móc ống ngoáy trầu ra khoe khoang. Việt kiều Còn vội rời bàn ăn đi đến bên bà, nói:
- Chưa đủ bộ ngoại ơi, còn cái chìa khoáy nữa nè! Trước khi mất mẹ cháu nhắc lại chuyện cũ và trao nó cho cháu. Mẹ bảo giữ đó làm kỷ niệm để suốt đời nhớ ơn ông… bà ngoại!
Cả Hanh lại đứng lên, móm mém cười:
- Ờ, thì ông bà ngoại đại đi! Giờ như thế này nghe. Ở đây trầu cau có đủ. Việt kiều Còn ngoáy đầy một ống trầu cho ngoại bây ăn coi!
Bà con cô bác đồng tình vỗ tay đồm độp.
Trời về trưa, nắng tràn lan thừa thãi xối xuống sân chùa. Đám nam thanh nữ tú dung dẻ ra về, tới con đường quê trải đá phẳng lỳ chúng chỉ trỏ cái nhà bảo sanh, rồi không biết nghĩ chi cười khúc khích.
HỒNG SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin