Để tìm hiểu đời sống của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và chúc tết người dân trong đêm 30 tết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết gia đình ông Trần Văn Dung- Việt kiều Thái Lan mới về nước, ngày 14/2/1961 (đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu). Ảnh: Tư liệu lịch sử |
(VLO) Để tìm hiểu đời sống của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và chúc tết người dân trong đêm 30 tết.
Vào đêm 30 Tết Bính Tuất 1946, Người cùng với các đồng chí giúp việc đến đầu ngõ hàng Đũa (phố Sinh Từ). Đây là khu dân cư lao động nghèo ở Thủ đô Hà Nội, ngõ hẹp đường mấp mô, phải soi đèn pin để đi. Căn nhà đầu tiên không cài then, mọi người bước vào bên trong thấy rất lạnh lẽo.
Một chiếc đèn dầu le lói và một người đắp chiếu nằm rên, gọi mãi không thấy dậy. Người bảo kéo chiếu lên đắp thêm cho người ốm. Trên đường ra, người dân xung quanh cho Người biết đó là người làm nghề kéo xe và đang bị sốt.
Người buồn, thở dài nói: “30 tết mà không thấy tết” và dặn ngày mai nhớ mang quà và thuốc đến thăm hỏi gia đình. Đến phố hàng Lọng, Người thăm một gia đình công nhân viên chức nghèo. Người thăm hỏi tình hình tết, gia đình thưa “cũng có nén nhang, nải chuối để cúng tổ tiên”.
Vào đêm 30 Tết Đinh Dậu 1957, Người đi thăm 5 gia đình công nhân ở khu lao động Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Điện Bờ Hồ ở An Dương. Như một người thân trong đại gia đình công nhân, Người cùng đón tết với gia đình anh Nguyễn Văn Tảo và các gia đình công nhân khác của Nhà máy Điện Yên Phụ.
Người chỉ vào nồi bánh chưng đang sôi của gia đình anh Tảo và hỏi cụ thể số lượng bánh, thịt mà từng hộ đã lo được trong tết này và cả những khó khăn về đời sống, việc làm hiện nay.
Người rất vui trước những tiến bộ về đời sống, nhất là nhà ở của công nhân nhà máy và ân cần nhắc nhở mọi người: “Thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Cố gắng thi đua làm việc và thực hành tiết kiệm”.
Sau đó, Người đến thăm và chúc tết một số gia đình ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng- Hà Nội): gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh quê ở tỉnh Thừa Thiên- Huế, có 6 con đi bộ đội, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Khắc Vĩ hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ; gia đình đồng chí Phan Đăng Kỳ, cán bộ miền Nam tập kết; gia đình bà Thóc- góa bụa nghèo túng- đang nuôi 4 con nhỏ. Người đã căn dặn mọi người “nên có sự thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thì tết mới đoàn kết vui vẻ”.
Vào đêm 30 Tết Canh Tý 1960, Người đi thăm và chúc tết, tặng quà 5 gia đình cán bộ, nhân dân ở Hà Nội. Người hết sức xúc động khi đến gia đình mẹ con chị Tín- gia đình nghèo nhất trong xóm nhỏ lao động ở một ngõ cụt ở phố Hàng Chĩnh (Hà Nội).
Vì chồng mất nên gần đến giao thừa chị Tín vẫn phải đi gánh nước thuê, đổi gạo để sáng mùng 1 tết có cơm cho 4 đứa con của mình. Sau khi về, Người kể lại câu chuyện gia đình chị Tín cho các đồng chí trong Bộ Chính trị nghe và căn dặn cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của nhân dân.
Vào đêm 30 Tết Tân Sửu 1961, Người đi thăm và chúc tết gia đình một công nhân Nhà máy Gỗ Cầu Đuống, gia đình một cán bộ công đoàn Nhà máy Cơ khí Hà Nội, gia đình một Việt kiều mới về nước, gia đình một xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp người Hoa, gia đình bác sĩ Hồ Đắc Di và gia đình giáo sư Tôn Thất Tùng.
Đúng giao thừa, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Người đọc lời chúc tết đồng bào cả nước nhân đầu Xuân Tân Sửu. Lời chúc của Người có đoạn: “Năm nay là năm Sửu, các cụ ta quen gọi là “Tết con Trâu”.
Trâu thì cày giỏi mà chọi cũng hăng. Toàn dân ta đoàn kết đấu tranh thì chúng ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Đêm 30 Tết Nhâm Dần 1962, Người đi thăm và chúc tết các gia đình: Công nhân Nguyễn Văn Mộc- chiến sĩ thi đua 5 năm liền của Nhà máy Cao su Sao Vàng; cụ Đỗ Văn Diệu- Ủy viên Ban đại diện Phụ lão khu phố Hai Bà Trưng; GS. ThS. Đặng Văn Chung- Phó Giám đốc Trường ĐH Y dược; ông Dương Kỳ Hiệp- cán bộ miền Nam tập kết; ông Vương Tước Cường- công nhân Hoa kiều; nhà tư sản Nguyễn Chương Hồng- Giám đốc Xưởng Cơ khí Công ty hợp doanh Đồng Tháp và một số gia đình lao động nghèo ở phố Lý Thái Tổ.
Tiếp đó, Người đến thăm cán bộ, công nhân Đài Tiếng nói Việt Nam đang chuẩn bị cho chương trình phát thanh đặc biệt đêm giao thừa.
Đêm 30 Tết Quý Mão 1963, Người đi thăm và chúc tết một số gia đình, đơn vị bộ đội ở Hà Nội; thăm gia đình Anh hùng Lao động ngành công nghiệp Mai Đình Cường; gia đình cụ Võ Thị Xuân (72 tuổi); ông Phạm Công- Việt kiều mới về nước; nhà tư sản dân tộc Nguyễn Văn Thức và gia đình ông Hồ Đắc Điềm- nhân sĩ trí thức.
Đêm 30 Tết Giáp Thìn 1964, Người đến thăm và chúc tết cán bộ công nhân tại Khu tập thể Nhà máy Cao su, Nhà máy Xà phòng, Nhà máy Thuốc lá; Khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình ở Hà Nội; gia đình công nhân Nhà máy Nước Phan Huy Nhật; Trưởng Ban Bảo vệ khu phố Nguyễn Văn Tố; nhà khoa học Nguyễn Xiển; GS. bác sĩ Trần Hữu Tước; Việt kiều Phan Văn Chúc.
Như vậy, lúc sinh thời, cứ vào dịp đêm 30 tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đi thăm và chúc tết nhân dân. Kinh nghiệm dân gian là “Giàu nghèo 30 tết mới hay”. Bởi vậy, qua cảnh chuẩn bị đón tết ở mỗi nhà, Người sẽ biết được đời sống của nhân dân một cách sâu sát hơn.
NGUYỄN VĂN TOÀN (st)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin