Khai bút đầu xuân

03:02, 07/02/2021

Từ lâu, khai bút đầu xuân đã trở thành phong tục truyền thống, là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam trong việc thể hiện tinh thần hiếu học, là biểu tượng cho sự thành kính của người học trò đối với thầy cô trong những ngày đầu năm mới.

 

Du khách và các em học sinh tham quan, xin chữ tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ ở TP Cần Thơ.
Du khách và các em học sinh tham quan, xin chữ tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ ở TP Cần Thơ.

(VLO) Từ lâu, khai bút đầu xuân đã trở thành phong tục truyền thống, là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam trong việc thể hiện tinh thần hiếu học, là biểu tượng cho sự thành kính của người học trò đối với thầy cô trong những ngày đầu năm mới.

Qua đó, cũng là biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của các học sinh, những trí thức, văn nghệ sĩ luôn cầu mong đỗ đạt trong học tập, thành công trong sự nghiệp và được nhiều may mắn trong năm mới.

Bùi Xuân Mỹ trong tác phẩm “Lễ tục trong gia đình người Việt”, do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2012 có đề cập đến khái niệm khai bút như sau: “Khai bút là năm mới cầm bút viết lần đầu. Thông thường, ngày xưa những người hay viết như các ông đồ, các nhà khoa giáo và những người làm việc quan đều coi việc khai bút là hệ trọng”.

Qua nghiên cứu nhiều tài liệu cho thấy, tục khai bút đầu xuân xuất hiện đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ XIII, bắt nguồn từ việc thầy giáo Chu Văn An- người được mệnh danh là “Vạn thế sư biểu” (tạm dịch: Người thầy của muôn đời) về Chí Linh (Hải Dương) mở trường dạy học.

“Tương truyền, khi học trò đến thăm thầy Chu Văn An, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó.

Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy”.

Cũng như nhiều tục lệ khác trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nghi lễ khai bút đầu xuân cũng được nhân dân ta xem trọng, nhằm đề cao giá trị của chữ nghĩa, thể hiện tính cần cù, hiếu học của người dân đất Việt có tự ngàn đời nay.

Những nét chữ đầu tiên luôn mang trong mình những ước muốn, mong mỏi, hy vọng của người viết về một năm mới an lành, thịnh vượng, gia đạo bình yên.

Vì thế “các thầy đồ chọn ngày tốt, giờ tốt, thắp nén hương thành kính khấn vái trước bàn thờ, rồi lấy tờ giấy hoa tiên đã mua sẵn, mài thoi mực mới, khai bút đầu xuân”- Bùi Xuân Mỹ viết trong “Lễ tục trong gia đình
người Việt”.

Cũng theo tác giả Bùi Xuân Mỹ, trước án thư nén nhang trầm còn ngát hương thơm, các thầy đồ làm thơ tức cảnh, tự vịnh, làm câu đối.

Thơ và câu đối được các thầy đồ tự ngâm và thưởng thức trước, rồi cho vào tráp, đợi khách tới, trong lúc nhấp chén trà xuân cũng đọc cho khách nghe, sau đó chủ và khách cùng nhau bình luận.

Việc khai bút đầu xuân không chỉ được thầy đồ tổ chức mà các nho sinh nhân ngày tết cũng chọn giờ hoàng đạo thực hiện nghi thức khai bút để cầu học hành tấn tới, thi kỳ đỗ đạt, hiển vinh.

Các thầy đồ thường chọn những từ, tục ngữ, danh ngôn thể hiện sự may mắn, răn dạy về đạo đức, nhân cách, phẩm hạnh của con người để khai bút, như: lộc, tài, tâm, đức, hạnh, hiếu thảo, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; tấn tài, tấn lộc, tấn bình an; an khang thịnh vượng…

Chính sự giáo dục nhân cách, ước mong mang đến sự tốt lành trong cuộc sống nhân dịp năm mới, tục khai bút đầu xuân ngày nay cũng thu hút được sự quan tâm của các học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên.

Nhận thấy được sức ảnh hưởng đó, những năm trở lại đây tục khai bút và xin chữ không còn gói gọn ở một thời điểm, phạm vi nhỏ hẹp là Tết Nguyên đán, mà đã lan tỏa rộng ra các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống của dân tộc, của địa phương, tiêu biểu như: Tết Nguyên tiêu (15/1 âm lịch) được tổ chức tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; ngày sách Việt Nam; hoặc Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ tại TP Cần Thơ… đã thu hút rất đông du khách, học sinh các cấp học đến tham quan, tìm hiểu và xin chữ.

Khai bút đầu xuân là lễ tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người Việt Nam quan niệm, khai bút tức là khai tâm, khai trí, khai nghề.

Đây còn là lễ tục thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An nói riêng và thể hiện sự tôn sư trọng đạo của học sinh, sinh viên đối với các thế hệ thầy giáo, cô giáo trong cả nước nói chung. Do đó, chúng ta cần giữ gìn và cần phát huy tốt những giá trị văn hóa tốt đẹp của tục khai bút đầu xuân.

* Tài liệu tham khảo:

- Bùi Xuân Mỹ (2012), “Lễ tục trong gia đình người Việt”, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

- An bình, “Khai bút đầu xuân- giữ gìn thế nào nét đẹp của người hiếu học?”, https://laodong.vn (25/1/2020 | 10:30) và có tham khảo một số bài viết khác trên Internet

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh