Về lại Ngãi Tứ

03:05, 09/05/2021

Tôi không thể nhớ, thời dạy học ở Công Nông tôi đã về thăm Ngãi Tứ (Tam Bình) bao nhiêu lần, chỉ nhớ thời ấy đường đi khó lắm. Các anh chị học viên mỗi lần mời tôi về Ngãi Tứ chơi, thường dặn tôi thức sớm theo con nước, xuống đò dọc ở chợ Ngã tư Long Hồ.

(VLO) Tôi không thể nhớ, thời dạy học ở Công Nông tôi đã về thăm Ngãi Tứ (Tam Bình) bao nhiêu lần, chỉ nhớ thời ấy đường đi khó lắm. Các anh chị học viên mỗi lần mời tôi về Ngãi Tứ chơi, thường dặn tôi thức sớm theo con nước, xuống đò dọc ở chợ Ngã tư Long Hồ.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Gọi đúng tên là tàu đò. Tức tàu gỗ, mui lợp bằng thiếc, hai bên sườn tàu đầy cửa sổ. Trong khoang toàn bạn hàng, chất chồng hàng đống cần xé rau củ, trái cây, tương chao, mắm muối, đường sữa, dép guốc… và đủ thứ hằm bà lằng.

Những người đi chơi như tôi, không vướng bận hàng họ thì leo lên nóc tàu; ngồi đâu lưng vào nhau, thả sức ngắm hai bên bờ sông đen thẫm và vòm trời chi chít muôn vàn vì sao lóng lánh.

Tàu chạy suốt năm sáu tiếng mới tới, bởi nó hết tấp bên này lại tấp bên kia, liên tục thả khách và đón khách. Công việc chạy tàu đò như xe buýt trên sông này, rất khổ cho người lái tàu và lơ tàu. Vậy mà lơ tàu lại thường là một người đàn bà xồn xồn chừng bốn năm chục tuổi.

Bà ta đứng mũi tàu, trên tay bao giờ cũng sẵn sàng cây sào bằng đòn vông, chống đỡ mũi tàu đò khi tiếp bờ. Tôi không hiểu tại làm sao mắt bà ta tinh, tai bà ta thính làm vậy.

Chỉ cần một người đứng trên bờ bị khuất lùm cây đưa tay vẫy cũng thấy. Chỉ cần một tiếng ới gọi trong đêm cũng nghe. Chứ như tôi, tôi chỉ nghe tiếng máy nổ phình phình, tiếng sóng vỗ oàm oạp và chỉ thấy trên bờ rậm rì cây cối, chứ có nghe có thấy gì khác đâu.

Làm như lúc đó, đường về xã vùng sâu Ngãi Tứ rất khó, chủ yếu người dân phải đi lại bằng xuồng ghe, mà không phải nhà nào cũng có ghe chèo ghe máy; lương tâm không cho phép nhà đò bỏ bất cứ một ai, cho dù người đó xuống tàu chỉ để đi một vài cây số.

Từ Ngã tư Long Hồ đi Ngãi Tứ hồi ấy, mỗi ngày chỉ có hai chuyến tàu đò, gọi là tài nhứt, tài nhì; tài nhứt đi lúc trời sập tối, tài nhì đi lúc nửa đêm. Bị lỡ tài nhứt còn tài nhì. Nếu bị nhỡ luôn tài nhì thì phải đợi tới ngày hôm sau.

Ấy là nói chuyện thời xưa. Chuyện thời những năm 80 thế kỷ XX. Chứ bây giờ thì khác hoàn toàn. Tôi nghỉ hưu đã gần chục năm, nghĩa là hơn chục năm nay tôi ít trở lại Ngãi Tứ, nên lớ mớ là đi lạc đường như chơi. Thứ nhất, đường Tam Bình mở thêm rất nhiều.

Thứ hai, nhà cửa mọc lên san sát, nhanh tới chóng mặt. Thứ ba, dân tình bây giờ cất nhà như dân phố, toàn nhà có hàng rào bằng tường gạch tường lưới quây kín, muốn hỏi đường không phải dễ.

Chính Nguyễn Trọng Dũng là phóng viên truyền hình, thường xuyên đi làm phim tư liệu ở Tam Bình, còn bị lạc tới lạc lui, nữa là tôi bị thoát vị đĩa đệm, đi lại rất khó khăn từ năm 2008.

Tôi nhớ, năm 2019 tôi cùng bà xã đi ấp Bình Ninh, thăm má Năm Bột, vậy mà lần này trở lại Ngãi Tứ, cũng vẫn trên đoạn đường từ xã Long Phú vào ấp Bình Ninh của Ngãi Tứ, tôi không thể nào nhận được ra lối vào nhà má Năm Bột ở đâu.

Bởi lẽ nhiều ngôi nhà đã đổi mới, nhiều cổng nhà đã thay đổi, dọc hai bên đường người ta trồng rất nhiều hoa tươi. Nói như anh Nguyễn Hoàng Diệu ở Ủy ban xã, dân trồng hoa là để gầy thêm thiên địch diệt sâu rầy phá hoại mùa màng và cũng để làm đẹp cho xóm làng.

Tạo thêm đường hoa đang là quyết tâm của xã, tình yêu bảo vệ mùa màng, cùng quyết tâm làm đẹp quê hương của bà con.

Chính vì những bờ rào hoa giấy màu hồng phấn, màu đỏ au, màu trắng xanh, những bờ rào vàng rực huỳnh hoa, vàng nâu hoa dã quỳ, rồi những dãy dài hoa sao nhái, cây tóc tiên, bông cúc nở ngày… khiến tôi không còn nhận ra nơi chốn ngày xưa.

Bởi vậy tôi với Nguyễn Trọng Dũng phải chạy thẳng đến Ủy ban xã. Đơn giản là nơi đây gần chợ xã nên đông vui, nhà cửa sầm uất như phố thị.

Anh em văn nghệ sĩ từ TP Vĩnh Long có mặt đã khá đông. Nhiều người nói chạy xe thẳng thớm một mạch từ cơ quan Hội Văn nghệ tới trung tâm Ngãi Tứ, chỉ khoảng bốn mươi phút là cùng.

Tôi nói vậy để thấy, đường sá nhà cửa ở Ngãi Tứ bây giờ, khác xưa một trời một vực. Ngay như nhà anh Võ Quyết Thắng, tôi đến đã vài lần, nhưng lần nào cũng khác.

Vợ chồng quật sức làm lụng, dành dụm từng đồng, nay lấp cái ao, mai dọn liếp vườn, mốt sửa sang nhà cửa. Mấy công vườn và ngôi nhà cứ mỗi ngày mỗi đẹp hẳn lên. Đứa con gái đang học đại học, nhờ vậy mà phấn khởi, chăm chú học hành, còn muốn giỏi hơn tía nó ngày xưa.

Mà tía nó ngày xưa, học hết cấp ba cái rụp, thi đậu ngay phóc vào trường ĐH Y TP Hồ Chí Minh, với số điểm cao ngất, học sinh cấp ba phổ thông còn mơ không thấy.

Hay nói như lời ông Trần Sâm Quế- nguyên Hiệu trưởng Trường Công Nông thời bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Lê Văn Tám thời kháng chiến đóng ở Ngãi Tứ: “Làm như dân Tam Bình có gien học giỏi bây ơi”.

Từ ông Trần Đại Nghĩa học giỏi tới mức trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học của Pháp, về nước chế ra súng ba zô ca bắn cháy xe tăng thực dân, cải tiến tên lửa Sam 2 bắn rớt pháo đài bay B52 đế quốc.

Đến mấy người con liệt sĩ chỉ học bổ túc chín năm hết mười hai lớp, mà thi đậu ĐH rụp rụp như chơi. Như Võ Quyết Thắng đấy. Như Nguyễn Văn Sang đấy.

Võ Quyết Thắng hồi những năm 80 thế kỷ trước, vì nhà quá nghèo, phải từ chối ĐH Y ở nhà làm vườn. Còn Nguyễn Văn Sang học điện máy ĐH Bách khoa, nhóc sinh viên của trường còn theo không kịp.

Nhiều cán bộ thời kháng chiến, sau hòa bình chỉ học bổ túc, vậy mà tính toán đâu vào đó, kinh doanh thành đạt, danh nổi như cồn. Như ông Mười Rua ở Ba Càng- Song Phú.

Con cháu học giỏi, tất nhiên cũng ảnh hưởng bởi gien học giỏi của cha mẹ với ông bà. Ngồi nói chuyện với má Năm Nguyễn Thị Bột, tôi nhận ra, dù đã sát mí tuổi chín mươi, hai chân từng bị tra tấn cùm kẹp, nay teo hẳn đi, nhưng bà nói năng còn sang sảng, trí nhớ còn tốt lắm.

Bà kể vanh vách phong trào kháng chiến, Huyện ủy Tam Bình, Tỉnh ủy Vĩnh Long, ông nào bà nào ở nhà ai. Tất nhiên chỉ mấy nhà quanh quanh gần bà, chứ nguyên tắc bí mật làm sao cho bà biết hết. Bà kể hồi đằng mình nổi dậy Mậu Thân 1968, quân dân Ngãi Tứ khí thế ngút trời.

Cả đoàn người căng biểu ngữ, phất cờ tiến đến bao vây nhà việc của tề xã, ai dè bọn này được lính đồn súng ống rần rộ đến giúp vây ráp, bắt được Sáu Quế cùng đi với bà con.

Thấy Sáu Quế trắng trẻo, chẳng giống con cái nhà nông dân, lính bắt dẫn ông về quận. Sáu Quế lanh trí, tự nhận mình là sinh viên Sài Gòn, chạy về Ngãi Tứ lánh nạn cộng sản, thấy bà con kéo nhau đi đông thì tò mò theo coi cho biết.

Thằng Quận trưởng Tam Bình vốn chuộng người có học, nên sai nhốt Sáu Quế lại để điều tra. Bà con Ngãi Tứ quý ông thầy cách mạng còn quá trẻ, nên người bán trâu, người bán lúa, kéo lên gặp riêng thằng quận trưởng, xin chuộc Sáu Quế đem về. Quận trưởng thời đó là quận tiền quận nhũng.

Ăn tiền của dân như cá tra cá dồ. Tham nhũng của Mỹ như chảo chớp. Hắn ra giá với bà Chín Được. Bà Chín Được bán một con trâu mộng chưa đủ, dân ấp Bình Ninh còn phải bán thêm mấy chục giạ lúa mới đủ. Cô Sáu Dễ- con bà Chín Được- thấy Sáu Quế được thả về khỏe mạnh, mừng quá ôm gốc dừa cụt ngọn khóc ồ ồ.

Ấy là tôi nói Ngãi Tứ hôm nay không ngừng đổi mới đi lên, là nhờ có gien hiếu học, biết trọng người có học. Như Trần Thanh Sơn người ấp Bình Ninh, mới mười ba, mười bốn tuổi đã vào vùng kháng chiến để được cách mạng dạy học.

Nhờ công nuôi dưỡng dạy dỗ của Trường Nội trú kháng chiến Lưu Văn Liệt, sau hòa bình Trần Thanh Sơn mới được đi học Trung cấp Sư phạm, rồi học nghiên cứu về chuyên ngành lịch sử, làm sống dậy một thời hào khí Ngãi Tứ, qua từng trang viết của mình.

Có người nói với tôi, lúc bấy giờ tại Ngãi Tứ có tới ba trường kháng chiến. Ngãi Tứ lúc đó chiến tranh ác liệt, bom cày đạn xới hàng ngày. Phản lực trên không dội bom tấn, bom xăng xuống đốt phá xóm làng. Tàu chiến dưới sông Ngãi Tứ xối đạn đại liên, đạn M79 dây lên như vãi trấu.

Pháo các loại từ quận lỵ Tam Bình, từ Khu trù mật Cái Sơn, từ đồn Giáo Mẹo, từ thị trấn Trà Ôn, bắn tới như dội bão. Lại còn L19 và trực thăng quần đảo, xối trọng liên và sút rốc két. Rồi thì xe thiết giáp, cùng bộ binh và biệt kích càn quét hà rầm, chưa kể bọn bảo an dân vệ tại chỗ.

Các bạn thử hình dung, với chiều dài toàn xã khoảng mười hai cây số, mà địch chốt tới mười cái đồn, cấp trung đội và đại đội; nó kẹp đàng mình tưởng cứng ngắc, vậy mà đàng mình vẫn nổ máy chà lúa, vẫn in báo kháng chiến, mở trường dạy học, biểu diễn văn công, chẳng coi súng đạn và tụi lính ra gì.

Vậy nhưng kỳ lạ một điều, dù tính chất ác liệt như vậy, dù lính đóng đồn dày đặc như vậy, nhưng cả Huyện ủy Tam Bình và Tỉnh ủy Vĩnh Long đều chọn Ngãi Tứ làm căn cứ kháng chiến.

Lý do chính, có lẽ là cách mạng tin tưởng đồng bào Ngãi Tứ, dựa vào lòng dân Ngãi Tứ để kháng chiến trường kỳ. Cơ quan Tỉnh ủy, cơ quan Tuyên huấn, Tỉnh Đoàn, Phụ nữ, cơ quan Báo chí, cơ quan Văn nghệ, đoàn Văn công đều đóng ở đây.

Là bởi từ sau Mậu Thân 1968, địch tăng cường đàn áp khủng bố, hòng triệt phá lực lượng cách mạng, nếu không dựa vào lòng dân thì có nơi nào mà tồn tại.

Tình thế bấy giờ cho thấy, nếu không dựa vào nhân dân thì không nắm được tình hình của kẻ thù đặng tìm cách đối phó, không có lương thực thực phẩm để sống, mà Ngãi Tứ lại là xã đáp ứng được điều đó.

Nghĩa là khi ta về lập căn cứ, dân tình không bỏ đi, mà trụ lại chở che và cưu mang cho cách mạng. Má Ba Nam ở Bình Ninh nói với tôi: “Hồi ấy coi vậy mà nghĩa tình quân dân thắm thiết lắm con ơi. Anh em đói thì cứ tự nhiên tới nhà bà con xúc lúa, đào khoai, bẻ bắp, nhổ khoai mì mà ăn.

Bom đạn ì đùng mà ban đêm, lâu lâu đoàn Văn công vẫn hát múa cho dân coi. Lại còn nhà in bột, in ra báo Quyết Thắng, báo Kèn Giải phóng.

Anh chị em đàng mình gọi Ngãi Tứ là “Sài Gòn mới đấy”. Tự nhiên tôi nhớ anh Ba Kiệt sưu tập được một số tác phẩm của Nguyễn Minh Điền, viết thời hoạt động ở Ngãi Tứ, in thành tập “Vách đá vần thơ”.

Tự nhiên tôi nhớ anh Ba Lâm móc đất sét làm thành cái đèn đất để rọi ảnh, minh họa cho báo chí. Nhớ anh Tư Kiệp lội ruộng bắt cá xúc tép, nấu ăn cho học sinh trường Lê Văn Tám.

Nhớ nhạc sĩ Kiên Tâm, đi kháng chiến trong vùng đất lửa, mà vợ nhớ chồng, cụ bị cả sáu đứa con, vào cất cái nhà lá trong vườn ông Bảy Hồng, để được sống gần gụi với chồng.

Nhớ chị Ba Trang cùng đoàn Văn công của tỉnh, từ Bình Minh về Ngãi Tứ, múa cho bà con xem tiết mục “Cờ giải phóng” do chị biên đạo. Và nhớ bài thơ “Tiếng hát” của ông Tám Quang- Nguyễn Minh Toàn.

Tiếng hát em bay vào đồn giặc

Cho vàm An Hòa vui bốn ngã quân đi

Người chị sông Măng tay dầm thêm chắc

Giặc bố giặc rình vẫn giữ nhịp giao liên.

Nếu viết về Ngãi Tứ thì chắc chắn viết hoài không hết. Tôi sẽ có bài viết thêm về Ngãi Tứ.

11/4/2021

(Tặng quân dân Ngãi Tứ anh hùng)

HỒ TĨNH TÂM 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh