Truyện ngắn

Ánh hào quang trong hang núi

Cập nhật, 05:56, Chủ Nhật, 24/05/2020 (GMT+7)

Cơn mưa giông tháng 9 tầm tã. Gió rú rít từ mé biển Ba Hòn thổi về phần phật. Từ trên đỉnh núi Mo So, tiếng sấm sét dội xuống hang chát chúa nghe rợn người. Nước các mạch suối ngầm mùa này dâng cao tràn qua những phiến đá lạnh căm căm.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Pháo dội đạn liên tục từ các thiết hạm của địch ở Hòn Chông vào núi tạo những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Trên con kinh nhỏ được ngụy trang bởi những rặng cây bần, cây đước, những chiếc xuồng cứ hối hả bơi đi trong đêm lạnh. 

Trên đó là những người lính Tiểu đoàn 61 vừa mới được chi viện từ miền Bắc vào đây chiến đấu nay đang bị thương nằm trên những chiếc băng ca ẩm ướt đầy vết máu loang.

Quang- y tá huyện đội Hà Tiên- thở dài:

- Tranh thủ hơn nữa bây ơi. Phải vô tới hang trước khi trời sáng để tụi nó phát hiện là nguy. Chà... Mấy tay đàng mình bị thương nặng quá hổng biết có sống được hông đây.

Thỉnh thoảng, anh lại lấy chiếc nón tai bèo ra lau vội vàng những giọt mồ hôi đang rơi đầy xuống mặt.

- Tội nghiệp mấy ảnh quá, “chưn ướt chưn ráo” vô đây tiếp mình thì bị thương. Thôi thì còn nước còn tát, chắc thế nào cũng được phật trời hộ độ- tiếng thằng Ba Nhỏ nói với giọng thật buồn.

Ai chớ chuyện gia đình thằng Ba Nhỏ thì xứ này ai cũng biết. Hổng biết tía má nó là ai, chỉ biết sư thầy chùa Hang lượm nó ngoài bãi biển hòn Phụ Tử vào một ngày cận tết. Lúc đó mình mẩy nó tím ngắt vì lạnh, dù đã được quấn chặt trong mấy lớp khăn bàng. Trời đất.

Vậy mà nó vẫn sống. Lạ thêm ở chỗ càng lớn thì nó càng khỏe mạnh, tháo vát, sáng dạ, thấy cái gì lạ nó bắt chước làm theo y chang không khác một chút nào. Trong chùa Hang, ai nấy cũng thương thằng nhỏ mồ côi nhưng lúc nào cũng thấy nó cười cười rất lạ.

Năm rồi đây, khi tụi thám báo kết hợp với lính Sư đoàn 21 bộ binh của chính quyền Sài Gòn bố ráp lùng sục chùa vì nghi ngờ có Việt cộng ẩn náu, không tìm được ai, chúng bắn phá lung tung tạo những vết đạn chi chít trên vách hang.

Thằng Ba Nhỏ khóc bù lu bù loa khi thấy chúng đập phá các tượng Phật, các kệ thờ cúng, thậm chí còn tổ chức ăn nhậu trước bàn thờ Phật trong hang coi bộ khoái trá lắm. Ức lòng quá, nó âm thầm ra ngoài mé biển lượm mấy hòn đá to tướng rồi núp trên nóc chùa.

Khi chiếc xe “dép” của thằng trung úy thám báo đi qua, nó chọi mấy cục gạch xuống mui xe cho “đả” cơn tức giận. Tụi lính dừng xe chạy tán loạn xuống hai bên đường vì tưởng Việt Cộng chọi lựu đạn. Đến khi phát hiện đó chỉ là viên đá sỏi, chúng tức tốc quay lại chùa Hang tìm kiếm thì nó đã trốn mất.

Vậy là nó bỏ chùa đi luôn vì sợ bị chúng trả thù. Mấy ngày lang thang hết núi này tới núi nọ của xứ Ba Hòn này, nó gặp được chú Hai Ớt- người chăn bò dưới chân núi Mo So.

Sau nhiều ngày tìm hiểu căn cơ, khoái nhất là cái chuyện nó chịu chơi dám chọi “lựu đạn giả” làm tụi địch muốn té đái trong quần, chú dắt nó vô hang xin cho nó làm giao liên cho bộ đội tới nay.

Tám chiếc xuồng đã vào được lòng hang an toàn. Dưới ánh sáng tù mù của những chiếc đèn hột vịt nhỏ xíu, những thương binh được đặt nằm trên những chiếc bàn đá thiên nhiên lạnh ngắt, bên trên là vô số cột thạch nhũ chĩa xuống tua tủa như những chiếc răng khổng lồ của bà phù thủy trong chuyện cổ tích. Tiếng rên khe khẽ cứ vang lên không dứt.

Tiếng chuẩn bị dao, kéo phẫu thuật nghe lách cách trong đêm lạnh thâm u chỉ còn thấy những đôi mắt sáng trong đêm của những chiến sĩ quân y. Nước trong lòng hang cứ chảy luồn qua những chiếc cầu “dã chiến” được làm bằng cây rừng.

- Thằng Sáu “vọng cổ” chuẩn bị nồi cháo nóng để khi tao mổ xong, thương binh có mà ăn liền để lấy lại sức, nhớ bỏ hành lá với tiêu vô nhiều nhiều nghe. Còn thằng Tám “mít ướt” thì chuẩn bị thuốc men cho mấy tay bệnh binh bị sốt mấy ngày nay. Thuốc men còn hông?

- Dạ… dạ… - tiếng thằng Tám ấp úng.

- Dạ… dạ… cái mốc xì. Đợi mầy nói xong chắc người ta “ngủm cù đèo” quá. Được rồi để tao tính.

Cả trung đội trên 40 người lặng im phăng phắc. Ai cũng hiểu tình thế bây giờ căng như chỉ mành treo chuông nặng.

Thương binh, bệnh binh chuyển về hang ngày càng nhiều mà lương thực, thuốc men đã cạn kiệt. Thiếu đến nỗi người khỏe mạnh nhường cơm, nước ngọt cho người ốm đau, bởi không một ai có thể ra hang trong tình thế dầu sôi lửa bỏng này.

Trên không trung, máy bay địch quần đảo liên hồi, phía hòn Chông, Hà Tiên pháo địch bắn vào núi xối xả. Đã vậy, lính của Sư đoàn 21 bộ binh mở nhiều đợt càn quét vào núi, vào hang ngày càng nhiều.

Đạn đại liên, lựu đạn, hơi cay của địch tuôn xối xả vào các miệng hang trong lòng núi tạo nên mùi khen khét kèm theo những cột khói lúc xanh lè, lúc xám xịt.

Tiếng bắn trả của bộ đội trong hang cũng quyết liệt không kém. Chuyện chuyển thương binh vào hang quân y này ngày càng khó khăn, nguy hiểm. Vậy mà không một ai rời bỏ vị trí.

Tiếng của Trung- thương binh miền Bắc mới vào đây đúng 4 hôm bị thương khá nặng, cả hai chân đều trúng đạn nát bét- nói khẽ:

- Tôi bị thương nặng quá chắc không qua khỏi, đừng tập trung cho tôi nữa. Hãy để thuốc men, lương thực cho anh em khác. Tôi… tôi…

Anh nói với giọng đứt quãng trong hơi thở khá mệt nhọc. Chốc chốc anh lại nhìn lên vách núi. Ở đó có một lá cờ đỏ sao vàng đã cũ mèm, bạc thếch nhưng treo khá trang trọng bên cạnh ảnh Bác Hồ với chiếc lư hương bằng cái ca nhôm xam xám. Mùi tanh tanh từ các con suối bị bỏ thuốc độc xộc lên làm anh ói liên hồi.

Tiếng Quang chắc nịch kèm cái cười chơn chất của người lính vùng quê biển:

- Còn nước còn tát, ông đừng nói lung tung, chết sống là chuyện thường. Bộ muốn chết là chết sao cha? Nằm yên đó đi. Chút nữa tui bò ra hang kiếm thêm thuốc men, tranh thủ lấy thêm cơm khô, muối hột, dao kéo.

Cả trung đội này ai còn lạ gì tánh nết cái người gì lúc nào cũng cười, cũng rất tiếu lâm chọc ghẹo mọi người dù trong hoàn cảnh nguy hiểm, gay go nhất.

Nhiều đồng đội còn nói vui: “Thằng cha này chỉ huy đơn vị mà “ba lơn” quá trời, hổng kiêng cữ súng đạn gì hết, có ngày cũng theo ông theo bà về chầu đức Phật. Bởi vậy hồi chưa vô đây, hổng có con ma nào dám ưng”.

Mà thiệt. Ai mà ưng kể như toi đời. Người gì lì lợm quá trời. Giỏi đánh giặc, giỏi cứu thương, nhưng hễ nói tới đàn bà thì cha đánh trống lảng rồi bàn qua chuyện khác. Ai nói cứ nói. Anh vẫn cười cười. Nụ cười vô duyên lạ.

- Anh Quang à. Ra ngoài nguy hiểm lắm. Anh cho tui đi theo hộ tống với, có gì… có gì…- tiếng thằng Ba Nhỏ lắp bắp.

- Tao lạy mầy Ba Nhỏ ơi. Mầy nói bậy nói bạ coi chừng có thiệt. Nè nói cho vui chớ hồi nhỏ, má tao đi chùa xin keo cho hay: tao sống tới 101 tuổi lận, thầy bùa lỗ ban còn phán rằng tao thuộc “chơn mạng đế chai” nên đạn bắn hổng lủng, chết mới là chuyện lạ. Mày ở đây làm công chuyện đi. Nói tào lao hoài- Quang cười khà khà.

- Thôi đi cha. Cha nổ còn hơn kho đạn Long Bình miệt Sài Gòn, Gia Định nữa. Người ta “chơn mạng đế vương” còn cha thì “chơn mạng đế chai” nghĩa là sao?

- Thì vậy mới nói. “Đế vương” là mạng vua, “Đế chai” là mạng nhậu rượu đế bằng chai của tui đây nè. Thôi tui đi đây- Quang lại cười khà khà.

Đang loay hoay soạn đồ để ra hang thì Quang nghe tiếng Trung hổn hển khẩn trương:

- Anh gì đó ơi. Anh lấy ảnh Bác Hồ xuống cho tôi ôm vào lòng một tí. Mắt tôi mờ quá rồi, thấy Bác không rõ. Làm ơn giúp tôi.

Nghe vậy, Quang lật đật lội qua con suối lạnh tanh, trèo lên gỡ ảnh Bác xuống đặt vào lòng người thương binh miền Bắc.

Những thương binh khác nằm rải rác trên các phiến đá đều rươm rướm nước mắt. Trung áp ảnh Bác vào mặt mình giây lát rồi nhắm mắt ra đi thật thanh thản như bao đớn đau chưa hề đi qua cuộc đời mình.

Quang giở nón tai bèo tiễn đưa đồng đội trong sự ngậm ngùi đau xót. Mà đây phải đâu là lần đầu tiên họ tiễn bạn chiến đấu về cõi vĩnh hằng. Chiến tranh mà. Luôn tàn khốc và đớn đau. Những giọt nước mắt đàn ông lại rơi trên những con suối vô tình miệt mài vẫn chảy theo dòng thời gian.

Hơn một ngày đã trôi qua. Cả đơn vị nhốn nháo vì chưa thấy Quang trở về như đã hẹn. Có chuyện gì rồi chăng? Một, hai… rồi hàng chục người đề nghị được ra hang. Nhưng rồi tất cả rơi vào im lặng bởi ai cũng hiểu mình phải chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Không ai được rời hang khi Quang chưa về đến.

Đoàng… Đoàng…. Đoàng. Những tiếng nổ rộ lên ngày càng nhặt từ phía miệng hang núi. Xa xa, bóng Quang chạy lom khom từ phía Ba Hòn tiến về hang ngày càng gần.

Trên lưng anh là chiếc ba lô to đùng. Địch đã phát hiện và bắn xối xả theo bóng dáng của anh. 300 mét… 200 mét… Quang trúng đạn lảo đảo. Anh lại đứng lên chạy tiếp trong khó nhọc… 100 mét… 50 mét… tới miệng hang thì anh lại ngã xuống.

Dồn hết sức lực cuối cùng, Quang ném chiếc ba lô vào miệng hang sâu rồi gục ngã. Quang chết mà đôi mắt cứ mở trừng trừng, nụ cười vẫn còn đọng lại trên môi. Có lẽ anh vui vì đã làm tròn nhiệm vụ với đồng đội đang còn chiến đấu ngày đêm trong hang núi Mo So. Chiếc ba lô đầy máu trong đó chứa đầy thuốc tây, bông băng, dao, kéo, gạo sấy khô và mấy bình nước ngọt.

Địch ào ạt xông tới miệng hang. Tiếng súng bắn trả hôm nay thật dữ dội, thật căm hờn hơn bao giờ hết. Cứ như thể 45 ngày đêm giằng co đã chấm dứt. Tiếng reo hò chiến thắng vang dội khắp hang. Và lại có những giọt nước mắt rơi vì nhớ thương người đã khuất.

Hôm nay, hang núi Mo So có khá nhiều người tới viếng thăm. Tất cả là những cựu binh trong hang núi cách nay đã trên 40 năm. Những mái tóc hoa râm có, bạc phơ phơ có, đang thắp nhang trước những mộ phần nằm ngay ngắn bên cạnh đường vào hang núi. Họ là những người sống, chiến đấu, hy sinh tại hang núi Mo So và đã viết nên một câu chuyện bi hùng đi vào lịch sử.

PHAN THỊ ANH THƯ

Các tin khác: