Tâm tình người nghệ sĩ

06:08, 27/08/2017

Gánh hát về khuya, tuồng đã vãng, bà Năm khệ nệ bưng nồi chè ra, tươi cười, kêu: "Ăn chè tụi bây ơi!" Nồi chè đậu xanh nước cốt dừa thơm phức làm cả đoàn vây quanh:

(Viết tặng cô, dượng Bảy của tôi- đại gia đình- một thời lập đoàn gánh hát thường diễn ở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là tỉnh Cà Mau. Trong đoàn, không kể anh em hậu đài, từ vai chánh, vai phụ đến ban nhạc đều là người trong gia đình gồm cô Bảy, dượng Bảy, con trai, con gái, dâu, rể,… Đã lâu rồi, cô, dượng đã về với tổ nghiệp và gánh hát đã không còn. Kính tặng hương hồn cô, dượng- hai tâm hồn yêu nghệ thuật cải lương bằng tình yêu bất diệt).

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Gánh hát về khuya, tuồng đã vãng, bà Năm khệ nệ bưng nồi chè ra, tươi cười, kêu: “Ăn chè tụi bây ơi!” Nồi chè đậu xanh nước cốt dừa thơm phức làm cả đoàn vây quanh:

- Cho con một chén!

- Con một chén!

Tấn chưa kịp tẩy lớp son phấn trên mặt, vội bưng chén chè húp cái sột rồi chép miệng:

- Trời ơi, ngọt mà béo nữa! Cho con hai chén mới được!

Thấy nhiều cặp mắt đổ dồn về mình, Tấn phân bua:

- Tại vì… hồi nãy… ở màn cuối, tui quánh võ quá trời luôn, đâm ra đói bụng nên ăn hai chén mới đã. Ai như thằng Bé, mới chạy ra sân khấu, chưa nói được câu nào liền bị đâm một kiếm, nằm sải lai. Hết vai. Có mệt chút nào đâu.

Mọi người cười cái rần làm thằng Bé lượng sượng. Bà Năm quở:

- Tụi bây cứ ghẹo nó hoài. Nó mới theo đoàn thì tập tành vai quân sĩ, quần chúng cho dạn sân khấu rồi từ từ mới lên được chớ.

Thấy có người thông cảm, Bé ứa nước mắt. Nó thì vậy, dễ khóc mà lại nín mau lắm. Cái tánh mít ướt của nó mọi người hay ghẹo nhưng ông bầu Năm thì có vẻ ưng ý: dễ khóc rồi dễ lau khô nước mắt sau này nó đóng kép mùi là kể như “số dách”. Cô đào Ngọc Ngân cũng thấy thương thằng Bé nên nói chêm vào:

- Thôi đi ông Tấn, vai của ông… mới ca được có mấy câu Phụng hoàng, được một chút là lên mặt. Còn nhớ cái hồi ông mới đi gánh hát hông?

Đóng vai lính, chỉ có nhiệm vụ là đứng hầu bên ngai vàng của vua, không nói một tiếng mà run cầm cập như người bị sốt rét, còn cái mặt… nếu hổng nhờ lớp son phấn chắc xanh dờn như tàu lá chuối.

Vừa nói, Ngọc Ngân vừa đứng lên học bộ làm mọi người cười muốn bể bụng. Tấn cũng cười, cười xẻn lẻn vỗ vai thằng Bé:

- Ừ thì… tui… tui … tui giỡn với nó chớ bộ. Phải hông Bé?

Thấy em cháu trong đoàn cười đùa với nhau, ông bầu Năm nghe vui lây. Lòng ông chợt rạo rực sống lại thời trai trẻ hồi ông mới chập chững bước vào nghề.

Ông Năm theo gánh hát hồi mười bốn tuổi, ốm tong teo như cây sậy chớ đâu được tròn trịa, có chút dáng thanh niên như thằng Bé bây giờ. Nhưng nó giống ông, cũng cái máu văn nghệ mà ông không ngại cực khổ trốn ba má khăn gói theo đoàn cải lương.

Có những ngày mưa dầm, ế ẩm, ông cùng các anh, các chú đi bắt cóc, bắt ếch, thậm chí ễnh ương, bù tọt cũng không từ để “cải thiện” bữa cơm cho đào kép trong đoàn.

Nghĩ mà nhớ da diết, hồi đó dân mình rất mê cải lương, mê đến độ đoàn đi đến đâu là người ta ủng hộ nào gạo, nào cá, nào khoai,…

Còn cách hâm mộ thần tượng không phải bằng một bó hoa, thậm chí ôm hôn trên sân khấu mà mời về nhà. Hễ nghe đoàn cải lương về đến quê, thấy ghe chạy dài trên rạch rao bản, biết có mặt đào kép mà họ ái mộ là sáng hôm sau họ đến đoàn hát mời cho được.

Ai viện cớ này, cớ nọ hoặc tới nhà mà làm kiểu, làm cách, ra vẻ khách sáo là họ không thích. Cho nên lúc đó tuy ông chỉ được đóng những vai nhỏ, nhỏ xíu như thằng Bé bây giờ nhưng không hề thấy nản.

* *

*

Cả tuần nay, đoàn diễn ở Cái Cui. Từ vàm Cái Cui nhìn ra, sông Hậu rộng thênh thang. Trong màn đêm, nước sông Hậu bàng bạc dưới ánh trăng, gió về gọi những ngọn sóng và làm xôn xao đọt bần.

Sân khấu về khuya, ông bầu Năm treo võng nằm ngó ra sông Hậu nghe ánh trăng mười sáu đang trải lòng mình với mọi người, vạn vật. Và ông cũng đang trải lòng.

Người nghệ sĩ gắn bó gần cả cuộc đời với cải lương, sống rày đây mai đó với cải lương thì trong đêm trăng sáng làm gì không chạnh lòng khi ôn lại những kỷ niệm buồn vui và chợt nhận ra mình đã già.

Cũng phải, con gái út của ông, đứa con gái đã được nhiều cảm tình của khán giả qua vai bé Nghi Xuân trong tuồng “Phạm Công- Cúc Hoa” giờ đã mười tám tuổi, đã nối tiếp đàn chị đóng đào nhì, đào ba được rồi.

Nhớ lần gánh hát dừng chân ở Đầm Dơi, đêm đó bé Út diễn vai Nghi Xuân cùng với Tấn Lực bị Tào Thị ngược đãi, lang thang, đói rách đi tìm ba, tìm ngoại. Hai đứa trẻ khóc, khán giả cũng khóc theo.

Thình lình có một bà thím từ dưới bước lên sân khấu làm ai cũng giật mình. Bà ôm hai bé vào lòng, lấy khăn lau nước mắt và cho mỗi đứa một bịch đậu phộng: “Ăn đi hai con! Ăn cho đỡ đói rồi ráng đi kiếm ngoại. Kiếm hổng được thì tới nhà bà, bà cho cơm, bà may cho quần áo mới.

Đừng trở về nhà, con mẹ Tào Thị đó ác lắm, nó đánh chết à nghen!” Nghe những lời đó, con Út bỗng khóc lớn hơn. Nó khóc như thiệt. Mà không, nó khóc thiệt.

Nó càng khóc, khán giả càng vỗ tay rần rần khen con nhỏ mới tám chín tuổi đầu mà đóng nhập vai, nhập vai quá trời quá đất.

Ông bầu Năm lúc đó đứng bên cánh gà không kiềm lòng được khiến bao nhiêu là nước đang ứ quanh mắt rớt xuống cái độp. Nỗi lòng của nó chỉ ông là người hiểu nhất, suốt một năm rồi vì rong ruổi theo đoàn nên nó chưa được về thăm nội, thăm ngoại.

Không riêng gì con Út, ông thương các con- anh chị của nó- phải theo ba, theo má, theo đoàn gánh hát- tâm huyết của cả đời ông mà phải rày đây mai đó, ngày tư ngày tết cũng chưa chắc có dịp về lại quê hương thăm ông bà.

Gió sông Hậu lại rợn mặt nước khiến ông bầu Năm lại nhớ tới đứa con gái đầu lòng, nhớ tới cô đào Tuyết Thu ngày nào. Mấy chục năm. Đúng! Đã mấy chục năm rồi mà mỗi bận nhớ lại ông cứ tưởng chừng như vừa mới hôm qua.

… Lúc đó là tháng Giêng năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm, ông chưa lập gánh hát riêng, mới chỉ là anh kép hát, độc thân đang ở tuổi hăm lăm.

Lần đó, vừa hát xong, cô đào Tuyết Thu một mình đi ăn cháo khuya, trên đường trở về thì bị một tốp lính Mỹ, ngụy say xỉn làm xằng, làm bậy. Cô ngất xỉu, vài người dân chứng kiến nhưng không ai dám hở môi, họ chỉ biết xúm nhau đưa cô về đoàn hát.

Mấy cô đào trẻ sợ xanh mặt, các anh kép mạnh dạn thì bực tức đi tới đi lui, ông bầu giận mím chặt môi. Suốt đêm đó, cả đoàn hát không ngủ được nhưng chẳng biết phải làm gì.

Thời buổi loạn lạc, đất nước chiến tranh, đôi lúc nhân phẩm của con người bị kẻ khác chà đạp và sinh mạng khác nào cọng cỏ.

Ông bầu muốn làm cho ra chuyện nhưng liệu miếng cơm manh áo của anh em trong đoàn rồi sẽ như thế nào? Người ta quyền thế, biết đâu đoàn hát sẽ bị kiểm tra, cấm đoán?

Ai cũng hiểu điều đó vì đã từng chứng kiến nhiều lần bị người ta gán cho tuồng này có liên quan đến chính trị, tuồng kia tuyên truyền cho Việt cộng,…

Rốt cuộc chỉ vì gánh hát không chi tiền cho “quan” ở địa phương hoặc có ai đó trong đoàn làm mích lòng “quan trên”.

Mọi chuyện tưởng quên rồi sẽ mau qua, ai dè cô đào Tuyết Thu có bầu. Giữ hay phá bỏ? Cô là đứa trẻ mồ côi, thuở nhỏ sống lang thang, giờ thì gánh hát là gia đình, anh em trong đoàn là người thân.

Cô chú trong đoàn khuyên Tuyết Thu rằng cái hình hài bé bỏng kia là vô tội, đáng thương, dẫu sao nó cũng là ruột rà, máu mủ của cô, có giận chăng là giận kẻ đã tạo ra nó.

Đêm Tuyết Thu chuyển dạ, tuồng đang hát dang dở, ông Năm mượn người đóng thế vai, cùng với bà Bảy nấu bếp bao chiếc tắc ráng ra nhà thương thí.

Hơn hai tiếng đồng hồ Tuyết Thu đau bụng dữ, bà mụ nói khó sanh, biểu phải chuyển tới bệnh viện lớn. Tuyết Thu lên ca mổ, bà Bảy một chữ cũng không biết nên ông Năm ký tên thay người thân.

Cuối cùng, sao ông trời lại bất công với cô đào hát đáng thương đến như vậy? Tuyết Thu chết khi chưa kịp thấy mặt con, bởi đứa bé đang được các bác sĩ đưa đi chăm sóc ở phòng đặc biệt.

Trước khi chết, cô chỉ kịp trăn trối gởi gắm lại đứa con. Ai nhận đây? Bà Bảy- một bà cụ đã ngoài sáu mươi- biết còn sống bao lâu để nuôi đứa bé khôn lớn?

Còn ông Năm- anh kép hát tuổi mới hai lăm, chưa vợ? Quá cấp bách, không đủ thời giờ để suy nghĩ, ông Năm nhận lời, nhận đứa bé làm con.

Lúc ấy, mặt Tuyết Thu- gương mặt mà cho tới tận bây giờ ông vẫn cón nhớ như in- bỗng nhợt dần… nhợt dần… môi mấp máy hai tiếng cám ơn không thành rồi nhắm mắt đi xuôi.

Ông Năm ẵm đứa bé về quê nhờ ba má nuôi. Cũng may, ba má ông tuy theo xưa mà rất thấu tình đạt lý lại có lòng nhân.

Ngặt nỗi, quê ông là vùng kháng chiến, bỗng dưng lại hiện diện một đứa bé da trắng, tóc vàng, mắt xanh nên nhiều người đã phản ứng và lắm kẻ gièm pha.

Ba má ông giải thích, người cảm thông, người lại bĩu môi: “Ai đời lại đi nuôi con kẻ thù!”, người thì nói: “Má nó chắc cũng là thứ hổng ra gì, là me Mỹ”,…

Con bé sống ở quê, ông Năm tiếp tục theo đoàn gánh hát, thỉnh thoảng tranh thủ về thăm con. Mẹ nó là Tuyết Thu, ông đặt nó tên Thu Tuyết- cái tên gợi nhớ cô đào vắn số, đáng thương.

Ông Năm lấy vợ. Vợ ông cũng là đào hát, thương chồng, thương con và là hậu phương vững chắc cho chồng lập gánh riêng sau này. Hôm đám cưới, cả gánh hát về quê, cùng với ban đờn ca tài tử địa phương ca hát suốt đêm. Người ta kéo nhau đi coi chật cả rạp cưới.

Sáng rước dâu, Thu Tuyết đứng dưới bến khóc một mình: “Bữa nay… ba làm chú rể. Ba có vợ, rồi ba sẽ hết thương Thu Tuyết luôn!” Ông bà nội dỗ, nó hổng chịu.

Ông Năm thấy vậy ẵm nó lên, bà Năm hôn nhẹ lên trán, thấy nó cười, lòng bà chợt nghe ấm như đang gần gũi đứa con ruột thịt.

Mỗi bận về thăm nhà, ông Năm đều nghe ba má nói con nhỏ hay bị người ta chọc ghẹo, con nít trong xóm thì hổng chơi với nó, nói nó là con giặc Mỹ. Ông buồn quá, đòi đem nó theo đoàn.

Ba má ông hổng chịu: “Tía má nuôi nó hồi còn nhỏ xíu, giờ bắt xa sao đành! Người ta hổng chơi với nó thì nó cứ ở nhà hủ hỉ với tía má. Với lại tụi bây là vợ chồng son, đoàn hát chật chội, có nó theo bất tiện trăm bề rồi có thời giờ rảnh đâu mà sanh con đẻ cái”.

Nghĩ thì phải nhưng lần nào về ông cũng nghe nó méc: “Hổng đứa nào chịu chơi với con hết. Mà… giặc Mỹ là gì mà ai cũng ghét hết vậy ba?” Biết nói gì với con? Nó còn nhỏ quá! Ông chỉ biết ôm con vào lòng mà kiềm nước mắt.

Lần đó về quê, nghe nói con bé đang chơi nhà chòi, ông lẳng lặng bước ra sau hè. Mới tới gốc cây gáo thì ông nghe một đám con nít đọc râm ran:

“Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè con nhỏ

Mặt chẳng giống ai

Nó là con lai

Mắt xanh mũi lõ

Bị người ta bỏ

Ở nước Việt Nam…”

Ông Năm tằng hắng mấy tiếng thiệt lớn làm tụi nó giật mình bỏ chạy tứ tán. Người lớn nào ác mồm, ác miệng dạy chi tụi con nít bài vè độc địa như vậy?

Ông ngó qua liếp rau muống thấy Thu Tuyết ngồi khóc, cặp mi nó dài, cong vút, đôi mắt xanh như màu nước biển ban sáng.

Nó mới tám tuổi, hồn nhiên quá, trời sắp đặt chi cho đời nó khổ. Nhìn thân hình bé bỏng của nó đang run lên theo từng tiếng nấc mà tim ông nghe đau nhói.

Từ bữa đó, vợ chồng ông Năm dắt Thu Tuyết theo đoàn. Nó nói nhớ ông nội, bà nội nhưng bù lại ở đây ai cũng thương nó. Nó vui. Buổi trưa, nó hay chơi hát tuồng cùng mấy con nít trong đoàn.

Thuộc đoạn nào chúng cùng nhau ca, diễn bập bẹ rất dễ thương. Thu Tuyết mê vai Nghi Xuân, cùng bày trò hát đoạn Nghi Xuân, Tấn Lực được mẹ hiện về chải tóc.

Tới khi gà gáy sáng, má con sắp phải chia tay, bỗng dưng nó ôm chầm lấy con Nhí đang đóng vai Cúc Hoa mà khóc: “Má, má ơi! Má đừng bỏ con!” Con Nhí đẩy nó ra: “Sao mầy ôm tao thiệt? Bộ mầy nhớ má ruột của mấy lắm hả?”

Thu Tuyết gượng cười, kéo vạt áo lau nước mắt: “Tao có má rồi, má thương tao lắm. Má ruột, tao biết mặt hồi nào đâu mà nhớ. Nhớ ông nội, bà nội, đòi về mà ba tao nói hổng rảnh”.

Con bé mê cải lương, thích đóng tuồng. Ca hay và thuộc tuồng như nó đúng ra là đã được tập tành cho lên sân khấu diễn đào con nhưng rốt cuộc không có vai nào dành cho nó, phù hợp với nó.

Mái tóc vàng có thể đội tóc giả thành đen nhưng cặp mắt xanh và những nét “Tây” trên gương mặt nó thì thế nào? Có bữa nó ngồi khóc thút thít với ông Năm: “Ba xin ông bầu cho con lên sân khấu hát đi ba.

Con thuộc vai Nghi Xuân trong tuồng “Phạm Công Cúc Hoa”, vai bé Thu trong “Lấy chồng xứ lạ”,… Con thuộc nhiều tuồng lắm.

Bữa trước, ông Tám Đờn đờn cho con ca thử, ổng khen con ca hay, rõ chữ và hổng rớt nhịp”. Ông Năm nghe khóe mắt mình cay, tìm cách nói lảng: “Vài bữa nữa mình về quê thăm nội.

Có ba, có má, con rồi em bé nữa, chịu hôn?” Tuyết cười. Thấy nó cười mà hổng biết nó buồn hay vui, chỉ thấy rằng mê ca hổng được ca, được diễn khác nào khát nước mà hổng được uống, đói mà hổng được ăn.

Vài năm sau ngày giải phóng đất nước, ông Năm lập gánh hát riêng, Thu Tuyết vẫn theo đoàn hát của ba, vẫn lặng lẽ như chiếc bóng. Lúc này cô bé đã mười lăm tuổi, niềm đam mê cải lương càng cháy bỏng nhưng đã biết tự kiềm chế mình, không đòi hỏi như hồi còn nhỏ.

Phần ông Năm, vì đoàn hát nhà nên có phần dễ quyết định hơn chuyện con bé. Ban đầu ông cho nó ca bản sau cánh gà trước giờ diễn, dần dần cho nó ra sân khấu múa rồi vai tỳ nữ đứng hầu,…

Thấy khán giả không phản ứng, ông liền giao cho nó những vai phụ có ca, có diễn. Nhớ lần đầu nó được đóng vai cô Thiệt- một vai rất nhỏ trong vở “Tiếng hò sông Hậu”, vậy mà nó mừng mấy đêm không ngủ được.

Bữa lên diễn, nó đội tóc giả đen, bận bộ đồ bà ba coi y chang con gái Nam Bộ vừa thiệt thà, vừa chất phác. Tuồng hát xong, nó khóc. Khóc vì mừng.

Gia đình ông bầu Năm được đi sang nước Mỹ theo diện con lai. Cái tin đó làm đào kép trong đoàn xì xầm cùng nhau: “Phen này chắc rã gánh.

Thôi, mạnh ai nấy kiếm đoàn khác mà đầu quân”. Nhưng có người lại nói: “Ai thì tui hổng biết chớ ông bầu Năm hổng đi đâu. Gánh hát này là tâm huyết cả đời của ổng đó.

Có lần tui nghe ổng nói nghèo, đói ổng chịu được chớ bắt phải bỏ đoàn hát, bỏ ánh đèn sân khấu ổng thà chết còn hơn”.

Đúng vậy! Ông Năm mê cải lương từ hồi còn nhỏ, rồi những năm trước giải phóng, có đôi lúc gánh hát bị chính quyền chế độ cũ kiểm tra gắt gao, làm khó dễ những khi diễn ở vùng kháng chiến ông còn chịu được huống gì bây giờ…

Cái viễn cảnh giàu sang ở đất Mỹ mà nhiều người thầm ước, ông chẳng một chút bận tâm. Chỉ còn Thu Tuyết, ông không nói gì, ông thấy nó đã đủ lớn để tự quyết định cuộc đời, tương lai của nó.

Thiên hạ nhiều lời bàn tán. Người thì biểu Thu Tuyết đi vì con đường để đến giàu sang chỉ có một lần. Người thì nói: “Mầy đi qua Mỹ ráng kiếm tiền gởi về cho ba mầy sắm sửa, mở gánh hát lớn hơn coi như là trả hiếu cho ổng”.

Ông Tám Đờn thì kêu nó lại, thủ thỉ bên tai: “Con hãy suy nghĩ cho thiệt kỹ, chớ từ nào tới giờ ông thấy ba con nuôi con hổng phải vì tiền. Còn vì lẽ gì… thì chắc con đã hiểu, nếu không thì chừng vài năm nữa, tới khi suy nghĩ của con đủ chín chắn thì con sẽ biết”.

Thậm chí còn có nhiều kẻ lắm bạc tiền từ phương xa đến dọ hỏi “mua” Thu Tuyết về, giả làm con để được cùng đi sang Mỹ…

Ông Năm ngao ngán trong lòng: cuộc đời sao lại giống y chang vở tuồng! Nhiều đêm ông suy ngẫm nếu con ông quyết định ra đi thì chắc ông sẽ buồn lắm. Mà, hổng buồn sao được!

Ông đã nuôi nó mười tám năm. Mười tám năm trời bao nhiêu là tình thương. Ông đã từng khóc trong nỗi buồn của nó và từng hân hoan với niềm vui dù nhỏ nhoi của nó.

Tự dưng ông nghĩ tới câu nói của người xưa “Tò vò đi nuôi con nhện, tới khi nó lớn nó quện nó đi”. Nó đi thì đi. Ông chỉ sợ rằng đến nơi xứ xa, toàn những người lạ nó sẽ bơ vơ, côi cút một mình, chắc lòng ông sẽ đau lắm.

* *

*

Trăng khuya ngã dài theo vàm Cái Cui rồi trải rộng khắp dòng sông Hậu. Ông Năm kéo khăn lau nước mắt, thấy bùi ngùi khi vừa ôn lại một kỷ niệm dài trong cuộc đời đi hát.

Vậy là rốt cuộc ngày ấy Thu Tuyết không bỏ ông và mấy năm sau lại trở thành cô đào hát được nhiều người yêu mến.

Đúng là nghệ thuật cải lương không phân biệt tuổi tác, hèn sang, sắc tộc và thực sự đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những ai đam mê, đến với nó bằng một tình cảm chân thành, một tình yêu nghệ thuật chân chính.

Ông Năm nhìn lên bầu trời cao, nghe vui trong bụng: Bé Thu Nga- con gái của Thu Tuyết cũng đang tập tành đóng vai Nghi Xuân trong vở tuồng “Phạm Công Cúc Hoa”.

Nghĩ đến đó, ông bỗng nghe gió sông Hậu thổi miên man gọi con nước lớn như đang đưa ghe gánh hát đi khắp vùng sông nước.

NGUYỄN LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh