Cướp ngày

06:10, 28/10/2017

Chiều. Cô gái ngồi trên ghế đá công viên nhìn ra biển. Lần đầu tiên cô thấy biển. Đúng hơn là cô thấy biển thật, bởi đã nhiều lần cô thấy biển trên tivi. Biển mênh mông, rộng lớn quá làm cô thấy ngợp, đồng thời cũng muốn chạm thử vào biển. 

Chiều. Cô gái ngồi trên ghế đá công viên nhìn ra biển. Lần đầu tiên cô thấy biển. Đúng hơn là cô thấy biển thật, bởi đã nhiều lần cô thấy biển trên tivi. Biển mênh mông, rộng lớn quá làm cô thấy ngợp, đồng thời cũng muốn chạm thử vào biển. 

Nhưng một mình thì cô không dám. Cô ngồi đây chờ em cô. Nó bảo: “Chị ngồi đây chờ em đi một chốc lại ngay”. Vậy mà hơn ba mươi phút rồi chưa thấy nó trở lại.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Chiều nay, không những biển mà cách ăn mặc của con người ở đây cũng lạ lẫm với cô. Người ta diễu qua trước mắt cô trong những trang phục làm cô... mắc cỡ khi nhìn.

Họ mặc những bộ quần áo ngắn cũn cỡn phơi da thịt ra cho gió biển ve vuốt. Nhìn họ, cô nhớ lời mẹ dặn: “Xuống thành phố, con gái ăn mặc phải kín đáo. Trăm con mắt nhìn vào. C

hớ bắt chước kiểu hở lưng, hở rốn mang về đây tao đập chết”. Cho nên trước khi đi chơi biển, con Hồng đưa quần áo của nó, bảo: “Chị thay đồ đi! Mặc như chị quê thấy mồ”.

Chạm tay vào làn vải mịn, cô cũng muốn mặc thử. Nhưng nghĩ đến những ánh mắt tọc mạch nhìn vào những phần thân thể lộ ra ngoài là hai má cô nóng bừng nên cô nhất quyết không thay khiến con Hồng dọa không dẫn cô đi chơi.

May mà thím Ba bênh: “Chị mày ở quê ăn mặc kín đáo quen rồi. Chiều chị đi con. Mà mày cũng nên bắt chước chị mày. Con gái gì mà cứ phơi rốn cho người ta xem. Có ngày phơi hết...”

Con Hồng kéo cô chạy đi không để cô nghe hết lời bà thím tốt bụng.

Cô xem đồng hồ rồi lấy điện thoại di động con Hồng mới cho gọi cho nó. Nhưng cô quên mất cách sử dụng. Thôi thì ráng ngồi chờ nó vậy.

Nhìn bâng quơ, cô bỗng nhận thấy nhiều người nhìn cô mỉm cười khi đi ngang. Có người đi qua còn ngoái đầu nhìn lại, trong đó có những chàng trai làm hai má cô râm ran nóng. Một sự kiêu hãnh bùng dậy trong cô. Cô biết cô đẹp.

Ở quê, mọi người đều khen cô đẹp giống mẹ. Những dịp lễ hội, những đêm trăng, cô luôn được các chàng trai vây quanh, còn những cô gái làng thì gièm pha, ghen tị.

Cô đưa tay vén lại món tóc bị gió biển thổi lòa xòa trước mắt. Mái tóc cô dày, mượt, dài chấm mông, phủ tràn tấm lưng thon mảnh.

Cô ước gì bây giờ có chiếc gương để cô soi. Ở nhà, cô rất thích soi gương để ngắm mình, nhất là khi mặc những bộ quần áo mới.

Mẹ cứ mắng: “Con gái thì bớt soi gương đi. Con gái như bông hoa, vẻ đẹp tự nó phát tiết. Ngắm vuốt cho lắm vào rồi sinh chứng, tao đập chết”. Mẹ mắng thì mắng chứ cô cứ lén mẹ soi gương.

Được ngắm mình đẹp thích lắm chứ. Cô nhìn xuống ngực. Mặt dây chuyền tượng Phật Quan âm viền vàng trên nền áo màu tím nhạt bắt nắng cuối ngày sáng lấp lánh.

Nhắm mắt, cô vẫn nhớ như in hình ảnh sợi dây chuyền vàng trên vòng cổ trắng ngần của cô trong gương. Sợi dây chuyền là kết quả của nhiều ngày làm công cà phê của cô.

Mẹ khó tính nhưng cô biết mẹ thương con gái. Cô đã nghe vụng mẹ nói với ba: “Con gái lớn rồi cũng để nó tư riêng, nó mừng”.

- Chào em. Tôi ngồi được chứ?

Cô giật mình. Một người đàn ông đến từ phía sau gật đầu chào cô, mắt nhìn khoảng ghế trống còn lại, ý hỏi.

- Dạ... dạ... - cô bối rối - ... dạ được ạ.

Người đàn ông ngồi xuống cách cô vài gang tay.

- Cảm ơn em. Ngồi đây ngắm biển, đón gió biển thật tuyệt.

Cô liếc nhìn ông ta. Tuổi tác chắc bằng tuổi ba cô. Tóc hớt ngắn, da rám nắng, mặc áo sơ mi bỏ trong quần ủi thẳng nếp, chân mang đôi giày đen bóng. Phong thái chững chạc và tuổi tác của ông ta làm cô thấy tự tin hơn. Ông ta nhìn cô, mỉm cười, hỏi:

- Chắc em mới ở quê lên?

Cô lại giật mình. Vì sao ông ta biết? Nhưng cô chưa vội đáp vì cô chợt nhớ lời mẹ dặn và lời con Hồng. Lời mẹ: “Xuống thành phố không được bắt chuyện với người lạ một mình.

Người thành phố lọc lõi, đa phần giả dối, không thật thà như người quê mình. Ai mời thứ gì không có chú thím và con Hồng thì không được dùng”.

Lời con Hồng: “Bác Hai ở quê nên không hiểu, cứ nghĩ xấu người thành phố. Người thành phố bọn em cư xử với nhau rất tự nhiên. Cứ sống thoải mái đừng rụt rè lòi cái quê ra người ta cười”.

- Anh xin lỗi. Vì anh thấy em mặc- Người đàn ông lướt cái nhìn rất nhanh khắp người cô, tiếp- rất giống những người quen ở nông thôn. Nói thật lòng, anh rất thích những cô gái ăn mặc vậy... Cho anh được khen em. Em rất đẹp. Anh rất ngưỡng mộ mái tóc của em.

Cô mỉm cười, thấy ông ta thật dễ mến. Làm sao không vui khi một người lịch sự như vậy đã khen cô đẹp. Có điều cô thấy kỳ kỳ trong cách xưng hô của ông ta. Cô đáp:

- Dạ... cháu ở Gia Lai mới xuống hôm qua.

- Ra vậy. Em có bà con ở đây?

- Dạ. Có chú Ba cháu. - Miệng trả lời người đàn ông nhưng trí cô lại nhớ lời mẹ dặn. Mẹ dặn đừng bắt chuyện với người lạ. Chắc mẹ nhắc nhở chỉ là nhắc nhở vậy thôi, chứ cô thấy người đàn ông này nói chuyện tự nhiên, thân thiện, có gì đáng ngại đâu?

Vả lại, ngồi một mình cũng buồn, có người nói chuyện vẫn hơn. Ở quê, lúc nào cô cũng có bạn để nói chuyện. Thanh niên ở làng cô, chúng nó sẵn sàng làm giúp công việc của cô cả buổi, cả ngày, chỉ để được nói chuyện với cô.

- Em ra đây một mình?

- Dạ không. Cháu đi với con Hồng, con chú Ba cháu.

- Vậy em của em?

- À... con Hồng nói cháu ngồi đây chờ nó đi mua điện thoại.

Người đàn ông lấy máy di động bấm bấm gì đó rồi nhìn cô mỉm cười, nói:

- Anh trả lời người bạn làm giáo viên ở quê lên nhờ anh đưa đi tham quan những cảnh đẹp của thành phố. Anh có ảnh của anh ấy đây. Người đàn ông mở bóp rút ra một tấm ảnh.

Tấm ảnh kéo theo tờ bạc polyme 100.000 rơi xuống đất. Ông ta vội dằn đế giày lên cho gió khỏi bay, nói với cô:

- Em lượm lên giúp anh.

Cô cúi xuống lượm tờ bạc lên chưa kịp đưa lại cho người đàn ông thì hai thanh niên lái xe máy chở hai người đàn bà trờ tới. Một bà chụp ảnh bằng điện thoại di động, một bà hùng hổ, xỉa xói:

- A!... Bà bắt gặp tại trận rồi nhé!... Hết chối nhé! Dám lấy tiền tao cho gái hả? Mày dám dụ dỗ, cướp chồng bà hả?

Thái độ dữ dằn của người đàn bà làm cô hốt hoảng chụp lấy tay người đàn ông, lắp bắp:

- Chú... chú...

Người đàn ông nắm chặt tay cô, nhỏ nhẹ:

- Em yên tâm.- quay sang người đàn bà - Bà đừng hiểu lầm.

Người đàn bà giựt tờ giấy bạc cô còn nắm trong tay, dứ dứ trước mặt cô:

- Hiểu lầm hả? Bằng chứng cho tiền gái rành rành mà hiểu lầm hả? Trời ơi là trời! Tôi làm cực khổ cả ngày được vài chục ngàn mà nó cho gái một lần cả trăm ngàn. Tao giết mày! Con điếm non!

Người đàn bà xáp vô nắm xoắn tóc, tát vào mặt cô. Cô hốt hoảng thả tay người đàn ông, rút hai tay che mặt, tinh thần bấn loạn, hụt hơi trong tiếng kêu cứu khàn đục: “Cứu tôi... cứu tôi...”

Tiếng kêu cứu của cô chìm lấp trong tiếng tru tréo của người đàn bà: “Mày chạy đi! Có trốn đằng trời! Tao cho con điếm này một trận rồi đến lượt mày”.

Những người đi chơi biển gần đó tụ lại thành một vòng tròn đứng xem. Loáng thoáng những lời bình phẩm:

- Cho đáng đời cái thứ cướp chồng người.

- Nát cửa tan nhà cũng vì cái thứ ca ve này.

Bỗng có tiếng xe thắng gấp. Một cô gái mặc quần lửng, áo thun xô giạt đám đông, hét lên:

- Bà này! Sao bà đánh chị tôi?

Tiếng hét như tiếp cho cô sức mạnh. Cô xô người đàn bà ra rồi nhào lại ôm cô gái vừa đến, khóc òa:

- Hồ... ồng ơi! Bà này tự nhiên đánh chị.

Người đàn bà hai tay búi lại tóc, tru tréo:

- Tự nhiên hả? Thêm một con điếm nữa hả?

- Thôi đủ rồi! - Người đàn bà cùng đi nắm tay kéo bà ta- Bây giờ đi tìm thằng chả. Ngăn được con này nó tìm con khác đó.

Hai thanh niên rồ ga chở hai người đàn bà vọt đi. Đám đông cũng tan dần. Con Hồng dìu cô ngồi xuống ghế đá, tức giận nói:

- Sao vậy? Chị kể em nghe xem!

Cô chưa kịp giãi bày thì một bà cụ bán hàng rong đặt gánh bên hai chị em, đưa cho con Hồng chai dầu:

- Cháu xức cho cháu nó. Chắc hai cháu ở xa đến đây?

Con Hồng đón chai dầu, đáp:

- Cảm ơn bà. Chị cháu ở Gia Lai xuống chơi, còn cháu ở đây. - Con Hồng xức dầu vào những dấu ngón tay trên má chị, hỏi- Chị xem trong bụng, trong ngực có bị đánh không?

Cô lắc đầu. Bà cụ nói:

- Chúng nó chẳng dại gì đánh vào chỗ hiểm đâu. Chúng dàn cảnh khéo lắm. Cháu xem có mất gì không?

Lời bà cụ làm cô giật mình, chụp tay lên ngực. Thôi rồi! Sợi dây chuyền? Cô hốt hoảng đẩy con Hồng ra, đứng dậy nhìn quanh quất, miệng lắp bắp: “Dây chuyền... Sợi dây chuyền...”

Bà cụ nói nhỏ nhẹ:

- Đừng mất công tìm nữa cháu ạ. Vậy là chúng dàn cảnh đánh ghen để cướp dây chuyền của cháu đó.

Cô thẫn thờ ngồi phịch xuống ghế đá. Tiếc của, thương thân, cô tấm tức khóc. Bà cụ khuyên:

- Thôi nín đi cháu. Âu cũng là một lần rủi để cháu học khôn. Sau này đừng nên đeo vàng vòng nhởn nhơ vậy nữa.

Bà cụ bán hàng rong đi rồi. Cô gái quê và cô em họ đi rồi. Chiếc ghế đá lại đón người đến ngồi nghỉ chân. Công viên phố biển càng về chiều càng nhộn nhịp hơn bước chân du khách.

Khó mà phân biệt đâu là kẻ bất lương, đâu là người lương thiện trong số họ. Nhưng chắc chắn kẻ xấu chỉ là phần thiểu số, sẽ không có cơ hội thực hiện tội ác nếu vấp phải sự cảnh giác vậy!

TRẦN XUÂN THỤY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh