Phóng sinh là đem tự do và sự sống cho các con vật khi chúng bị giam cầm, đối diện với cái chết. Đây là một việc làm, một nét đẹp truyền thống của Phật giáo thể hiện lòng Từ bi của người phóng sinh và tạo sự bình đẳng giữa muôn loài. Tôi có một kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ quên về việc này.
Phóng sinh là đem tự do và sự sống cho các con vật khi chúng bị giam cầm, đối diện với cái chết. Đây là một việc làm, một nét đẹp truyền thống của Phật giáo thể hiện lòng Từ bi của người phóng sinh và tạo sự bình đẳng giữa muôn loài. Tôi có một kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ quên về việc này.
Hồi trai trẻ đến trung niên, tôi là tay nhậu có hạng trong xóm ấp. Dân nhậu rất thảo ăn, hễ có mồi thì hú hí vài người bạn đến cùng nhau thù tạc.
Hoặc đang nhậu thấy ai đi ngang cũng mời cũng rủ, nhậu với nhau vài lần là thành bạn bè, cho nên bạn bè nhiều lắm. Mồi màng đa dạng, phong phú, từ hàng cao cấp như thịt bò, thủy hải sản… đến hạng bình dân mạt hạng như cua đồng, ốc đắng, cóc ổi, thậm chí một chén chao thúi hay một chén cơm mẻ sả ớt với rau sống chuối chát cũng nhậu được.
Ngoài ra, còn một món cực kỳ thơm ngon, bổ dưỡng mà dân nhậu nào cũng mê: thịt chó. Hồi đó, thịt chó ít người ăn và không có bán tràn lan như bây giờ nên nó thuộc loại quý hiếm, dân nhậu gọi là “mồi bén”. Vì vậy, khi có “mồi bén” bạn bè chí cốt lắm mới rủ rê.
Là dân nhậu nhưng tôi không ăn thịt chó, bởi vì ông bà cha mẹ tôi đều là tín đồ Phật giáo, ăn chay mỗi tháng sáu ngày. Nhất là má tôi, bà thường xuyên đi chùa lạy Phật nghe kinh và làm công quả vào những ngày rằm ngươn lễ vía. Mỗi khi bạn bè rủ nhậu “mồi bén”, tôi đều từ chối, bọn nó bèn kiếm mồi khác cho tôi.
Thú thật, ngồi nhậu chung với bạn bè, tôi thấy các món chế biến từ thịt chó vẫn thơm ngon, hấp dẫn nhưng tôi không ăn vì truyền thống gia đình chứ không phải kiêng cữ hay chê bai hôi tanh như một vài người khác. Biết vậy nên bạn bè cứ dụ dỗ bằng mọi cách.
Tụi nó nói: “Mầy ở riêng với ông bà già mà sợ gì ổng bả biết? Nhậu lén chứ đừng nhậu trước mặt ổng bả!” Nghe ra cũng có lý nên tôi xiêu lòng. Tụi nó mừng rỡ: “Phải vậy chớ? Sống trên đời không ăn thịt chó, thác xuống âm phủ hổng có mà ăn?”
Một hôm, hai thằng bạn thân xách đến nhà tôi một con chó khoảng sáu bảy ký bỏ trong bao buộc miệng. Nhiệm vụ của tôi là sát thủ, còn tụi nó đi kiếm măng tre, dừa khô, mua đồ tẫn liệm, rượu và rủ thêm vài đứa chí cốt. Tôi chưa kịp hạ thủ thì mấy đứa con tôi chạy ùa ra cổng mừng… bà nội đến chơi!
Chết cha! Mỗi lần má tôi đến chơi xế chiều mới về. Làm sao đây? Trước mắt, tôi xách con chó ra giấu ngoài góc hè cạnh cây đu đủ nhưng không biết làm sao nhắn hai thằng bạn đừng tới?
Tụi nó mà tới lúc này chẳng khác nào đưa tôi lên máy chém! Ngồi nói chuyện với bà già mà tôi cứ thấp tha thấp thỏm, cứ liếc mắt nhìn ra cổng.
Hễ thấy bóng dáng của tụi nó thì chạy ra ngăn chúng lại sẽ ổn thôi! Kể ra cũng còn hên, nếu má tôi tới khi bọn tôi đang mần thịt chó hoặc đang bày ra nấu nướng thì hư bột hư đường hết ráo!
Chuyện trò một hồi, má tôi bước ra sân, đi về phía đầu song nhà và nói trổng:”Chà! Cây đu đủ có mấy trái mỏ vịt tốt quá”. Chết rồi! Phen này chết thiệt rồi, chạy trời không khỏi nắng! Chắc chắn má sẽ tới cây đu đủ và phát hiện ra cái bao ngay. Tôi chết điếng, than thầm.
Chưa hết, tôi còn sợ đứng tim vì con chó “phải gió” tố cáo tôi khi nó nghe tiếng nói và tiếng chân của má tôi đến gần bèn giẫy rột roạt và kêu lên ăng ẳng. Má tôi kêu lớn:
- Minh! Ra biểu coi?
Tôi bước ra, đi rón rén đến bên má, hỏi:
- Má kêu con chi?
Bà chỉ cái bao, hỏi:
- Bộ mầy ăn thịt chó, tính mần thịt chó hả?
Tôi trả lời lí nhí:
- Dạ! hổng có, hổng phải của con, của mấy thằng bạn nó gởi.
Má gằn giọng:
- Hừ! Bắt quả tang rồi còn chối hả? Sao không gởi người khác mà gởi mầy? Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, mầy không ăn thịt chó thì ai gởi mầy?
Biết không thể chối quanh, tôi cúi đầu nhận tội. Má giận dữ:
- Từ lâu tao nghe nói mầy ăn thịt chó nhưng tao không tin, nay mới thật không ngờ. Tao suốt đời ăn chay niệm Phật, tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ để tạo phước đức cho con mà mầy trả hiếu cho tao như vậy đó sao, Minh?
Má tức muốn khóc. Tôi ân hận, cúi đầu thành khẩn:
- Con biết tội lỗi của con ngập đầu, con không dám xin má tha thứ mà xin má cứ đánh cứ chửi con đi cho hả giận. Để chuộc lỗi lầm, con hứa từ nay về sau không dám tái phạm nữa.
Má hơi dịu giọng, hỏi:
- Biết lỗi, nhận lỗi là tốt nhưng chỉ xin lỗi suông, hứa suông thôi sao?
Tôi nín thinh, má ra lệnh:
- Thả con chó ra ngay!
Tôi cố nèo:
- Dạ! Của hai thằng bạn của con, để hồi nữa tụi nó tới con trả lại tụi nó.
Má cương quyết, dứt khoát:
- Của ai cũng mặc! Tao biểu thả là thả, không chờ đợi ai hết. Nếu có tụi nó ở đây tao cũng bắt thả ra ngay!
Biết không thể van xin, cầu khẩn, tôi bèn đến mở dây thả con chó ra.
Một con chó lúc đó mua giá khá đắt, tôi không biết phải ăn làm sao nói làm sao với hai thằng bạn và tiền đâu trả lại cho tụi nó?
Nhưng, tụi nó không đến nhà tôi, đúng hơn là không dám đến mà sai một thằng bé đến kêu tôi thả con chó. Bởi vì con chó đó do tụi nó bắt trộm, bị chủ nhà phát hiện báo du kích ấp và họ âm thầm theo dõi tụi nó đem đi đâu mần thịt nhậu để bắt quả tang!
Người đời nói phóng sinh tạo nhiều phước đức không biết có đúng như vậy không? Chỉ thấy việc làm của má tôi có kết quả trước mắt là cứu tôi một bàn thua trông thấy.
Nếu không, tôi chắc chắn bị học tập cải tạo, mà cũng có thể đi tù vì tội đồng lõa với kẻ trộm (luật lệ thời bao cấp nghiêm khắc lắm). Hay không bằng hên, từ đó về sau tôi thề không ăn thịt chó nữa.
TRƯƠNG HOÀNG MINH (Trà Ôn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin