Hàng trăm bức ký họa chân dung những mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Vĩnh Long của họa sĩ Trần Minh Thái vừa được triển lãm tại Bảo tàng tỉnh.
Hàng trăm bức ký họa chân dung những mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Vĩnh Long của họa sĩ Trần Minh Thái vừa được triển lãm tại Bảo tàng tỉnh.
Với bút pháp gần như tả chân, người nghệ sĩ đã truyền từng cảm xúc vào mỗi nét vẽ, mà người xem có thể cảm nhận, “sờ chạm” vào nỗi đau mà thời gian như “hóa thạch” và ngừng đọng trên từng khóe mắt, nếp nhăn.
Họa sĩ Trần Minh Thái bên những bức ký họa mẹ Việt Nam anh hùng được “khắc” bằng tình cảm chân thành của ông. |
Và mỗi chân dung như “kể” lại một cuộc đời riêng, nỗi đau riêng hòa thành nỗi đau chung của dân tộc vốn chịu quá nhiều mất mát, hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Họa sĩ Trần Minh Thái có nụ cười hiền, mái tóc bạc phơ đứng trầm ngâm bên 101 tác phẩm ký họa đã thai nghén, ấp ủ trong thời gian dài, mà ông gọi là “dự án lớn trong cuộc đời sáng tác của mình”.
Họa sĩ Trần Minh Thái cho biết, đây chỉ là một phần trong hàng trăm bức ký họa ông đã thực hiện từ khi còn trẻ. Bận rộn lo toan cho cuộc sống, rồi công tác lãnh đạo ở Hội Văn học Nghệ thuật đã cuốn ông đi “lướt” qua nhiều dự định cùng những khoảnh khắc sáng tạo, cho đến khi về hưu ông mới có điều kiện dành trọn thời gian, tâm huyết cho những bức chân dung về mẹ.
Mỗi tác phẩm là một câu chuyện kể, “ghi lại những chứng nhân để con cháu đời sau hiểu được” một phần khốc liệt của chiến tranh.
Từ năm 14 tuổi, Trần Minh Thái đã tham gia cách mạng, làm giao liên tại quê nhà rồi đến công tác ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Nét vẽ của ông không đơn thuần là sự sáng tạo nghệ thuật của một nghệ sĩ mà nó là trải nghiệm sống, là tình cảm được đúc kết từ những năm tháng sống, chiến đấu và chứng kiến những người đồng đội ngã xuống vì đấu tranh giành hòa bình cho dân tộc.
Hình ảnh người chị họ, bà thím ở quê, những người mẹ nuôi chứa, nhường từng vắt cơm, tấm áo cho cán bộ đã đi vào tiềm thức của họa sĩ Trần Minh Thái.
Họa sĩ Trần Minh Thái tại buổi triển lãm chân dung (thứ ba từ trái sang). |
Ký họa như thể loại “tốc ký” trong hội họa, nhưng riêng ở cuộc triển lãm này, người xem cảm nhận mỗi nét vẽ là sự ngưng đọng của thời gian, sự nắm bắt tinh tế nhất cái nỗi lòng, sự khắc khoải, nỗi đau qua từng tác phẩm.
Những bức ký họa thiên về tả thực, như muốn khắc họa rõ nét những nỗi niềm từ bên trong của những nhân vật “đặc biệt”- những bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Hành trình hàng trăm lần đến gặp các mẹ cũng để lại nhiều kỷ niệm khó quên trong họa sĩ Trần Minh Thái. Ông kể lại: “Một lần đến Tam Bình gặp được người mẹ không có gia đình.
Bà chỉ có một người con nuôi để nương tựa nhưng con cũng ra chiến trường rồi hy sinh. Những năm tháng sau đó, mẹ đã sống thế nào, thật không dám hình dung”.
Trong 101 tác phẩm ký họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng lần này, có nhiều mẹ đã mất từ nhiều thập kỷ trước như: mẹ Nguyễn Thị Trong (1893- 1982) ở xã Đông Thạnh- TX Bình Minh, mẹ Nguyễn Thị Hai (1919- 1981) ở xã Bình Phước- Mang Thít, mẹ Nguyễn Thị Đầy (1903- 1968) ở xã Chánh Hội- Mang Thít… Đây sẽ trở thành nguồn tư liệu quý giúp con cháu đời sau còn ghi nhớ hình ảnh và công ơn của mẹ.
Họa sĩ Trần Minh Thái chia sẻ những dự định sắp tới: “Tôi cố gắng đến hết năm 2018 sẽ vẽ hết chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh. Tình cảm chính là nét nhấn nhá để những bức tranh trở nên sống động nhất, chân thực nhất”.
Người lính trẻ Phan Minh Điền (quê ở Ba Tri- Bến Tre) đứng lặng người chăm chú ngước nhìn những bức vẽ, rồi bày tỏ cảm xúc: “Những người trẻ như tôi ít có dịp tìm hiểu về các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là lần đầu tiên tôi có cảm nhận sâu sắc về những mất mát, hy sinh trong chiến tranh.
Mới 3 tháng xa nhà đến Lữ đoàn công binh 25, tôi cũng cảm thấy nỗi vất vả của người lính và chịu đựng nỗi nhớ nhà.
Vậy mà mẹ đã phải chịu khổ, chờ đợi và rồi thất vọng vì con mình cả đời không trở về. Thật đáng ngưỡng mộ và biết ơn các mẹ. Những buổi triển lãm thế này thật ý nghĩa đối với lớp trẻ như chúng tôi”.
Tại buổi lễ khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- nói rằng những bức ký họa này được vẽ nên bằng tình cảm và sự tri ân sâu sắc các mẹ Việt Nam anh hùng của họa sĩ Trần Minh Thái.
Ông kỳ vọng mọi người sẽ có dịp tiếp cận, tìm hiểu và cảm phục sự cao cả của những người mẹ. Với những tác phẩm này, họa sĩ Trần Minh Thái góp phần lưu giữ mãi mãi quá khứ hào hùng của dân tộc, đồng thời tạo tiếng nói riêng cho tác phẩm của ông.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN- PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin