Trong giai đoạn gần nửa cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, câu hát ấy trong bài ca "Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây" (*) mà ở tuổi trẻ chúng tôi ai mà không nhớ.
Trong giai đoạn gần nửa cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, câu hát ấy trong bài ca “Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây” (*) mà ở tuổi trẻ chúng tôi ai mà không nhớ.
Nhưng, đến khi đặt chân đến chiến trường miền Đông Nam Bộ dù chưa chạm đến chiến trường Trường Sơn cũng đủ để chúng tôi cảm nhận hết sự rung động đến tận cùng cái tình đằm thắm rất đời thường ẩn chứa trong từng tiếng hát đó...
Hồi ấy, vào những tháng mùa mưa của năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ tuy đã có một thắng lợi rất cơ bản là Hiệp định Paris vừa được ký kết, quân Mỹ đã bắt đầu dần dần rút đi nhưng cuộc chiến ở vùng đồng bằng Nam Bộ vẫn còn rất ác liệt.
Với sự hỗ trợ của Mỹ, địch ráo riết xua quân “bình định cấp tốc” lấn chiếm nhiều vùng giải phóng, nên chỉ một khoảng đường từ Vĩnh Long tại vùng Tây Nam Bộ về R (Trung ương Cục Miền Nam) ở Đông Nam Bộ, chúng tôi phải trải qua gần một tháng rưỡi trên các cung đường giao liên du kích xuyên qua vùng Trung Nam Bộ và đất bạn Campuchia...
Chuyến đi xa nhọc nhằn đầy hiểm nguy nhưng chiếm vị trí thật xứng đáng trong ký ức của một đời người. Quên sao được niềm vui khi đã đi qua những vùng mới vừa giải phóng, người dân hồ hởi trở về quê dựng lại nhà trên nền cũ.
Ở những vùng ta và địch giành đất giành dân rát rạt, các chiến sĩ du kích trẻ trung súng quàng vai ra trận vui như đi trẩy hội. Còn ở rừng Tây Ninh tận mắt chứng kiến cảnh chưa từng được thấy ở đồng bằng khi đạn pháo cao xạ của ta đón đánh máy bay địch nổ như pháo bông trên bầu trời…
Cuối chuyến đi của chúng tôi năm ấy là “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, ở đó mỗi bước chân, những giờ khắc đi qua đều để lại những dấu ấn với nhiều cung bậc lạc quan vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến, dù thực tế cuộc chiến đấu còn nhiều khó khăn từ cái mặc đến cái ăn.
Một trong những dấu lặng ấy được người nhạc sĩ nhẹ nhàng ghi lại trong câu hát về nỗi nhớ của một chiến sĩ ở bên này Trường Sơn gửi đến người con gái mình yêu thương đang chiến đấu ở chiến trường bên kia Trường Sơn với những lo lắng rất đời thực “hết rau rồi em có lấy măng không” để động viên nhau…
Những ngày ấy, ở chiến trường miền Đông không có “đói cơm, đói muối”, nhưng lương thực cho cán bộ, chiến sĩ phải rất dè xẻn.
Khẩu phần của chúng tôi mỗi ngày là cơm độn khoai, đậu cũng chỉ tròm trèm 3 chén lưng lửng, thức ăn gần như chẳng có gì ngoài vài hạt đậu phộng rang muối hay một ít mắm ruốc pha bột cộng với vài lát dưa gang…
Vì vậy, trong mỗi bữa ăn, mọi người phải bằng nhiều cách tự túc thêm phần thức ăn chủ yếu là rau, măng. Những ai từng sống ở rừng miền Đông đều biết, ngoài các loại rau trồng “cải hoạt” trên các thửa đất hẹp dọc theo các con suối.
Còn trong rừng thì rất hiếm rau dại- nhất là vào mùa khô; mặt khác dân đồng bằng như chúng tôi lên đây nếu không được chỉ dẫn thì chẳng biết loại cây nào trong rừng được coi là… rau!
Thứ rau ấn tượng và dễ tìm nhất đối với chúng tôi- những người mới đến, cũng như chàng chiến sĩ trong bài hát- có lẽ là măng của các loại tre mọc rất nhiều trong các cánh rừng.
Lạ là ở đâu có suối thì ở đấy có tre dù con suối ấy trơ đáy vào mùa khô. Tre ở đây nhiều loại rất to, có cây chu vi thân đến 2 gang tay người lớn vẫn chưa phủ hết nên măng của chúng rất hấp dẫn…
Ăn măng tre rừng cũng có cần chút “trải nghiệm”: đầu mùa mưa có một loại măng thuộc hạng đặc sản- xem ra ăn nó có vẻ hơi phung phí.
Đó là “măng đào”, gọi thế vì loại măng này mới tượng hình, toàn thân còn rất non đang tập trung chất bổ dưỡng để vẹt đất chun lên, nên muốn lấy nó phải… đào theo dấu nứt của đất!
Ở các bụi le (một loại tre nhỏ), măng loại này bé như củ khoai nhưng với những kẻ “đói rau” như chúng tôi thì cũng rất tuyệt.
Giai đoạn tiếp theo mới đáng gọi là “ăn măng”, vì là loại măng thu hái bình thường khi chúng đã nhô lên khỏi mặt đất vài tấc.
Cuối cùng là loại “măng rung”, đây là sản phẩm vét đuôi của mùa măng tre. Thật ra đó chính là đọt của cây tre non, muốn có nó phải nắm thân cây rung thật mạnh cho cây gãy đọt rớt xuống đất.
Dĩ nhiên chất lượng của loại măng này là bét hạng! Măng tre rất dễ chế biến thành thức ăn. Với chúng tôi, dễ nhất là luộc hay xào mỡ.
Y tế đơn vị thường nhắc nhở trong măng tre rừng có chất độc nên nhớ ăn in ít và chế biến đúng cách, trên thực tế được khuyến cáo thế thì lưu ý chút thôi…
Thật ra nói đến cái ăn, cái mặc trong chiến đấu- nhất là trong những thời khắc gian khổ nhất của cuộc kháng chiến- có lẽ không bao giờ thừa, bởi ông bà ta từng dạy “Có thực mới vực được đạo”!
Nỗi nhung nhớ lắm khi trở thành nỗi lo lắng đến những cái rất đời thường cho người mình yêu mến như “hết rau rồi anh có lấy măng không” dễ chạm đến tận cùng trái tim người nghe!
(*) Bài ca “Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây” do nhạc sĩ Hoàng Việt phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969 bên bờ sông Son (Quảng Bình).
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin