"Chiến sĩ" văn hóa chung tay phòng chống dịch bệnh

Cập nhật, 06:23, Thứ Bảy, 03/07/2021 (GMT+7)

(VLO) Không chỉ chuyển tải thông tin và giải trí, văn hóa nghệ thuật còn có vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng tích cực đến với xã hội. Thời gian qua, khi cả nước đang chung tay chống dịch COVID-19, các nghệ sĩ bước lên không gian mạng, giới thiệu nhiều tác phẩm với nội dung tuyên truyền tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật trong một buổi tập luyện chuẩn bị livestream trên mạng xã hội.
Nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật trong một buổi tập luyện chuẩn bị livestream trên mạng xã hội.

Theo anh Lê Hoàng Nam- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, năm qua, tỉnh đã tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc “Vĩnh Long, Tình đất- Tình người” nhưng do dịch bệnh nên chưa thể biểu diễn giới thiệu các ca khúc được.

Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật cho anh em tập luyện và tổ chức buổi livestream chia sẻ với người dân những ca khúc được BTC đánh giá cao.

Bắt đầu từ tháng 3/2021, chương trình nghệ thuật tuyên truyền trên không gian mạng bằng nhiều hình thức như livestream, quay video clip tuyên truyền trên Fanpage và kênh Youtube Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh góp phần đưa chủ chương, nghị quyết của Đảng; các chương trình, kế hoạch, chính sách pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Anh Phạm Văn Liết- tuyên truyền viên Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật- cho biết: Tuy đây là hình thức hoạt động mới, đội ngũ kỹ thuật viên đều làm công tác kiêm nhiệm, cùng với thiết bị truyền dẫn hình ảnh, máy móc chuyên dụng cho công tác livestream còn thô sơ, hạn chế về kỹ thuật, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của anh em phần nào đã phát huy hiệu quả, được công chúng đón nhận.

Lượt khán giả xem chương trình tăng dần qua các buổi livestream, từ vài trăm lượt người xem, nay đã lên đến vài ngàn lượt người xem. Qua đó, cho thấy công tác tuyên truyền bước đầu đạt hiệu quả và tạo được sự lan tỏa đến quần chúng nhân dân.

Sân khấu đặc biệt khi không có khán giả xem trực tiếp nhưng những người nghệ sĩ vẫn cháy hết mình góp phần lan tỏa năng lượng tích cực hơn trong lúc chống chọi với dịch bệnh. Tâm trạng tốt, tinh thần khỏe mạnh chính là cơ sở để giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể con người.

“Livestream không có khán giả trực tiếp phần nào ảnh hưởng đến sắc thái, biểu cảm, gọi nôm na là “độ hứng” của diễn viên.

Chương trình nghệ thuật nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay 2021 của đồng bào Khmer được livestream để bà con gần xa cùng vui tết.
Chương trình nghệ thuật nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay 2021 của đồng bào Khmer được livestream để bà con gần xa cùng vui tết.

Tuy nhiên thông qua những bình luận tích cực của khán giả thông qua trang mạng xã hội thì giúp cho diễn viên cảm thấy tự tin, thấy được những cống hiến thầm lặng của mình trong công tác tuyên truyền đã được khán giả công nhận. Đó là điều hạnh phúc nhất với mỗi một diễn viên”- anh Phạm Văn Liết chia sẻ.

Nhiều bài hát, bài thơ, phim ngắn và các tác phẩm văn hóa nghệ thuật về COVID-19 đã trở thành một trào lưu sáng tác mới, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh đến mọi người và bày tỏ lòng biết ơn với những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ khống chế dịch bệnh.

Nhạc sĩ Lê Đức Vĩnh Tuyên mang đến sáng tác “Bài ca nơi tuyến đầu” với tiết tấu vui nhộn, tràn đầy năng lượng.

Anh Lê Hoàng Nam truyền tải tinh thần lạc quan, tích cực qua bài hát “Việt Nam nối vòng tay thắng đại dịch” với mong muốn “góp một chút năng lượng để nhân dân Việt Nam trong nước và nước ngoài luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Giống như tựa bài hát, khi chúng ta đoàn kết một lòng thì sẽ vượt qua hết mọi khó khăn”. Tác giả Vũ Quốc Tuấn gây xúc động với bài thơ “Nếu anh không về”: “Nếu anh không về trong buổi chiều nay/Em đừng buồn và lo âu quá nhé/Nhớ đón con, rồi động viên cha mẹ/Khi Tổ quốc cần, anh không thể ngồi yên…”.

Anh Phạm Văn Liết mong muốn, để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật trên môi trường mạng xã hội trong thời gian tới được tốt hơn, đơn vị cần phải được sự quan tâm, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, phù hợp với thực tiễn hoạt động của đơn vị, đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động theo xu thế nghe- nhìn hiện đại.

Thay đổi một chút phương thức truyền tải, nhưng với sự sáng tạo và tình cảm chân thật, các “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa luôn tìm cách tiếp cận gần hơn với công chúng, khơi dậy tinh thần lạc quan, an tâm lao động, sản xuất, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đến nay, bằng hình thức hoạt động trên môi trường mạng xã hội, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức sản xuất được 11 chương trình trực tiếp, trong đó có 3 chương trình giới thiệu các ca khúc mới viết về Vĩnh Long; 1 chương trình giới thiệu về đờn ca tài tử Vĩnh Long; cùng với 7 chương trình khác như: chương trình nghệ thuật mừng Đảng- mừng Xuân Tân Sửu 2021; chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng; nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer; tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19; tuyên truyền chào mừng và tuyên truyền kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ước tính, có trên hàng chục ngàn lượt người theo dõi, hàng ngàn lượt chia sẻ và tương tác tích cực.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ