Hồi ức bi hùng

06:05, 14/05/2017

Đêm giao thừa. Trời tối đen như mực. Gió từ mé sông Mỹ Thuận thổi lên bờ lạnh cóng. Hàng chục chiến sĩ đặc công im phăng phắc chờ lệnh tấn công vào sân bay Vĩnh Long.

Đêm giao thừa. Trời tối đen như mực. Gió từ mé sông Mỹ Thuận thổi lên bờ lạnh cóng. Hàng chục chiến sĩ đặc công im phăng phắc chờ lệnh tấn công vào sân bay Vĩnh Long.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

- Anh Sáu ơi! Lạnh thấy “mụ nội” hay anh cho tụi tui “mần” lai rai vài lít rượu đế cho đỡ lạnh- tiếng Trung đề nghị với cái cười lém lỉnh.

- Phải đó anh Sáu! Thì coi như mình ăn tết sớm một chút. Chút nữa là mình “oánh” rồi. Chưa biết ai còn, ai mất- tiếng Lâm phụ họa.

- Ờ. Nhưng cả đội chỉ được phép uống một “xị” thôi nghe. Xong trận này tao đãi tụi bây một chầu say bí tỉ luôn, coi như bù lại cái chuyện mình không được ăn tết. Tao còn để dành mấy mớ khô cá khoai, cá sặt rằn với mấy hũ củ kiệu ngon hết sẩy. Thôi rót rượu ra đi. Sắp tới giờ xuất kích rồi đó.

Nhìn những đồng đội còn rất trẻ đang quây quần bên nhau trước giờ nổ súng, Sáu Thép- người chỉ huy đại đội đặc công- chợt quá nao lòng.

Tụi nó còn quá trẻ. Thằng Lém “Long Hồ” da trắng phau như con gái; thằng Phúc “Vũng Liêm” đen sì như chà và y chang cái ông in trên cái vỏ kem “Hy Nốt”; thằng Chót “Tam Bình” mê vọng cổ đến nỗi ra cầu “cá vồ” mà nó cứ ê a mấy câu quen thuộc: “…

Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản. Cởi long bào mới giả dạng một thường dân. Xách cần câu ra ngồi đợi ở thạch bàn. Lòng vương giả mơ màng theo sóng nước…”; thằng Quéo “Tân Thạnh Đông” ngồi đâu lại mài giũa mấy cái “ê ti” làm đồ lưu niệm để tặng cho bồ nó nghe đâu ở miệt Trà Vinh, Trà Cú gì đó…

Anh chợt áy náy vì mới hai ngày trước chính anh đã đồng ý cho tụị nhỏ về quê đón tết vì rất lâu cả đơn vị chưa có dịp sum họp với gia đình.

Vậy mà… Công văn “hỏa tốc” thông báo: đại đội đặc công phải có mặt đầy đủ và đánh chiếm cho được sân bay Vĩnh Long trong đêm giao thừa mở màn cho cuộc Tổng tấn công nổi dậy Xuân 1968.

“Quân lệnh như sơn”. Ngay lập tức những chiến sĩ đặc công được lệnh trở về đơn vị chuẩn bị cho trận đánh sinh tử này.

Chiều này, lòng anh như lửa đốt bởi còn 3 chiến sĩ chưa kịp có mặt. Anh cứ đi ra rồi lại đi vô kèm theo những tiếng thở dài thườn thượt. Sao vậy?

Tụi nó không nhận được lệnh? Hay mãi vui xuân với gia đình nên “lặn” luôn. Mà nếu có vậy, chính anh là người chịu trách nhiệm với cấp trên.

- Anh Sáu ơi, đám thằng Tèo, thằng Vợn, thằng Cọp tới dưới mé sông kia kìa- tiếng thằng Lâm reo to.

Dưới những tàng lá dừa nước um tùm, chiếc xuồng năm lá đã cặp vô bến. Ba con người nhanh nhẹn nhảy phóc lên bờ.

- Trời đất. Tao lo quá trớn, tưởng đâu… tưởng đâu…

- Tưởng tụi tui đánh bài “chuồn” chớ gì? Còn khuya. Trận này mình chờ đã lâu lắm rồi- tiếng Vợn phân bua.

- Hồi chiều máy bay với tàu chiến của Mỹ “quần tới, quần lui” quá cỡ nên tụi em “né” nó hơi lâu chớ thôi đã tới đây hồi trưa rồi. Bà mẹ nó. Chắc nó linh tính sắp bị mình “nện” nên mới làm vậy. Hà... hà… để rồi bây coi- tiếng Cọp nói thêm vào.

- Chuyện đó lát nữa bàn. Rồi tụi bây có kịp thăm gia đình, vợ con gì chưa?- tiếng Sáu Thép chùng xuống.

- Có. Mà chút xíu thôi. Em “hun” con vợ mới cưới được hai cái. “Đã” lắm. Mới vô đốt nhang cho tía má em thì được lệnh nên “dọt” liền. Con vợ em nó buồn xo như cái bánh bao chiều. Em hẹn “dìa” lần sau sẽ mua cho nó bộ đồ “sa ten” bóng nó mới chịu cười- Cọp kể.

- Còn em “ẵm” thằng con được 2, 3 tiếng đồng hồ rồi “dông”. Sau trận này, anh cho em nghỉ vài bữa để đưa nó dìa quê nội ở Ba Càng. Tội nghiệp nó đòi “dìa” nội hoài để có nhiều bánh kẹo và tiền “lì xì”- Vợn nói với giọng thật buồn như đang có lỗi với con mình nhiều lắm.

- Được rồi. Sau chuyến này. Tao giải quyết hết- Sáu Thép nói chắc nịch.

Lúc 0 giờ đêm giao thừa. Nước lớn đầy sông. Tiếng bìm bịp kêu ra rả. Từ sân bay Vĩnh Long, ánh đèn pha sáng rực từ các lô cốt cứ quét qua, quét lại tạo những khoảng chợt sáng, chợt tối.

Tiếng những chiếc xe Jeep tuần tra chạy đều đều xung quanh vành đai sân bay rộng lớn. Xa xa, hàng trăm chiếc máy bay các loại đang nằm im như những khối sắt xám xịt, khổng lồ.

Những bóng đen mình đầy bùn đất, chỉ mặc duy nhất những chiếc quần “xà lỏn” trườn mình qua những lớp dây kẽm gai dày đặc, bén ngót. Chỉ còn thấy những đôi mắt sáng rực trong đêm tối.

Cứ sau mỗi đợt đèn pha quét qua, những bóng đen lập tức trườn tới. Cắt hàng rào- nằm xuống- trườn vào. Cái điệp khúc “âm thầm” ấy cứ lặp đi, lặp lại hàng giờ. 2 giờ 30 phút, các bóng đen đã áp sát mục tiêu là những chiếc máy bay đang nằm kênh kiệu giữa sân bay to rộng.

- Anh Sáu ơi! “oánh” được chưa? Tui hồi hộp quá- Cọp hỏi rất nhỏ.

- Chưa. Nôn nóng quá hư bột hư đường hết. Tụi bây cứ “ém” ở đây. Khi nào thấy súng nổ phía chợ Vĩnh Long thì “mần” liền. Nhớ “oánh” tới cùng để giải phóng miền Nam, chết cũng “oánh”- Sáu Thép căn dặn.

3 giờ. Những tiếng nổ từ phía Vĩnh Long bất chợt vang lên. Ngay lập tức những chiến sĩ đặc công chồm dậy chạy băng băng về phía những chiếc máy bay mang theo những khối thuốc nổ. Ầm… Ầm…

Những tiếng nổ long trời, lở đất nối tiếp nhau vang lên kèm theo những cột lửa khổng lồ xé toạc bầu trời đen mù mịt. Hàng loạt máy bay bốc cháy ngùn ngụt.

Tiếng còi báo động vang lên liên tục. Hỏa châu rực sáng bầu trời. Tiếng la hét hỗn loạn khắp sân bay. Từ các hướng, những chiến sĩ cách mạng đồng loạt mở rào tiến vào sân bay diệt giặc. Lửa. Khói. Mùi khen khét của súng đạn đầy trời đêm.

Tiếng xe cấp cứu vào ra sân bay liên tục. 30 phút sau, lính chi viện đã được tăng cường kèm theo nhiều máy bay trực thăng, xe tăng bắt đầu phản công.

- Thằng Trung dẫn một tiểu đội rút lui về phía Tân Hạnh. Thằng Lâm dẫn anh em rút theo hướng Sa Đéc, tao ở lại bắn cản đường. Lẹ lên đi để trời sáng là hỏng bét- tiếng Sáu Thép thét lớn át tiếng đạn giao tranh.

- Còn anh rồi sao?

- Đừng lo. Tao lớn rồi. Có chết cũng hổng sao? Tụi bây còn trẻ, cố gắng sống để còn chiến đấu giải phóng miền Nam. Thôi gấp lắm rồi, triển khai đội hình nhanh lên!

Những toán lính đặc công lặng lẽ rút lui. Phía sau họ là những chiến sĩ của Đại đội 203 bộ binh cũng rời trận địa. 4 giờ sáng. Bọn giặc lại tiếp tục phản công, tình hình càng trở nên căng thẳng.

Sáu Thép ôm chặt khẩu trung liên bắn cầm chừng để đồng đội “rút êm”. Phía sau anh là 42 chiến sĩ vẫn đang bám sát trận địa với những đôi mắt đỏ sọc màu máu của lửa hận thù, của lòng quyết tâm. Hỏa châu lại tạo những khoảng sáng vàng lấp loáng.

Máy bay trực thăng địch đã phát hiện nơi ẩn nấp của những chiến sĩ đặc công. Những tràng đại liên bắn xối xả xuống các “ụ” đất công sự, xuống các đường hầm bên trên là những “nùi” kẽm gai to tướng.

Một bóng đen từ dưới ụ đất chồm lên chạy băng băng theo hướng chiếc trực thăng và nã đạn. Một quầng lửa xẹt ra đi kèm một tiếng nổ long trời.

Chiếc máy bay đã bốc cháy rồi oằn mình rơi xuống sân bay. Bóng đen đứng bắn phía dưới cũng bốc cháy vì trúng đạn. Người ấy là Cọp.

Hàng chục xe tăng bắt đầu khởi động tiến về nơi ẩn nấp của những chiến sĩ đặc công.

- Anh Sáu ơi. Thằng Cọp chết cháy rồi. Mình xông lên trả thù cho nó- tiếng Vợn nói tấm tức và đôi mắt đỏ hoe.

- Tao cũng đau lắm. Nhưng có hy sinh thì cũng phải đánh đổi xứng đáng với giặc. Hiểu chưa?

Nói dứt lời, Sáu Thép đu mình nhảy lên khỏi nơi trú ẩn chạy lúp xúp theo tường rào sân bay rồi bất thần rẽ ngang, leo lên ngang hông chiếc xe tăng nhanh chóng bỏ một trái lựu đạn vào buồng lái rồi buông người xuống nền sân bay lăn nhanh vào phía ngoài. Một tiếng nổ chát chúa vang lên.

Chiếc xe tăng khựng lại và chồm lên như con quái vật rồi lật nghiêng, im lặng. Sáu Thép chạy nhanh về nơi trú ẩn nhưng không còn kịp nữa. Một tràng đại liên từ chiếc xe tăng khác đã nã đạn vào anh. Những chiếc còn lại tiếp tục bắn vào những bóng đen đang dần đơn độc.

Lại những chiếc máy bay trực thăng khác xuất hiện tấn công. Phía sau là hàng ngàn lính Mỹ- ngụy tổ chức phản công khép kín vòng vây. 5 giờ sáng, trận địa im lặng đến rợn người.

Trên một trăm lính Mỹ chết tại trận, 63 máy bay bị phá hủy cùng nhiều xe tăng khác. Xa hơn, 43 chiến sĩ đặc công hy sinh với nụ cười chiến thắng.

Những làn gió xuân se lạnh lại ầm ập tràn về. Lạ. Sắp tết đến nơi rồi mà còn áp thấp nhiệt đới nên Vĩnh Long có mưa phùn. Những nén nhang trầm tỏa mùi hương thoang thoảng lan tỏa khắp quảng trường Bia Tưởng niệm 43 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Vĩnh Long Tết Mậu Thân 1968.

- Lẹ quá, mới đó đã 49 năm rồi- tiếng Lâm- người chiến sĩ trẻ đặc công năm xưa nay đã là ông lão bạc đầu.

Cạnh ông là những đồng đội đã từng tham chiến năm xưa còn sống đây để làm nhân chứng của cuộc đời, nhân chứng của một dòng hồi ký về một trận đánh bi hùng.

Những đôi mắt già nua cứ đăm đăm nhìn lên những dòng chữ nhớ thương khắc trên bia đá như cố nhớ về những khuôn mặt thân thương đã hy sinh vì nước trong tiếng nhạc của bài hát “Hồn sĩ tử” cứ mãi lan xa trong làn gió xuân ùa về tràn ngập.

Tết đã về.

(Kính viếng hương hồn 43 chiến sĩ đã hy sinh tại trận đánh sân bay Vĩnh Long Xuân Mậu Thân 1968)

™TRƯƠNG THANH LIÊM (TP Cần Thơ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh