Nông thôn mới qua lời ca ý nhạc

Cập nhật, 05:19, Thứ Ba, 28/11/2017 (GMT+7)

Trong tháng 11 lịch sử, khi lòng người hướng về mảnh đất Vũng Liêm anh hùng, tưởng nhớ ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, nhiều chương trình văn nghệ về nông thôn mới (NTM) được tổ chức, gửi gắm thông điệp ý nghĩa, đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân.

Những nghệ sĩ trẻ không chuyên từ các xã NTM nỗ lực mang đến các tiết mục được đầu tư chu đáo.
Những nghệ sĩ trẻ không chuyên từ các xã NTM nỗ lực mang đến các tiết mục được đầu tư chu đáo.

Tiếng hát câu hò từ cảm xúc

Trong 3 đêm (20- 22/11), 14 đội văn nghệ quần chúng của các xã NTM trong tỉnh đã làm cho không khí Quảng trường huyện Vũng Liêm nhộn nhịp, tưng bừng.

Câu chuyện kể bằng âm nhạc, bằng điệu múa và những tiểu phẩm được dàn dựng công phu với sự tham gia của hơn 300 diễn viên chuyên lẫn không chuyên, nhạc công, cán bộ chuyên môn…

Không gian trên sân khấu khi rạng rỡ, khi chùng lại để người xem cùng hòa nhịp, chứng kiến nét đẹp làng xóm đang từng ngày đổi thay, nêu gương người tốt việc tốt trong quá trình xây dựng NTM hay phê phán những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội.

Các diễn viên không chuyên ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm) gây ấn tượng khi uyển chuyển mang đến tiết mục múa “Hương lúa” đầy màu sắc.

Không khí bỗng im lặng khi khán giả dõi theo phần múa “Tự hào Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó”.

Mang những tàu dừa nước lên sân khấu, các bạn trẻ ở xã Tích Thiện và Hựu Thành (Trà Ôn) rất thành công tái hiện cuộc chiến tranh oai hùng.

“Chết thêm lần nữa” của đơn vị Tân An Luông cũng được Ban giám khảo và khán giả khen ngợi vì tiểu phẩm được dàn dựng chu đáo, ý tưởng tốt, khiến mọi người có thể cùng khóc, cùng cười với những thông điệp ý nghĩa.

Chị Trần Thị Thúy Lan (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) đằm thắm trong bộ bà ba ở bài múa “Nét duyên quê”. Chị cho biết đã tham gia đủ cả 2 lần hội diễn: “Chúng tôi sẵn sàng cùng địa phương xây dựng NTM.

tuổi trẻ phải luôn rèn luyện ý thức, năng động, sáng tạo thì quê hương mình mới đổi thay, phát triển được”.

Chị tự hào chia sẻ tiểu phẩm của mình sẽ giới thiệu Khu di tích lịch sử Cái Ngang, về người con Tam Bình tài danh- GS Viện sĩ Trần Đại Nghĩa,…

Anh Lê Công Thành- giáo viên Trường Tiểu học Hựu Thành A (Trà Ôn) mặc bộ bà ba nâu, quấn khăn rằn đứng thấp thỏm dưới “cánh gà” chờ lên sân khấu.

Anh cười, nói các bạn nam trong nhóm lần đầu đi múa nên khá ngại ngùng và vụng về nhưng rất vui. “Chúng tôi tự hào khi là một người trẻ của vùng NTM.

Là giáo viên dạy thể dục nên tôi sẽ cùng học trò rèn luyện sức khỏe, hướng dẫn các em xây dựng ý thức học tập, bảo vệ môi trường, để cùng góp sức giữ vững những tiêu chí NTM và phát triển quê hương mình”- anh Thành bộc bạch.

Trại sáng tác khắc họa bức tranh NTM

Các em nhỏ cũng háo hức đến xem triển lãm tranh ảnh.
Các em nhỏ cũng háo hức đến xem triển lãm tranh ảnh.

Đêm 24/11, vùng quê xã Trung An (Vũng Liêm) nhộn nhịp lạ thường. Trung tâm Văn hóa xã vừa được xây dựng khang trang, còn thơm mùi sơn mới, đầy ắp hàng trăm người.

Bà con rủ nhau đến xem triển lãm tác phẩm nghệ thuật xây dựng NTM và thưởng thức phần trình diễn một số tác phẩm sân khấu, ca nhạc đã được các nghệ sĩ sáng tác trong chuyến đi thực tế tại xã từ ngày 26- 30/10.

Kết thúc chuyến đi, 25 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành văn, thơ, nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật của tỉnh đã sáng tác 170 ảnh, 30 tranh, một tờ bích báo và 20 tác phẩm thơ, văn cổ nhạc.

Bước chuyển mình của vùng nông thôn với mô hình mới, công trình mới, gương người tốt việc tốt trong xây dựng NTM đã trở thành cảm hứng cho các nghệ sĩ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng Tỷ chia sẻ, chỉ vỏn vẹn 5 ngày cùng ăn, cùng ở, sinh hoạt với người dân nhưng có rất nhiều kỷ niệm.

Trực tiếp trải nghiệm mới cảm nhận được nét đẹp của vùng nông thôn yên bình đang ngày một đổi mới với những điều đáng ngạc nhiên, như những con đường khang trang, mô hình kinh tế hay, làng nghề của phụ nữ nông thôn.

Điều khiến anh ám ảnh mãi là ánh mắt của người mẹ Việt Nam anh hùng khi kể về chồng con, thấm thía nỗi mất mát của người hiến dâng máu thịt cho Tổ quốc.

Chị Trần Thị Hồng Chúc (ở ấp An Hậu) say sưa ngắm nghía những bức ảnh. Chị xúc động: “Không thể tưởng tượng được nơi tui lớn lên toàn lau sậy, đoạn đường thưa thớt chưa tới chục cái nhà mà giờ thay đổi vầy. Mấy hình ảnh dưới quê thấy đơn giản, gần gũi mà lên hình đẹp hết sảy”.

Chị cho biết mọi người trong xóm đều rất háo hức đến xem triển lãm và văn nghệ: “Tụi tui rất hãnh diện khi thấy quê hương đổi mới. Buổi triển lãm vầy sẽ giúp bà con ý thức hơn, góp phần cùng xã xây dựng NTM”.

Theo ông Hứa Văn Chiến- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, chuyến đi thực tế sáng tác tuyên tuyền về xây dựng NTM sẽ góp phần cổ vũ, động viên khích lệ tinh thần cho nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM.

Trên tinh thần hướng về cơ sở, phục vụ nhiệm vụ xây dựng NTM, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long cũng sẽ góp phần xây dựng nền văn học, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Vĩnh Long hướng đến vẻ đẹp chân- thiện- mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn!

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY