Mùa nước về, san bằng hết thảy bờ ranh, nhấn chìm luôn cả con đê, mấy gò đất cao có những căn chòi... Cánh đồng nước trắng xóa, mênh mông ngút tầm nhìn như… biển.
Mùa nước về, san bằng hết thảy bờ ranh, nhấn chìm luôn cả con đê, mấy gò đất cao có những căn chòi... Cánh đồng nước trắng xóa, mênh mông ngút tầm nhìn như… biển.
Nông dân chống xuồng đi đặt lờ, thả lưới, giăng câu… Chỉ những nông dân là thổ địa của vùng mới phân biệt được khoảnh nước chỗ nào là kinh, đâu là bờ đê và đâu là ranh đất…
Nhưng, đó đã là chuyện hồi lâu lắm rồi. Giờ nước có trắng đồng cũng chỉ còn ở các nơi thuộc các tỉnh thượng lưu (An Giang, Đồng Tháp…) xả lũ. Còn ở hạ lưu, nước bị nhốt ở ngoài đê- bức bối.
Nước tràn trề, sông không chứa nỗi. Nước tìm chỗ bờ thấp, leo qua thăm thú ruộng vườn. Nước bò lên quốc lộ- thành sông, xe cộ chạy lao nhao, sóng đánh ầm ào… xe chạy trên bờ như đi tàu trên sông nước.
Nước ghé thị thành, chui qua sàn nhà, len vào ống cống- ngập đường, đi lại ướt mem… Ôi, nước về, nước phiền phức quá!
Con nước mà biết nói năng, chắc sẽ trả lời: phải đâu tại nước. Tại khép kín đê bao- nước không còn khoảng trời tự do như trước nữa. Nước nhớ cánh đồng, dòng kinh, nhớ bờ ao, nhớ người nông dân ngược xuôi tất tả…
Nước mang phù sa, cá tôm… từ thượng nguồn vượt mấy chặn đường để làm quà giúp ruộng vườn, cây trái tốt tươi. Thế nhưng, nước bị khước từ, nén ngoài đê- ngột ngạt. Nước vốn có dữ đâu nên nước cũng thấy buồn!
Nhớ mùa nước mênh mông, sớm sớm, chiều chiều… nhộn nhịp người giăng câu, thả lưới... Nước có dữ đâu, xin con người cư xử dung hòa, dừng can thiệp thô bạo vào cuộc đời của nước.
TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin