Từ vàm Rạch Nứa về phía Đông Nam có một xóm gọi là xóm Chài do người dân ở đây chuyên sống bằng nghề chài lưới. Xóm nằm cặp bờ sông Hậu, con sông đã được giới văn nghệ sĩ ca ngợi là dòng sông hiền hòa, thơ mộng và ví như dòng sữa mẹ ngọt ngào mang phù sa về vun bồi ruộng vườn phì nhiêu màu mỡ, mang nhiều loại cá tôm về nuôi dưỡng người dân hạnh phúc, ấm no.
Bé Nam đi chơi về, hỏi ông Năm Lèo:
- Nội ơi! Sao người ta nói nghề chài lưới của nội là nghề “hạ bạc”? Bộ nó bạc bẽo, bạc ác lắm hả nội?
- Con nghe ai nói?- ông Năm hỏi lại.
- Dạ, bạn con.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Ông Năm vuốt đầu cháu giải thích:
- Con à! Cái gì không biết thì hỏi người lớn chớ đừng nói ẩu tả bậy bạ nghe con. Không phải vậy đâu con. Hạ là xuống, bạc là bến nước. Do người chài lưới phải xuống bến nước đi bắt cá tôm mới có tên gọi đó. Con hiểu chưa?
- Dạ hiểu!
Được ông nội trả lời rành rẽ và đã hiểu thông suốt nhưng Nam vẫn không chịu đi chơi mà quanh quẩn bên ông. Biết ý cháu còn thắc mắc gì nữa đây, ông Năm mở lời:
- Con còn muốn hỏi ông điều gì nữa, phải không?
- Dạ phải!- Nam nhanh nhẩu- Cái miếu ngoài vàm Rạch Nứa thờ ai vậy nội?
- Thờ “Bà Cậu”. Bà là “Bà Thủy”, cậu là “Cậu Tài, Cậu Quí”. Đây là ba vị thủy thần hộ mệnh của dân chài lưới, phù hộ họ làm ăn thuận lợi, tai qua nạn khỏi. Dân chài lưới rất tin tưởng và kính trọng ba vị. Ở bất cứ làng chài, xóm lưới lớn nhỏ đều có miếu thờ, mỗi năm cúng tế hai lần vào mùa xuân và mùa thu rất trang nghiêm thành kính.
- Con cám ơn nội.
Thỏa mãn, Nam chạy vụt đi. Ông Năm đưa mắt nhìn theo. Hai câu hỏi ngây thơ của Nam khiến ông nhớ về dĩ vãng xa xưa.
Từ vàm Rạch Nứa về phía Đông Nam có một xóm gọi là xóm Chài do người dân ở đây chuyên sống bằng nghề chài lưới.
Xóm nằm cặp bờ sông Hậu, con sông đã được giới văn nghệ sĩ ca ngợi là dòng sông hiền hòa, thơ mộng và ví như dòng sữa mẹ ngọt ngào mang phù sa về vun bồi ruộng vườn phì nhiêu màu mỡ, mang nhiều loại cá tôm về nuôi dưỡng người dân hạnh phúc, ấm no.
Xóm Chài được hình thành từ xa xưa, đến nay đã qua mấy thế hệ. Lúc bấy giờ người dân chỉ làm một vụ lúa mỗi năm, sau khi thu hoạch xong, bà con chẳng còn việc gì làm, ở không chan chát.
Một số bà con nghèo bèn làm thêm nghề chài lưới để cải thiện cuộc sống. Hồi đó tôm cá thiếu gì, “cầm chài mà vãi xuống sông, không tôm thì cá, chẳng không chài nào”.
Mỗi ngày bỏ công chừng vài tiếng đồng hồ đi vãi chài, kéo lưới không chỉ có cá tôm ăn khỏi phải tốn tiền mua mà còn dư ra đem bán tăng thêm thu nhập cho gia đình. T
hấy nghề này có đồng ra đồng vô hàng ngày nên người tham gia ngày càng nhiều, xóm Chài được hình thành như thế đó và truyền từ đời này sang đời khác. Về sau có thêm người đóng đáy, đăng mé, chất chà.
Ông Năm Lèo là hậu duệ đời thứ ba của ông Tư Trị- một trong số người khai sinh xóm Chài. Dù đã gần sáu mươi nhưng ông vẫn theo cái nghề truyền thống của ông cha.
Tuy nhiên, những người trạc tuổi ông theo nghề này không nhiều, còn đám trẻ tỏ ra thờ ơ, không mặn mà cho lắm.
Nguyên nhân thứ nhất là do số lượng cá tôm ngày càng ít đi bởi vì đồng ruộng nằm trong đê bao khép kín, chỉ được xả nước theo mùa vụ chứ không còn ngập tràn lan như trước kia làm hạn chế môi trường sinh sản của cá tôm.
Bởi vì nông dân dùng quá nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hai thứ đó đã hủy diệt tôm cá ngay từ trong trứng nước.
Nguyên nhân thứ hai là phương tiện đánh bắt tôm cá của dân chài lưới ở đây thường nhỏ bé, thô sơ và cách đánh bắt thủ công lạc hậu, chỉ xẩn bẩn trong sông rạch chứ không có khả năng vươn ra biển lớn nên thu nhập không cao mà còn khá vất vả.
Nguyên nhân thứ ba là đất nước ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên rất nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp hình thành tạo nhiều công ăn việc làm cho nam nữ thanh niên thành thị lẫn nông thôn.
Xã hội lại từ từ chuyển dịch sang thương mại, dịch vụ tạo ra nhiều ngành nghề mới khỏe hơn, thu nhập cao hơn chài lưới.
Đó là những dấu hiệu báo trước cho một viễn cảnh ảm đạm của cái nghề truyền thống ở xóm Chài nhỏ nhoi này. Nó có thể mai một, bị xóa sổ trong tương lai không xa? Ông Năm thở dài thườn thượt.
Bà Năm từ nhà sau bước lên hỏi chồng:
- Ông chưa đi đám làm tuần trăm ngày của Tư Rớt sao? Người ta mời hai giờ chiều đó.
Ông Năm ngước nhìn đồng hồ, hai giờ kém mười lăm.
- Chết cha! Bà không nhắc tui quên mất.
Ông Năm lật đật đi thay quần áo và ba chân bốn cẳng đến nhà Tư Rớt cho kịp giờ vô đám.
Tư Rớt nhỏ hơn ông Năm Lèo vài tuổi, là thợ chài lưới chuyên nghiệp, lặn lội như rái cá, có tay nghề trên ba mươi năm, giàu kinh nghiệm đánh bắt và khả năng ứng phó với những mối hiểm nguy sông nước.
Cách đây đúng ba tháng mười ngày, lúc nước ròng gần hơn nửa sông, vừa bày bãi, Tư Rớt cùng vài người rủ nhau mò tôm. Mò một hồi không thấy ông ta đâu, cả bọn bèn đi kiếm thì gặp ông ta chết ngồi tại bến miếu “Bà Thủy”.
Cái chết của Tư Rớt được bàn dân thiên hạ bàn tán xôn xao. Giới “ngoại đạo” chài lưới cho rằng ông ấy “sanh nghề tử nghiệp”. Họ còn nhắc lại cái chết của Hai Chạy và bà Chín Hường để làm bằng.
Hai Chạy cũng là tay thợ chài lưới chuyên nghiệp “thâm niên” và giàu kinh nghiệm như Tư Rớt. Hơn hai năm trước, ông ấy đi chài cùng vợ, chài mắc gốc, ông ấy lặn gỡ, lâu quá không thấy ông ấy trồi lên, bà vợ la làng bài hãi, nhiều người trên bờ tại đó lặn xuống mò giúp thì thấy ông ấy nằm chết trong miệng chài.
Còn bà Chín Hường là con gái dân chài lưới chuyên nghiệp, sau khi lấy chồng bà tiếp tục chèo tam bản cho chồng chài.
Sau vài năm sắm lưới mua ghe đi đăng mé rồi vài năm sau nữa lại đồi sang đóng đáy nhưng cuộc sống vẫn không khá mấy nên vợ chồng bỏ nghề, đi buôn bán hàng bông.
Năm ngoái, lúc nước ròng, bà ấy cùng nhiều phụ nữ khác đi xúc cá, cào hến dưới rạch.
Nước giữa lòng rạch chỉ ngang ngực, bà ấy lại bơi lội giỏi nhưng không biết làm sao chết đuối một cách im lìm mà cả bọn không ai thấy, đến khi phát hiện cái nón lá và cái nồi đựng cá của bà ấy trôi phập phều mọi người đổ xô đi tìm, vớt được thì bà ấy đã ra người thiên cổ.
Nhiều người còn thêu dệt nhiều chuyện thần bí, hoang đường kỳ quái, chẳng hạn như tại ba người đó hỗn hào, xúc phạm “Bà Cậu” nên bị “Bà Cậu” trừng phạt!
Ông Năm Lèo hoàn toàn bác bỏ những suy nghĩ đó. Nếu “sanh nghề tử nghiệp” thì sao từ xưa đến nay chỉ có ba người ấy mà không phải cả xóm?
Còn nói họ hỗn hào, xúc phạm “Bà Cậu”, bị “Bà Cậu” trừng phạt thì lại càng không thể. Bởi vì, không chỉ dân chài lưới mà tất cả những người hành nghề trên sông nước đều rất tin tưởng, kính trọng “Bà Cậu” thì làm gì có chuyện hỗn hào, xúc phạm với các vị?
Thậm chí, khi phát hiện “Ông” (cá voi) bị thương hoặc mắc cạn, ngư dân sẽ chữa trị và đưa ra biển. Nếu “Ông” chết thì họ sẽ chôn cất tử tế, làm đám tang linh đình và những người phát hiện đầu tiên phải đội khăn tang như cha mẹ qua đời.
Môi trường nước ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm chết người trong nháy mắt. Nó rất dễ gây ra tai nạn nhưng lại rất khó cứu hộ, nhất là đối với những người không biết bơi lội.
Còn cái chết của Tư Rớt, Hai Chạy và bà Chín Hường có thể do bị vọp bẻ (chuột rút) hoặc do họ yếu trong mình, sức khỏe kém nên bị cảm lạnh, trúng nước, đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não…
Tụng kinh xong, ông thầy cúng Hai Thuận ra ngồi uống trà. Sáu Chanh hỏi ông ta:
- Ông vừa tụng kinh gì nghe lạ tai vậy?
- Kinh Địa Tạng- Hai Thuận đáp.
- Tui thường thấy trong đám ma hoặc đám làm tuần mấy thầy mấy cô chỉ tụng kinh A Di Đà để cầu nguyện cho vong linh người chết siêu thoát, sao ông tụng kinh Địa Tạng?
- Kinh này cũng như kinh Di Đà nhưng có đoạn liên quan đến nghề nghiệp của ông Tư, đó là đoạn nàng Quang Mục cứu mẹ.
- Sự việc như thế nào ông kể nghe coi!
- Lúc sinh thời, mẹ nàng Quang Mục rất thích ăn loại cá trành, ăn rất nhiều, nhiều như số cát sông Hằng vậy đó. Sau khi chết, bà bị đọa vào địa ngục đói khát khổ sở.
Nàng Quang Mục bèn làm theo lời chỉ dạy của một vị A La Hán, đem lòng thành kính dâng hương hoa lễ vật cúng dường đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai và vẽ tranh, tô tượng đức Phật ấy tôn thờ cầu nguyện trong một thời gian thì mẹ nàng Quang Mục giải trừ được tội lỗi, thoát cảnh đọa đày nơi địa ngục, tái sinh làm người.
Lúc sinh thời, ông Tư cũng giết hại quá nhiều cá tôm, tội nghiệt rất nặng, có thể đọa địa ngục nên tui tụng kinh Địa Tạng để giải trừ tội nghiệt của ông ấy, sớm đầu thai trở lại kiếp người.
Thấy nghề nghiệp và người chết bị xúc phạm, ông Năm Lèo nổi giận, phản ứng gay gắt:
- Ông nói bậy! Đánh bắt thủy hải sản là cái nghề truyền thống của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay, không có tụi tui thì nhân dân lấy cá tôm đâu ăn?
Giết người mới có tội chứ đánh bắt cá tôm tội lệ gì? Nếu có tội thì tại sao nó phát triển không ngừng, từ đánh bắt trong ao hồ, sông rạch nhỏ bé đến đại dương bao la như hiện nay?
Sanh lão bệnh tử là quy luật của tự nhiên, không ai tránh khỏi. Chú Tư mất do sức khỏe kém, lại ngâm mình dưới nước khá lâu nên bị cảm lạnh vọp bẻ, người già thường hay bị bệnh này dù ở trên bờ.
Chú ấy rất đáng thương, ông lại là người phàm tục làm sao biết chú ấy bị đọa địa ngục? Hơn nữa, Phật Thích Ca dạy rằng mỗi người hãy tự cứu mình chứ không ai có thể cứu mình được, kể cả Ngài.
Ông từng đọc kinh Phật mà không biết sao lại đem những chuyện huyễn hoặc hoang đường ra mê hoặc lòng người?
Lời thật mất lòng. Những lời thẳng thắn của ông Năm Lèo khiến gia đình ông Tư Rớt tỏ ra không vui nhưng hầu hết những người làm nghề chài lưới đều có thái độ ủng hộ ông Năm Lèo. Hai Thuận bẽ mặt, đứng lên, xẻn lẻn bước vào nhà trong.
TRƯƠNG HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin