Cách nay khoảng 1 thế kỷ, trong dân gian Nam Bộ xuất hiện những bài vè và nhanh chóng được truyền khẩu bằng hình thức "nói thơ" cho nhiều người nghe, giới bình dân rất ưa thích.
Cách nay khoảng 1 thế kỷ, trong dân gian Nam Bộ xuất hiện những bài vè và nhanh chóng được truyền khẩu bằng hình thức “nói thơ” cho nhiều người nghe, giới bình dân rất ưa thích.
Nội dung các bài vè thường giản dị, dễ hiểu, phản ảnh sự việc, con người mang dấu ấn xã hội, lịch sử đương thời nhằm mục đích phê phán, lên án lối sống sùng ngoại, mất gốc, “Nói thơ” phổ biến rộng, tránh né được sự chú ý, dò xét của chính quyền thực dân và tay sai.
Những bậc cao niên gốc Gò Công (Tiền Giang) hay nhắc nhở bài vè “Cậu Hai Miêng”- một nhân vật có tính cách tha hóa điển hình.
Chuyện kể rằng: Sau những năm tận lực cùng nghĩa binh kháng chiến chống Pháp, ngày 20/8/1864 Trương Định cùng các tướng bị giặc bao vây tại rừng lá Gia Thuận (Gò Công) và ông đã hy sinh oanh liệt.
Kẻ phản bội lập công chỉ điểm là Huỳnh Công Tấn được Pháp trọng thưởng, phong chức Lãnh binh, hưởng cuộc sống sang giàu, quyền thế.
Tấn cho con trai trưởng là Huỳnh Công Miêng (thường gọi là cậu Hai Miêng) sang Pháp du học Trường La Seyne (gần Toulouse để tiếp nối “sự nghiệp” bán nước cầu vinh.
Cùng đi với Miêng có Trần Bá Hựu (em ruột Tổng đốc Trần Bá Lộc), Lê Công Phụng (con nuôi Lãnh binh Tấn)… Huỳnh Công Miêng sinh năm 1857, sang xứ người năm 17 tuổi và trong 4 năm chỉ ăn chơi, về nước chẳng có bằng cấp gì.
Sau đó Miêng theo đoàn quân Trần Bá Lộc ra Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận… đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Chẳng bao lâu, Hai Miêng trả chức tước Pháp ban để sống đời một kẻ “miễn tử lưu linh” được biệt đãi (miễn sưu thuế, mặc tình đi khắp nơi, không ai được xét giấy).
Về khía cạnh khác, dân gian truyền miệng rằng Hai Miêng là loại công tử ăn chơi phóng khoáng, ngang tàng, không chịu ràng buộc, ghét bọn cường hào ức hiếp người cô thế…
Có tiền bạc, thế lực, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, Hai Miêng nổi tiếng khắp Nam Kỳ. Miêng thích võ nghệ, đá gà, hốt me (loại cờ bạc).
Cuộc sống lang bạt kỳ hồ khắp Nam Kỳ lục tỉnh của một công tử bất cần khuôn phép, lan truyền như huyền thoại. Bài vè “Cậu Hai Miêng” có nguồn gốc từ một bài thơ lục bát gần 1.000 chữ (tác giả khuyết danh), nay có lẽ còn không đầy đủ. Mở đầu bài vè là những lời châm biếm khéo léo:
“Nam Kỳ có cậu Hai Miêng
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công
Cậu Hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực vô cùng liệt oanh
Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh
Thật là một bực hùng anh trên đời
Tuổi nay gần mới ba mươi
Tánh tình hào hiệp ít người dám đương…”
Trượng nghĩa khinh tài mới xứng danh anh hùng, còn ở đây lại là “anh hùng ăn chơi”, thật mỉa mai. Hai Miêng kết bè đảng, thu phục đám lưu manh, cờ gian bạc lận như Bảy Thẹo, Ba Ngà, Bảy Danh, Tám Hổ… hiếp đáp dân lành hoặc ăn thua với bọn giang hồ tứ xứ. Đi chơi đâu xa cũng kéo theo đoàn ghe hầu (ghe lớn, sang trọng) cùng đám thuộc hạ phô trương thanh thế:
“Cậu đang ngồi tại nhà hàng
Chung quanh bằng hữu, điếm đàng rất đông
Theo sau ba kẻ điếm đàng
Dạo chơi cùng cậu dặm đàng ra đi”
Bài vè nói rất rõ thói cậy quyền ỷ thế, luôn gây chuyện với bất kỳ ai:
“Điếm đàng ý muốn kiếm tiền
Liền thưa cùng cậu Hai Miêng lời này
Chúng tôi có một việc hay
Xin thưa cùng cậu vắn dài tương tri
Dưới ghe cờ bạc thiếu gì
Chúng mình xuống đó thừa khi kiếm tiền
Cậu Hai nghe rõ sạ duyên
Vẫn không túng thiếu bạc tiền như ai
Nhưng cậu ý muốn giải khuây
Ham vui tánh ý thuở nay quen rồi
Cho nên nghe nói mấy lời
Cậu Hai đành dạ thức thời đồng đi…”
Chuyện kể: Có lần, ba tên đàn em Hai Miêng đánh bạc tại nhà một người Hoa tên Chệt Lù, thua mất 3.000 đồng (thời ấy giá trị tương đương 20 tấn gạo). Với bản chất “ăn vùa thua giựt”, Hai Miêng nổi giận buộc Chệt Lù phải tới nhà mình chơi tiếp. Tự biết thân, Chệt Lù lạy lục xin nộp phạt mấy trăm đồng cũng không được đành ỉu xìu đến bởi Hai Miêng đã dằn mặt trước:
“... Tao không phải túng mà xin
Đánh chơi mày có ưng đành hay không?
Chệt Lù nghe sợ vô cùng
Thưa rằng cậu biểu há không vâng lời…”
Bảo rằng “đánh chơi” mà kết quả thật thảm hại cho Chệt Lù:
“Cậu ăn hơn bốn ngàn hai
Chệt Lù hết túi, tức thay trong lòng
Nhưng mà cam chịu cho xong
Nếu nói láng cháng ắt không còn hồn…”
Người Gò Công lớn tuổi còn nhớ chuyện Hai Miêng trừng trị Cai Phi, tên cai mã tà (như giám thị) vì bất bình thói tàn nhẫn với dân phu. Thời ấy, Tây cho đào ao Trường Đua (vòng quanh ao làm nơi đua ngựa) để chứa nước, đất dùng đắp nền chợ. Dân phu đào đất, đắp đường, lao động như tù, ăn ngủ tại chỗ, thường bị đánh đập. Sáng nọ, Hai Miêng đi ngang qua tình cờ thấy cảnh dân phu làm việc khổ nhọc còn bị đánh chửi thậm tệ. Nổi máu ngang tàng, Hai Miêng xông lại tát tai Cai Phi, bắt các tên mã tà gánh, đội đất chạy lên xuống ao, miệng mắng: “Tao đánh coi tụi bây biết đau như dân phu hay không?”.
Chẳng kể gì cai mã tà, cả quan chức người Pháp, Hai Miêng cũng cư xử ngạo mạn. Dân gian còn truyền tụng hai câu thơ:
“Bước vô trường án, vỗ ván cái rầm
Búa xua (Bon jour) ông tham biện,
bạc tiền ông để đâu?”
Bài vè còn kể chuyện một viên hương quản rất ghét bài bạc, nghe ở đâu mở sòng là tới dẹp ngay. Ngặt có điều Hai Miêng chuyên thu tiền mở sòng cờ bạc, hốt me… Thế nên bọn thuộc hạ vẫn tiếp tục hoạt động theo lệnh:
“Rao cho lớn nhỏ đặng hay
Cứ việc bạc bài cứ việc vui chơi
Nói đây tao biểu các người
Thì là cứ việc vầy vui bạc bài…”
Viên hương quản lại mạnh tay giải tán, và hậu quả là:
“Hương quản bị đánh sớm mai
Mặt mày sưng bấy vô hồi thiết tha
Lại thêm tức ngực thay là
Bước đi không vững lựa là đánh ai…”
Ông ta uất ức gởi đơn kiện Hai Miêng lên tới Chánh tham biện Gò Công. Nhưng với chính sách đầu độc, chia rẽ dân ta bằng các tệ nạn cờ bạc, hút thuốc phiện…, chính quyền thực dân Pháp bác đơn kiện và cho bọn Hai Miêng quản lý hoạt động cờ bạc ở Gò Công, nhằm dung dưỡng bọn tay sai.
Viên hương quản bị cách chức, tức tốc bán nhà cùng gia quyến trốn về miệt Hà Tiên sinh sống bởi sợ Hai Miêng trả thù. Đám chức việc, làng lính cho tới cai tổng cũng kiêng nể bọn Hai Miêng, nhắm mắt làm ngơ trước sự lộng hành của chúng…
Gần cuối đời, Hai Miêng tiêu xài tiền bạc phung phí, bán lần hồi nhà cửa, ruộng đất ở Gò Công. Huỳnh Công Miêng rượu chè, chơi bời vô độ, chết năm 38 tuổi (năm 1895) tại Sài Gòn, an táng trong ngôi mộ lớn bên đường Trần Đình Xu (TP Hồ Chí Minh).
Đình Nhơn Hòa (còn gọi là đình Cấu Muối- Quận 1- TP Hồ Chí Minh) là nơi thờ Thành Hoàng, được vua Tự Đức sắc phong năm 1852. Nơi đây còn có bài vị thờ tự nhân vật Huỳnh Công Miêng (cậu Hai Miêng), do sự cảm phục của dân Cầu Muối thời ấy.
Những nhà nghiên cứu đưa ý kiến về bài vè “Cậu Hai Miêng” như sau: “Giặc Pháp chiếm Nam Kỳ, dân ta uất hận, nung nấu nỗi niềm mất nước.
Các sĩ phu yêu nước từ nhu cầu kích động, thỏa mãn tâm lý người bình dân đã tạo ra hình tượng ngang tàng, coi thường người Tây, mang tính cách hảo hán, nghĩa hiệp…, phát tán khắp lục tỉnh.
Và “thần tượng” Hai Miêng trong những câu chuyện không hẳn là Huỳnh Công Miêng ngoài đời. Có chăng chỉ là bóng dáng, còn hành động, tính cách được tác giả tạo ra nhằm mục đích khác. Vô tình tạo ra sự lập lờ, khó phân biệt rạch ròi cho người sau…”
NGUYỄN KIM- st (Tiền Giang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin