Tôi muốn nói về ngày hôm qua cách nay đã hơn 42 năm! Ngày hôm qua mang một quá khứ hào hùng của một dân tộc anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tôi muốn nói về ngày hôm qua cách nay đã hơn 42 năm! Ngày hôm qua mang một quá khứ hào hùng của một dân tộc anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Để có được ngày hôm nay, bao thế hệ người Vĩnh Long đã phải hy sinh người, của.Trong ảnh: Công viên Tượng đài Chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 là công trình lưu truyền thế hệ mai sau.Ảnh: VINH HIỂN |
Làm sao nói hết sự hy sinh, mất mát lớn lao của nhân dân ta phải gánh chịu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy vết thương chiến tranh trên da thịt quê hương theo thời gian rồi cũng sẽ lành lại nhưng vết thương lòng vẫn còn hằn sâu trong mỗi con người đã từng chịu mất mát lớn lao.
Vâng, tôi muốn nói đến sự hy sinh thầm lặng của những bà mẹ, người vợ đã cống hiến những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc, có biết bao bà mẹ tiễn đưa những đứa con sau cùng cho sự nghiệp cách mạng và các anh không về nữa trong ngày vui mừng chiến thắng.
Tôi không muốn khơi dậy vết thương lòng, nhưng mỗi khi nói đến kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thì không thể không nhắc đến sự cống hiến, hy sinh và mất mát lớn lao của nhân dân ta, bởi chính sự hy sinh đó đã viết nên trang sử vàng của dân tộc.
Ngày hôm qua đó, về thời gian cách nay đã gần nửa thế kỷ nhưng ta vẫn còn nghe âm vang vọng mãi bởi sự vĩ đại của một dân tộc đã từng đánh thắng các đội quân ngoại xâm, hát khúc khải hoàn vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
Ta vẫn nghe nhịp bước quân hành của đoàn quân giải phóng mỗi khi nghe bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Bài hát đã làm nao nức lòng người trong ngày vui đại thắng và nó vẫn vang xa, khơi động trong mỗi trái tim yêu chuộng hòa bình, biết quý trọng cuộc sống ngày hôm nay.
Thời gian đã trôi dần vào quá khứ, cuộc sống đã đổi thay từng ngày. Với những ai đã từng sống, từng chứng kiến một thời chiến tranh đầy đau thương, mất mát đã qua mới hiểu được thế nào là sự cống hiến, hy sinh.
Đối với thế hệ hôm nay, được sinh ra và lớn lên trong cảnh thanh bình thì sự gian khổ, hy sinh đó nó chỉ có giá trị lịch sử như bài học lịch sử chống ngoại xâm của cha ông mà thôi, nếu như chúng không được giáo dục, không được nhắc đến thì dần dần sẽ bị phai nhạt.
Đừng trách bọn trẻ thờ ơ với quá khứ, mà hãy xem lại sự giáo dục của chúng ta đối với thế hệ mai sau- tôi không chỉ nói đến hệ thống giáo dục ở nhà trường mà còn là sự giáo dục từ gia đình và xã hội đối với thế hệ tương lai của đất nước về truyền thống, về lòng yêu nước.
Từ tuổi ấu thơ và lớn lên trong mỗi tâm hồn của mỗi đứa trẻ phải được trang bị lòng tự hào, tự tôn dân tộc của một công dân được sinh ra và lớn lên ở một đất nước anh hùng, nó phải làm hành trang mang theo khi hòa nhập vào cộng đồng xã hội, chứ không phải chỉ có kiến thức khoa học được học ở nhà trường là đủ, mặc dù chúng được đào tạo trong mái trường xã hội chủ nghĩa.
Khi lớp trẻ trở thành người lớn sẽ phải là thế hệ kế thừa có đầy đủ trách nhiệm với Tổ quốc, với những người đã ngã xuống ngày hôm qua để cho ta có được cuộc sống ngày hôm nay.
Phải biết quý trọng cuộc sống ta được thừa hưởng bởi nó được đổi lấy bằng máu, bằng xương của cả dân tộc, cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, cho dù trong xã hội cũng còn những vấn đề phức tạp, bất công, những tiêu cực khiến cho ta chưa được hài lòng, nhưng hãy tin đó chỉ là những thử thách không thể tránh khỏi trên con đường đi đến tương lai.
Cần phải hiểu rằng: sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do là do sự góp công, góp sức, sự cống hiến, hy sinh của mọi người, nhưng việc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc là do chính bản thân của mỗi gia đình, mỗi người trong cộng đồng xã hội.
Sự ấm no và hạnh phúc không có chỗ đứng cho những kẻ lười lao động, muốn “ngồi mát ăn bát vàng” và càng không có chỗ đứng cho những kẻ lêu lổng, cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập...
Tôi cũng như mỗi người cùng thời, đã từng sống trong bom đạn, đã từng chứng kiến cảnh đau thương, mất mát, sinh ly, tử biệt do chiến tranh... rất đau lòng khi thế hệ hôm nay nhất là tuổi trẻ có những người đứng bên lề xã hội, thờ ơ thiếu trách nhiệm, có người lạc lõng sống không có lý tưởng, không có mục đích và càng đau lòng hơn khi trong đội ngũ kế thừa còn có “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất” ( theo các văn kiện Đại hội Trung ương Đảng lần thứ XII và Hội nghị Trung ương 4, khóa XII nhắc lại).
Tôi cho đó không phải chỉ là một nhận định mang tính tổng kết của Đảng về tình hình diễn biến trong nội bộ Đảng ta mà là hồi chuông cảnh báo về tư tưởng, đạo đức, nó là nguy cơ tiềm ẩn nếu không kịp thời “chỉnh đốn”, không giải quyết triệt để sẽ trở thành căn dịch bệnh lây truyền khó chữa trị.
Ta vẫn biết, ngày nay lịch sử đã sang trang mới, cuộc sống mới của những thế hệ kế tiếp đang nối bước cha, anh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống nhưng không thể xa rời lý tưởng cách mạng.
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhiều phức tạp nhưng ngày nay đất nước ta được thay da, đổi thịt, cuộc sống của nhân dân ta từng bước được nâng lên.
Nhắc lại một thời đã qua không phải để gợi lên những sự đau thương, mất mát mà để nhớ lại công lao của nhiều thế hệ dân tộc Việt Nam suốt hàng trăm năm đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
Thế nhưng, suốt hơn 40 năm qua và cho đến ngày hôm nay còn có những kẻ nhân danh là con Lạc, cháu Hồng lại phủ nhận và đả kích vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không nhận thức được chính sách đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước, những kẻ từng bán nước làm tay sai cho thực dân và đế quốc đã bại trận, lưu vong ở nước ngoài coi ngày 30/4/1975 là ngày “quốc hận” của bọn chúng và tiếp tục theo đuổi âm mưu chống đối, lật đổ chính quyền nhân dân và tuyên truyền xuyên tạc kích động, cấu kết với bọn phản động và bọn xấu trong nước với mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng- chính quyền mà cả dân tộc ta đã đổ máu xương từ thế hệ này sang thế hệ khác nối tiếp nhau ròng rã suốt hàng trăm năm mới giành được từ tay bọn thực dân và đế quốc.
Việc chống đối của kẻ thù giai cấp, của dân tộc là rất đương nhiên, rất dễ hiểu nhưng chúng ta cũng lấy làm tiếc khi có những người đã từng đứng trong hàng ngũ Đảng, đã từng được nhân dân đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng… nay do bất mãn hay vì không thỏa mãn tham vọng ích kỷ... phản bội lý tưởng, phản bội Tổ quốc tiếp tay với bọn xấu, bọn phản động nhân danh đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ theo luận điệu của kẻ thù của dân tộc.
Những tiếng nói lạc lõng được nuôi dưỡng bằng lòng thù hận và bằng những ảo vọng của những kẻ muốn khôi phục “chế độ Sài Gòn” đã bị sụp đổ cách nay đã tròn 42 năm.
Thời gian dù đã đi qua theo năm, tháng nhưng bước chân hào hùng và bài ca chiến thắng vẫn còn vang vọng mãi mỗi khi tháng tư về.
Tháng 4/2017
NGUYỄN THANH (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin