Những ngày đầu của Chính quyền Cách mạng non trẻ ở Vĩnh Long

04:08, 28/08/2017

Ngày 25/8/1945, trong cao trào cách mạng của cả nước, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Vĩnh Long dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long thành công tốt đẹp: toàn bộ chính quyền trong tỉnh đã về tay nhân dân. Chính quyền Cách mạng được thành lập và củng cố từ tỉnh đến huyện, xã. 

Ngày 25/8/1945, trong cao trào cách mạng của cả nước, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Vĩnh Long dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long thành công tốt đẹp: toàn bộ chính quyền trong tỉnh đã về tay nhân dân. Chính quyền Cách mạng được thành lập và củng cố từ tỉnh đến huyện, xã.

Chính quyền Cách mạng của tỉnh những ngày đầu tiên gồm những người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, ngoài các đảng viên, cán bộ Việt Minh, đại biểu công nông còn có một số trí thức và nhân sĩ yêu nước.

Tất cả dựa vào dân

Ngay từ những ngày đầu, chính quyền nhân dân non trẻ các cấp đã biết dựa vào các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh như:

Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc làm nòng cốt để vận động toàn dân khẩn trương thực hiện 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh công bố và các chủ trương của Đảng bộ tỉnh.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, chính quyền mới phải đối mặt với bao khó khăn to lớn do hậu quả của chiến tranh, của chế độ phong kiến và thực dân để lại trong điều kiện thù trong giặc ngoài lăm le phá hoại, kinh tế đất nước kiệt quệ…

Nhưng việc chống 3 thứ giặc là: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thực hiện 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh đều phải vận động nhân dân tiến hành khẩn trương.

Đầu tiên, việc cứu đói cho hộ nghèo được kết hợp với bước đi lâu dài là thực hiện chính sách cấp ruộng đất cho nông dân. Phong trào “Tấc đất, tấc vàng” được phát động rộng rãi để khôi phục sản xuất lương thực, thực phẩm.

Đối với các hộ nghèo, trước mắt Mặt trận Việt Minh vận động người có lúa nhiều giúp đỡ người thiếu đói hoặc cho chính quyền mượn để cấp hay bán rẻ cho hộ nghèo; vận động điền chủ, chủ nợ giảm hay xóa nợ cho họ; kiểm kê các tiệm vải bán rẻ cho người nghèo đang phải mặc bố tời…

Ngày ấy, tại nhiều xã như xã Mỹ Lộc (Tam Bình) chính quyền đứng ra mượn của người có lúa dư chia cho hộ đói 3- 7 giạ; tại xã Tích Thiện chính quyền vận động điền chủ mở lẫm lúa bán cho hộ nghèo 5- 10 giạ theo giá quy định của chính quyền để cứu đói(1)…

Thực hiện chủ trương chung, chính quyền các cấp mở rộng phong trào học bình dân học vụ khắp nơi, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ để xóa mù chữ trong dân, đặc biệt khuyến khích trẻ em đi học…

Trên mặt trận quân sự, an ninh chú ý củng cố các lực lượng bảo vệ chính quyền cách mạng bằng việc vũ trang các đoàn thể Cứu quốc bằng mọi loại vũ khí tự có kể cả giáo, mác, tầm vông vạt nhọn… và đưa họ vào đội ngũ để tập luyện quân sự sẵn sàng chiến đấu.

Bên cạnh, Quốc gia Tự vệ cuộc được thành lập để bảo vệ chính quyền, chống bọn phá hoại và các phần tử xấu…

Trước âm mưu dựa vào quân Đồng minh tái xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã lộ rõ, hạ tuần tháng 10/1945, UBND tỉnh Vĩnh Long họp tại Nhà việc Long Châu (tỉnh lỵ Vĩnh Long) thực hiện sự chỉ đạo của UBND Nam Bộ thành lập Ủy ban Kháng chiến tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm chủ tịch để lãnh đạo nhân dân trong tỉnh sẵn sàng bước vào giai đoạn đấu tranh mới.

Sẵn sàng cùng toàn quốc kháng chiến

Đêm 28 rạng 29/10/1945, quân Pháp nổ súng tiến công vào tỉnh lỵ Vĩnh Long. Với bộ binh và cơ giới mạnh hơn hẳn, đến cuối tháng 2/1946, vượt qua sự chống cự quyết liệt của lực lượng vũ trang, địch đã lấn ra chiếm được thị trấn Tam Bình, Trà Ôn và bắt đầu đánh xuống Vũng Liêm gây cho lực lượng kháng chiến nhiều khó khăn trong củng cố các lực lượng đánh địch.

Sau các lúng túng ban đầu trong khâu tổ chức đánh địch, để đảm bảo các chi tiêu cần thiết cho chính quyền non trẻ trong tình hình đó, hai biện pháp lớn được chính quyền các cấp ngày ấy thực hiện chủ yếu là dựa vào sự đóng góp của nhân dân và đấu tranh chống lại sự phá hoại nền kinh tế của các lực lượng thù địch.

Cuối năm 1945, cùng cả nước tỉnh Vĩnh Long phát động “Tuần lễ vàng”, tiếp sau đó là “Tuần lễ đồng thau” để huy động tiền của và vật dụng của nhân dân phục vụ cho kháng chiến được nhân dân ủng hộ nhiệt liệt, khắp nơi truyền nhau câu ca dao: “Hễ ai chống giặc Lang- sa (giặc Pháp). Ủng hộ tài sản hết nhà cũng vui”.

Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn nhân dân trong tỉnh đóng góp 1.500 lượng vàng và nhiều vật dụng bằng đồng thau.

Nhiều tấm gương điển hình xuất hiện trong tuần lễ vàng như tại Vũng Liêm có ông cả Thạch hiến 3 cân vàng; cô Si Ran- con gái điền chủ Huỳnh Ngọc Hồ- hiến 1kg vàng và nhiều kim cương, đồng thời cô còn vào bưng biền tham gia kháng chiến(2); tại xã Quới Thiện nhân dân đóng góp trên 100 tấn đồng thau, có người góp cả mái tôn đang lợp của nhà mình(3)…

Số vàng này mau chóng được chuyển về Trung ương để mua vũ khí và số đồng thau được chuyển đến các công binh xưởng để sản xuất đạn dược.

Nhờ nhân dân trong tỉnh sẵn lòng yêu nước và giàu đức hy sinh như thế, nên song song với phát triển kinh tế trong vùng kháng chiến để đảm bảo cái ăn, cái mặc, thuốc men cho mọi người, các lực lượng của ta- nhất là các lực lượng vũ trang- cũng không ngừng lớn mạnh.

Chính quyền chủ trương các tổ chức kháng chiến bám sát dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, dựa vào dân mà sống và chiến đấu.

Cuộc vận động mọi người thực hành tiết kiệm qua chủ trương “nhường cơm xẻ áo” để đảm bảo kháng chiến lâu dài thắng lợi được nhiều người hưởng ứng, đặc biệt công nhân các lò gạch Vĩnh Thành Hưng, Mỹ Lợi, Vạn Xương ở tỉnh lỵ Vĩnh Long tình nguyện làm thêm giờ lấy tiền ủng hộ các vùng thiếu đói(4).

Theo chủ trương chung, Ban Quản thủ cấp tỉnh được thành lập để lo hậu cần cho các cơ quan kháng chiến.

Thời điểm này, Ban Quản thủ kết hợp với các công đoàn ở tỉnh lỵ Vĩnh Long tổ chức một đợt lạc quyên trong các tầng lớp nhân dân được trên 15.000 giạ lúa, cao gấp 3 lần mức dự tính.

Có sự hậu thuẫn của nhân dân, các lực lượng vũ trang của tỉnh từ các đội Vệ quốc đoàn đến dân quân du kích ở khắp nơi đã linh hoạt hơn trong chiến đấu, từng bước chuyển sang đánh du kích, đánh thọc sâu vào nội ô, đánh nhỏ, đánh giao thông… khiến địch sau đó phải chuyển từ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh sang phòng ngự, lập hệ thống đồn bót để giữ đất, phát triển bọn tề điệp đánh phá cách mạng…

Chỉ sau gần 2 năm kháng chiến, tuy mới bước vào thời kỳ đầu của công cuộc bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng, mà cụ thể là thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta (1945- 1946), mọi lực lượng kháng chiến đều phát triển, đã khôi phục một vùng độc lập rộng lớn, tạo tiền đề cho tỉnh nhà cùng cả nước sẵn sàng bước vào giai đoạn rất quan trọng của cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc với niềm tin mãnh liệt là kháng chiến nhất định thành công.

HỒNG VÂN

 (1), (2), (4) theo quyển “Lịch sử Tài chính Vĩnh Long (1930- 2000)”

(3) theo dự thảo lịch sử xã Quới Thiện (cù lao Dài, Vũng Liêm)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh