Một vòng với nghệ thuật biểu diễn đường phố...

05:12, 28/12/2019

Nghệ thuật biểu diễn đường phố ở đây là chỉ các môn xiếc, ảo thuật, hát ca… Những con người "nghệ sĩ" đó hàng đêm vẫn rong ruổi từng con phố nhỏ để mang niềm vui đến cho mọi người và tìm kế sinh nhai cho mình…

Nghệ thuật biểu diễn đường phố ở đây là chỉ các môn xiếc, ảo thuật, hát ca… Những con người “nghệ sĩ” đó hàng đêm vẫn rong ruổi từng con phố nhỏ để mang niềm vui đến cho mọi người và tìm kế sinh nhai cho mình…

Diễm chuẩn bị cho chồng đi làm với bộ đồ mới đặt may riêng.
Diễm chuẩn bị cho chồng đi làm với bộ đồ mới đặt may riêng.

Chúng tôi gặp Hoàng Vũ (25 tuổi, tên thật là Nguyễn Văn Kế) quê ở TP Cà Mau, khi Hoàng Vũ đang biểu diễn các tiết mục xiếc trong một quán ăn ven đường ở TP Vĩnh Long.

Các tiết mục xiếc của Vũ khiến nhiều thực khách ngừng đũa để theo dõi, bởi hấp dẫn và cả mức độ khó, nguy hiểm của nó.

Hoàng Vũ kể ngày còn nhỏ, cứ mỗi lần nghe có gánh xiếc về là bất cứ giá nào cũng phải đi coi cho bằng được. Mỗi lần coi xiếc là mỗi lần “máu mê xiếc” nổi lên. Lớn hơn chút nữa thì tự mày mò từng động tác, nghiên cứu để thực hiện các tiết mục.

“Năm 17 tuổi, em ra nghề với 3 môn chính là đâm dao, gánh nước bằng mắt, đâm xuyên cổ họng để nâng két bia. Bây giờ anh thấy da cổ hay mí mắt em còn thẹo là biết quá trình tập luyện và biểu diễn cực khổ như thế nào?”- Hoàng Vũ vừa nói vừa chỉ vô mí mắt… khoe!

Từ 3 môn ra nghề, sau nhiều năm đi diễn, gặp gỡ đồng nghiệp, anh em bạn bè trong nhóm, hội xiếc, ảo thuật đường phố mà bây giờ Vũ có thể biểu diễn khoảng 20 “món”, mà theo Vũ, “món nào cũng độc đáo và… nguy hiểm”.

“Có lần em tập món máy khoan khoan vào sống mũi, lần đầu tiên máu chảy ướt hết cả áo. Nhưng tới lần thứ 2, tự điều chỉnh thì lại làm được và biểu diễn thành thục cho đến bây giờ.

Hay có lần, làm xiếc đưa rắn vào sống mũi, không biết sao mà 2 con rắn cứ gắn chặt vào mũi. Phải đi trung tâm y tế để… bắt rắn ra”- Hoàng Vũ cười tươi cho biết.

Khi nghe hỏi làm nghề xiếc đường phố vừa cực khổ vừa đau đớn, vừa có thu nhập bấp bênh nhưng sao vẫn bám nghề, Hoàng Vũ chỉ cười mà nói mình yêu nghề và muốn giữ lấy nghề.

“Nhiều khi biểu diễn, mình rất đau và tổn sức lắm, nhưng có được tiếng cười, cái vỗ tay của khán giả là mình vui. Em chỉ mong sau này em có thể mở rộng thêm các món, lập được đoàn xiếc nho nhỏ để phục vụ bà con, góp thêm sắc màu cuộc sống”- Hoàng Vũ chia sẻ.

Ngồi kế bên Hoàng Vũ là vợ- Nguyễn Thị Diễm- cũng quê TP Cà Mau, vốn theo chồng… học nghề rồi cũng đi biểu diễn. Hiện tại, Diễm cũng thành thục hơn 20 món ảo thuật biểu diễn đường phố.

“Ngày xưa mình ở nhà phụ quán, anh Hoàng Vũ về chơi rồi quen, rồi cưới, rồi theo ảnh đi biểu diễn khắp các tỉnh- thành. Hiện nay, vợ chồng em chủ yếu diễn ở Sa Đéc, Cao Lãnh (Đồng Tháp) và TP Vĩnh Long”- Diễm cho biết.

Nói về nghề, về đời, cả Vũ và Diễm đều cho rằng nghề đã chọn mình nên mình ráng đeo đuổi. Cũng có nhiều lời mời đi thi, lên sóng truyền hình nhưng họ đều từ chối vì kinh tế eo hẹp.

“Chúng em đi biểu diễn được bà con thương yêu, quý trọng, mang tiếng cười lại cho họ là bọn em cũng vui theo. Chỉ mong ước là mở rộng thêm hoạt động để phục vụ tốt hơn cho mọi người”- Diễm tâm sự.

Hiện tại, đứa con lớn của Vũ và Diễm cũng nối gót nghệ thuật đường phố với món nghề ca hát. Còn đứa cháu cũng lên ở cùng dì dượng để học ảo thuật. Bé Nguyễn Chí Khá (13 tuổi, cháu ruột của Diễm) cho biết, “hình như mình có duyên với nghề nên có đam mê, nằng nặc đòi theo học nghề xiếc với ảo thuật”. 

Tuy Khá có nét hồn nhiên vốn có của đứa trẻ nhưng ánh mắt đam mê nghề của em như toát lên vẻ chững chạc, y như người dượng- Hoàng Vũ mới 25 tuổi nhưng đã gần 10 năm trong nghề biểu diễn xiếc đường phố…

Tìm đến khu nhà trọ trên đường Mậu Thân (TP Vĩnh Long) của Đặng Minh Thảo (quê Đồng Tháp) khi Thảo chuẩn bị đồ nghề cho một buổi tối biểu diễn. Thảo cho biết, mình theo nghề cũng được vài ba năm nay và hiện cũng học được khoảng 20 “món” ảo thuật.

Thảo kể, nghề đến với mình như một lẽ tự nhiên khi đi chơi với các anh cũng là nghệ sĩ ảo thuật: “Có đam mê, rồi mày mò học, rồi hỏi, rồi trao đổi, ngày qua ngày cũng nắm được các bí quyết căn bản, rồi tự nâng cao. Hiện giờ, ngoài đi làm vào mỗi buổi tối, đôi khi em cũng được các đoàn nghệ thuật, các hội chợ mời tham gia biểu diễn”.

Khi hỏi về tương lai với nghề, Thảo nói giờ mình cũng đang cố gắng học hỏi thêm, làm đến khi nào có một số vốn nhất định rồi mới tính tiếp.

Nhưng đối với Thảo, được đi biểu diễn mỗi ngày là một niềm vui: “Cứ ngày nào không đi làm là... ngứa ngáy, khó chịu, dù biết đi biểu diễn rồi bán bánh kẹo có bữa này bữa khác, nhưng máu nghề đã thấm rồi thì biết làm sao”.

Tuy khó khăn, đau đớn khi luyện tập rồi vất vả khi biểu diễn, đi làm nghề, nhưng đối với Hoàng Vũ, Diễm hay Minh Thảo, đều có chung một niềm vui là sống hết mình với nghề đã chọn, làm sao để mọi người yêu quý và dành tặng những tràng pháo tay khích lệ.

“Tết đến tụi em cũng ít khi về nhà, đi biểu diễn vừa để tăng thu nhập vừa tạo niềm vui cho mọi người trong những ngày tết. Có chăng, chỉ mong ước là mọi người có cái nhìn thiện cảm và quý trọng những công sức mà chúng em bỏ ra…”- Diễm chia sẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh