Tốt nghiệp đại học năm trước, năm sau Văn cưới vợ. Vợ Văn, không phải Thúy. Hoa nói Văn cưới vợ mà mặt mày buồn hiu hà, chắc có nỗi khổ: "Tao nghe người ta nói, chỗ đó ông Văn không quen biết, do gia đình chọn vì hai ông già là bạn nối khố từ nhỏ.
- Cô dâu chánh và cô dâu phụ đứng gần lại chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm, nghen! Nè, cô dâu cười tươi lên một tí.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Nghe ông thợ chụp hình nhắc, dâu phụ thúc nhẹ vào hông cô dâu chánh một cái, thầm thì:
- Cười lên coi mậy! Đêm xuất giá gì mà buồn hiu buồn hỉu làm tao cũng muốn héo theo.
Thúy giật mình, bạnh môi cười. Nụ cười gượng gạo, cười mà giống như khóc.
Xong lễ xuất giá, Hoa vào buồng giúp Thúy tháo cái mấn trên đầu và gỡ những lọn tóc giả dính đầy keo xuống, trách:
- Bữa nay là đêm xuất giá, đáng ra là đêm vui nhất, nhiều kỷ niệm nhất của thời con gái nhưng tao thấy mầy… sao sao á!
- Sao sao là làm sao? Thì cũng mặc đồ cô dâu, cũng rước thợ trang điểm, cũng làm lễ trước tổ tiên, ông bà, cha mẹ, họ hàng,… Mầy muốn tao làm gì nữa? Hổng lẽ bắt tao cười, cười hô hố như con mẹ Năm cà tửng ở xóm trên, hễ nghe nhắc chuyện lấy chồng là cười nhắm mắt, nhắm mũi, cười không biết đến ngày mai.
- Con nhỏ này, khi không lại đâm nổi giận với tao. Hổng lẽ mầy còn thương… Thôi nghe, qua đêm nay là kể như cứ thẳng một đàng mà đi, nghen- Hoa bẹo vào má Thúy một cái, cười ghẹo- Má tao dạy vậy đó.
Thúy cười theo:
- Ừ, biết rồi. Mầy cứ dạy đời tao hoài, người ta nghe được tưởng mầy là chị Hai hoặc sư phụ của tao quá. Con gái gì nói chuyện y chang bà già.
Hoa cười tủm tỉm, phụ Thúy xếp quần áo vào va li:
- Ừa hén, độ rày chắc tao già thiệt rồi nên suốt ngày bị má nhằn tới nhằn lui có một câu: “Cứ già kén kẹn hom hoài, thể nào mầy cũng ế chồng cho mà coi!” Bả còn nói hồi bằng tuổi tao bây giờ là bả đã sanh anh Hai và chị Ba tao rồi đó.
Mà, mầy nhớ mấy tháng trước không, tự dưng bả kiếm ở đâu về một anh chàng bụng bự, mắt hí đòi coi mắt tao. Tao đâu có chịu. Bả giận, không thèm ngó mặt tao mấy bữa, sau đó nói để mơi mốt nhờ thím Năm kiếm đám khác làm mai làm mối nữa chớ.
- Chuyện vợ chồng còn do duyên nợ nữa mầy ơi. Có khi mình muốn mà đâu được như ý.
Thúy nhắc chuyện duyên nợ, Hoa bỗng nhớ tới một người:
- Ờ, hai bữa trước tao gặp ông Văn.
- Ừ!
- Tao thấy ổng buồn hiu hà…
- Ừ!
Nghe Thúy cứ ừ bằng thái độ dửng dưng, Hoa hối hận, tự trách:
- Cái miệng này, hổng biết bữa nay ăn lộn mắm muối gì mà nói chuyện lảng xẹt vậy ta! Nhắc tới làm mầy phải nghĩ những chuyện đâu đâu. Đừng giận tao, nghen!
Thúy trả lời tỉnh queo:
- Giận gì mà giận, tao cũng đang muốn nghĩ về Văn đây.
Hoa tròn mắt:
- Mầy?...
- Thiệt đó, nghĩ về ổng hết một đêm nay là quên hết. Quên luôn. Quên cái rụp cho mầy coi.
- Ừ, để đồ đó tao xếp cho. Mầy coi lại có còn bỏ quên thứ gì không, chừng nào muốn khóc thì cứ khóc, tao cho mượn bờ vai… xài đỡ. Khóc rồi sẽ nghe nhẹ lòng mà yên tâm làm vợ người ta.
- Khóc gì mà khóc. Khóc, sáng ra con mắt sưng chù vù làm cô dâu xấu lắm.
… Nhà Văn cách nhà Thúy một con kinh hẹp, một giang đồng nhỏ. Năm Văn học lớp bảy thì Thúy mới lớp năm. Mỗi ngày đến trường, đi ngang nhà, thấy Thúy đứng cặp bờ kinh, Văn hay ghẹo: “Tên gì vậy, cưng? Dễ thương ghê!”
Thúy trề môi: “Người gì đâu mà mắc ghét! Lạ hoắc mà kêu cưng này cưng nọ nghe ngọt xớt”. Văn cười: “Bữa nào gặp bài toán khó, nhờ anh, anh chỉ cho cưng, hen! Anh học toán giỏi nhất khối lận đó!” Thúy nguýt ngang: “Người gì đâu mà… tự tin thấy ớn”.
Vậy mà không bao lâu, Văn và Thúy lại thân nhau. Mỗi buổi đi học, Văn thường bỏ trong cặp khi thì chùm nhãn, khi thì trái cam, trái quýt tặng con bé có cặp mắt hay nheo nheo khi ra nắng nhưng rất dễ thương.
Tới mùa gió, hai đứa thường rủ nhau ra đồng thả diều, và chính tay Văn đã tỉ mẩn làm cho Thúy con diều rất đẹp. Văn còn bày cho Thúy cách câu cá bống dừa.
Nhớ lần đầu, khi câu được một con cá núp trong bập dừa nước, Thúy mừng, vô tư ôm cổ Văn reo vang cả cánh đồng.
Một hôm, Thúy lật đật chạy sang nhà Hoa báo tin Văn đậu vào Đại học sư phạm. Nhìn gương mặt rạng rỡ của nhỏ bạn, Hoa hỏi:
- Thúy, nói thiệt đi, mầy thương ông Văn phải không?
Thúy xe xe vạt áo, cười chúm chím rồi ngó lảng xuống bến:
- Người như ổng mà biểu tao thương à? Nằm mơ đi!
- Mầy giấu ai chớ không qua được mắt con Hoa này đâu. Thử nói lại một lần nữa là không thương đi, tao yêu liền cho mầy coi. Ở cái xóm này, đa số tụi con trai chỉ mê chơi, học hành không ra gì lại đen đúa, xấu không còn chỗ chê. Còn ông Văn, học giỏi, da trắng bóc lại hiền, thấy cưng muốn chết! Thấy cưng thiệt đó!
Thúy thẹn thùng:
- Ừ, thì tụi tao… yêu chút chút. Ổng biểu tao chờ ổng học ra trường…
- Ghê quá ta! Tụi tao! Y hệt như Cô Long, Dương Quá trong phim “Thần điêu đại hiệp” hà. Mà, mầy với ổng xứng đôi thiệt nghen. Tao thấy mầy chỉ thua ổng một chuyện là học hết lớp chín thì phải nghỉ nhưng bù lại mầy đẹp, dễ thương nữa.
- Tao mà đẹp? Ba tao hay nói trong nhà có bao nhiêu cái đẹp đều dồn cho chị Hai tao hết trơn rồi.
- Tại bác Ba ghẹo mầy thôi. Ừ mà, hai người có… gì gì chưa?
- Gì gì? Con nhỏ này, nói chuyện nghe thấy ghê. Ổng chở tao ra chợ có một lần, mua tặng tao cây kẹp tóc. Giữa đường, ổng lén nắm tay tao. Có bi nhiêu thôi mà hai đứa sượng gần chết. Gì gì… cái con khỉ mốc.
Tốt nghiệp đại học năm trước, năm sau Văn cưới vợ. Vợ Văn, không phải Thúy. Hoa nói Văn cưới vợ mà mặt mày buồn hiu hà, chắc có nỗi khổ: “Tao nghe người ta nói, chỗ đó ông Văn không quen biết, do gia đình chọn vì hai ông già là bạn nối khố từ nhỏ.
Nghe đâu hồi ông Văn còn nhỏ, năm đó ba ổng bị thua lỗ vịt chạy đồng, trắng tay, cũng may nhờ ông bạn giúp cho ít vốn liếng để làm ăn vượt qua cơn khốn khó. Bây giờ, con gái người ta đã lớn, Văn cũng trưởng thành nên muốn kết sui gia.
Văn không chịu nhưng thấy ba má vì chuyện đó mà buồn, mà áy náy với người ơn hoài nên ổng bấm bụng cưới. Mầy cũng biết tánh ông Văn rồi: Hiền lại hiếu thảo. Khổ là chỗ đó!”
Đêm tân hôn của Văn, Thúy rủ Hoa trốn ra đống rơm sau vườn đem theo nửa lít rượu đế, bắt chước người ta uống cho quên. Buồn thì nói vậy chớ hai đứa cố bịt mũi mà uống cũng có được mấy ly đâu.
Vậy là ngồi đó, ngồi cho tới khuya nghe gió thổi, nghe tiếng ca bên đám cưới đang chấp chới bay qua đồng làm lòng người rợn lên nỗi thương nhớ, mà mỗi khi nhớ thì cứ nghe đau đau, xót xót.
Sau đám cưới, Hoa nghe mấy bà nhiều chuyện ở xóm trên đồn Văn lúc này hay uống nhiều rượu, có bữa uống say ngồi dưới bến than thở một mình: “Làm sao anh quên được em bây giờ!”
Trời đất! Hổng lẽ ổng sống với vợ là đồng sàng dị mộng? Nghe đứt ruột quá!... Nhỏ Hoa nhiều chuyện cứ suy luận hoài về cái chuyện cưới vợ của người ta.
Tai Thúy lùng bùng, không muốn nghe, không muốn hiểu, chỉ biết thời buổi nay không thể mơ mộng cái chuyện một túp lều tranh hai quả tim vàng như trong tiểu thuyết.
Mấy bận, Văn nhờ Hoa nhắn Thúy để nói chuyện nhưng Thúy không tới: “Gặp, nói chuyện để được gì? Có câu nói rất hay mà tao đã đọc được trong một quyển sách: “Hạnh phúc như một tấm chăn hẹp, người này ấm thì người kia chịu lạnh”.
Tao thà chịu lạnh để người ta được ấm!” Nói có một câu ngắn ngủn mà Hoa thấy nhỏ bạn nước mắt rịn ra. Chắc xót xa lắm! Hoa mím chặt môi, cầm tay Thúy: “Mầy vĩ đại quá! Mà, dũng cảm nữa! Ừ, quên đi! Đời còn nhiều thứ để mình sống đẹp hơn!”
Mấy tháng sau, có lần Thúy ra chợ thấy Văn đi cùng cô vợ trẻ. Gặp Thúy, Văn cười gượng rồi cúi mặt đi miết. Thúy nhìn theo đến mỏi mắt rồi giật mình: Í, mình nhìn, mình nhớ làm chi chồng của người ta vậy cà?
Đồ đạc đã được xếp xong hết vào hai cái va li. Bên ngoài, đã xong màn nhạc hip hop của lớp trẻ, tới phiên nhạc “sến” và ca cổ của mấy vị lớn tuổi.
Bỗng từ mi-crô vang lên lời hát: “Một khi yêu dù xa nhau ngàn lối, vẫn yêu trong tim và luôn nhớ nhau trong đời, mà nay ôi giờ vu quy đến rồi, nhật ký ôm vào lòng mà tiếc thương đầy vơi…
Để nay duyên buồn đưa sang mùa cưới, bước lên xe hoa còn ngơ ngác trông xa vời, thầm buông câu biệt nhau trong cõi đời, nhật ký năm nào đành lòng đốt thôi người ơi”.
Hoa chắc lưỡi:
- Trời đất, bữa nay ai lại đi ca bài này? Còn cái ông nhạc sĩ nào hổng biết lại sáng tác chi cái bài “Trang nhật ký” nghe buồn muốn thúi ruột luôn?
Thúy gật đầu:
- Ừ, nghe buồn thiệt! Đúng là… mà nay giờ vu quy đến rồi, nhật ký ôm vào lòng mà tiếc thương đầy vơi.
Hoa chực nhớ:
- Ờ, quyển nhật ký của mầy và ba cái thơ hồi đó của ông Văn đừng đem theo nghen, lỡ ông Khánh, chồng mầy mà thấy… rắc rối lắm.
Thúy chưa kịp trả lời thì chị Hai bỗng vén màn, ngó vào:
- Nè, hai đứa thu xếp cho lẹ, còn ra tiếp khách nữa. Ai đời đêm đám cưới mà cô dâu trốn miết ở trong buồng hà. Nhớ đừng khóc, sưng con mắt xấu lắm nghe cưng.
Chị Hai nhắc vậy chớ hồi đám cưới bả khóc như mưa. Khóc cho nhiều rồi bây giờ thiệt lâu mới về thăm ba má một lần. Thúy cầm tay Hoa, khẩn khoản: “Mầy ngồi nán lại với tao chút nữa, nghen”. Hoa ừ rồi nhìn vào mắt Thúy thấy chớp chớp nhưng ráo hoảnh.
- Tao đi rồi, mơi mốt mầy coi anh nào được thì ưng. Nhớ lựa ngay trân người mình thương nghe. Chớ đừng như tao… hổng biết có quên được một người để sống với một người hay không. Làm kiếp con gái sao khổ quá vậy không biết.
- Ừ, phải chi nhà ông Khánh gần đây, gần như nhà ông Văn… chắc mầy đỡ tủi.
Thúy im lặng, nghe gió bấc đang rong ngọn trên đọt tràm ngoài bờ kinh. Hồi nhỏ, mỗi lần nghe gió bấc về là Thúy và bọn trẻ trong xóm đều nôn nao mùa tết đến vì được mặc quần áo mới, có đôi dép mới, được tiền lì xì.
Lớn lên, mỗi khi bấc về, Thúy hay mơ ước một gia đình của riêng mình, với Văn. Mỗi sáng, Thúy sẽ thức thật sớm, rang chảo cơm, ủi cái áo cho Văn đi dạy; chiều, Thúy dắt con ra cổng đợi chồng về bên nồi cơm gạo mới, nghe Văn kể những chuyện ở trường, ở lớp.
Hạnh phúc chỉ có vậy! Nhưng ngọn gió đêm nay, không hiểu sao cô có cảm giác như mình sắp mất đi một thứ gì đó, vô hình, khó lý giải. Gió đêm nay hiu hiu, se lạnh, dịu dàng như đôi bàn tay của cô thiếu nữ mà lại gợn những giọt buồn.
Để rồi sáng ra, tụi con nít sẽ sướng rân khi có ghe đám cưới chạy qua, tụi nó sẽ vô tư reo hò: “Cô dâu chú rễ, làm bể bình bông…”. Không biết nên vui hay nên buồn?
- Hoa ơi, mầy ra tiếp khách phụ tao đi. Tao muốn một mình ngồi đây cho hết đêm nay. Ờ, mai mốt có gặp Văn, nhờ mầy nói giúp tao một câu, chỉ một câu thôi. Ờ mà… nói để làm gì? Thôi đi! Tao quên rồi!
NGUYỄN LINH (TX Bình Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin