Dòng Cổ Chiên chảy qua địa phận huyện Long Hồ xuôi về hạ lưu theo chiều dài của huyện Mang Thít trước khi gặp cù lao Dài (cù lao Thanh Bình- Quới Thiện) của huyện Vũng Liêm.
Dòng Cổ Chiên chảy qua địa phận huyện Long Hồ xuôi về hạ lưu theo chiều dài của huyện Mang Thít trước khi gặp cù lao Dài (cù lao Thanh Bình- Quới Thiện) của huyện Vũng Liêm.
Sông Măng một ngày nắng đẹp. |
Con sông uốn mình tạo dáng làm duyên như cô gái xuân thì bẽn lẽn vẫy tay chào “vương quốc gốm”- một thuở vàng son- để hình thành một nhánh sông chảy xuyên từ Đông sang Tây của tỉnh Vĩnh Long có tên gọi là sông Măng.
Sông Măng dài khoảng 47 cây số, chiều rộng có nơi gần 200m, nối sông Cổ Chiên (sông Tiền) và sông Hậu chảy qua các huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình và Trà Ôn trở thành tuyến đường thủy quan trọng của vùng ĐBSCL.
Có dịp đi trên dòng sông quê hương, tôi bất chợt nhớ lại bài hát “Về quê mẹ” của cố nhạc sĩ Tăng Minh Thành qua giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Bích Phượng:
Ngược dòng sông Măng/ Con về thăm quê mẹ/ Đôi bờ Cửu Long nước phù sa mấp mé/ Nghe bìm bịp kêu con nước lớn ròng/ Quê mẹ thân yêu bao xao xuyến mặn nồng…
Dòng sông mang phù sa cùng trữ lượng lớn các loài tôm cá quần tụ sinh sôi, trong này có con cá ngát đã chọn dòng sông Măng làm nơi trú ngụ như một sản vật trời ban.
Cá ngát thuộc loài cá da trơn, hình dáng giống như cá trê trắng nhưng nước da bóng bẩy, đen mun, còn thịt thì khỏi nói, ngon hơn nhiều!
Đây là loại cá sống được ở nước ngọt lẫn vùng nước lợ nhưng người sành ăn khẳng định như đinh đóng cột:
Cá ngát sống ở nước ngọt thịt béo ngon hơn con cá ở vùng nước lợ và nước mặn. Ngoài ra cần lưu ý ở vùng nước mặn gần cửa biển cũng có loài cá giống cá ngát, nhưng đầu to, mình ốm và dài còn thịt thì không ngon bằng, được người dân đặt tên là con cá quáp- loài cá rất tinh ranh, ăn tạp, thường sống ở những nơi nước sâu, gốc cây, dòng chảy xiết và khoét hang để ở.
Mồi câu phải là những loại mồi hấp dẫn như con tép còn sống, lội tung tăng mới có thể dụ cá cắn câu.
Ngoài ra, còn có thể lặn tìm hang để bắt cá vào lúc con nước bắt đầu chuyển ròng, song chỉ dành cho những người bơi lặn giỏi và biết vô hiệu hóa những hang phụ để tránh trường hợp cá thoát ra ngoài khi cửa hang chính bị chặn.
Cá ngát có gai nhọn và độc, nếu chẳng may bị đâm phải thì có người bị hành nóng lạnh mấy ngày. Có một kinh nghiệm truyền miệng như thế này:
Nếu chẳng may bị ngạnh cá ngát đâm thì lấy nhớt trong miệng cá ngát thoa ngay lên vết thương hoặc lấy nhớt trong cổ họng con gà thoa vào chỗ sưng để giảm đau nhưng không biết thực hư ra sao.
Nhớ lại trước đây, cá ngát ở miệt sông Măng còn nhiều và trở thành “đặc sản” của vùng này. Nếu có dịp công tác ghé qua địa bàn Mang Thít thì ít nhiều cũng được bạn bè “chí cốt” chiêu đãi món cá ngát nấu canh chua mẻ hoặc cá ngát kho tộ… ăn rất hao cơm!
Nhưng ngày nay với nhiều loại đánh bắt kiểu tận diệt bằng hóa chất, kích điện,… thì số lượng cá ngoài tự nhiên sụt giảm hẳn, may mắn mới gặp phiên chợ có bán cá ngát.
Một phụ nữ bán cá tại chợ Quới An- cửa ngỏ của sông Măng- cho biết “mấy hôm rày chợ không có cá ngát do sóng gió lớn và nước sông đục.
Nếu may mắn thì vài ngày nữa có ghe ngoài đầu cồn mang cá vào bán, giá hiện nay là 130.000 đ/kg. Tại chợ Cái Nhum, thấy tôi bước đến hàng cá, nhiều người cất tiếng hỏi “chú mua cá gì?”
Biết tôi tìm mua cá ngát, một phụ nữ nói thẳng: “Làm gì có, cả chục ngày nay đố thấy con cá ngát cả chợ này. Nếu có thì chỉ cá nhỏ, giá hiện nay trăm tư một ký (140.000đ). Chú muốn mua thì để lại số điện thoại, có cá tôi a lô cho!”
Chính vì nguồn cá tự nhiên ngày càng cạn kiệt, cung không đủ cầu nên có người đã thu mua cá ngát đánh bắt từ các địa phương khác như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau,… đưa về tiêu thụ.
Thấy thịt cá không ngon bằng cá bản địa nên anh em gọi vui là “cá giả”! Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, một bản tin đăng trên báo Vĩnh Long viết như thế nầy:
Chiều ngày 27/2/2016, một người dân ở xã An Phước (Mang Thít) đã bắt được con cá ngát “khủng” nặng gần 7kg.
Con cá này đã được bán với giá 100.000 đ/kg để chuyển lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ”- có thể xem đây là bản tin gần như cuối cùng viết về con cá lớn của vùng Mang Thít sa lưới ngư dân vì từ đó đến nay những tin loại này không hề thấy xuất hiện.
Cá ngát thường được chế biến thành 2 món phổ biến là nấu canh chua và kho tộ. Thịt cá ngát ngon, thơm béo, giàu Omega 3, canxi,… Đông y cho rằng nó có công dụng bồi bổ khí huyết, ích tỳ bổ thận, giúp bồi dưỡng cơ thể lúc mệt mỏi.
Ngoài ra, nếu may mắn gặp con cá có cặp trứng trong bụng rất thơm ngon, chứa nhiều vitamin, nhưng nhớ dành cho con cháu vì trứng cá giúp tăng cường thể chất, phát triển trí não- nhất là trẻ em.
Ai có đi qua địa bàn Mang Thít, ngắm quê hương nhiều thay đổi trên bước đường phát triển, sẽ thấy dòng sông Măng vẫn vậy, vẫn êm đềm xuôi chảy, con phà Mang Thít vẫn thủy chung ngày đêm đưa rước khách sang sông, duy chỉ có con cá ngát dường như đã lặng lẽ rời bỏ dòng sông để bơi vào miền ký ức.
Nếu không được bạn bè “chí cốt” đãi món cá đặc sản sông Măng thì xin bạn đừng buồn, đừng trách.
Còn đối với dân sành ẩm thực quê tôi thì luôn khẳng định một câu chắc nịch: Trong các loài cá da trơn sống ngoài tự nhiên ở miền sông nước Vĩnh Long thì cá ngát vùng Mang Thít là ngon số một! Liệu có cường điệu quá không? Song, có một điều từ trước đến nay tuyên bố này chưa thấy ai phản đối:
Chiều nay trên bến sông Măng
Vắng con cá ngát thấy lăn tăn buồn!
Bài, ảnh: TRẦN THẮNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin