Những danh nhân tuổi dậu đầy dấu ấn đất phương Nam

Cập nhật, 08:26, Thứ Tư, 01/02/2017 (GMT+7)

Gà thuộc loại động vật có năng lực cảm ứng tốt nhất với mặt trời. Người cầm tinh con gà thông minh, ham học hỏi, nhân từ, giàu lòng chính nghĩa, bênh vực kẻ yếu, bảo vệ người khác, quan tâm đến xã hội. Một số danh nhân đất phương Nam sinh vào các năm Dậu sau tiêu biểu cho các đức tính đó:

* Trịnh Hoài Đức (1765-1825): Sinh năm Ất Dậu, quê Đồng Nai, nhà thơ, nhà sử học, danh thần thời Nguyễn sơ, bút hiệu Cấn Trai. Văn võ song toàn, phong thái mạnh mẽ, năm 1788 thi đỗ rồi ra làm quan, được triều đình trọng dụng, phong tới Thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Hình, Phó Tổng tài Quốc sử quán.

Ông là nhân vật chủ chốt của Hội thơ Bình Dương thi xã nổi tiếng ở miền Nam với nhiều thi phẩm bình dị, dân dã, phóng khoáng, được nhiều người ngưỡng mộ, truyền tụng. Ông còn để lại các công trình địa lý, lịch sử, văn thơ giá trị: Gia Định thành thông chí, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập.

* Nguyễn Trung Trực (1837-1868): Sinh năm Đinh Dậu, nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Quê ở phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ngoại ô TX Tân An, Long An).

Là người khảng khái, nồng nàn yêu nước, hưởng ứng Hịch Cần Vương, chiêu mộ nhân dân nổi dậy đánh phá các đồn giặc.

Lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ. Nghĩa quân dưới quyền lãnh đạo của ông gồm một số nhà yêu nước: Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Học, lương thân Hồ Quang…tổ chức cuộc phục kích đốt tàu L’Esperance của Pháp trưa ngày 10/12/1861 tại vàm Nhật Tảo. Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu qua lại trên địa bàn Gia Định, Biên Hòa.

Sau khi ba tỉnh miền Đông Nam Bộ mất (hòa ước Nhâm Tuất 1862) ông được phong làm Lãnh binh. Năm 1861 ông được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên.

Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân lập nhiều chiến công oanh liệt khắp vùng Tây Nam Bộ khiến quân Pháp lao đao.

Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ nhằm chống giặc lâu dài. Ông hy sinh vào ngày 27/10/1868. Để tỏ lòng biết ơn ông, hiện nay, nhân dân ta thờ cúng ông ở nhiều nơi, trong đó tiêu biểu là Đền Thờ mang tên ông ở Long An, Rạch Giá và Gành Dầu (Phú Quốc).

* Trương Vĩnh Ký : Sinh năm Đinh Dậu 1837, quê ở Bến Tre, học giả xuất sắc. Thông thạo 26 thứ tiếng lúc 25 tuổi, ông đã khiến nhà văn Pháp Émile Littré (1801-1881) kinh ngạc: “Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học (bác học ngôn ngữ) bậc nhất thời nay”.

Ông là tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng ngàn bài viết, có chân trong nhiều hội khoa học quốc tế, cống hiến to lớn cho các chuyên ngành: văn hóa, ngôn ngữ, báo chí, địa lý, nhân chủng học … và được xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới hồi bấy giờ.

Đánh giá về ông, học giả Pháp Jean Bouchot cuối thế kỷ XIX khẳng định Trương Vĩnh Ký là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cả với nước Trung Hoa hiện đại”.

Ông viết: “Người dân Nam Kỳ ấy hoàn toàn sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu Châu trong đủ ngành khoa học...”.

* Hồ Biểu Chánh: Sinh năm Ất Dậu 1885, quê ở tỉnh Long An. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ.

Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.

Về sau, ông lui về quê ở ẩn và giành trọn năm tháng còn lại cho văn chương. Ông sáng tác văn học rất nhiều và để lại hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác, như: nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát cùng các bản dịch văn học cổ điển Trung Quốc, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, từ năm 1989 đến năm 2015, có 14 bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của ông.

* Nguyễn Trung Nguyệt (1909-1976): Sinh năm Kỷ Dậu, quê Bến Tre, nữ sĩ cách mạng, bút danh Bảo Lương. Giàu năng khiếu văn chương. Sôi nổi, nhiệt tình, nồng nàn yêu nước, có mặt trong các tổ chức ái quốc thời đó.

Từ năm 1926, bà là thành viên Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội, sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia những lớp chính trị do Tổng bộ bồi dưỡng, viết cho báo Thanh Niên của Tổng bộ.

Năm 1929, về nước hoạt động cách mạng, từng bị Pháp bắt giam. Bà để lại sự nghiệp văn thơ đồ sộ gồm nhiều bài chính luận và hơn 3.000 bài thơ đầy nhiệt huyết, rất lãng mạn, mang tính nhân văn, tính chiến đấu cao.

* Lưu Hữu Phước (1921-1989): Sinh năm Tân Dậu, quê Cần Thơ, nhạc sĩ, viện sĩ, bút danh Huỳnh Minh Siêng. Thủa nhỏ học ở Cần Thơ, Sài Gòn, năm 1940 ra Hà Nội học tại Đại học Y Dược.

Trong Cách mạng tháng Tám, vào Sài Gòn nhiệt tình tham gia hoạt động văn hóa xã hội, sáng tác nhiều bài hát ca ngợi tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, cổ vũ lòng yêu nước trong thanh niên: Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hồn tử sĩ, Tiếng gọi thanh niên…

Sau năm 1945, làm Tổng thư ký Ủy ban kháng chiến Nam Bộ rồi lại ra Hà Nội làm Giám đốc trường Văn hóa Thiếu nhi, Phó trưởng đoàn Văn công TƯ…

Thời kỳ 1959-1964, giữ chức Vụ trưởng Vụ Âm nhạc, Tổng Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1965 vào chiến trường Nam Bộ, viết ca khúc Giải phóng Miền Nam nổi tiếng, giữ chức Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin trong Chính Phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (1969).

Sau năm 1975, làm Viện trưởng Viện Âm nhạc và năm 1986 được Viện Hàn lâm Nghệ thuật Cộng hòa Dân chủ Đức phong Viện sĩ Thông tấn âm nhạc.

* Lương Định Của: Sinh năm Tân Dậu 1921, quê ở Sóc Trăng, giáo sư, tiến sĩ nông nghiệp. Say mê nghiên cứu cây trồng. Ông du học ở Nhật Bản rồi quay về phục vụ Tổ quốc.

Với lối sống giản dị, cởi mở, tác phong làm việc nghiêm túc, cần mẫn mà khoa học, sáng tạo, ông là người có công lai tạo nhiều giống lúa có năng suất cao như: Nông nghiệp 1 (lai giữa Ba Thắc - Nam Bộ với Kunko - Nhật), giống lúa mùa muộn Saibuibao, giống lúa chiêm 314 (lai giữa dòng Đoàn Kết và Thắng Lợi), giống NN75-1 (lai giữa giống 813 với NN1); một số giống cây trồng khác như: dưa hấu không hạt, dưa lê, khoai lang, rau muống, đu đủ, xương rồng...

Ông còn là tác giả của nhiều công trình khoa học như: đa bội thể ở tông Oryzeae, ảnh hưởng của ánh sáng trên các giai đoạn của giống lúa khi nhận đoản quang kỳ, nghiên cứu tế bào học trên lúa Oryzasativa. Ông đã được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý. 

* Trần Văn Khê: Sinh năm Tân Dậu 1921, tại Tiền Giang. Ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Châu Âu về khoa học, văn chương và nghệ thuật; Hội viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (International Music Council/UNESCO) cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức (International Institute for Comparative Music Studies).

Ông đã đi 67 nước trên khắp thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Giáo sư đã nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Ông là thành viên danh dự suốt đời của Hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO.

NGUYỄN THỊ THỌ