Đêm nào cũng như đêm nào, dù cho mưa dầm gió lạnh tôi vẫn thấy một đội quân áo vàng lặng lẽ quét rác từ khu phố này qua khu phố khác. Họ làm việc như một con ong cần mẫn.
Đêm nào cũng như đêm nào, dù cho mưa dầm gió lạnh tôi vẫn thấy một đội quân áo vàng lặng lẽ quét rác từ khu phố này qua khu phố khác. Họ làm việc như một con ong cần mẫn.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Đa số người làm nghề quét rác đều là phụ nữ, có người độc thân, có người đã chồng con nhưng ai nấy cũng đều cần cù, chịu thương chịu khó.
Chẳng hạn như chị Thủy, một trong những người đã gắn bó đời mình với đời chổi suốt bao năm dài đằng đẵng để nuôi con ăn học.
* * *
Chị Thủy mồ côi cha mẹ nên học đến lớp mười đã bỏ học. Sau đó lấy chồng, khi đứa con thứ hai vừa tròn ba tuổi thì chồng lại bỏ nhà ra đi theo một người đàn bà khác, để lại sau lưng chị biết bao nỗi niềm.
May mắn lúc đó có người tốt bụng đã giới thiệu chị vào làm việc ở Công ty Công trình đô thị. Tại đây, chị được phân công nhiệm vụ quét rác ở một số khu vực nội thành.
Chị một mình chèo chống nuôi con. Mỗi ngày mở mắt ra đều đối mặt với cơm áo gạo tiền cho nên ngày đêm chị phải bươn chải kiếm sống. Cả ba mẹ con đều chạy đua với số phận.
Có lần nằm bệnh viện, chị thèm tô canh chua nên mới sai An ra chợ mua cá, nhưng với số tiền ít ỏi An không thể nào mua được một con cá ngon.
An đang miên man nghĩ ngợi phải làm gì thì ngay lúc đó có một con cá lóc khá to từ trong thau nhảy ra đang trườn về phía chân mình giữa lúc mọi người đang loay hoay không ai để ý.
Một ý tưởng lóe lên trong đầu An: “Hay là mình bắt con cá này đem về nấu canh cho mẹ”. Dù sao nó cũng nằm ở ngoài đất. Mình đâu có ăn cắp mà sợ…
An vội cho cá vào túi xách rồi nhanh nhẩu lách qua dòng người bước tới nhưng chỉ được vài bước thì từ phía sau lưng có một bà xồn xồn vỗ vào vai:
- Ê! Ăn cắp cá hả? Trả lại cho người ta đi cưng!
- Đâu có. Con lượm… mà!
- Lượm gì… ngoài chợ mà lượm cưng. Trả cho người ta đi!
Bà bán cá cất giọng một cách chua ngoa đanh đá:
- Còn đỏ hỏn mà học thói “đá cá lăn dưa”. Để bà cho mày biết tay.
- Mày hãy đứng đó. Đợi đến khi nào ba má mày đến bảo lãnh tao mới cho về.
An sợ run, mặt mày không còn chút máu. Nó quỳ xuống xin lỗi nhưng bà nhất định giam lỏng nó, mặc dù có nhiều người xin tha.
Một lát sau có người đàn ông đi ngang qua, thấy vậy bèn xin bà bán cá hãy thông cảm với hoàn cảnh của nó. Ông sẵn sàng đứng ra bảo lãnh. Xong, người đàn ông ấy kéo tay đứa bé ra đầu đường.
- Con tên gì? Học ở đâu? Ba má con thế nào?...
- Dạ con tên An, học lớp tám ở trường... Con không có cha. Mẹ con bệnh nặng không có tiền mua cá nên con mới làm vậy. Con… không… có ăn cắp.
An nghẹn ngào vừa khóc vừa tủi nhục.
Nghe An nói, người đàn ông tốt bụng kia không kiềm được xúc động bèn nhét vào túi áo nó 300.000đ rồi bỏ đi. An bàng hoàng một lúc rồi rượt theo người đàn ông ấy để trả lại số tiền nhưng không kịp.
Chuyện xảy ra hôm đó An cứ giấu kín trong lòng, không dám nói với mẹ, nhưng hình ảnh người đàn ông tốt bụng kia cứ đeo đuổi mãi trong đầu óc non dại của nó.
An hy vọng có một ngày nó sẽ gặp lại người ấy để trả ơn. Trong lúc đối diện nhau, An vô tình phát hiện ở cánh tay phải của ông ta có một vết sẹo rất lớn. Có lẽ đó là vết thương thì phải.
* * *
Sau nhiều năm cầm chổi, chị Thủy đã trải qua không biết bao lần buồn vui khổ cực, nhưng cũng có lúc hạnh phúc vì được bình chọn chiến sĩ thi đua, lại có lúc được những người tốt bụng tặng cho bao lì xì trong những ngày lễ, ngày tết.
Thời gian như nước chảy qua cầu, mới đó mà thằng An đã tốt nghiệp y khoa và Hảo cũng đã vào đại học. Những lúc ngồi nghỉ giải lao, bạn bè có người bảo chị tốt số, có người bảo “nhân lành cho quả ngọt”, cũng có người ganh tị vì con cái họ kém xa.
Ngày nạp đơn xin việc, An đã kê khai vào lý lịch: mẹ Lê Thị Thủy, công nhân Công trình đô thị (quét rác)… Ban Tổ chức sau khi thông qua lý lịch, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về gia cảnh của một tân bác sĩ. Ngay lúc đó, một thành viên trong ban xét tuyển đã lên tiếng:
- Bác sĩ An là một người rất có chí. Mặc dù nhà nghèo, mẹ làm nghề quét rác nhưng cậu ta rất siêng năng, cần cù chịu khó, tốt nghiệp ra trường với loại xuất sắc. Thật đáng khen!
Từ ngày An khoác áo blouse, chị Thủy cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm, nụ cười rộng mở và vô cùng mãn nguyện. Từ đây, cuộc đời của chị đã sang một trang mới. Bản thân An cũng thấy được mình có được ngày hôm nay là do mẹ đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt.
Giờ đây, An và Hảo chính là niềm kiêu hãnh của chị. Trước mắt chị đang vẽ ra một bầu trời xán lạn. Thương mẹ, An đã nhiều lần khuyên chị nên về hưu non để nghỉ ngơi dưỡng sức.
Thật tình mà nói, trong thâm tâm chị cũng muốn bỏ nghề để cho hai đứa con không còn mặc cảm tự ti về nghề nghiệp của mình. Nhưng mỗi lần nghĩ đến việc từ giã bạn bè, từ giã phố xá, lòng chị lại se sắt buồn.
* * *
Thời gian thấm thoát qua nhanh, An đã lấy được bằng thạc sĩ bác sĩ và được đề bạt làm Phó trưởng khoa. Còn Hảo, cái vẻ mặt tiều tụy nhăn nhúm của cô hồi học cấp 2, cấp 3 nay đã biến thành khuôn mặt thiên thần rạng rỡ. Lúc bấy giờ chị mới an tâm xin về hưu.
* * *
Với địa vị hiện thời, An có rất nhiều đối tượng để chọn vợ, nhưng chuyện đời lại lắm trớ trêu. Người mà An để ý từ khi mới ra trường đến nay là Diễm- sinh viên cùng khóa.
Diễm cũng yêu An một cách chân thành nhưng có điều làm cho An chần chờ và có chút mặc cảm tự ti là vì gia cảnh hai bên quá chênh lệch.
Cha của Diễm là một cán bộ cấp lớn, mẹ của Diễm thuộc hàng quý phái. Sau khi hai gia đình biết chuyện, mẹ của An tỏ ra ngại ngùng không dám “trèo cao”.
Còn mẹ của Diễm thì từ chối hẳn với lý do An là con trai của một người quét rác, hai gia đình hoàn toàn không môn đăng hộ đối.
Nhưng cha Diễm thì lại khác. Ông cho rằng hôn nhân quan trọng nhất là tình yêu. Nếu chúng thật tình yêu nhau thì mình nên tán thành. Mẹ Diễm phản đối:
- Con cái muốn lấy vợ gả chồng cha mẹ cũng có trách nhiệm. Thiếu gì người để gả, tại sao phải gả cho một bác sĩ có cha theo vợ bé, gia cảnh thấp hèn. Ông bà mình đã chẳng dạy “Lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi” hay sao?
- Bà nói sai rồi. Trên đời này không có nghề nào sang hay hèn cả. Chỉ có con người tốt hoặc xấu. Chị Thủy là một công nhân gương mẫu, bằng khen của chỉ treo đầy nhà.
- Căn cứ vào đâu mà ông lại đánh giá chị ấy như thế?
- Tôi đã đến cơ quan tìm hiểu, vị thủ trưởng cho biết chị Thủy là một người giàu nghị lực và ý chí. Chị đã cố gắng vươn lên khỏi cảnh đời nghiệt ngã, lại còn vươn cao hơn mọi người cùng cảnh ngộ nhờ trái tim nhân hậu.
Còn cậu An là một bác sĩ tuổi trẻ tài cao, tác phong gương mẫu, mới ra trường đã được kết nạp vào Đảng. Có thể nói An là một tấm gương mẫu mực trong học tập, thiếu cha nhưng không gục ngã. Con Diễm chọn cậu An là chính xác.
Tuy ba Diễm tìm đủ mọi cách thuyết phục nhưng mẹ Diễm nhất quyết từ chối, đòi gả cho con trai của một đại gia giàu có nhất vùng.
Trước áp lực của vợ, ba của Diễm đành phải hoãn binh.
* * *
Ba của Diễm là một cán bộ nổi tiếng liêm chính và chí công vô tư nhưng chuyện gia đình thì rối như tơ vò.
Mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do bà vợ quyết định nên có lúc thần kinh ông bị căng thẳng, áp huyết thường tăng cao. Một hôm, sau buổi họp, về đến nhà ông đã quỵ ngã phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Người đầu tiên đến khám cho ông là bác sĩ An. Ngay lúc đó Diễm và mẹ Diễm cũng có mặt. Trong lúc y tá đo áp huyết, bác sĩ An phát hiện trên cánh tay phải của ông ấy có một vết thẹo rất lớn.
Vừa trông thấy, An đã giật nảy mình. Chính vết thẹo này đã ám ảnh An hơn mười năm nay. Chẳng lẽ… An cố moi hết trong bộ nhớ để hình dung lại có phải đây là người đã ra tay nghĩa hiệp và nhét vào túi mình số tiền đó hay không? An vừa hồi hộp vừa xúc động.
Một hôm, đang lúc trò chuyện thân mật, An đã ướm hỏi Diễm:
- Hồi nào đến giờ có khi nào bác trai kể cho em nghe câu chuyện có liên quan tới một em bé vào chợ ăn cắp cá không?
- Dạ không. Sao anh lại hỏi em chuyện này?
- Thì hỏi cho biết vậy mà.
- Chắc có gì quan trọng anh mới hỏi. Anh làm em thắc mắc quá!
- Thôi bỏ đi. Coi như anh không có hỏi.
Suốt đêm hôm đó, Diễm cứ trằn trọc, thao thức mãi về câu hỏi kỳ quái của An. Không thể nhịn được, sáng hôm sau Diễm đem câu chuyện này hỏi cha coi cha có tìm được đáp án không.
Mới đầu ba của Diễm có vẻ hơi vô tâm, coi đó là chuyện trẻ con, nhưng một lúc sau ông lại có vẻ trầm tư.
- À! Phải rồi, ba nhớ ra rồi… Cách nay rất lâu, khi vào chợ cá, ba có gặp một thằng bé rất dễ thương bị bà bán cá bắt nạt. Lúc đó ba thấy tội nghiệp quá nên xin bà ta tha tội cho nó. Sau đó ba còn cho nó tiền bỏ túi. Đúng rồi. Mà chuyện này có liên quan gì đến con?
- Không liên quan đến con mà có liên quan đến anh An. Ba hãy gọi ảnh đến hỏi xem...
* * *
Sau khi nhận ra ba của Diễm chính là ân nhân giúp mình, An càng bội phần kính phục nhân cách cao quý của một cán bộ nhà nước. Ngược lại, ông ấy cũng đem lòng thương yêu và quý mến bác sĩ An như con ruột của mình.
Chuyện đã đến tai mẹ của An và mẹ Diễm giúp cho hai bên gia đình ngày càng xích lại gần nhau. Không những vậy, ba của Diễm còn cải hóa vợ mình nắm bắt được quy luật của cuộc sống “Muôn sự ở đời đều có vay có trả, có nhân có quả, ở hiền chắc chắn sẽ gặp lành”.
HOÀI PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin