Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà uyên bác trong nghiên cứu, báo chí và chính Người đã dùng báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng ngay từ trên đất Pháp và ra các nước phương Tây, phương Đông trên bước đường đi tìm đường cứu nước.
Lớp học viết báo đầu tiên tháng 4/1949 tại Việt Bắc. Ảnh: tư liệu |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà uyên bác trong nghiên cứu, báo chí và chính Người đã dùng báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng ngay từ trên đất Pháp và ra các nước phương Tây, phương Đông trên bước đường đi tìm đường cứu nước.
Lời dạy của Người về làm báo
Thực hiện theo những lời dạy về làm báo, viết báo của Người, từ hàng chục năm nay, Đảng, Nhà nước ta đã hết lòng, hết sức phấn đấu vì những người đã đổ xương máu, hy sinh và đóng góp một phần thân thể cho Tổ quốc, mà trong đó có nhiều liệt sĩ là nhà báo hy sinh trên các chiến trường Nam- Bắc.
Hiện nay, đội ngũ làm báo có trên 18.000 nhà báo của cả nước (có thẻ nhà báo và thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam) đang là một đội ngũ tiêu biểu đã, đang học tập và làm theo Bác từ trong đạo đức, phong cách, việc làm, đến những bài báo đến tay bạn đọc, đến người nghe, người xem.
Trong cuộc đời làm báo của Người, với 30 năm sống, làm việc ở tại các nước Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Nga, Thái Lan, Trung Quốc... nhà báo Hồ Chí Minh đã dùng 69 tên bút danh, bí danh(1) để hoạt động báo chí trên nhiều phương diện, Bác Hồ cho rằng: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi.
Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương” (Trả lời phỏng vấn báo chí năm 1946).
Và Người cho là: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, năm 1947).
Trong kháng chiến chống Pháp, với những cán bộ, học viên vào học lớp viết báo đầu tiên năm 1949, Bác dạy bảo: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc” (Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949).
Bác căn dặn các nhà báo từ kinh nghiệm những năm 1925 tại Hong Kong khi Người làm báo: Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì?
Viết như thế nào?” (Phát biểu tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959), “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (Phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962).
Vì “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh...” (Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, năm 1965)...
Nói về kinh nghiệm trong làm báo, Bác Hồ từng nói: “Kinh nghiệm làm báo của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam”.
Sự ngược ấy theo Người nói, là bắt nguồn từ yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và hoàn cảnh từng lúc, từng nơi. Khởi đầu, Nguyễn Ái Quốc thông qua những bài báo viết bằng tiếng Pháp, đánh động dư luận Pháp và Châu Âu về tình cảnh các nước thuộc địa trên bán đảo Đông Dương.
Sau đó, đến làm việc tại nước nào, Bác cũng cố gắng nắm vững ngôn ngữ nước ấy để viết báo, như tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung Hoa...
Cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc trở lại phương Đông để gần Tổ quốc hơn và Người sớm trở về Tổ quốc khi cách mạng đang cần; vào một sớm đầu Xuân năm 1941 tại nơi đầu nguồn Pác Bó- Cao Bằng.
Và ngày nay, khi chúng ta làm báo có đủ mọi phương tiện hiện đại tác chiến, trong khi hồi đó, Người gần như chỉ một mình tác chiến, với những phương tiện cực kỳ thô sơ gần như không có gì... và một vài sự giúp sức của các đồng chí là học trò của Người, song Nguyễn Ái Quốc vẫn sáng lập và tổ chức thành công Báo Thanh niên, đều đặn gửi về nước lưu hành bí mật.
Báo Thanh niên nơi đặt nền móng chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng ta. 15 năm sau, vừa về tới Chiến khu Việt Bắc, thì đi liền những công việc quan trọng, là Người cho ra đời Báo Việt Nam độc lập với mục đích, tôn chỉ như một chính cương, mà Người lại đưa những ý nôm na, cho mọi người cùng hiểu: “Việt Nam độc lập” thổi kèn loa/ Kêu gọi nhân dân trẻ với già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”.
Báo chí - vũ khí cách mạng
Đối với Bác, khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Người và các đồng chí lãnh đạo Trung ương từ chiến khu về Hà Nội, Bác chỉ thị ngay phải thành lập Đài Phát thanh Quốc gia- mà lời xướng trở thành biểu tượng dân tộc đến ngày nay sau 75 năm: “Đây là Tiếng nói Việt Nam- phát thanh từ Hà Nội, thủ đô...”.
Từ đó, với trọng trách nguyên thủ Quốc gia, công việc hết sức nặng nề, bộn bề sau ngày Cách mạng Tháng Tám và đối phó với cuộc xâm lược lần 2 của thực dân Pháp, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết, theo dõi báo chí, khi cần là viết các bài báo với nhiều bút danh khác nhau, không mệt mỏi, bằng sự đam mê ít người sánh bằng, có bài đăng trên nhiều tờ báo lớn, để cổ vũ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc nước nhà.
Trong những ngày kháng chiến chống Pháp ác liệt, Người vẫn không quên thúc giục các nhà báo, nhà văn của Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh, lúc này đang đóng ở xóm Dõn, xã Thanh La (nay là xã Minh Thành, huyện Sơn Dương- Tuyên Quang) tại Chiến khu Việt Bắc, để chỉ đạo cho ra đời tờ báo Thiếu niên Tiền phong từ trong kháng chiến.
Nhạc sĩ Phong Nhã đã gặp Bác và được Bác chỉ hướng cho ra tờ báo này, và ông là người đầu tiên làm Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong. Và chính Người không những viết bài cho các cháu thiếu niên ham đọc, mà còn góp ý kỹ từng số báo Thiếu niên Tiền phong, từ khi ra đời (1/6/1954).
Bác Hồ đọc báo, viết báo tới ngày cận kề trước lúc Người đi xa tháng 9/1969. Qua hơn 2.000 bài báo các thể loại, nhiều bút danh, Bác Hồ với bất cứ hoàn cảnh nào cũng coi báo chí là một kênh thông tin có sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, đưa giáo dục cán bộ, hướng dẫn nhân dân, tổ chức phong trào, bày tỏ chính kiến đối với mọi vấn đề thời cuộc của đất nước, thế giới.
Với ý chí cao cả, tài năng lớn và tâm hồn nhân hậu như Bác, mà sau này UNESCO đã vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới- Hồ Chí Minh, đã luôn coi báo chí trước hết là của Đảng, của Nhân dân và cùng toàn dân đã làm nên chiến thắng.
Nay Bác đi xa trên 50 năm, song cuộc sống không ngừng vận động, phát triển và ước mong của Bác đưa đất nước ta ngày càng hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, sánh vai với các cường quốc trên thế giới, sống trong hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ, giàu mạnh.
Và khi ta nhìn ra thế giới, những việc mang tầm cỡ như cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô (cũ) và Đông Âu những năm 1989- 1992 đều bắt nguồn từ sự định hướng trước của báo chí, và báo chí vào cuộc, kể cả các vấn đề mà các nước tranh giành nhau... mọi thế lực, cũng lấy báo chí làm mũi tên bắn đi trước với nhiều mục tiêu.
Đối với nhiều nước phương Tây, thì tác dụng báo chí càng rõ ràng hơn, và vì thế mà Tổng thống và Chủ tịch các nước đều có người phát ngôn báo chí của mình.
Qua 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thấy rằng gần 100 năm trước, dù qua bao phong ba, bao khó khăn, Bác Hồ cũng đều nghĩ đến các nhà báo, tác động của báo chí với nước nhà.
Chính vì vậy, Người đã dạy về cách làm, cách đối nhân xử thế cho từng người làm báo, hay cái “tâm”, cái “tâm” của nhà báo. Nay, với trách nhiệm của những người cầm bút- theo Người là “những chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng, vậy nên văn nghệ sĩ trước hết phải là những người phải có tính Đảng cao nhất.
Nhà văn nổi tiếng Nga Maksim Gorky từng viết: “Tôi viết từ trái tim nhưng trái tim đó thuộc về Đảng”. Chính vì vậy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” luôn là câu hỏi, là lời răn dạy, đã nêu lên cho chúng ta những trăn trở cho mỗi người cầm bút- nhà báo hôm nay.
(1) Nguồn: Ban Tư liệu- Văn kiện- dangcongsan.vn
Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin