Nông trại 4.0

07:12, 12/12/2020

Giữa ánh nắng chói chang của cánh đồng mênh mông, có hai bóng người vừa đi vừa ngắm cảnh trời, mây, sông, nước. Họ luôn nhìn chỗ này, chỗ khác, trao đổi, bàn bạc, nói chuyện thân tình. Hai dáng người dong dỏng cao cứ thế đi hết cánh đồng. Anh Hồng vừa bước lên gò đất đứng nhìn, thì tới anh Sơn cũng vậy. Lát sau, Sơn hỏi:

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Giữa ánh nắng chói chang của cánh đồng mênh mông, có hai bóng người vừa đi vừa ngắm cảnh trời, mây, sông, nước. Họ luôn nhìn chỗ này, chỗ khác, trao đổi, bàn bạc, nói chuyện thân tình. Hai dáng người dong dỏng cao cứ thế đi hết cánh đồng. Anh Hồng vừa bước lên gò đất đứng nhìn, thì tới anh Sơn cũng vậy. Lát sau, Sơn hỏi:

- Anh thấy sao, chỗ này làm trang trại được không?

- Tôi thấy như vầy cũng được. Địa hình, địa dạng khá tốt. Đặc biệt là nằm cạnh dòng sông và có một mương nước chính giữa. Xung quanh chưa bị lấn chiếm và chưa bị những công trình khác cản trở.

Sơn nói:

- Đất này là của vợ chồng tôi. Vậy là chúng ta không tốn chi phí thuê mướn mặt bằng, chỉ phải bỏ tiền mua thêm miếng đất liền kề. Chắc chắn phải vay thêm tiền, mượn thêm nợ…

Hồng giao ước:

- Mặt bằng như vậy là tốt lắm rồi. Tôi sẽ vận động bạn bè và anh em bên vợ hỗ trợ kinh phí ban đầu. Bản vẽ, thiết kế thì tôi sẽ tự tay làm. Còn việc tích hợp các trang thiết bị máy móc, các công nghệ thông tin trong sản xuất thì tôi với anh sẽ chia nhau làm theo sở trường của mỗi người. Đồng ý không?

Sơn cười, phấn khởi:

- Tốt quá. Hôm nay coi như là ngày giao ước. Hai anh em mình hợp tác làm trang trại theo như mơ ước bấy lâu nay.

Lần đi thực tế đó đã quyết định sự nghiệp sau này của hai anh em bạn. Hồng là thạc sĩ chuyên ngành khoa học công nghệ thông tin; còn Sơn là thạc sĩ nông nghiệp, chuyên về trồng trọt và chăn nuôi. Hai người chỉ trên bốn mươi tuổi. Họ cũng đã kinh qua nhiều công việc như làm cơ quan, mở cơ sở kinh doanh máy vi tính; đặc biệt, Sơn còn có cả một trang trại nuôi gà. Nhưng đối với hai người, đó chỉ là bước đệm, họ muốn có cơ sở sản xuất quy mô và hiện đại hơn.

Sự bàn bạc thống nhất ban đầu có vẻ như rất êm xuôi, nhưng huy động được tổng nguồn lực lại là điều không chút dễ dàng.

Đối với Sơn, sự khó khăn bắt đầu từ vợ. Vợ anh thì muốn dành cả cánh đồng này trồng lúa hữu cơ cao sản, không đồng ý lập nhà xưởng với các trang thiết bị máy móc đầy tốn kém, không khéo lại ô nhiễm môi trường, nhất là trong chăn nuôi. Chị vợ không dám phiêu lưu trong công việc khi chưa hình dung được nó sẽ đi đến đâu.

Còn đối với Hồng, sự khó khăn cũng đến từ vợ. Vợ đang giữ một khoản tiền tiết kiệm khá lớn của hai người tại ngân hàng, nhưng nhất định không chịu rút ra; cô không muốn phiêu lưu vào một việc mà chưa hình dung được mức độ thành công hay thất bại. Vợ Hồng nói chẳng thà làm ăn nhỏ, lấy ngắn nuôi dài, từng bước phát triển chớ đừng phiêu lưu, cô đã từng thấy bạn bè lâm vào cảnh đó rồi. Chẳng những vậy, mấy anh em bạn lúc đầu hứa cho mượn tiền, sau đó nói do khó khăn nên tạm dừng. Mọi việc dường như đã bế tắc. Chuyện giằng co kéo dài cả tháng. Có những lúc hai cặp vợ chồng giận nhau mấy ngày không nói chuyện. Người ta nói đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn, còn đàng này thì…

Hai anh em buồn và nản, không bàn đến chuyện đầu tư xây dựng trang trại nữa. Ngày tháng cứ trôi qua… Nhưng ngày tháng trôi thì cứ trôi; Sơn và Hồng vẫn tiếp tục điều nghiên dự án sắp tới.

Mấy tháng sau, Hồng bàn với Sơn một chuyện: Hai người tổ chức một chuyến đi du lịch Đà Lạt, Nha Trang, bận về ghé Đồng Nai thăm bạn. Điều quan trọng là phải có hai cô vợ cùng đi. Xù xì to nhỏ, tính toán kế hoạch xong, hai người quyết định làm một chuyến du lịch thư giãn. Trước khi đi, Hồng gọi điện báo cho anh Lê Quân- bạn chí cốt của mình- hiện là chủ một trang trại ở Đồng Nai.

Vậy là hai cặp vợ chồng cùng đi. Không tính thời gian ngồi xe, họ có hai ngày ở Đà Lạt, hai ngày ở Nha Trang. Chuyến đi chơi đầy kỷ niệm và những trải nghiệm thú vị gắn kết thêm tình cảm vợ chồng.

Bận về, họ ghé thăm anh Lê Quân. Anh Quân hiện là chủ một trang trại rộng hàng chục héc ta ở Đồng Nai. Anh đã trên năm mươi tuổi, còn nói về bằng cấp thì chỉ có bằng Kỹ sư nông nghiệp. Quân là bạn của Sơn và Hồng, nhưng là bạn đàn anh. Quân vui vẻ, hoạt bát, gặp người quen thân đến thăm, mừng lắm. Biết trước mấy bạn đến đây là để tham quan trang trại, Quân đề nghị:

- Anh chị đến đây, nhưng gấp gì, lo nghỉ ngơi, ăn uống trước đã. Bây giờ đã ba giờ chiều rồi. Dù gì các anh chị em cũng phải nghỉ đây một đêm tôi mới chịu.

Nói xong, không chờ ai có ý kiến gì, Quân gọi điện đặt ngay các món ăn ở một nhà hàng gần đó. Khi mọi người ổn định chỗ nghỉ ngơi, Quân mời vào một gian phòng rộng. Phòng này trông giống một phòng làm việc hơn là phòng ăn; ngoài cái bàn dài phủ vải màu xanh da trời với gần chục cái ghế, còn có bàn máy vi tính, bàn đặt laptop, một màn hình khoảng 50 inch gắn trên tường, vài ba loại máy móc gọn nhẹ khác. Tường được “bê” màu xanh nhạt, bước vào thấy mát cả người.

Phòng ăn chỉ có ba cặp vợ chồng, Quân không mời ai khác. Các món ăn được trưng bày gọn đẹp. Ngoài bia lon dành cho các ông chồng, còn có nước ngọt, nước suối cho các bà vợ. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện thân mật, vui vẻ. Quân nhắc lại những kỷ niệm xưa, nhắc lại ngày đám cưới của họ đều có bạn bè đến dự đông vui. Khi mỗi người đã uống được vài lon bia, Quân nói:

- Trang trại của tôi có năm khu vực liên hoàn nhau, chia ra ba khu chăn nuôi bò; hai khu còn lại là trồng các loại rau và phong lan. Toàn bộ việc chăm sóc, tưới bón đều là tự động hóa theo lập trình tôi cài đặt sẵn. Trước khi đi tham quan, tôi mở cho các anh em xem trước vài cảnh vật bên ngoài.

Rồi Quân cầm remote bấm mở màn hình, sau đó lấy chiếc điện thoại thông minh có màn hình rộng bấm quẹt vài cái. Màn hình trên tường hiện ra cánh đồng cỏ, có hàng trăm con bò đang nhởn nhơ gặm cỏ dưới những bóng cây. Quân bấm chuyển sang các chuồng trại nuôi bò. Quân nói:

- Việc vệ sinh chuồng trại được máy móc làm tự động, chỉ cần một người đi kiểm tra để giải quyết những sự cố khi cần. Từng con bò có gắn chip điện tử phía sau mang tai để theo dõi sức khỏe và điều khiển bò hướng đi những lúc cần thiết.

Quân cho biết thêm những cánh đồng cỏ đã được phân lô, anh tuần tự cho bò ăn theo từng lô để có thời gian cho cỏ mọc lên.

Quân tiếp tục điều khiển điện thoại:

- Để tôi cho anh em xem chỗ trồng rau.

Trên màn hình hiện ra từng ô của cánh đồng rau xanh mướt, có một công nhân đang đi phía giữa. Quân nhìn đồng hồ rồi nói:

- Chỉ còn đôi phút nữa là hệ thống tưới nước sẽ tự động phun nước tưới rau.

Hồng hỏi:

- Anh nói tự động có nghĩa là cứ đến giờ thì nó phun.

- Đúng vậy. Tôi đã lập trình sẵn giờ giấc. Một ngày hai lần, tháng nóng, tháng mùa khô thì ngày ba lần. Liều lượng nước tưới ít nhiều cũng được tự động theo từng loại rau màu do mình cài đặt theo từng khu vực.

Mọi người chăm chú nhìn vào màn hình. Quả nhiên, đúng giờ anh Quân nói thì cả hệ thống tự động phun nước tưới rau. Tia nước trông thật đẹp mắt. Quân cầm điện thoại điều khiển màn hình chuyển sang các khu vực khác. Những khung cảnh vừa đẹp vừa hoành tráng cứ lần lượt xuất hiện.

Màn hình chuyển đến khu vực trồng hoa phong lan. Mọi người tưởng chừng như đang lạc vào một vườn hoa rực rỡ đầy sắc màu, phong phú và thanh thoát về kiểu dáng. Anh Quân nói như thuyết minh:

- Đây là lan Vũ nữ, lan Hồ điệp rất phổ biến; đây là lan Hoàng thảo vôi, lan Long tu xuân; còn đây là lan Hoàng thảo tua, lan Hạc vỹ…

Hình ảnh được điều khiển hiện ra đến đâu, Quân giới thiệu đến đó.

- Tôi trồng trên ba mươi loại lan. Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật lẫn nghệ thuật chăm sóc nên lan chậm phát triển hoặc cho hoa không đủ chuẩn. Tôi nhờ người tư vấn nên mới mạnh dạn đầu tư trồng lan như bây giờ. Tùy theo từng loại lan mà có cách chăm sóc khác nhau. Thí dụ như có loại chịu nắng nhiều, có loại chịu ít nắng; nắng ít nhiều còn tùy thuộc vào độ tuổi của lan. Về ẩm độ, nhiệt độ cũng vậy, mỗi loại mỗi khác. Thành ra các anh em thấy, tôi sắp xếp từng loại có không gian riêng để bố trí hướng nắng, hướng gió; còn ẩm độ thì do mình tạo ra bằng hệ thống máy phun sương hoặc rãnh chứa nước bên dưới.

Không riêng gì Sơn, Hồng đang chăm chú xem mà hai bà vợ cũng mê mẩn dõi theo. Vợ Sơn buột miệng nói:

- Em có ý kiến là mình tạm dừng ăn một lát, ra vườn phong lan xem rồi hãy trở vào dùng tiếp.

Lời đề nghị được mọi người hưởng ứng. Dường như ai cũng không dằn lòng được, ai cũng muốn xem tận mắt, sờ tận tay. Vậy là Quân hướng dẫn anh em ra tận khu vực trồng phong lan. Khu vực chỉ hơn năm công đất, nhỏ hơn nhiều so với các khu vực khác. Tùy theo tính chất từng loại lan mà chúng được bố trí chung hoặc riêng một gian có phủ bạt xanh đen. Hai cô vợ cứ trầm trồ trước những dò lan đẹp. Mỗi loại thật là một kỳ công của thiên nhiên.

Sau khi đi ngắm khu vực trồng lan, mọi người trở vào phòng ăn. Câu chuyện càng lúc càng rôm rả hơn và hầu hết chỉ xoay quanh các dò lan dân dã mà quý phái. Lát sau, các bà vợ không uống bia nên xin nghỉ trước. Cánh mày râu thì vẫn ngồi lại đối ẩm. Sơn nói:

- Tôi với anh Hồng có ý muốn lập một trang trại na ná như của anh. Không ngờ hôm nay đến đây nhìn tận mắt cơ ngơi này, tụi tôi mê quá. Nó cũng không khác lắm những gì mà tụi tôi định làm. Anh là người đi trước, anh hỗ trợ, tư vấn cho tụi tôi được không.

Anh Quân vui vẻ:

- Chỗ anh em chí cốt, tôi sẵn lòng.

Hồng bật mí một tin vui với Sơn:

- Tôi dự báo tình hình là qua chuyến đi này, vợ anh với vợ tôi có thể sẽ đồng thuận với tụi mình trong việc xây dựng trang trại.

Rồi Hồng kể cho anh Quân nghe những khó khăn của hai người trong việc này, nhất là đối với hai cô vợ. Quân hiểu chuyện, nói:

- Tôi sẽ tác động thêm, mấy bạn yên tâm. Hồi đó tôi cũng đã từng vận động vợ.

Hôm sau, mọi người đi tham quan một vòng trang trại rồi về. Và rồi, như Hồng dự đoán, hai cô vợ đã đổi ý. Từ chỗ không đồng thuận, hai người chủ động có ý kiến và muốn tham gia một số công việc sắp tới của dự án.

Sơn, Hồng rốt ráo chuẩn bị mọi thứ cho việc xây dựng cơ sở vật chất và các trang thiết bị, máy móc… Việc hình thành trang trại chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tương kế tựu kế, không làm trái ý vợ; Sơn và Hồng dành hẳn một khu vực để trồng các loại rau cải và phong lan, thay cho trồng lúa hữu cơ cao sản theo ý vợ Sơn trước đó. Và họ cũng cân nhắc nguồn vốn để làm theo ý kiến của vợ Hồng là từng bước, lấy ngắn nuôi dài, không triển khai cùng lúc tất cả mọi việc theo dự án.

Ngoài việc nuôi bò, bấy lâu nay Sơn còn ấp ủ một việc là nuôi gà đen. Gà đen có xuất xứ từ Indonesia. Mọi bộ phận trên cơ thể chúng đều có màu đen, không chỉ có lông đen mà thịt gà, mào, mỏ, nội tạng, trứng… cũng màu đen. Gà có thịt dai, mềm, ngọt, rất bổ. Thời gian qua, Sơn cũng đã mày mò nghiên cứu tư liệu, hỏi những người đã từng nuôi để học thêm kinh nghiệm.

Căn cứ thiết kế, họ làm mặt bằng trước. Chỗ nào phải tôn cao, chỗ nào vẫn giữ y, chỗ nào là lối đi, nhà xưởng, đồng cỏ, chỗ nào là không gian hoa cảnh... Điều họ quan tâm là hệ thống thoát nước phải đảm bảo. Cái mương nước kéo dài chính giữa thật lý tưởng để kết nối vào hệ thống cấp thoát nước cả khu vực. Mặt bằng hoàn chỉnh đến đâu thì phòng làm việc, nhà xưởng, lán trại… từng bước mọc lên. Rồi đến các loại trang thiết bị máy móc, hệ thống điều khiển, kết nối, hệ thống chiếu sáng, các camera giám sát, còi báo động… Ngoài việc mô phỏng theo trang trại của anh Lê Quân, họ còn nghiên cứu làm thêm các chương trình khác như đưa âm thanh vào chăn nuôi, trồng trọt.

Thời gian trôi nhanh. Vùng đất hoang vu ngày nào bây giờ đã trở thành một trang trại hiện đại. Ghép tên hai chủ nhân, người ta quen gọi là trang trại Sơn Hồng. Sơn làm Giám đốc, Hồng và các vị phu nhân làm phó Giám đốc. Tuy quản lý chung và trách nhiệm chung, nhưng mỗi người được phân công chuyên sâu một lĩnh vực.

Vợ Hồng phụ trách khu vực trồng rau cải, trong đó có khu vực nhà kính, nhà lưới dành cho các loại rau siêu sạch. Vợ của Sơn yêu thích bông hoa, được phụ trách các dãy lán trại trồng phong lan; rồi sau đó sẽ trồng thêm các loại hoa khác.

Hồng hiểu biết nhiều về đặc tính của bò nên phụ trách khu vực chăn nuôi bò với cả ngàn con. Sơn đã từng nuôi gà nên đảm nhận việc nuôi gà đen. Đây loại gà có giá rất cao trên thị trường. Có thời điểm một con gà giống một tháng tuổi có giá 2,5 triệu đồng, còn gà thịt thì mấy mươi triệu đồng một con. Thời gian đầu, trang trại chỉ có vài trăm con, rồi từng bước gầy giống, đến nay được gần chục ngàn con.

Những trục trặc khó khăn và những thiệt hại ban đầu cũng đến từ những con gà này. Tỷ lệ ấp thành công của gà thấp nếu chưa có kinh nghiệm. Gà dưới mười lăm ngày tuổi, hai lăm ngày tuổi, trên dưới bốn mươi lăm ngày tuổi có chế độ chăm sóc khác nhau. Tính ra rất công phu và tốn kém.

Một buổi sáng đẹp trời, vợ chồng Lê Quân sắp xếp công việc đến thăm trang trại Sơn Hồng để xem các anh em mình làm ăn đến đâu. Đi một vòng tham quan, anh Quân dừng chân ngay dãy chuồng trại nuôi gà đen, nói ngay nhận xét ban đầu của mình:

- Mấy anh em làm hiện đại hơn tôi nhiều. Bây giờ đến lượt tôi phải học lại. Nhất là việc sử dụng âm nhạc trong chăn nuôi và trồng trọt.

Anh Sơn nói:

- Tụi tôi cũng học hỏi từ những người đi trước. Thu nhập của tụi tôi hiện giờ từ những con gà này là rất lớn.

Anh Quân rất thích khi biết được những tính năng của những chuồng trại nuôi gà. Cách cho ăn, uống đều là tự động và đảm bảo vệ sinh. Nhiệt độ chuồng trại được cài đặt theo lứa tuổi của gà và hệ thống sẽ tự động điều chỉnh theo nhiệt độ bên ngoài. Tấm lót bên dưới là đệm lót sinh học, có hệ thống tự động kéo ra mỗi ngày và bên dưới đã có sẵn tấm lót khác thay thế. Hệ thống sẽ tự đưa phân gà vào rãnh. Đứng ngay trại gà mà không nghe mùi hôi. Toàn bộ phân gà, phân bò có hầm ủ sinh học để tạo ra nguồn phân hữu cơ có chất lượng cao cho rau cải, đồng cỏ và các loại cây trồng khác.

Anh Sơn giới thiệu thêm về việc sử dụng âm nhạc trong nuôi gà:

- Tôi đã thử ba loại giai điệu nhạc ở ba khu vực chuồng trại khác nhau. Phát nhạc cũng cần phải chú ý âm lượng và thời gian phát mỗi ngày. Lần đầu phát nhạc qua loa, chúng tôi để ý xem thái độ của gà. Loại âm thanh nào mà thấy chúng có vẻ nháo nhác, ăn uống giảm đi thì tụi tôi dừng lại. Sau đó, tôi so sánh năng suất thịt, năng suất đẻ trứng của từng khu vực, rồi so với nơi không có nhạc thì thấy rõ loại nhạc phù hợp sẽ góp phần tăng năng suất trong chăn nuôi. Vậy là tụi tôi tạo nhạc ở tất cả chuồng trại. Ban ngày phát liên tục sáu tiếng, đầu hôm phát thêm hai tiếng.

Lê Quân hỏi:

- Còn chỗ nuôi bò thì sao?

- Chuồng trại của bò cũng có âm nhạc, nhưng là loại nhạc khác. Qua theo dõi, ghi chép số liệu, tụi tôi cũng thấy năng suất và chất lượng thịt, sữa đều cao hơn.

Mọi người đi đến khu vực trồng phong lan. Kiểu cách bố trí, các giá đỡ, các chậu lan… cũng na ná như trang trại của anh Quân. Họ cũng chỉ làm thủ công khi tạo các giá thể và mang hoa ra thị trường; còn phần chăm sóc, tưới bón, điều chỉnh ẩm độ, nhiệt độ theo từng thời kỳ phát triển của hoa đều được tự động hóa. Sơn nói thêm về âm nhạc:

- Cây trồng vẫn có cảm thụ về âm nhạc qua độ rung động của sóng âm tác động lên thân, lá, hoa, kể cả bộ rễ; và do vậy nó cũng tác động đến sự phát triển của cây trồng. Sau khi thử nghiệm một số loại nhạc, tụi tôi nhận thấy các giống phong lan ở đây phát triển nhanh hơn, hoa đẹp hơn khi được thưởng thức loại nhạc trữ tình mang âm hưởng đồng quê, có tiếng gió, tiếng suối, tiếng chim du dương. Nhạc được phát liên tục mười tiếng đồng hồ một ngày. Tôi có thằng bạn là nhạc sĩ, nó đã tạo ra những giai điệu nhạc không lời bằng cây đàn organ theo yêu cầu của mình.

Anh Quân nói:

- Tôi thích quá, tôi cũng sẽ từng bước làm như các bạn.

Rồi anh đưa ra nhận xét:

- Nếu như thế mạnh cũng như điểm nhấn của trang trại tôi là cánh đồng cỏ nuôi hàng ngàn con bò, thì thế mạnh của các bạn là hàng chục ngàn con gà đen. Có phải vậy không?

Mọi người cười vui vẻ. Hồng nói:

- Anh đi qua cánh đồng rau bên kia, có thêm cái mới nữa.

Mọi người đi một quãng dài, đến cánh đồng rau xanh mướt có nhiều con ong cánh vàng đang bay nhởn nhơ. Hồng nói:

- Hôm trước, tụi tôi có nhờ anh bạn giỏi về sinh vật học, lai tạo ra một loại ong, tên khoa học là gì thì tôi không nhớ, nhưng tạm đặt tên ong vàng nếu nói theo màu sắc. Nó là thiên địch của các loại sâu rau. Tụi tôi tạo điều kiện cho nó có tổ để ở. Rau trồng trong nhà kính thì không có vấn đề gì, còn rau trên đồng, trên luống thì không thể nào không có sâu. Tụi tôi nhờ bầy ong này diệt hộ chớ không sử dụng thuốc trừ sâu. Ong này hút chất dịch trong cơ thể sâu làm sâu chết, xác nó rơi xuống trở thành phân bón cho rau. Khi nào sâu nhiều quá, bầy ong làm không xuể thì trang trại mới huy động lực lượng bắt sâu thủ công.

Hồng chỉ tay qua bên kia cánh đồng:

- Dãy trại lợp lá mà anh chị nhìn thấy là nơi cho ong làm tổ. Còn bên cạnh chỗ tụi mình đang đứng có một dãy nhà lợp lá không rộng nhưng dài, anh chị đến xem thử.

Vợ chồng Quân bước đến, bên trong không có gì ngoài bức tường xi măng chạy dài, đặc biệt là có nhiều tổ tò vò bằng đất bám chi chít trên tường.

Hồng nói:

- Năm rồi, tụi tôi nhờ người tìm bắt hàng trăm con tò vò, loại này chuyên bắt sâu về tổ để nuôi ấu trùng, tức là con của nó khi nở ra. Bức tường này là nơi cho nó làm tổ, cách đây mấy mét có một đoạn bờ mương đất nhão để nó có vật liệu “xây dựng”. Mấy con tò vò này bắt sâu giỏi lắm.

Quân buột miệng:

- Hay quá.

Rồi mọi người bước đến một hồ sen, phía trên là nhà thủy tạ, có cái bàn tròn và gần chục cái ghế. Cạnh hồ sen là một hồ nuôi cá tai tượng và vài loại cá khác.

Sơn giới thiệu:

- Đây là nơi tụi tôi thư giãn và cũng là nơi tiếp khách quý. Hồ cá này chủ yếu phục vụ nội bộ, thỉnh thoảng mới bán ra thị trường.

Bữa cơm thân mật của các cặp vợ chồng được tổ chức ngay tại nhà thủy tạ với khung cảnh bên cạnh là hồ cá, hồ sen và các loại bông hoa, cây kiểng khác. Thức ăn được nhà hàng mang đến; nhưng đặc biệt thịt bò, thịt gà là sản phẩm từ trang trại Sơn Hồng. Món cá tai tượng chiên xù được hai cô vợ của Sơn, Hồng làm cũng là sản phẩm từ hồ cá này. Món nào cũng rất ngon và dường như ngon hơn các nơi khác. Vợ anh Quân nói vui: Đây đúng là những món “đặc sản cây nhà lá vườn”.

Anh Quân vừa đối ẩm vừa phải xem các tin báo trên điện thoại qua mạng 4G mỗi khi có tiếng báo như nãy giờ anh đã từng xem. Anh nói:

- Đi đâu tôi cũng phải làm việc từ xa qua điện thoại. Hệ thống vừa báo là đã điều chỉnh xong chế độ pha thuốc để phun bón cho những dò lan sắp ra hoa, nó tự động gửi tỷ lệ cha phế để tôi kiểm tra lại. Tôi chỉ cần bấm ôkê là xong.

- Còn tin báo này cho biết trang trại đang xuất năm chục con bò, đây là hình ảnh tại hiện trường ghi qua hệ thống camera.

Rồi Quân báo thêm tin nữa:

- Có một con bò đang đi lạc ra khỏi cánh đồng, ngoài tầm các camera giám sát. Anh em đang sử dụng tín hiệu điều khiển qua con chip để bò quay về.

Trên điện thoại, hiện ra một bản đồ khu vực trang trại, một đốm sáng đang từ hướng rẫy bắp di chuyển chậm về hướng đồng cỏ. Anh Quân nói:

- Con bò đang quay về.

Phía trên vách nhà thủy tạ, nơi anh chị em đang ngồi đối ẩm có gắn màn hình 40 inch, bỗng nó tự động bật lên và hiện ra thông tin về việc hệ thống điều chỉnh nhiệt độ chuồng trại nuôi gà vừa tự động giảm 1,5 độ C để cân bằng với nhiệt độ bên ngoài. Sơn chỉ thông tin cho anh Quân xem rồi nói:

- Trang trại tụi tôi cũng giống như của anh vậy. Có đi đâu xa cũng làm việc bình thường, kể cả ký tên chi xuất hoặc giải quyết công việc gì đó mà đòi hỏi phải có chữ ký, tụi tôi ký ngay trên điện thoại.

Chủ và khách cứ thế ngồi tâm tình, truyền đạt, trao đổi nhau những việc đã làm và hướng đi sắp tới. Mãi đến gần xế chiều mới chia tay nhau. Trước lúc ra về, vợ chồng Sơn Hồng tặng vợ chồng Lê Quân vài chục trứng gà đen về tẩm bổ. Và đặc biệt là năm mươi trứng gà đen để ấp nuôi thử nghiệm; cách nuôi đã được Sơn gửi qua hộp thư điện tử của Quân.

Thời gian tới, anh em sẽ phối hợp nhiều hơn, hỗ trợ nhau kinh nghiệm và trao đổi những trang thiết bị về công nghệ mới, công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực sản xuất. Xây dựng trang trại thông minh và nhà máy thông minh tự động hóa theo thời đại mới là hướng đi sắp tới của anh em trong thời kỳ hội nhập. Những gì mà họ làm hôm nay chỉ là bước khởi đầu .

VĂN HIẾN VĨNH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh