Có gần 900 CLB Đờn ca tài tử- cải lương (CLB ĐCTT- CL) trong tỉnh nhưng các nhà chuyên môn, nghệ nhân vẫn băn khoăn, bởi không có bao nhiêu CLB hoạt động hiệu quả?
Có gần 900 CLB Đờn ca tài tử- cải lương (CLB ĐCTT- CL) trong tỉnh nhưng các nhà chuyên môn, nghệ nhân vẫn băn khoăn, bởi không có bao nhiêu CLB hoạt động hiệu quả? Thiếu nhân lực, yếu chuyên môn… và không còn được nhiều khán giả yêu mến đang là những “triệu chứng” cần “chẩn đoán đúng” để bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử- cải lương tỉnh Vĩnh Long.
Đờn ca tài tử- cải lương khá phổ biến ở các điểm du lịch sinh thái.Ảnh: VINH HIỂN |
Hoạt động cầm chừng
Trong những năm qua, việc gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT- CL luôn được tỉnh Vĩnh Long quan tâm. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển chung của xã hội, nghệ thuật ĐCTT- CL cần có những giải pháp trọng tâm để vừa phát triển nhưng vẫn giữ được cái chất, hồn cốt của bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc này.
Gần đây, phong trào ĐCTT ở Vĩnh Long đã và đang có chiều hướng phát triển, sinh hoạt ở các CLB được tổ chức thường xuyên, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, không ít CLB hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí, phương tiện và cả nghệ nhân lành nghề. Những thành viên nòng cốt phong trào thì ngày càng cao tuổi và sức khỏe giảm dần, trong khi lớp trẻ thì chưa am hiểu và yêu thích bộ môn này nhiều.
Về bài bản thì ít người biết hết 20 bài bản tổ. Về hơi ca thì thường lẫn lộn giữa hơi nam và hơi oán, giữa bản bắc và bài hạ, người nghe không thể phân biệt được rõ ràng và cũng khó cảm được cái hay, cái độc đáo của ĐCTT.
Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm- Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu tỉnh Vĩnh Long, người có trên 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sân khấu- thổn thức nhớ lại thời vàng son của mấy mươi năm về trước: “Chưa có tỉnh nào có nhiều đoàn cải lương như ở Vĩnh Long, khi đó chúng ta có tới 5 đoàn. Đến nay thì… không còn đoàn nào nữa”.
Về con người, tài năng, kỹ năng, tri thức, … nghệ thuật ĐCTT- CL tỉnh Vĩnh Long có nền tảng và bảo tồn là chuyện phải làm”. Ông trăn trở: “Bây giờ ĐCTT- CL phần nhiều chơi theo kiểu “mì ăn liền” của thời kỳ đương đại nên không bài bản, không thể hiện được cái gốc của nó nữa rồi!”
Làm chất lượng để phát huy
Là bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ở tỉnh Vĩnh Long, ĐCTT được chú trọng bảo vệ, phát triển và mục tiêu lớn nhất là đưa ĐCTT- CL đến gần người trẻ.
Mấy mươi năm gắn bó với ĐCTT- CL, Nghệ nhân ưu tú Tăng Văn Lẫm (Út Lẫm)- Chủ nhiệm CLB ĐCTT- CL TX Bình Minh- cho rằng mặc dù các xã- phường trên địa bàn tỉnh đều có CLB ĐCTT- CL nhưng trên thực tế, phần lớn những CLB này chủ yếu xuất phát từ đam mê, còn xét về tính chuyên nghiệp thì vẫn còn thiếu nhiều yếu tố. Nguồn kinh phí hạn hẹp cũng là điều ảnh hưởng đến chuyện “hợp tan” của các CLB.
“ĐCTT- CL có rất nhiều giọng ca nhưng lại thiếu trầm trọng những tay đờn, cùng là bài tổ nhưng nết đờn khác thì bài bản ra khác. Thầy đờn ba bõm thì ca cũng ba bõm”- Nghệ nhân Út Lẫm còn chia sẻ, chuyện miếng cơm manh áo khi mà các tài tử đờn, tài tử ca, thậm chí nhiều nghệ nhân ĐCTT cũng không sống được bằng nghề.
Do vậy, một số người theo học nhạc cụ dân tộc chỉ muốn học một vài bài đơn giản, chủ yếu để biểu diễn kiếm tiền. “Kiếm đỏ mắt mới ra một vài ông đờn được. Những lớp tập huấn, học viên vô học ọt ẹt vài bữa thì đi đờn đám cưới chứ ai mà rỉ rả học hết mấy bài bản đâu”- Nghệ nhân Út Lẫm nói thêm.
Hiện nay tỉnh Vĩnh Long có gần 900 CLB ĐCTT với gần 8.100 thành viên. Sau 2 đợt xét nghệ nhân tiêu biểu (2016 và 2018), Chính phủ đã tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 22 nghệ nhân ĐCTT. |
Bàn về giải pháp bảo tồn, phát huy ĐCTT- CL, ông Trần Thanh Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long nói: Muốn phát huy ĐCTT- CL thì cần vai trò của chính quyền cơ sở. Phải tạo điều kiện cho các CLB sinh hoạt, tập huấn cho các thành viên CLB, đào tạo đội ngũ sáng tác lời mới, …
“Tình hình hiện nay đội ngũ sáng tác lời mới có nhiều tác phẩm nhưng giá trị nghệ thuật chưa cao, chưa gây rung động cho người nghe, khó ca, khó nhớ, khó thuộc”- ông nói. Về sân khấu thì Vĩnh Long hiện không còn đoàn cải lương nào hoạt động, vì thế ông Sơn đề nghị cần tăng thêm chức năng này cho đoàn ca múa nhạc.
ĐCTT- CL là bộ môn rất khó và cần nhất là không ngừng tập luyện, trau dồi, giống như: “văn ôn võ luyện”. Đặc thù của bộ môn này là người hát phải thật sự yêu thích. Ông Vũ Linh Tâm góp ý: “Môn nghệ thuật này không chấp nhận kiểu đào tạo đại trà, phải có ông thầy đờn hay tìm ra sở trường của từng người rồi trực tiếp đào tạo, đo ni đóng giày để tài tử phát huy được sở trường”.
Những buổi hội diễn, giao lưu thường xuyên được tổ chức góp phần phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử. Ảnh: HUYỀN- THÚY |
Thiết nghĩ, nếu đầu tư bài bản mới, lời hay chất lượng tốt, thầy đờn giỏi đo ni cho từng giọng ca thì ĐCTT- CL mới thực sự thu hút nhiều người mộ điệu. Nói như nhiều nghệ nhân thì cứ hát hay cứ làm chất lượng thì khán giả tự đến xem thôi!
Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2015- 2020 của UBND tỉnh tập trung nghiên cứu và đề ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT ở Vĩnh Long. Trong đó, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của nghệ thuật ĐCTT, sưu tầm các tài liệu về nghệ thuật ĐCTT, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ bằng nhiều hình thức với nội dung thiết thực, có chất lượng và giá trị nghệ thuật cao. Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- cho rằng: “Đề án như một động lực, tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng hơn đến việc phát triển loại hình nghệ thuật này ở địa phương”. |
CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin