Đọc sách

"Báo quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19" (*)

Cập nhật, 20:17, Thứ Ba, 22/06/2021 (GMT+7)

 

Lịch sử báo quốc ngữ ở Sài Gòn không chỉ là lịch sử của báo chí, của nghề báo, nhà báo mà còn là lịch sử phát triển chữ quốc ngữ, lịch sử văn học của nước nhà.

Trong lời giới thiệu cuốn “Báo quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19”, tác giả Trần Nhật Vy đã đưa luận đề trên, nhưng cũng cho rằng: “Do thiếu nghiên cứu đầy đủ, do không được ngó tận mặt những tờ báo thuở chữ quốc ngữ còn phôi thai, không được đọc những tiểu thuyết đăng báo ngày xưa, tới nay chúng ta và lớp em cháu vẫn còn mơ hồ nhiều điều về báo chí lẫn văn học quốc ngữ”.

Chính sự thiếu thốn này, đã khiến các nghiên cứu, nói riêng về báo chí, thiếu hoàn chỉnh. Mặt khác do không thấy mặt tờ báo, rồi thiếu đọc một cách đầy đủ, nên các nghiên cứu viết thiếu chuẩn xác.

Theo tác giả, báo quốc ngữ cuối thế kỷ 19 chỉ có 4 tờ báo: Gia Định Báo, Thông Loại Khóa Trình, Nam Kỳ và Phan Yên Báo. Trong đó, duy nhứt chỉ có tờ Gia Định Báo còn lưu trữ trong thư viện với hình thức vi phim. Dù không đầy đủ nhưng có thể coi đây là một nguồn tài liệu quý về báo quốc ngữ thuở ban đầu. Tờ Thông Loại Khóa Trình, Nam Kỳ và Phan Yên Báo thì không thấy mặt. Và dù chỉ có 4 tờ báo thôi nhưng tới nay, vẫn không có một nghiên cứu nào tương đối sâu. Trừ tờ Gia Định Báo có số năm tồn tại lâu nhất, hơn 40 năm, các báo còn lại tồn tại không lâu, số báo không nhiều. Tờ Phan Yên Báo chỉ có khoảng 7 tờ, Nam Kỳ 120 tờ và Thông Loại Khóa Trình 18 tờ.

Chính vì vậy, đối với tác giả, cái khó lớn nhất của việc sưu tầm tìm hiểu về lịch sử báo chí là kho lưu trữ không đầy đủ, thiếu rất nhiều. Ví dụ, cho tới nay, trong các nghiên cứu, trong sách giáo khoa, sách lịch sử, thư tịch vẫn còn ghi tờ Nam Kỳ (thường được ghi nhận là Nam Kỳ Nhựt Trình), tờ tuần báo của ông Schreiner, ra đời năm 1883 là bản tiếng Việt của báo Pháp. Thật ra đây là tờ tuần báo được ghi rõ dưới măng-sét “nhựt trình mỗi tuần lễ in một lần nhằm ngày thứ năm”, số đầu tiên ra ngày 21/10/1897. Và bản tiếng Pháp ra đời sau bản tiếng Việt 2 năm. Trong trang nhứt số 94 ra ngày 17 Août 1899 có cáo bạch: “Kể từ ngày mồng 1 septembre tới đây, thời mỗi ngày thứ sáu trong tuần lễ đều có phát nhựt trình Nam Kỳ chữ Langsa. Ở dưới nhựt trình ấy có in một khúc nói về “các thể lệ người Annam tại Nam Kỳ trước khi người Langsa đến trị” của ông A.Schreiner làm ra”.

Báo tên là Nam Kỳ và nhựt trình là cách gọi một tờ báo của người miền Nam. Hay nhiều tài liệu trước nay cứ lặp đi lặp lại là Phan Yên Báo do ông Diệp Văn Cương làm chủ nhiệm. Không, ông Cương không liên quan gì đến tờ Phan Yên Báo, vì khi tờ báo này ra đời, ông còn là một thông ngôn tùng sự ở Vĩnh Long! Ông Cương không thể ba đầu sáu tay mà ở Vĩnh Long có thể điều hành tờ báo hàng tuần ở Sài Gòn trong điều kiện giao thông và thông tin của thế kỷ 19. Trong thế kỷ 19, báo chí quốc ngữ Sài Gòn đã đăng nhiều truyện dịch, nhiều tiểu thuyết văn xuôi như truyện “Đố ngộ cố nhân, tương đàm thục ký” của ông Nguyễn Dư Hoài đăng liên tục 6 kỳ trên báo Nam Kỳ vào tháng 4/1899. Dù chưa tuyệt vời, văn chương không gọt giũa, tình tiết còn đơn giản, câu chữ còn thô sơ nhưng đó là những tiểu thuyết mở đường không thể chối cãi được của văn học Việt Nam.

Thế nhưng... Mới chỉ có 150 năm trôi qua, mà tất cả những gì người đi trước để lại, đã bị thất thoát khá nhiều.

Bạn đọc sẽ tìm thấy những thông tin, tư liệu nghiên cứu rất bổ ích và lý thú về lịch sử báo chí, về ngôn ngữ thể hiện cũng như văn phong báo chí quốc ngữ những buổi đầu tiên. Hơn nữa, “Báo quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19” cũng là một cố gắng hết mực của tác giả. Đây cũng là lời đính chánh nhiều điều về báo chí và văn học quốc ngữ mà lâu nay người ta vẫn lầm tưởng.

(*) Báo quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19, Trần Nhật Vy, NXB Trẻ năm 2015.

™Bài, ảnh: AN HƯƠNG