Văn hóa nhậu trong truyện ngắn Hồ Tĩnh Tâm

Cập nhật, 21:14, Chủ Nhật, 24/12/2017 (GMT+7)

Tác giả Hồ Tĩnh Tâm được mọi người biết đến ở nhiều thể loại như sáng tác nhạc, thơ, truyện ngắn…

Đặc biệt, ở thể loại truyện ngắn, ông rất thành công trong việc vận dụng phương ngữ Nam Bộ vào trong sáng tác của mình.

Điển hình như nhóm từ chỉ hoạt động ăn uống: “chìm xuồng tại bến”, “nhậu”, “nhấm nháp”, “nhâm nhi”, “lai rai”, “hấp”, “nấu”, “lấy ngót”… xuất hiện khá phổ biến trong sáng tác của ông. Đó là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ.

Theo khảo sát, trong truyện ngắn Hồ Tĩnh Tâm, phần lớn những từ chỉ hoạt động ăn uống đó đều có liên quan đến hành động nhậu, chỉ riêng từ “nhậu”, người viết đã thống kê được tần số xuất hiện là 50 lần trong 3 tập truyện ngắn (“Hiến dâng”, “Núi giữa đồng bằng”, “Đêm hạt dẻ”).

Ở Nam Bộ, từ “nhậu” được hiểu là hành động uống rượu, bia. Khi nói đến từ “nhậu”, Sơn Nam đã từng nhận định: “Nhậu là tiếng thanh, không gợi ý thô tục; xem tự vị của Huỳnh Tịnh Của năm 1896, nhậu ghi là uống!

Ăn nhậu tức là ăn uống, nhậu rượu tức là uống rượu và “nhậu nước” là uống nước. Uống rượu chẳng có gì xấu, chỉ xấu khi đến mức thái quá, lãng phí tiền bạc và sức khỏe”.

Thực tế cho thấy, người dân Nam Bộ muôn vàn lý do để nhậu, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu…

Nhưng nhìn chung, hành động nhậu của họ được diễn ra sau những buổi lao động, làm việc vất vả, đúng như lời giải thích của tác giả Nguyễn Phú Cường trong “Đặc trưng phương ngữ Nam Bộ qua “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam”:

“Sau buổi lao động mệt nhọc, thói quen của người nông dân nông thôn là quây quần bên mâm rượu. Rượu là bạn, rượu giãi bày mọi tâm sự chất chứa trong lòng của người dân tứ chiếng”. Mục đích chính của việc nhậu là giãi bày tâm sự, góp phần gắn kết tình cảm, tạo sự thân thiện với nhau.

Truyện ngắn Hồ Tĩnh Tâm đã phản ánh hiện thực cuộc sống của người dân Nam Bộ thông qua hành động nhậu. Như chúng ta biết, sau những buổi lao động vất vả, hay những lúc gặp gỡ nhau thì người Nam Bộ thường ngồi quây quần bên nhau để uống rượu.

Thức nhắm (mồi) là những món ăn khá đơn giản được bắt từ thiên nhiên như rắn, chuột, lươn, ếch… và chọn địa điểm là những nơi thoáng mát (dưới gốc cây, bên hông nhà, dưới bến sông…) để nhậu. Nhân vật xưng tôi trong truyện “Trái tim người lính” lúc gặp được ông cựu trung tá, liền tổ chức nhậu.

Vừa nhậu, vừa nghe ông cụ trung tá kể về mối tình trước đây giữa ông và cô xã đội “Những chuyện đó là ông kể cho tôi nghe, khi tôi với ông nướng lèo mấy con rắn nước nhỏ như ngón tay, ngồi nhậu ngay tại bến cây cồng nhà ông.”

Trong tiệc nhậu, họ thường kể lại kinh nghiệm làm ăn, những sự việc xảy ra trong cuộc sống… rồi cùng cười nói, vui vẻ với nhau.

Người Nam Bộ quan niệm “Khách đến nhà không gà cũng vịt”, tức là khi có khách đến nhà phải có món gì đó đãi khách và dĩ nhiên đối với những người khách là nam giới thì không thể thiếu rượu.

Thằng em của Trâm trong “Con chim xanh định mệnh”, khi thấy có khách đến nhà chơi, nó liền bảo “Chị Hai bắc nước sẵn đi, nhổ sả sẵn đi. Em chạy ù đi xôm con rắn về nhậu chơi”.

Khi khách đến nhà, chủ nhà làm tiệc mời khách nhậu, như hành động người em của Trâm là rất phù hợp với tính cách của người dân Nam Bộ. Người dân vùng sông nước Nam Bộ vốn dĩ rất hiếu khách. Lúc khách đến nhà thì họ rất ân cần và sẵn sàng mời khách nhậu.

Điều đặc biệt là ở họ sống rất giản dị, không cầu kỳ; cái quan trọng đối với họ là tình nghĩa giữa người với nhau. Vì thế, khi có khách đến nhà thì họ liền làm mồi nhậu (chủ yếu đánh bắt từ trong thiên nhiên) để đãi khách.

Không những thế, ngay cả những người thân quen khi tìm được mồi ngon thì họ cũng thường rủ nhau bày ra nhậu. Lão Sồ trong “Ngũ long công chúa” khi bắt được con rắn ri cá liền tìm bạn nhậu.

Gặp anh thanh niên trong xóm, ông gọi vọng lên “Rảnh không mậy? Rảnh qua tao nhậu chơi! Có con ri cá gần hai ký nè!”. Nhậu được hiểu là uống rượu với nhau, từ dùng có ý nghĩa bình dân, thân mật.

Qua việc miêu tả hành động của lão Sồ, tính cách của ông cũng được bộc lộ rõ nét. Con rắn ri cá là do lão Sồ bắt được, ông có thể mang đi bán lấy tiền xài hoặc đem về nhà để làm thịt ăn.

Nhưng, đằng này lão Sồ lại không làm vậy, ông gặp bạn nhậu thì rủ đến nhà để làm thịt rắn nhậu. Có thể nói, Hồ Tĩnh Tâm miêu tả hành động của lão Sồ rất phù hợp với tính cách của con người vùng sông nước Nam Bộ.

Một khi tìm được món gì ngon thì điều đầu tiên họ nghĩ là rủ bạn đến nhậu, vừa tốn mồi vừa tốn tiền mua rượu. Vậy sao họ cứ thích làm?

Và điều tất nhiên nếu họ rủ mà không có ai nhậu thì chắc chắn là họ sẽ buồn. Hành động của họ thoáng nghĩ có vẻ nghịch lý, nhưng hoàn toàn rất phù hợp với bản tính của người dân nơi đây. Bởi tính thật thà, chất phác và hiếu khách đã ăn sâu vào trong máu của họ.

Quá trình tổ chức tiệc nhậu của người Nam Bộ được Hồ Tĩnh Tâm miêu tả trong truyện ngắn khá thú vị.

Khi buổi tiệc mới bắt đầu, thì tác giả miêu tả mọi người cứ uống từ từ “nhâm nhi” hoặc “lai rai” để tâm sự hay chờ đợi những người bạn đến nhậu: “Lần này cũng vậy, tôi với thằng bạn đang lai rai thì có thêm một người nữa tới, anh ta béo tốt, đỏ đắn; tạng người như ông địa”.

Người Nam Bộ vốn dĩ rất thiệt tình, khi tổ chức tiệc nhậu thì họ cứ uống rượu thả ga, xỉn nằm ngủ tại chỗ không việc gì phải lo sợ.

Lúc Bảy Toài (trong “Núi giữa đồng bằng”) dẫn Năm Rựa và nhân vật tôi trở về ngủ tại chân núi Dài Lương Phi thì Bảy Toài lại hú anh em trong trạm kiểm lâm tới nhậu ì rần “Họ nhậu kiểu chìm xuồng tại bến, kiểu xả láng sáng về sớm”.

Hơn nữa, đối với người Nam Bộ khi có khách đến nhà, tổ chức nhậu xỉn, xong rồi nằm ngủ. Đến sáng hôm sau thức dậy, họ vẫn uống rượu được bình thường, thậm chí uống còn được nhiều hơn bữa trước.

Hành động đó được người địa phương gọi là “lấy ngót”. Tức là uống rượu, uống rượu lại sau lần uống hôm trước, uống để lấy trớn, để quen và có thể uống tiếp tục được. Nhân vật Hùng tỉnh dậy sau cơn say rượu, Trâm đã nấu sẵn cháo cóc mang đến cho Hùng ăn, Trâm bảo: “Tía biểu em nấu cháo cóc ăn cho tỉnh. Thể nào ổng cũng bắt mấy anh lấy ngót sớm. Tánh ổng ngộ lắm, hễ có khách là ngồi nhà nhậu miết”.

Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng người Nam Bộ sống rất giản dị, đặc biệt là dễ hòa đồng, gần gũi và hiếu khách.

Có thể nói, cuộc sống ở bất cứ nơi nào cũng tồn tại song song giữa cái đẹp và cái xấu. Hành động “nhậu” của người dân như tác giả phản ánh là nét đẹp văn hóa đặc trưng ở Nam Bộ.

 

NGUYỄN VĂN DÔ