Câu chữ từ mạng xã hội... bước vào trang sách

10:05, 09/05/2021

Xuất hiện trên mạng xã hội từ 5- 10 năm trước, nay bỗng trở thành trào lưu. Các blogger, facebooker "gom" những bài viết trên mạng xã hội của mình xuất bản thành sách.

 

Quyển sách “Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ” có nhiều bài viết từ mạng xã hội của Đàm Hà Phú.
Quyển sách “Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ” có nhiều bài viết từ mạng xã hội của Đàm Hà Phú.

(VLO) Xuất hiện trên mạng xã hội từ 5- 10 năm trước, nay bỗng trở thành trào lưu. Các blogger, facebooker “gom” những bài viết trên mạng xã hội của mình xuất bản thành sách.

“Khoác áo mới” cho những trang viết, những quyển sách được đón nhận nồng nhiệt, trở thành best- seller (bán chạy) như các tập sách của Nguyễn Quang Lập, Đàm Hà Phú, Gào,…

Sự nhanh chóng và dễ tiếp cận của mạng xã hội là “bàn đạp” để những cây bút trên mạng “nổi như cồn”. Chính vì thế không có gì lạ khi những bài đăng trên mạng xã hội “cháy hàng” khi chuyển thành sách, lan tỏa rộng rãi trong giới viết lách ở Việt Nam hiện nay và tạo ra hiệu ứng ngoài mong đợi.

Người tiên phong trong việc “chuyển đổi” này, có lẽ là nhà văn Nguyễn Quang Lập. Cách đây chừng 10 năm, blog “Quê Choa” của ông là một “địa chỉ mạng” được nhiều người tìm đọc.

Với lối hành văn mộc mạc, dí dỏm, đôi khi dung tục nhưng rất lôi cuốn, Nguyễn Quang Lập dẫn dắt mọi người cùng ông khám phá những gì ông đã chứng kiến, trải nghiệm trong đời.

Sân chơi chữ nghĩa ở trên mạng của ông có tới vài chục ngàn người theo dõi. “Chuyện đời vớ vẩn”, “Bạn văn”, “Ký ức vụn” ra đời từ việc tập hợp những bài viết trên mạng, bán đắt như tôm tươi.

Hơn 20 năm sống và trải nghiệm khắp hang cùng ngỏ hẻm ở Sài Gòn, Đàm Hà Phú thu thập được rất nhiều câu chuyện đẹp, có một mẫu số chung, là tính cách của người Sài Gòn.

Đi nhiều, đọc cũng nhiều, có óc quan sát tinh tế, tính cách hài hước, Đàm Hà Phú hay lên facebook kể lại câu chuyện Sài Gòn thật dí dỏm nhưng luôn lồng ghép những tình cảm, bài học đáng quý, đầy sâu cay. Độc giả sẽ thấy mình trong đó, bắt gặp Sài Gòn của mình trong đó, và họ hiểu, họ thương Sài Gòn hơn.

Facebook của ông hiện có hơn 46.000 lượt theo dõi, nên đến khi quyển sách “Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ” tập hợp những câu chuyện của Đàm Hà Phú ra đời, độc giả luôn hối thúc tái bản vì thật khó để tìm mua.

Facebooker Lam Hồng Nguyễn (nhà báo Nguyễn Hồng Lam) đã in bộ sách 3 tập “Người của giang hồ” (NXB Trẻ), tập hợp nhiều bài viết từng đăng trên facebook, như loạt bài về: giang hồ Trà Bắc, về ông Trùm bến Thượng Hải, quyền lực của vua Mèo trên cao nguyên đá Đồng Văn, vua thuốc phiện Khun Sa...

Ngoài những cây bút lão luyện như trên, còn có những cây bút trẻ như Gào (Vũ Phương Thanh), cũng gom những truyện ngắn đăng trên Yahoo 360 hay facebook cá nhân để in thành những ấn phẩm: “Cho em gần anh thêm chút nữa”, “Nhật ký son môi”, “Hoa linh lan”, “Anh sẽ yêu em mãi chứ”…, lần lượt trở thành best- seller và được tái bản liên tục. Lê Ngọc Mẫn (tên thật Nguyễn Huyền Trang) cũng là ngòi bút có ảnh hưởng trong cộng đồng văn học mạng.

Truyện của Lê Ngọc Mẫn được đông đảo độc giả theo dõi trên mạng, đặc biệt là các tác phẩm: “Như một cơn gió lạ”, “Như tiếng dương cầm”... Từng tập của truyện dài “Trái đất tròn lòng người góc cạnh” Lê Ngọc Mẫn đăng trên facebook cá nhân được nhiều độc giả chờ đón.

Dùng mạng xã hội như cuốn “nhật ký đường đời”, đồng thời cũng là nơi tạo lập và lưu trữ nguồn tư liệu sơ cấp và trực quan để những ký ức, những ý tưởng không bị trôi đi.

Chỉ với một cái iPad, hay điện thoại thông minh có kết nối internet, những trang viết được lưu giữ sẽ là nguồn cảm hứng cho những dự án viết lách, in ấn dài hơi sau này. Nhanh nhưng cũng thật chất lượng, “dòng văn học facebook” trở thành món ăn tinh thần mới mẻ và hấp dẫn cho người yêu sách.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh