Bảo tàng TP.HCM vừa ra mắt chuyên đề triển lãm 'Truyền thông trong kháng chiến', như một dịp giới thiệu mặt trận truyền thông đa dạng, phong phú, độc đáo và hiệu quả trong chiến tranh.
Bảo tàng TP.HCM vừa ra mắt chuyên đề triển lãm 'Truyền thông trong kháng chiến', như một dịp giới thiệu mặt trận truyền thông đa dạng, phong phú, độc đáo và hiệu quả trong chiến tranh.
Khách tham quan chiếc máy đúc chữ Sudo đang trưng bày - Ảnh: L.ĐIỀN |
Phần lớn hiện vật và ảnh tư liệu tập trung ở chiến trường Nam Bộ, các hiện vật gốc và hình ảnh tư liệu quý hiếm từ các bộ sưu tập của bảo tàng được huy động để kể câu chuyện về truyền thông trong chiến tranh ở nhiều góc độ - một đề tài đến nay vẫn còn chưa được khai thác cặn kẽ.
Chuyên đề giới thiệu các cụm hiện vật, hình ảnh: ấn phẩm sách báo cách mạng, truyền đơn, biểu ngữ; trang thiết bị in ấn từ thô sơ đến hiện đại; các thiết bị truyền tin... từng được sử dụng trên chiến trường ở cả hai cuộc kháng chiến thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đằng sau những hiện vật, hình ảnh là những câu chuyện được lưu giữ như một phần không thể xóa bỏ của cuộc chiến; là hình ảnh con người trên mặt trận truyền thông. Có khi không phải là người lính chuyên nghiệp, nhưng họ đã không quản bom rơi đạn nổ, lao mình vào thực tế chiến trường và không ít trường hợp đã hi sinh...
Từ góc độ đó, truyền thông kháng chiến hình thành từ lòng quả cảm và có cả máu xương của các tác giả, nghệ sĩ, chuyên gia, kỹ thuật viên... những mắt xích không thể thiếu để mặt trận truyền thông hoạt động liền mạch, hiệu quả.
Khách tham quan khu vực trưng bày các thiết bị truyền tin trong kháng chiến - Ảnh: L.ĐIỀN |
Công chúng sẽ có dịp xem lại những hình ảnh của "điện ảnh Bưng Biền" - những người lính - nghệ sĩ mở đầu nền điện ảnh cách mạng Nam Bộ.
Đó là hình ảnh người phóng viên đang ghi hình chiến sĩ Tiểu đoàn 307 đánh trận Mộc Hóa - Long An tháng 8/1948; là cảnh in phim bằng ánh sáng đèn măng-xông vào năm 1949; độc đáo có hình ảnh chiếc ghe được sử dụng làm buồng tối (buồng ảnh) để tráng phim...
Những hiện vật gắn liền với các nhân vật bước ra từ cuộc chiến lần này gồm chiếc radio Nationnal Panasonic của ông Ngô Ngọc Năng, cán bộ Ban Hoa vận sử dụng để theo dõi tin tức trong thời gian bị giam tại nhà tù Côn Đảo trong những năm 1968 - 1973; loa phát thanh - ông Huỳnh Văn Cang (Tư Cang) sử dụng để phát tin tức chiến thắng của quân Giải phóng năm 1975; máy chiếu phim 16 ly đội chiếu phim Sao Mai thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định sử dụng phục vụ đồng bào khu "Tam giác sắt" những năm 1963 - 1975...
Và đa dạng các sách báo, truyền đơn...
Triển lãm mở cửa tại 65 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM đến hết tháng 6/2021.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin