"Đề án di sản đương đại" được một nhóm kiến trúc sư phác thảo chọn "vương quốc gạch gốm Mang Thít" làm chủ thể để phát triển. Nếu đề án được thực hiện thì đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn về du lịch bảo tồn- thích nghi độc đáo của tỉnh Vĩnh Long.
“Vương quốc gạch gốm Mang Thít” mang trong mình những nét đặc trưng riêng không thể lẫn lộn. Ảnh: VINH HIỂN |
“Đề án di sản đương đại” được một nhóm kiến trúc sư phác thảo chọn “vương quốc gạch gốm Mang Thít” làm chủ thể để phát triển. Nếu đề án được thực hiện thì đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn về du lịch bảo tồn- thích nghi độc đáo của tỉnh Vĩnh Long.
Một di sản đương đại độc đáo
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng với nhóm tư vấn gồm các kiến trúc sư, các nhà tư vấn đầu tư, nhà thiết kế… đã tổ chức hội nghị báo cáo ý tưởng về “Đề án di sản đương đại” của huyện Mang Thít. Trong đó, có sự tham dự của đại diện Ban Văn hóa UNESCO Việt Nam.
TS. kiến trúc sư quy hoạch Ngô Anh Đào đã báo cáo về những đặc điểm mà “khối tài sản” là các lò gạch gốm hiện nay trên địa bàn huyện Mang Thít có được sẽ có cơ hội, tiềm năng như thế nào để trở thành một di sản đương đại không chỉ độc đáo ở Việt Nam mà còn là của thế giới.
TS. kiến trúc sư Ngô Anh Đào đã so sánh các đặc điểm tương đồng của làng gạch gốm Mang Thít với các di sản đương đại khác trên thế giới như: tính tương đồng về cảnh quan thiên nhiên kết hợp di sản với Venice (Ý); tính tương đồng về mật độ và hình thái phân bố di sản với quần thể Bagan (Myanmar); sự chuyển đổi chức năng, công năng của dự án phục hồi di sản công nghiệp (Anh quốc).
“Dựa vào những so sánh cũng như sự tương đồng, có thể thấy rằng nếu tận dụng tiềm năng của “vương quốc” gạch gốm Mang Thít, đây sẽ là một di sản đương đại độc đáo bậc nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn là trên thế giới. Nhóm tư vấn đã làm hết sức bài bản, dựa vào kinh nghiệm của từng thành viên để có thể khẳng định được điều đó”- TS. kiến trúc sư Ngô Anh Đào chia sẻ.
Nhóm tư vấn cũng chỉ ra các bên hưởng lợi nếu thực hiện đề án. Trong đó, chính quyền sẽ tăng trưởng kinh tế, xã hội, văn hóa địa phương, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, bền vững; tăng uy tín trong việc phát triển hài hòa, bền vững. Riêng cộng đồng sẽ được hưởng lợi từ việc làm có thu nhập cao và ổn định; tự hào và giàu có nhờ bản sắc văn hóa đa dạng…
Nhà tư vấn đầu tư Nguyễn Lan Hương- thành viên nhóm tư vấn- cho rằng, thực hiện đề án sẽ định vị được “bản sắc Mang Thít” bởi sẽ biến “vương quốc gạch gốm” thành một di sản đương đại riêng, bởi đã chuyển đổi một khu tiểu thủ công nghiệp nhẹ, đang bị dỡ bỏ trở thành một khu di sản kiến trúc, văn hóa, sinh thái đương đại tầm quốc tế, khu giao thoa văn hóa, một điểm đến du lịch- dịch vụ độc đáo.
“Đồng thời, nơi đây sẽ là một điểm đến trên bản đồ du lịch của khu vực khi có sự kết hợp đa dạng cái riêng của Mang Thít gồm quần thể nghệ thuật đất, dịch vụ nghỉ dưỡng- ẩm thực- giải trí hiện đại và cái chung của ĐBSCL về du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, đây cũng là một điển hình về trải nghiệm và phát triển, một ý tưởng xanh và thông minh xuyên suốt, thể hiện quá trình giảm thải- tái sử dụng- tái chế- phục hồi- xả thải năng lượng và vật liệu”- bà Nguyễn Lan Hương chia sẻ.
Điểm đến du lịch đặc trưng
Ông Trần Thanh Huệ- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít- cho biết, rất nhiều đoàn công tác cả trong và ngoài nước, khi đến Mang Thít đều muốn một lần trải nghiệm quá trình sản xuất cũng như đời sống người dân của làng gạch gốm. Bởi làng nghề có những nét đặc trưng riêng mà không phải ở đâu cũng có.
“Có thể khẳng định là nét đặc trưng của làng gạch gốm Mang Thít và hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến, tham quan, trải nghiệm cũng như đưa địa danh Mang Thít đến gần hơn với khách du lịch trong và ngoài nước”- ông Trần Thanh Huệ đánh giá. Đồng thời ông cũng cho biết, nếu được chủ trương thực hiện đề án, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện sao cho có lợi cho địa phương, nhân dân và cộng đồng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Lan Hương chia sẻ, bản thân đã đi rất nhiều nơi, đến với các làng nghề trong và ngoài nước nhưng nét đẹp của làng gạch gốm Mang Thít đã thôi thúc mình tham gia tư vấn ý tưởng. “Từng mái lò, từng hàng gạch, từng hình ảnh lung linh với cảnh sắc thiên nhiên sông nước đặc trưng của làng gạch gốm không thể lẫn vào đâu. Điều đó sẽ tạo ra một bức tranh độc đáo nếu ý tưởng được thực hiện…”- bà Hương nói.
Tìm hiểu sản xuất và đời sống của người dân làng nghề từ lâu đã được các đoàn công tác, khách du lịch chú ý đến.Ảnh: TL |
Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- tham dự hội nghị rất trân trọng ý tưởng của nhóm tư vấn. Qua đó, cho rằng phát triển du lịch trên địa bàn cần đầu tư từng bước để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu nhóm tư vấn tiếp tục hoàn thiện đề án và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan theo dõi, phối hợp thực hiện…
Ý tưởng “Đề án di sản đương đại” sẽ được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng tối đa hệ sinh thái tự nhiên; tối ưu hóa chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng; giảm thiểu xáo trộn đời sống văn hóa- xã hội, tăng tính đa dạng, giao thoa văn hóa. Nhóm tư vấn cũng phác thảo các cảnh quan trong đề án gồm: khu trung tâm thương lại, dịch vụ; làng- đô thị; phố sông; khu nghỉ dưỡng homestay; khu giải trí ngoài trời. TS. kiến trúc sư Ngô Anh Đào tốt nghiệp Khoa Quy hoạch Trường ĐH Tổng hợp Montreal (Canada) chuyên ngành thiết kế và quản lý cảnh quan, môi trường sinh thái. TS. kiến trúc sư Ngô Anh Đào có 25 năm kinh nghiệm tư vấn với các dự án quy hoạch hành động tại các đô thị di sản như Huế, Hội An, Nam Định và các nghiên cứu sâu về hệ sinh thái bờ nước, lưu vực Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL. |
CÔNG NGÔN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin