"Lính lác"

12:04, 03/04/2018

Xin phép không đề cập các nghĩa bóng của cụm từ "lính lác" như kiểu "lính lác tò te". Trong bài viết này, người viết chỉ nói về chuyện người "lính"- một cá nhân trong một tập thể và cũng không nhất thiết phải là người cầm súng- có bệnh lác (hắc lào) theo nghĩa đen thuần túy.

Xin phép không đề cập các nghĩa bóng của cụm từ “lính lác” như kiểu “lính lác tò te”. Trong bài viết này, người viết chỉ nói về chuyện người “lính”- một cá nhân trong một tập thể và cũng không nhất thiết phải là người cầm súng- có bệnh lác (hắc lào) theo nghĩa đen thuần túy.

Trong thời kháng chiến chúng ta không lạ gì câu “Mười thằng lính, chín thằng lác!”, kèm theo đó là câu rất phổ biến là “Ô môi xức lác hay hơn muồng!”

Lính… lác!

Thoát ly gia đình đi kháng chiến ở ĐBSCL, người ta thường dùng cụm từ “vô bưng”. Từ “bưng” ở đây là bưng biền. Với hoàn cảnh hoạt động thường xuyên ở vùng có nhiều sông nước như thế và có mức độ bom đạn rất ác liệt nên thân thể bị ướt át mà mang bệnh lác là chuyện thường tình...

Nhà y học nào đó gọi bệnh lác là bệnh hắc lào rất chi chính xác, vì theo nhiều người bị bệnh, lác nổi chỗ nào trên thân thể dẫu được trị khỏi thì nhiều năm sau vẫn còn vết thâm xám xịt.

Đối với nam nhi chi chí, bệnh này thường phát triển ở khu vực bảo vệ của… chiếc quần tà lỏn. Nhẹ thì ở mặt trước hoặc mặt sau, nặng thì cả hai mặt, trường hợp đặc biệt thì có thể phát triển quanh thắt lưng trông như đeo một sợi dây nịt.

Có người nói “Lác khô đi trước, lác ướt theo sau!”, song người có “thâm niên… lác” thì cho rằng người ta nói vậy cho ăn vần chớ làm sao biết lác nào đi trước…

Vậy là cái chuyện đó còn nhiều tranh cãi, nhưng chuyện bị lác thì ngứa ngáy đến không chịu nổi là có thật, đó là chưa kể nó làm khổ người bệnh hết cỡ ở chỗ đông người!

Lác khô còn đỡ, chớ lác ướt thì vừa ngứa ngáy vừa nhầy nhụa nghe thôi đã ớn!

Thời đó, nếu ai sắp được làm lễ tuyên bố (lễ cưới) mà bị bệnh lác thì có điều quan trọng bậc nhất đáng nhớ là phải cố trị cho lác bật… gốc nếu không muốn bị mất mặt tối đa trước đối tượng của mình!

Bệnh này thật ra chẳng làm chết ai, chỉ bất tiện và hay lây thôi, dù trong kháng chiến còn nhiều thiếu thốn nhưng cũng có khối loại thuốc đông tây y để trị.

Đơn giản nhất là các loại thảo dược dùng điều trị rất dễ tìm như ô môi, muồng, riềng… Có người còn nghe theo bạn bè dám dùng cả thuốc nổ TNT pha với dầu lửa để làm bật gốc lác, cũng có anh nghe theo lời xúi quẩy xức mủ xương rồng khiến nơi bị bệnh sưng tấy phải đi khệnh khạng như mấy anh cao bồi miền Tây nước Mỹ trên phim.

Hồi ấy, tiện lợi và rẻ tiền nhất là dùng loại thuốc xức lác hiệu “Ông già”. Đó là một loại thuốc nước trên nhãn có in hình ông già mua ở các tiệm thuốc Bắc, kèm theo chai thuốc gần bằng ngón chân cái là một cây chổi lông y như cây viết chữ Tàu.

Dùng chổi chấm thuốc rồi quét lên nơi có lác chắc chắn kẻ gan góc nhất cũng phải nhăn mặt nhíu mày, còn phổ biến là nhảy tưng tưng cho quên… rát.

Có điều phải nhớ là thuốc này không phải dễ mua tuy không phải là loại thuốc hiếm ở chợ, muốn mua thì phải biết nhờ đúng địa chỉ là các bác lớn tuổi chớ gửi các cô, các chị đi mua thì dễ nhận ngay… cái lắc đầu nguầy nguậy, nhưng phải thông cảm cho họ chỉ vì họ sợ mang tiếng mình cũng là “bạn đồng môn” thôi!

Bệnh lác là chuyện tế nhị, ở cánh đàn ông nói tùm lum rồi cười ha hả nhưng ở cánh phụ nữ chuyện này có vẻ hơi khác…

Hồi ấy để chống ướt át thân thể, quần áo của anh chị em mặc đi công tác thường dùng 2 loại vải. Rẻ tiền thì có vải ny lông, mắc hơn thì có vải KT.

Vải KT thì nhất rồi, còn vải ny lông tuy có yếu điểm là người dùng dễ gặp nguy hiểm khi gặp lửa, nhưng ưu điểm vượt trội là khô rất nhanh, quần ướt đang mặc chưa đầy 5 phút là khô ngay.

Chỉ có điều loại quần dùng vải này chị em không thích, vì khi ướt mặc đi đường thì 2 ống quần chạm vào nhau gây ra tiếng kêu sen sét, có khối chuyện tiếu lâm quanh cái âm thanh nghe kỳ kỳ này nên các cô ngại!

Chị em lại khá nhỏ tiếng nên cái chuyện bị lác của ai đó trong nhóm mình có lẽ là loại “hồ sơ nhiều kỳ… tuyệt mật”! Có người kể, có lần cùng các chị em đi công tác về tới cơ quan thì trời đã gần sáng, cánh đàn ông tắm nhanh rồi lăn ra ngủ.

Riêng các cô còn cười hi hí đâm thứ gì đó cồm cộp dưới bếp bay mùi hăng hắc khiến mấy anh trẻ tuổi thắc mắc thì bị thủ trưởng mắng “Đừng nhiều chuyện, ngủ đi…”

Quan cũng… lác?

Hồi mới giải phóng, anh Phong Lên là cán bộ Ty Văn hóa và Thông tin Cửu Long (tỉnh sáp nhập từ 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) kể: Trong kháng chiến, lúc mới vào công tác, anh còn rất nhỏ cứ thắc mắc khi nghe nói “Mười thằng lính, chín thằng lác!”

Vậy người làm quan cũng ăn ở như lính mà không có lác sao? Thắc mắc của anh được giải đáp sau đó không lâu: Một buổi trưa, các chị cùng cơ quan đi vắng hết, còn anh đang ở ngoài sân thì được thủ trưởng là một trong những lãnh đạo của ban gọi vào nhờ anh… xức lác.

Thuốc lác là thuốc hiệu “Ông già”, thủ trưởng anh đã lớn tuổi nên ông không mắc cỡ, cứ tuột quần đứng chổng khu cho anh xức thuốc.

Thì ra hàng ngày ông này làm ra vẻ nghiêm nghị luôn mặc quần dài ngồi xếp bằng làm việc nên phần dưới thân thể bị hầm hơi làm bệnh lác của ông thiệt tệ, hai bên háng và cả “khu trung tâm” lác nổi có dề...

“Thực thi nhiệm vụ” trước tiên anh dùng chổi chầm chậm quét thuốc hai bên háng cho ông già, thấy ông gồng mình nghiến răng nên anh rất cẩn thận khi xử lý khu trung tâm… còn lại.

Khi anh quét lằn chổi đầu tiên thì một phần bộ phận trung tâm của ông già đang lòng thòng bỗng co lên cuồn cuộn, lằn chổi thứ hai mới đi được nửa đường thì ông đã… nhảy ùm xuống mương nước kế bên nhà!

Anh Phong Lên kết luận: “Mười thằng lính, mười thằng lác!” mới đúng nhất, nói là chín vì vị thứ mười công tác tiến bộ được lên làm quan nên mới bỏ ra! Dĩ nhiên là lính lác cũng nhiều lúc không còn “chuẩn” lính lác vì đã sạch bệnh, nhưng rồi tái phát là lính lác, rồi lại là lính… hết lác!

HỒNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh